Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tổng quan về bệnh viêm khớp mãn tính

Ngày 27/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm khớp mãn tính là một bệnh phổ biến, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới. Vậy bệnh này gồm những triệu chứng gì và ảnh hưởng như nào đến sức khỏe? Bài viết sau đây sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về căn bệnh này.

Viêm khớp mãn tính vốn được coi là bệnh của người già nhưng ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể để lại hậu quả nặng nề đến sức khỏe cũng như khả năng vận động của người bệnh.

Viêm khớp mãn tính là gì và nguyên nhân gây bệnh

Viêm khớp là tình trạng sưng đau ở một hoặc nhiều khớp, với các triệu chứng chính là đau khớp và cứng khớp, thường nghiêm trọng hơn theo tuổi tác. Viêm khớp mãn tính là một dạng của viêm khớp, khiến sụn (lớp mô cứng, bao phủ các đầu xương tạo thành khớp) bị bào mòn và không thể hồi phục. Dưới đây là ba nguyên nhân phổ biến gây bệnh:

  • Thoái hóa: Khớp vận động liên tục dẫn đến sự hao mòn. Những người lớn tuổi càng dễ bị thoái hóa khớp. Điều này ảnh hưởng đến khả năng vận động, gây viêm khớp.
  • Rối loạn miễn dịch: Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các mô có thể dẫn đến viêm khớp. Ở các khớp, phản ứng viêm ảnh hưởng đến màng hoạt dịch, một mô mềm trong khớp tạo ra chất lỏng nuôi dưỡng sụn và bôi trơn khớp, có thể phá hủy xương và sụn bên trong khớp.
  • Rối loạn chuyển hóa: Rối loạn chuyển hóa là nguyên nhân chính của bệnh gút, một dạng của viêm khớp. Rối loạn chuyển hóa có thể do chế độ ăn uống, di truyền, tổn thương thận,... Điều này ảnh hưởng đến khả năng đào thải axit urat, khiến nó bị ứ đọng trong khớp.
viem-khop-man-tinh-2.jpg
Người già thường dễ mắc bệnh viêm khớp mãn tính

Các dạng viêm khớp mãn tính

Thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp, còn được gọi là bệnh viêm xương khớp, là loại viêm khớp phổ biến nhất. Quá trình lão hóa ở người cao tuổi khiến cho lớp sụn bảo vệ đệm các đầu xương bị mòn theo thời gian.

Viêm và tổn thương khớp gây ra những thay đổi về xương, thoái hóa gân, dây chằng, phá hủy sụn dẫn đến đau, sưng và biến dạng khớp. Bệnh thường ảnh hưởng đến các khớp của tay, đầu gối, hông và cột sống.

Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một biểu hiện của rối loạn tự miễn dịch. Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các mô của cơ thể. Tình trạng này ảnh hưởng đến niêm mạc khớp, gây sưng đau, cuối cùng có thể dẫn đến xói mòn xương và biến dạng khớp.

Viêm khớp dạng thấp có xu hướng làm tổn thương các khớp nhỏ trước, đặc biệt là các khớp nối ngón tay với bàn tay, ngón chân với bàn chân. Khi bệnh tiến triển thường gây đau nhức cổ tay, đầu gối, mắt cá chân, khuỷu tay, hông và vai.

Bệnh gút

Bệnh gout là một dạng viêm khớp phổ biến và phức tạp, đặc trưng bởi các cơn đau, sưng, tấy đỏ, đau dữ dội và đột ngột ở một hoặc nhiều khớp. Các triệu chứng này thường xuất hiện ở ngón chân cái.

Cơn đau do gút có thể xảy ra đột ngột, thường khiến người bệnh tỉnh giấc vào nửa đêm với cảm giác ngón chân cái như đang bốc cháy. Khớp sưng và đau đến nỗi chỉ một cái chạm nhẹ cũng khiến bệnh nhân không chịu đựng được. Tình trạng này kéo dài có thể ảnh hưởng đến chức năng vận động.

Viêm khớp vảy nến

Viêm khớp vảy nến là một dạng viêm khớp mãn tính ảnh hưởng đến một số người mắc bệnh vảy nến. Đau khớp, cứng khớp và sưng tấy là những triệu chứng chính của viêm khớp vẩy nến. Chúng có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, chủ yếu ở đầu ngón tay và cột sống.

Đến nay chưa có cách chữa trị căn bệnh này. Việc điều trị giúp kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa tổn thương khớp. Nếu không điều trị, viêm khớp vẩy nến có thể khiến người bệnh tàn tật.

Viêm cột sống dính khớp

Viêm cột sống dính khớp là một bệnh viêm nhiễm mà theo thời gian có thể khiến một số xương ở cột sống bị dính lại, làm cho cột sống kém linh hoạt. Nếu xương sườn bị ảnh hưởng có thể gây khó thở.

viem-khop-man-tinh-3.jpg
Những người thường xuyên bị chấn thương khớp dễ bị viêm khớp mãn tính

Các yếu tố nguy cơ gây viêm khớp mãn tính

Có nhiều nguy cơ dẫn đến bệnh viêm khớp mãn tính nhưng phần lớn yếu tố bao gồm:

  • Di truyền: Một số loại viêm khớp di truyền trong gia đình, vì vậy bạn có nhiều khả năng bị viêm khớp nếu cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh này.
  • Tuổi tác: Nguy cơ mắc nhiều loại viêm khớp như viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp và bệnh gút tăng dần theo tuổi tác.
  • Chấn thương khớp: Những người hay gặp chấn thương khớp có thể bị hỏng khớp, làm tăng nguy cơ bị viêm khớp mãn tính.
  • Béo phì: Thừa cân sẽ gây căng thẳng cho các khớp, đặc biệt là đầu gối, hông và cột sống. Do đó, những người béo phì có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp cao hơn.
  • Thói quen: Những người thường xuyên gập gối, ngồi xổm, vắt chéo chân, vận động cường độ cao có nguy cơ bị thoái hóa khớp.

Các triệu chứng thường gặp

Tùy thuộc vào mức độ tổn thương và vị trí khớp, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng dưới đây:

  • Đau nhức khớp: Bệnh nhân thường bị đau và nóng ran ở các vị trí khớp bị tổn thương. Những cơn đau có xu hướng phát triển khi thời tiết thay đổi như trời trở lạnh, mưa gió kéo dài,...
  • Sưng tấy khớp: Bệnh có thể gây sưng tấy quanh các khớp bị viêm và vùng da xung quanh. Người bệnh có cảm giác đau nhức khi chạm vào hoặc khi vận động.
  • Tê cứng khớp: Dấu hiệu này thường xuất hiện khi người bệnh thức dậy vào buổi sáng hoặc sau một thời gian dài vận động mạnh, đi kèm tiếng kêu răng rắc ở các vị trí khớp bị tổn thương.
  • Kém vận động: Tình trạng đau tăng nặng khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi. Nếu không điều trị kịp thời, có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh.

Cách giảm các triệu chứng viêm khớp mãn tính

Cân bằng chế độ dinh dưỡng

Cung cấp đủ dinh dưỡng (bột đường, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất) cần thiết cho cơ thể giúp hỗ trợ cải thiện tình trạng viêm khớp. Hạn chế các thực phẩm giàu cholesterol xấu như thức ăn nhanh, đồ chiên xào, nội tạng động vật,... vì chúng là nguyên nhân chính dẫn đến thừa cân, béo phì. Bên cạnh đó, người bệnh nên tăng cường các thực phẩm giúp giảm viêm, đau như: Acid béo omega 3, vitamin C, E,... chứa nhiều trong rau xanh và trái cây tươi.

viem-khop-man-tinh-4.jpg
Người bệnh thường có triệu chứng đau nhức cổ tay, đầu ngón tay

Tập thể dục đều đặn

Tập luyện thể thao khoảng 30 phút mỗi ngày là một cách giúp giảm đau, cải thiện chức năng khớp. Tuy nhiên, người bệnh không nên tập các môn thể thao nặng hoặc vận động quá sức vì chúng có thể gây áp lực lên các khớp bị tổn thương.

Khám sức khỏe định kỳ

Người bệnh nên thăm khám định kỳ để kiểm soát tình trạng bệnh và có hướng điều trị kịp thời. Điều trị sớm và đúng cách sẽ giúp giảm các triệu chứng và ngăn bệnh tiến triển nặng hơn.

Giữ cân nặng ổn định

Kiểm soát cân nặng là điều rất quan trọng đối với người bệnh. Đối với những người bị béo phì, giảm cân là cách giúp giảm áp lực cho các khớp, đặc biệt là các khớp chịu trọng lượng của cơ thể như khớp háng, đầu gối, cổ chân.

Bài viết trên đã cung cấp các thông tin cơ bản về bệnh viêm khớp mãn tính. Hy vọng bạn sẽ luôn theo dõi sức khỏe và phát hiện kịp thời các dấu hiệu của bệnh nếu có.

Xem thêm: Viêm khớp háng có chữa được không?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm