Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Bệnh lý/
  3. Cơ - Xương - Khớp/
  4. Viêm khớp vảy nến

Viêm khớp vảy nến: Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Bác sĩNguyễn Lê Băng Giang

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp ngành Y học cổ truyền tại Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh. Có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại các bệnh viện và phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền. Với phương châm lấy người bệnh làm trung tâm, bác sĩ luôn giúp đỡ người bệnh, mang những kiến thức và kinh nghiệm để chia sẻ với mọi người, góp phần nâng cao hiểu biết về sức khỏe cho cộng đồng.

Xem thêm thông tin

Viêm khớp vảy nến là một loại bệnh tự miễn gây viêm khớp mạn tính có liên quan đến bệnh vảy nến. Bệnh có tính chất gia đình, có thể khởi phát từ thời thơ ấu nhưng thường được ghi nhận từ sau 30 tuổi. Nếu không được điều trị sớm, bệnh có thể dẫn đến tàn phế.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung viêm khớp vảy nến

Bệnh viêm khớp vẩy nến là một dạng bệnh lý cột sống mạn tính, thường gặp ở những bệnh nhân mắc phải bệnh vẩy nến. Đáng chú ý, trong một số trường hợp, triệu chứng bệnh vẩy nến có thể vẫn chưa rõ ràng, hoặc bệnh nhân có thể chỉ gặp các triệu chứng nhẹ hoặc thậm chí là triệu chứng bệnh bị bỏ qua không nhận biết.

Về mặt bệnh lý, viêm khớp vẩy nến thường xảy ra một cách không đối xứng, làm ảnh hưởng đến cả các khớp lớn và nhỏ trên cơ thể, bao gồm cả cột sống. Bệnh thường ảnh hưởng nhiều hơn đến các khớp ngón tay và ngón chân xa, so với các khớp khác.

Viêm khớp vảy nến có tần suất xuất hiện ở nam và nữ như nhau, với tỷ lệ mắc là 6/100.000 người mỗi năm. Một nghiên cứu phân tích tổng hợp năm 2019 cho thấy tỷ lệ mắc là 20% trên tổng số bệnh nhân vảy nến và 25% trong số đó có mức độ bệnh từ trung bình đến nặng.

Phân loại viêm khớp vảy nến

Dựa vào vị trí của khớp bị tổn thương, viêm khớp vảy nến có 5 dạng gồm:

  • Viêm đa khớp đối xứng: Đây là dạng phổ biến nhất và ảnh hưởng đến khoảng 50% người bệnh viêm khớp vảy nến. Bạn có thể xuất hiện sưng đau các khớp đối xứng ở hai gối, hai bàn tay hoặc bàn chân. Viêm khớp vảy nến đối xứng có thể bị nhầm với viêm khớp dạng thấp.
  • Viêm khớp không đối xứng: Dạng viêm này thường có triệu chứng nhẹ, với tình trạng sưng đau một số khớp ở một bên cơ thể. Khoảng 30 - 35% người bệnh thuộc dạng này.
  • Viêm các khớp đốt ngón xa: Dạng viêm này ảnh hưởng đến các khớp đốt xa của ngón tay, ngón chân hoặc cả hai. Có khoảng 10% người bệnh viêm khớp vảy nến ở dạng này.
  • Viêm khớp ở cột sống: Dạng viêm này liên quan đến viêm các khớp giữa những đốt sống và viêm túi hoạt dịch của khớp cùng chậu. Triệu chứng điển hình của dạng này gồm đau và cứng cột sống thắt lưng và cột sống cổ, hạn chế vận động. Các khớp ở tay và chân cũng có thể bị ảnh hưởng.
  • Viêm khớp kèm phá hủy sụn khớp: Dạng viêm này nghiêm trọng nhất và ít gặp nhất, khoảng < 5%. Viêm khớp kèm phá hủy sụn khớp chủ yếu ở bàn tay và bàn chân, dẫn đến biến dạng các khớp và tăng hủy xương làm giảm chiều dài các ngón.

Triệu chứng viêm khớp vảy nến

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm khớp vảy nến

Bạn có thể phát hiện các triệu chứng của bệnh vảy nến ở da hoặc móng trước hoặc sau khi bị viêm khớp. Mức độ nghiêm trọng của tổn thương tại da và khớp thường không tương xứng với nhau.

Các triệu chứng của viêm khớp vảy nến khác nhau ở mỗi người, mức độ có thể từ nhẹ đến nặng. Giữa các đợt viêm cấp có những thời điểm triệu chứng bệnh thuyên giảm. Triệu chứng và vị trí xuất hiện viêm khớp phụ thuộc vào dạng mà bạn mắc phải.

Các triệu chứng chung của bệnh này có thể bao gồm:

  • Sưng phù các khớp ở một hoặc cả hai bên cơ thể;
  • Cứng khớp buổi sáng;
  • Sưng phồng ngón tay và ngón chân, dẫn đến biến dạng hình xúc xích;
  • Đau nhức cơ và gân (viêm gân gót Achilles, viêm gân xương bánh chè,...);
  • Xuất hiện các mảng da đỏ, có vảy, tình trạng có thể nặng hơn khi cơn đau khớp bùng phát;
  • Da đầu có các mảng đỏ, vảy bong tróc;
  • Rỗ móng tay, móng chân;
  • Móng tay, chân bị tách ra khỏi giường móng bên dưới;
  • Đỏ mắt và đau mắt (viêm màng bồ đào);
  • Mệt mỏi.

Xem thêm: Nhận biết dấu hiệu sớm của viêm khớp vảy nến

Viêm khớp vảy nến: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị 7
Sưng, đau các khớp trong viêm khớp vảy nến

Dạng viêm khớp vảy nến ở cột sống còn gây ra các triệu chứng khác như:

  • Đau kèm cứng cột sống;
  • Sưng, đau kèm yếu ở khớp háng, gối, cổ chân, khuỷu tay, cổ tay,...

Biến chứng có thể gặp khi mắc viêm khớp vảy nến

Viêm khớp vảy nến có thể dẫn đến nhiều biến chứng nếu không điều trị kịp thời và đúng phác đồ.

  • Đái tháo đường: Một nghiên cứu năm 2018 báo cáo rằng viêm khớp vảy nến làm tăng nguy cơ mắc đái tháo đường tuýp 2, cao hơn 40% so với dân số chung và cao hơn 50% so với những người chỉ mắc bệnh vảy nến mà không kèm viêm khớp. Mối liên quan giữa viêm khớp vảy nến và đái tháo đường vẫn chưa được làm rõ, có giả thiết cho rằng sự tăng quá trình viêm mạn tính dẫn đến kết cục này.
  • Biến chứng mắt: Khoảng 7% bệnh nhân mắc viêm khớp vảy nến bị viêm màng bồ đào. Viêm màng bồ đào gây đỏ, đau, giảm thị lực thậm chí có thể dẫn đến mù. Một số trường hợp ghi nhận tình trạng viêm kết mạc.
  • Biến chứng tim mạch: Bệnh viêm khớp vảy nến là một bệnh lý tự miễn gây viêm mạn tính. Tình trạng này có thể làm tổn thương các mạch máu dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, rối loạn lipid máu,...
  • Biến chứng phổi: Một nghiên cứu phân tích năm 2018 cho thấy rằng trong 392 người bệnh vẩy nến có 20% mắc viêm khớp vẩy nến và 2% bị viêm phổi kẽ. Cần lưu ý các triệu chứng của bệnh viêm phổi kẽ như hụt hơi, ho khan, mệt mỏi, cảm giác khó chịu vùng ngực.
  • Biến chứng tiêu hóa: Tình trạng viêm mạn tính của viêm khớp vảy nến có thể tác động tiêu cực đến đường tiêu hóa gây ra tiêu chảy và táo bón. Một nghiên cứu năm 2021 đã chỉ ra mối tương quan giữa bệnh vảy nến, viêm khớp vảy nến có nguy cơ mắc bệnh Crohn và viêm loét đại tràng.
  • Biến chứng gan và thận: Viêm khớp vảy nến cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu và bệnh thận mạn.
  • Biến chứng xương khớp: Tình trạng viêm khớp vảy nến kéo dài làm biến dạng khớp, thay đổi kích thước ngón tay, ngón chân, hạn chế vận động các khớp và cột sống. Bệnh này cũng làm tăng nồng độ acid uric trong máu, dẫn đến tích tụ các tinh thể urate tại khớp, gây viêm khớp gout (gút).
  • Trầm cảm: Một nghiên cứu năm 2017 khảo sát trên 186.552 người bệnh viêm khớp vảy nến có khoảng 21,2% người có biểu hiện trầm cảm. Đau khớp dữ dội có thể là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm. Nghiên cứu còn báo cáo thêm, trầm cảm do đau có thể khó điều trị hơn so với trầm cảm điển hình.

Xem thêm: Ảnh hưởng viêm khớp vảy nến đến những cơ quan trong cơ thể

Viêm khớp vảy nến: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị 5
Biến chứng mắt của viêm khớp vảy nến

Nguyên nhân viêm khớp vảy nến

Nguyên nhân dẫn đến viêm khớp vảy nến

Hiện vẫn chưa tìm được nguyên nhân sự tấn công của hệ miễn dịch đến các tế bào khỏe mạnh. Các giả thuyết cho rằng yếu tố di truyền và tác động từ môi trường sống. Khoảng 40% người bệnh viêm khớp vảy nến có một hoặc nhiều người thân trong gia đình mắc bệnh tương tự. Một số yếu tố thúc đẩy khởi phát bệnh có thể là virus, stress hoặc chấn thương.

Chia sẻ:

Có thể bạn quan tâm

Nguồn tham khảo

Câu hỏi thường gặp về bệnh viêm khớp vảy nến

Dấu hiệu đầu tiên nhận biết viêm khớp vảy nến?

Đau nhức khớp, cứng khớp buổi sáng, xuất hiện các vảy da, đỏ da, mệt mỏi là những dấu hiệu sớm giúp nhận biết viêm khớp vảy nến.

Các biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm khớp vảy nến?

Sử dụng thuốc nào điều trị viêm khớp vảy nến hiệu quả?

Vai trò của vitamin D trong hỗ trợ điều trị viêm khớp vảy nến?

Thời tiết có ảnh hưởng như thế nào đến bệnh viêm khớp vảy nến?

Hỏi đáp (0 bình luận)