Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Thực hiện tư thế rắn hổ mang như thế nào? Cần lưu ý những gì khi tập?

Ngày 17/03/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tư thế rắn hổ mang là một trong những động tác yoga cơ bản có thể cung cấp năng lượng cho cơ thể và giúp điều chỉnh sự mất cân bằng, kéo giãn cơ thể. Được coi là nền tảng của các bài tập yoga khác. Thoạt nhìn động tác này khá đơn giản nhưng cũng tương đối khó, dễ sai tư thế đối với người mới bắt đầu và có thể mất nhiều thời gian để thành thạo động tác này.

Yoga từ lâu đã được biết đến là bộ môn không chỉ mang đến cho chị em một thân hình đẹp, dẻo dai mà còn có một sức khỏe tốt, ngăn ngừa các bệnh về xương khớp. Nếu đã biết yoga, bạn không thể bỏ qua tư thế rắn hổ mang vì những lợi ích không tưởng mà tư thế này mang lại.

Những lợi ích tuyệt vời của tư thế rắn hổ mang

Tư thế rắn hổ mang đã được chứng minh là rất có lợi cho sức khỏe, giúp giảm đau lưng, cổ và dạ dày, giảm căng thẳng, thậm chí có thể giúp ích trong việc điều trị chứng trầm cảm. Dưới đây là những tác dụng hàng đầu của tư thế rắn hổ mang đối với cơ thể:

Tăng sức mạnh cột sống

Tư thế uốn cong có kiểm soát giúp kéo dài cơ thể và làm thẳng cột sống. Từ đó, sức khỏe cột sống được cải thiện.

Giảm mỡ bụng

Có rất nhiều tư thế trong yoga giúp tăng cường cơ vùng bụng. Tuy nhiên, điều quan trọng không chỉ là kéo căng các cơ mà còn phải phá vỡ các mô cản trở vận động. Tư thế rắn hổ mang là tư thế thực hiện điều này hiệu quả nhất. Không chỉ vậy, đây còn là bài tập yoga giảm mỡ bụng cực nhanh bởi trong quá trình tập bạn cần duỗi hoặc căng cơ bụng, đây là động tác giúp đốt cháy mỡ thừa và trả lại vòng eo săn chắc.

Thực hiện tư thế rắn hổ mang như thế nào? Cần lưu ý những gì khi tập? 1Tư thế rắn hổ mang giúp giảm mỡ bụng hiệu quả

Giảm căng thẳng

Tư thế rắn hổ mang rất có lợi trong việc điều trị trầm cảm, lo lắng, căng thẳng, đau đầu và suy nhược. Không chỉ vậy, rắn hổ mang còn được cho là có thể kiểm soát chứng trầm cảm ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, nếu bạn bị mất ngủ hoặc đau nửa đầu nên hỏi ý kiến ​​bác sĩ trước khi tập.

Cải thiện tuần hoàn máu

Máu lưu thông tốt là chìa khóa để có một cơ thể tràn đầy sức sống và năng động. Một trong những lợi ích chính của tư thế rắn hổ mang là làm tăng lưu thông máu, cho phép các tế bào trong cơ thể nhận đủ chất dinh dưỡng và oxy. Ngoài ra, quá trình lưu thông máu cũng giúp duy trì sự cân bằng nội tiết tố.

Kích thích tiêu hoá

Tư thế rắn hổ mang rất tốt cho hệ tiêu hóa, khi thực hiện động tác kéo căng người về phía trước giúp xoa bóp các cơ quan vùng bụng, kích thích hoạt động tối ưu của hệ tiêu hóa.

Ngoài những lợi ích được liệt kê ở trên, tư thế rắn hổ mang còn có thể mang lại những lợi ích sau:

  • Kéo căng cơ vai, ngực và bụng.
  • Giảm căng cứng vùng lưng dưới.
  • Tăng sức mạnh cho cánh tay và vai.
  • Tăng tính linh hoạt.
  • Cải thiện rối loạn kinh nguyệt.
  • Làm săn chắc mông.
  • Cải thiện lưu thông máu, đặc biệt là vùng cột sống và vùng xương chậu.
  • Giảm các triệu chứng đau thần kinh tọa.

Cách thực hiện tư thế rắn hổ mang

Tư thế rắn hổ mang thích hợp tập vào sáng sớm hoặc chiều tối, sau khi ăn 4 - 5 tiếng để thức ăn được tiêu hoá. Bạn hãy thực hiện theo các bước sau:

  • Nằm úp mặt xuống thảm. Duỗi chân ra sau để các ngón chân chạm sàn. Hai tay thả lỏng, áp sát người.
  • Chống 2 tay lên thảm,bàn tay nằm dưới ngực. Tạo áp lực để giữ cho đùi và hông sát sàn.
  • Sau đó, dùng lực của hai tay, từ từ nâng thân trên lên.
  • Tiếp tục đẩy cơ thể lên cho đến khi cơ thể kéo căng. Kéo vai về sau và siết chặt hông.
  • Giữ tư thế này trong 15 - 30 giây, lặp lại vài lần theo khả năng của bạn.
Thực hiện tư thế rắn hổ mang như thế nào? Cần lưu ý những gì khi tập? 2Tư thế rắn hổ mang đã được chứng minh có lợi cho sức khỏe như giảm đau lưng, kéo giãn cơ thể,...

Lưu ý khi thực hiện tư thế rắn hổ mang

Một số điều bạn cần cân nhắc trước khi tập động tác rắn hổ mang như:

  • Bạn không nên tập tư thế rắn hổ mang nếu bị chấn thương cổ tay hoặc vấn đề về lưng trở nên tồi tệ do tư thế này.
  • Phụ nữ mang thai không nên nằm đè lên bụng trong tư thế này mà có thể thực hiện tư thế rắng hổ mang khi chống tay vào tường.
  • Mặc quần áo vừa với cơ thể, có độ co giãn, thoáng mát cho phép bạn thực hiện các động tác thoải mái nhất.
  • Tìm một không gian yên tĩnh, thoáng đãng để không bị phân tâm. Không gian nên đủ rộng để trải thảm yoga ra và duỗi tay chân theo mọi hướng mà không vướng bất cứ thứ gì.
  • Bạn có thể thực hiện tư thế rắn hổ mang ở các cấp độ khác nhau tùy thuộc vào độ linh hoạt của cột sống. Cho dù cơ thể bạn dẻo dai nhưng không được bỏ qua bước khởi động, làm nóng cơ thể. Không cố gắng tập vượt quá giới hạn của bản thân tránh bị chấn thương.

Thực hiện tư thế chính xác mới mang lại hiệu cao.

  • Trong quá trình tập luyện, cố gắng duỗi thẳng phần thân trước của cơ thể càng nhiều càng tốt và tập trung vào việc mở phần lưng trên. Nếu bạn cảm thấy khó chịu hoặc đau ở lưng dưới, hãy dừng lại.
  • Hạn chế ngửa đầu ra sau mà nâng tầm nhìn bằng cách đưa cằm về phía trước và giữ cổ ổn định.
  • Tránh nhấc đầu gối và hông của bạn lên khỏi mặt đất vì lúc này bạn không đang thực hiện tư thế rắn hổ mang.
  • Để tránh cong lưng quá nhiều, bạn chỉ nên dùng hai tay chống đỡ cơ thể và không ngửa ra sau quá nhiều.
  • Điều quan trọng khi tập là học cách kiểm soát hơi thở của mình. Đừng bao giờ ngả người về phía sau quá nhiều bắt cơ thể phải nín thở.
  • Những người bị đau lưng, đau đầu, hội chứng ống cổ tay hoặc đang mang thai không nên tập tư thế rắn hổ mang.
  • Đối với người mới bắt đầu, bạn không cần phải nâng cơ thể quá cao để tránh chấn thương. Thực hiện từ từ, tùy theo khả năng để giữ cho cổ và lưng không bị lệch.
Thực hiện tư thế rắn hổ mang như thế nào? Cần lưu ý những gì khi tập? 3Nên tập tư thế rắn hổ mang sau bữa ăn 4 - 5 giờ để tiêu hóa thức ăn

Tuy là một tư thế yoga cơ bản nhưng tư thế rắn hổ mang cũng là một động tác tương đối khó đối với những người mới tập. Để nhanh chóng thành thạo tư thế này cũng như nhiều tư thế yoga khác, bạn nên dành thời gian luyện tập hàng ngày để thuần thục hơn, tăng cường sức khỏe tốt hơn.

Xem thêm:

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:YogaGiữ dáng