Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Thủy đậu ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 09/12/2024
Kích thước chữ

Thủy đậu do virus Varicella-Zoster gây ra là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến ở trẻ nhỏ và có thể lây lan nhanh chóng. Đối với trẻ sơ sinh, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện khiến trẻ dễ gặp phải biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, việc nhận biết sớm các triệu chứng thủy đậu ở trẻ sơ sinh và chăm sóc đúng cách là rất quan trọng.

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết về thủy đậu ở trẻ sơ sinh, từ nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị đến những biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Đây sẽ là cẩm nang hữu ích giúp bạn tự tin hơn trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe con yêu. Hãy cùng khám phá ngay nhé!

Tổng quan về thủy đậu ở trẻ sơ sinh

Tìm hiểu bệnh thuỷ đậu ở đối tượng trẻ sơ sinh

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella Zoster gây ra, thường gặp ở trẻ em và ít gây biến chứng nặng. Tuy nhiên, đối với trẻ sơ sinh, bệnh có thể trở thành mối nguy hiểm tiềm ẩn. Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh còn non yếu, làm cho bệnh dễ lây lan và gây ra các biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng huyết, viêm màng não hoặc viêm phổi nếu không được điều trị kịp thời.

Virus Varicella Zoster lây truyền qua giọt nước bọt hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch từ bóng nước vỡ trên da. Người bệnh có thể lây nhiễm cho người khác từ 1 - 2 ngày trước khi phát ban cho đến khi các bóng nước đóng mày. Vì vậy, việc nhận diện và chăm sóc sớm cho trẻ sơ sinh khi mắc bệnh là vô cùng quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.

thuy-dau-o-tre-so-sinh-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri 1
Thủy đậu nguyên nhân do virus Varicella Zoster gây ra

Thuỷ đậu ở trẻ sơ sinh do nguyên nhân nào gây ra?

Trẻ sơ sinh có thể bị lây nhiễm bệnh thủy đậu qua hai nguyên nhân chính:

  • Lây truyền từ mẹ trong thai kỳ: Nếu mẹ mắc thủy đậu trong thời gian mang thai, virus có thể truyền sang thai nhi qua nhau thai. Điều này đặc biệt nguy hiểm trong 3 tháng đầu thai kỳ bởi khi mẹ bị bệnh, thai nhi có thể đối mặt với các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như dị tật về não, mắt, chi, sẹo trên da hoặc nhẹ cân.
  • Lây truyền sau sinh: Thủy đậu lây qua tiếp xúc với dịch tiết từ các vết loét trên da và giọt nước bọt từ người bệnh. Trẻ sơ sinh có thể bị lây nhiễm từ mẹ khi đang cho con bú, hoặc từ người thân mắc bệnh khi ôm bé hoặc tiếp xúc trực tiếp. Để ngăn ngừa lây lan, mẹ và người thân cần cách ly với bé và tạm ngừng cho bé bú nếu phát hiện mắc bệnh thuỷ đậu.
thuy-dau-o-tre-so-sinh-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri 2
Virus gây bệnh thuỷ đậu lây lan nhanh chóng qua dịch tiết từ người bệnh

Thuỷ đậu ở trẻ sơ sinh biểu hiện ra sao?

Bệnh thủy đậu ở trẻ sơ sinh bắt đầu với những triệu chứng giống cảm cúm trước khi xuất hiện các phát ban và mụn nước đặc trưng. Các dấu hiệu ban đầu thường gặp bao gồm:

  • Sốt cao: Trẻ sơ sinh có thể bị sốt cao, thường trên 38 độ C do phản ứng tự nhiên của cơ thể chống lại virus gây bệnh. Sốt khiến trẻ mệt mỏi, khó chịu và dễ quấy khóc.
  • Khó bú hoặc bú ít: Cảm giác khó chịu do sốt, đau rát miệng hoặc tổn thương miệng và họng từ phát ban có thể làm trẻ bỏ bú hoặc bú ít hơn. Thanh quản và niêm mạc miệng cũng có thể bị tổn thương khiến trẻ bị đau và khó chịu.
  • Ngủ không yên: Thủy đậu có thể khiến trẻ mất năng lượng, gây mệt mỏi và rối loạn nội tiết dẫn đến giấc ngủ không sâu, khó ngủ hoặc trẻ dễ giật mình tỉnh giấc.
  • Quấy khóc liên tục: Trẻ có thể khóc mà không có lý do rõ ràng, do sự khó chịu, ngứa ngáy, hoặc đau đớn từ các vết loét thủy đậu.
  • Mệt mỏi: Trẻ có thể tỏ ra mệt mỏi, không hoạt động hoặc không thể tham gia các hoạt động bình thường vì cơ thể thiếu năng lượng.
  • Ho và khó thở: Virus thủy đậu có thể gây viêm đường hô hấp, khiến trẻ ho khan hoặc ho có đờm. Trong một số trường hợp, trẻ sơ sinh có thể bị khó thở.

Khoảng 1 - 2 ngày sau khi các triệu chứng giống cúm xuất hiện, các đốm đỏ nhỏ sẽ xuất hiện trên mặt, ngực hoặc bụng, rồi lan ra toàn cơ thể. Những mụn nước này chứa dịch, gây ngứa và dễ vỡ, làm tăng nguy cơ lây nhiễm. Mụn nước cũng có thể xuất hiện ở những vùng niêm mạc nhạy cảm như miệng, mí mắt và vùng sinh dục.

thuy-dau-o-tre-so-sinh-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri 3
Mụn nước thuỷ đậu chứa dịch dễ vỡ làm tăng khả năng lây nhiễm

Điều trị và phòng ngừa thuỷ đậu ở trẻ sơ sinh

Phương pháp điều trị thuỷ đậu ở trẻ sơ sinh

Khi nghi ngờ trẻ sơ sinh nghi mắc bệnh thủy đậu, phụ huynh nên đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán chính xác. Thủy đậu ở trẻ sơ sinh có thể gây ra nhiều rủi ro sức khỏe, do đó bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp để giảm thiểu nguy cơ biến chứng nghiêm trọng. Sau khi có chỉ định, việc tuân thủ các loại thuốc như thuốc kháng virus, thuốc hạ sốt, kháng sinh (nếu có nhiễm trùng) và thuốc giảm ngứa là rất cần thiết. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc mà phải theo hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho trẻ sơ sinh.

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, việc chăm sóc và vệ sinh đúng cách cho trẻ cũng đóng vai trò quan trọng. Phụ huynh cần tăng cữ bú để giúp trẻ sơ sinh bổ sung nước và điện giải, đồng thời sữa mẹ cung cấp các kháng thể tự nhiên giúp bé chống lại bệnh tật. Tắm rửa nhẹ nhàng và thay quần áo sạch mỗi ngày là cần thiết để giảm nguy cơ nhiễm trùng. Đặc biệt, phụ huynh phải chú ý không cho bé gãi vào các nốt thủy đậu để tránh nhiễm trùng hoặc làm lây lan bệnh.

Khi tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn điều trị và chăm sóc, bệnh thủy đậu sẽ được kiểm soát hiệu quả và giúp bé phục hồi nhanh chóng.

Làm thế nào để phòng ngừa trẻ sơ sinh bị lây nhiễm bệnh thuỷ đậu?

Các chuyên gia khuyến cáo rằng trẻ nên được tiêm vắc-xin phòng thủy đậu trong độ tuổi từ 12 đến 18 tháng và tiếp tục tiêm các mũi nhắc lại để tăng cường hiệu quả phòng ngừa. Nghiên cứu cho thấy việc tiêm đủ hai mũi vắc-xin sẽ giúp trẻ có khả năng bảo vệ chống lại thủy đậu lên đến 95%.

thuy-dau-o-tre-so-sinh-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri 4
Tiêm vắc xin thuỷ đậu cho trẻ sơ sinh giúp phòng ngừa hiệu quả nguy cơ lây lan virus gây bệnh

Đối với mẹ bầu, việc tiêm vắc-xin phòng thủy đậu trước khi mang thai, tốt nhất là từ 3 đến 6 tháng, sẽ giúp mẹ truyền kháng thể chống lại virus cho thai nhi qua đường máu. Những kháng thể này tiếp tục bảo vệ trẻ sơ sinh trong 12 tháng đầu đời thông qua sữa mẹ.

Để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ lây nhiễm thủy đậu, mẹ cần tạm ngừng cho con bú nếu bản thân bị bệnh hoặc có dấu hiệu mắc bệnh. Đồng thời, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với những người trong gia đình mắc thủy đậu. Trong trường hợp chưa tiêm phòng trước khi mang thai, mẹ bầu cần chú ý hơn đến sức khỏe của mình, đặc biệt trong ba tháng đầu và cuối thai kỳ, để tránh nguy cơ nhiễm bệnh cho thai nhi.

Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ sơ sinh khi hệ miễn dịch của bé chưa phát triển đầy đủ. Việc phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh, điều trị kịp thời và đúng cách sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ và bảo vệ sức khỏe của trẻ. Bên cạnh đó, tiêm vắc-xin phòng thủy đậu cho trẻ và mẹ bầu là một biện pháp phòng ngừa hiệu quả, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh. Hy vọng bài viết đã đem đến cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích về thủy đậu ở trẻ sơ sinh.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin