Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Thừa cân béo phì gây ra những hậu quả gì với sức khỏe?

Ngày 28/05/2024
Kích thước chữ

Thừa cân béo phì thường được nhắc đến cùng nhau, dẫn đến nhiều người lầm tưởng chúng là một. Tuy nhiên, thừa cân và béo phì có sự khác biệt rõ ràng và được phân chia cụ thể. Tại Việt Nam, số lượng người bị thừa cân và béo phì đang ngày càng tăng, trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng lo ngại. Cùng với các bệnh như: Đái tháo đường, tăng huyết áp và ung thư, thừa cân và béo phì hiện nay đang được xem là một “đại dịch” mới của thế kỷ 21.

Để đánh giá tình trạng béo phì, thừa cân người ta thường dựa vào bảng giá trị BMI theo từng khu vực. Thừa cân là trạng thái khi cân nặng vượt quá mức phù hợp với chiều cao hiện tại, trong khi béo phì là tình trạng mỡ tích tụ quá mức và bất thường ở một số vùng hoặc toàn bộ cơ thể.

Thừa cân béo phì là gì?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thừa cân và béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hoặc toàn thân, gây ra nhiều nguy hại cho sức khỏe. Nhìn chung, thừa cân béo phì biểu hiện bằng trọng lượng cơ thể cao hơn so với trọng lượng chuẩn của một người khỏe mạnh. Đây là một bệnh mãn tính do sự dư thừa quá mức lượng mỡ trong cơ thể. 

Trong cơ thể chúng ta luôn có một lượng mỡ nhất định, cần thiết để lưu trữ năng lượng, giữ nhiệt, hấp thụ chấn động và thực hiện các chức năng khác.

Thừa cân béo phì gây ra những hậu quả gì với sức khỏe - 1
Thừa cân và béo phì là tình trạng tích lũy mỡ khiến cơ thể có trọng lượng cao hơn bình thường

Thừa cân và béo phì được phân loại bằng chỉ số khối cơ thể (BMI). BMI được tính dựa trên chiều cao và trọng lượng cơ thể theo công thức: Trọng lượng cơ thể (tính bằng kg) chia cho bình phương chiều cao (tính bằng mét). Chỉ số BMI mô tả mối liên quan giữa trọng lượng cơ thể và chiều cao, do đó liên quan chặt chẽ đến tổng lượng mỡ phân bố trong cơ thể ở người trưởng thành.

Theo phân loại của WHO, một người trưởng thành, trừ người có thai, nếu có chỉ số BMI trong khoảng 25 – 29.9 được xem là thừa cân, và nếu có chỉ số BMI >= 30 được xem là béo phì. Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của thừa cân và béo phì là gia tăng trọng lượng cơ thể và khối lượng mỡ tích tụ tại một số phần đặc biệt của cơ thể như: Bụng, đùi, eo, và cả ngực.

Xác định thừa cân béo phì dựa trên chỉ số BMI

Để xác định tình trạng thừa cân hay béo phì, người ta thường dựa trên bảng giá trị BMI theo từng khu vực. BMI (Body Mass Index) là chỉ số khối cơ thể, được sử dụng để đo lượng mỡ trong cơ thể. Cách tính chỉ số BMI áp dụng cho cả nam và nữ, được xác định bằng công thức sau:

BMI = W / (H^2)

Trong đó:

  • W là cân nặng của người cần đo (kg).
  • H là chiều cao (m).

Các mức phân loại thừa cân và béo phì dựa trên giá trị BMI là:

  • Thừa cân: Chỉ số BMI ≥ 23.
  • Tiền béo phì: 23 < Chỉ số BMI < 24.9.
  • Béo phì mức I: 25 < Chỉ số BMI < 29.9.
  • Béo phì mức II: Chỉ số BMI ≥ 30.
Thừa cân béo phì gây ra những hậu quả gì với sức khỏe - 2
Có thể dựa trên chỉ số BMI để xác định thừa cân béo phì

Xác định lượng mỡ dư thừa nằm ở đâu trong cơ thể có ý nghĩa rất lớn để chẩn đoán bệnh tật. Mỡ tích tụ ở vùng bụng thường nguy hiểm hơn so với tích tụ ở các khu vực khác. Do vậy, ngoài việc theo dõi giá trị BMI, cần xem xét thêm các yếu tố như: Tỷ số vòng bụng/vòng mông.

Chỉ số BMI 0.9 đối với nam và 0.8 đối với nữ cho thấy nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường rất cao ở người trưởng thành. Các giá trị này được coi là nguy hiểm vì nếu thuộc vào khoảng này, nguy cơ mắc các bệnh như: Tim mạch, cao huyết áp, và đái tháo đường tăng lên đáng kể.

Đối tượng dễ bị thừa cân và béo phì

Những người có nguy cơ cao bị thừa cân béo phì bao gồm:

  • Những người có thói quen dùng thức ăn nhanh, thực phẩm giàu năng lượng, ăn nhiều chất béo, đồ chiên, rán, ít ăn rau, và uống nhiều nước ngọt, bia rượu.
  • Những người sống tĩnh tại, bao gồm tuổi trung niên, phụ nữ sau sinh, người có gia đình có nhiều người bị béo phì, và cư dân đô thị.
  • Những người làm việc trong môi trường văn phòng ít vận động hoặc lười tập luyện.
  • Những người trước đây hoạt động thể lực nhiều, thường ăn thức ăn giàu năng lượng, nhưng khi thay đổi lối sống và giảm hoạt động, vẫn giữ thói quen ăn nhiều nên dễ bị béo phì.

Nguyên nhân gây ra thừa cân béo phì

Thừa cân béo phì có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm:

  • Sự mất cân bằng giữa năng lượng hấp thụ vào cơ thể và năng lượng tiêu hao, khi khẩu phần ăn cung cấp nhiều năng lượng hơn so với nhu cầu của cơ thể, năng lượng dư thừa sẽ được chuyển thành mỡ và tích lũy trong các cơ quan, mô.
  • Một số người mang các gen liên quan đến sự ngon miệng, tiêu hao năng lượng, điều hòa chuyển hóa, và phát triển tế bào mỡ. Trong gia đình, nếu cha hoặc mẹ hoặc cả hai đều béo phì, nguy cơ con cái bị thừa cân cũng rất cao. Những người thừa cân béo phì bắt nguồn từ yếu tố di truyền thường có tốc độ trao đổi chất chậm và khó cải thiện.
  • Khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone cần thiết, quá trình trao đổi chất sẽ chậm lại, dẫn đến lượng chất béo không được đốt cháy và gây tăng cân.
  • Nghiên cứu cho thấy nếu thường xuyên thiếu ngủ 30 phút mỗi ngày, nguy cơ thừa cân và béo phì có thể tăng lên đến 17%. Ảnh hưởng của tình trạng thiếu ngủ lâu ngày làm tăng lượng hormone ghrelin, khiến bạn cảm thấy đói và thèm ăn đồ ngọt. Lâu dần, sự thèm ăn mất kiểm soát này sẽ dẫn đến thừa cân và béo phì.
Thừa cân béo phì gây ra những hậu quả gì với sức khỏe - 3
Thiếu ngủ là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến thừa cân béo phì

Hậu quả của thừa cân béo phì đối với sức khỏe

Bị ảnh hưởng tâm lý từ ngoại hình quá khổ

Thừa cân và béo phì khiến cơ thể trở nên quá khổ, dẫn đến cảm giác tự ti và căng thẳng. Người thừa cân béo phì thường mất tự tin, ngại giao tiếp và xuất hiện trước đám đông, kèm theo căng thẳng và kém linh hoạt trong cuộc sống hàng ngày, làm giảm hiệu quả công việc.

Bệnh xương khớp

Người thừa cân béo phì dễ mắc một số bệnh như: Thoái hóa khớp, loãng xương, và đau nhức triền miên do áp lực từ trọng lượng cơ thể tác động lên xương khớp. Khớp gối và cột sống bị tổn thương sớm nhất, và họ cũng dễ mắc bệnh gout.

Bệnh lý tim mạch

Người béo phì thừa cân thường đi kèm với bệnh mỡ trong máu hoặc cholesterol cao. Điều này có thể gây xơ hóa lòng mạch máu, đột quỵ, tăng huyết áp và nhồi máu cơ tim. Tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu, dẫn đến quá tải và nguy cơ cao mắc các bệnh tim mạch. Tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch, trong đó nhiều trường hợp là biến chứng của béo phì, đang đứng đầu trong các nguyên nhân tử vong hiện nay.

Bệnh lý đường tiêu hóa

Thừa cân béo phì làm mỡ dư bám vào các quai ruột, gây táo bón và dễ sinh ra bệnh trĩ. Sự ứ đọng phân và chất thải độc hại trong quá trình chuyển hóa dễ dẫn đến ung thư đại tràng. Mỡ dư tích tụ ở gan sẽ gia tăng việc mắc bệnh gan nhiễm mỡ, nếu không điều trị kịp thời sẽ rất dễ dẫn đến xơ gan, tình trạng rối loạn chuyển hóa mỡ sinh ra sỏi mật.

Thừa cân béo phì gây ra những hậu quả gì với sức khỏe - 4
Người thừa cân béo phì dễ mắc các bệnh lý đường tiêu hóa

Suy giảm trí nhớ

Trẻ thừa cân béo phì thường qua nghiên cứu có chỉ số thông minh thấp hơn so với những trẻ có cân nặng bình thường. Người lớn mắc béo phì có nguy cơ cao hơn mắc bệnh Alzheimer so với những người có cân nặng bình thường.

Bệnh lý đường hô hấp

Sự tích tụ mỡ quá nhiều ở khu vực lồng ngực, cơ hoành và ổ bụng sẽ kéo theo tình trạng khó thở. Trong trường hợp béo phì nặng, khó thở có thể gây hội chứng Pickwick với những đợt ngưng thở vào ban đêm, có thể dẫn đến tử vong. Người béo phì thường bị rối loạn nhịp thở, ngáy, và ngưng thở khi ngủ, béo phì càng nặng, rối loạn nhịp thở càng nhiều.

Bệnh tiểu đường

Thừa cân và béo phì có mối quan hệ mật thiết với bệnh tiểu đường type 2 bắt nguồn từ việc đề kháng insulin. Insulin điều hòa đường huyết và giúp đưa glucose vào tế bào để sử dụng, nên thừa cân béo phì là nguyên nhân trực tiếp gây đái tháo đường type 2.

Rối loạn nội tiết do thừa cân béo phì

Phụ nữ béo phì dễ bị rối loạn kinh nguyệt, buồng trứng đa nang, khó có thai và nguy cơ vô sinh cao. Nếu có thai, nguy cơ đẻ khó và con dễ bị rối loạn chuyển hóa. Nam giới béo phì thường yếu sinh lý và nguy cơ vô sinh.

Nguy cơ ung thư cao

Người thừa cân béo phì thường có cholesterol và insulin trong máu cao, làm giảm khả năng diệt tế bào ung thư của hệ miễn dịch. Một số nghiên cứu cho thấy mối liên quan giữa béo phì và các loại ung thư như: Ung thư thực quản, trực tràng, vú, tử cung, gan mật, và tuyến tiền liệt.

Thừa cân béo phì gây ra những hậu quả gì với sức khỏe - 5
Có mối liên quan nhất định giữa thừa cân béo phì và một số bệnh ung thư

Dinh dưỡng cho người bị thừa cân béo phì

Dinh dưỡng cho người lớn bị thừa cân béo phì nên thực hiện theo tiêu chí dưới đây:

  • Ăn nhiều rau xanh và quả chín ít ngọt, đặc biệt là các thực phẩm giàu chất xơ.
  • Thay đổi thói quen chế biến thực phẩm, ưu tiên các phương pháp như: Hấp, luộc để giữ lại chất dinh dưỡng tối đa và hạn chế sử dụng dầu mỡ.
  • Chọn các loại sữa không đường, sữa đậu nành, và các thực phẩm có lượng calo thấp.
  • Chọn các loại bánh không đường dành cho người béo phì và sữa chua.
  • Sử dụng các tinh bột an toàn như: Gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt, và khoai lang.
  • Ăn các thực phẩm không chứa mỡ như: Ức gà và trứng gà.
  • Sử dụng các chất béo an toàn như: Các loại hạt đậu xanh, đậu nành, và hạt óc chó.
  • Uống đủ nước, khoảng 2 lít mỗi ngày.
  • Ăn nhiều vào buổi sáng, hạn chế ăn vặt và không ăn đêm. Ăn chậm nhai kỹ để cảm thấy no lâu hơn.
  • Ăn đều đặn để tránh cảm giác đói, vì khi đói bạn có xu hướng ăn nhiều hơn, dẫn đến dư thừa năng lượng và tích lũy mỡ.
  • Chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ, như: 3 bữa chính và 2-3 bữa phụ xen kẽ, mỗi bữa chỉ nên ăn ít để cơ thể dễ tiêu hóa và hấp thu.

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, người thừa cân béo phì nên xây dựng các phương pháp sau để kiểm soát cân nặng:

  • Thay đổi lối sống: Kết hợp chế độ ăn healthy và tập luyện thể dục để giảm năng lượng nạp vào và tăng năng lượng tiêu hao.
  • Hoạt động thể chất: Tập thể dục thường xuyên như: Tập gym, chạy bộ, nhảy dây, bơi lội, hoặc đạp xe để đốt cháy calo. Cần duy trì sự năng động trong công việc nhưng vẫn đảm bảo sức khỏe.

Tóm lại, thừa cân béo phì là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhưng bạn vẫn có thể phòng ngừa và kiểm soát được. Phòng ngừa thừa cân béo phì đòi hỏi sự kết hợp giữa chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện đều đặn, quản lý căng thẳng và nâng cao nhận thức. Bằng cách thực hiện những thay đổi nhỏ nhưng tích cực trong lối sống hàng ngày, chúng ta có thể giữ vững cân nặng lý tưởng và cải thiện vóc dáng và sức khỏe tổng thể.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin