Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Uống nước gừng khi bụng đói có tác dụng gì? Lợi ích và những điều cần lưu ý

Ngày 05/11/2024
Kích thước chữ

Uống nước gừng đủ lượng và đúng cách mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, không phải thời điểm nào uống nước gừng cũng tốt. Một trong số những thắc mắc khá thường gặp là có được uống nước gừng khi bụng đói hay không?

Gừng từ lâu đã được biết đến như một loại gia vị và vị thuốc quen thuộc với người Việt. Ngoài việc tạo hương vị đặc trưng cho món ăn, gừng còn được dùng để pha chế các loại nước uống. Uống nước gừng mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn không biết có nên uống nước gừng khi bụng đói không. Ngay trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn khám phá câu trả lời và biết nên uống nước gừng thế nào tốt nhất.

Uống nước gừng khi bụng đói mang đến lợi ích gì?

Uống nước gừng có tác dụng gì với cơ thể của bạn? Việc uống nước gừng khi đói đã trở thành một thói quen của nhiều người bởi những lợi ích mà nó mang lại. Có thể điểm qua một số tác dụng của việc uống nước gừng khi đói như:

Gừng là “cứu cánh” khi tụt huyết áp do đói

Trong trường hợp bị tụt huyết áp vì đói, uống nước gừng có thể tạm thời giúp bạn kiểm soát triệu chứng tụt huyết áp. Gừng có tính ấm, giúp tăng cường lưu thông máu, có thể cải thiện tình trạng tụt huyết áp nhanh chóng. Khi tụt huyết áp, cơ thể thường cảm thấy lạnh. Uống nước gừng giúp làm ấm cơ thể, từ đó cải thiện tình trạng này.

Uống nước gừng khi bụng đói giúp tăng miễn dịch

Gừng cũng đóng vai trò quan trọng với sức khỏe hệ miễn dịch. Các hợp chất chống oxy hóa trong gừng giúp kích thích hoạt động của các tế bào miễn dịch, giúp cơ thể chống lại cảm cúm, viêm nhiễm hiệu quả hơn. Đặc biệt, uống nước gừng còn giúp giảm đáng kể các triệu chứng khó chịu khi bị cảm cúm, cảm lạnh.

Uống nước gừng khi bụng đói có tác dụng và nguy cơ gì 1
Uống nước gừng khi bụng đói mang đến nhiều lợi ích sức khỏe

Uống nước gừng tốt cho tim mạch

Nước gừng chứa các hợp chất như gingerol và shogaol. Chúng có tác dụng làm giãn mạch máu, giúp máu lưu thông tốt hơn từ đó giảm nguy cơ hình thành cục máu đông. Các chất chống oxy hóa trong gừng giúp ngăn ngừa sự oxy hóa cholesterol LDL (cholesterol xấu). Điều này giúp giảm tích tụ mảng bám trong động mạch, từ đó giảm nguy cơ xơ vữa động mạch. Gừng có tính chống viêm mạnh mẽ, giúp giảm viêm trong mạch máu, một yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh tim mạch.

Uống nước gừng hỗ trợ giảm cân

Uống nước gừng giảm cân được không? Gừng giúp tăng cường quá trình trao đổi chất, đốt cháy calo hiệu quả hơn. Uống nước gừng trước khi ăn giúp giảm cảm giác thèm ăn, hạn chế lượng thức ăn nạp vào cơ thể. Tất cả những tác động này đều hỗ trợ quá trình giảm cân một cách hiệu quả.

Cần lưu ý gì nếu uống nước gừng khi bụng đói?

Dù việc uống nước gừng khi bụng đói mang đến những lợi ích đáng kể cho sức khỏe nhưng nếu uống không đúng cách bạn có thể gặp một số tác dụng phụ không mong muốn. Dưới đây là một số lưu ý dành cho những ai có ý định uống nước gừng tươi:

Uống nước gừng khi bụng đói có tác dụng và nguy cơ gì 2
Uống nước gừng cần đúng cách mới phát huy tác dụng

Dùng với liều lượng thích hợp

Việc sử dụng quá nhiều có thể gây ra các vấn đề sau:

  • Rối loạn tiêu hóa: Gừng có thể kích thích tiết dịch vị, nếu dùng quá nhiều có thể gây ợ nóng, ợ chua, đau bụng, thậm chí là tiêu chảy.
  • Kích ứng da: Một số người có thể bị dị ứng với gừng, biểu hiện qua các triệu chứng như nổi mẩn, ngứa, đỏ da.
  • Tương tác với thuốc: Gừng có thể tương tác với một số loại thuốc, đặc biệt là thuốc chống đông máu, thuốc hạ đường huyết.
  • Tăng nhịp tim và huyết áp: Ở một số người, gừng có thể làm tăng nhịp tim và huyết áp.

Lượng gừng tiêu thụ hàng ngày nên được điều chỉnh phù hợp với từng cá nhân. Theo các chuyên gia, lượng gừng nên sử dụng mỗi ngày là khoảng 2 - 4 gram (tương đương 1 - 2 muỗng cà phê bột gừng hoặc 2 - 3 lát gừng tươi).

Pha loãng nước gừng hoặc kết hợp thêm nguyên liệu khác

Pha loãng nước gừng với nước ấm sẽ giúp giảm nồng độ các chất kích thích trong gừng. Từ đó giúp làm dịu dạ dày và giảm thiểu cảm giác nóng rát nếu bạn uống nước gừng khi bụng đói. Kết hợp nước gừng với mật ong, chanh không chỉ giúp tăng cường hương vị mà còn mang lại thêm nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Mật ong có tác dụng làm dịu cổ họng và hỗ trợ tiêu hóa. Trong khi đó, chanh cung cấp vitamin C và giúp tăng cường hệ miễn dịch.

Uống nước gừng khi bụng đói có tác dụng và nguy cơ gì 3
Cân nhắc xem mình có dị ứng với gừng không trước khi uống

Theo dõi phản ứng của cơ thể

Nếu chưa từng uống nước gừng, bạn nên uống từng chút một để theo dõi phản ứng của cơ thể. Việc theo dõi cơ thể sẽ giúp bạn phát hiện sớm các phản ứng dị ứng gừng hoặc ngộ độc gừng. Sau khi uống nước gừng, nếu bạn có bất kỳ triệu chứng bất thường nào như đau bụng, tiêu chảy, nổi mẩn, hãy ngừng sử dụng ngay lập tức và tìm kiếm sự tư vấn của bác sĩ.

Thời điểm uống nước gừng tốt nhất

Thời điểm uống cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của gừng. Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà bạn có thể lựa chọn thời điểm thích hợp. Uống nước gừng vào buổi sáng giúp tăng tiết dịch vị, kích thích nhu động ruột, rất tốt cho hệ tiêu hóa trong một ngày mới. Hương vị cay nồng của gừng giúp tỉnh táo, giảm căng thẳng và mệt mỏi.

Uống nước gừng vào buổi trưa cũng kích thích tiêu hóa. Nếu bạn cảm thấy đầy bụng sau bữa trưa quá no hoặc nhiều dầu mỡ, một cốc nước gừng ấm có thể giúp làm dịu hệ tiêu hóa và giảm cảm giác khó chịu. Gừng giúp tăng cường trao đổi chất, hạn chế tích mỡ đồng thời giúp bạn tỉnh táo và làm việc hiệu quả hơn trong buổi chiều. Uống nước gừng khi bụng đói vào buổi tối với lượng nhỏ giúp bạn thư giãn cơ bắp, giảm căng thẳng, ngủ ngon hơn.

Uống nước gừng khi bụng đói có tác dụng và nguy cơ gì 4
Ở mỗi thời điểm uống, nước gừng phát huy công dụng khác nhau

Ai không nên uống nước gừng khi bụng đói?

Thực tế, không phải ai cũng thích hợp để uống nước gừng tươi hàng ngày hoặc uống gừng khi bụng đói. Mặc dù uống nước gừng khi bụng đói mang lại nhiều lợi ích, nhưng một số đối tượng nên hạn chế hoặc tránh uống như:

  • Những người mắc các bệnh về dạ dày như viêm loét dạ dày, trào ngược axit... nên cẩn trọng khi uống nước gừng, đặc biệt là khi bụng đói. Gừng có thể kích thích tiết dịch vị, làm tăng axit dạ dày, gây đau rát và khó chịu.
  • Những người thường xuyên bị tiêu chảy, táo bón hoặc các vấn đề về tiêu hóa khác cũng nên hạn chế uống nước gừng khi bụng đói.
  • Phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu, nên hạn chế sử dụng gừng. Gừng có thể gây co thắt tử cung, ảnh hưởng đến thai nhi.
  • Những người mắc bệnh tim mạch, huyết áp cao nên thận trọng khi sử dụng gừng, vì gừng có thể làm tăng nhịp tim và huyết áp.
  • Một số người có thể bị dị ứng với gừng, biểu hiện qua các triệu chứng như nổi mẩn, ngứa, khó thở… Nếu trước đó đã từng gặp những biểu hiện này, bạn không nên uống nước gừng.
  • Gừng có tính nóng nên nếu tiêu thụ quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng nóng trong. Nóng trong sẽ biểu hiện ra bên ngoài qua các triệu chứng như nổi mụn hoặc mẩn ngứa.

Uống nước gừng khi bụng đói có thể mang lại một số lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên không phải ai cũng phù hợp. Để tận dụng tối đa những lợi ích của gừng và tránh những tác dụng phụ không mong muốn, bạn nên lưu ý đến liều lượng và thời điểm uống. Sử dụng gừng một cách hợp lý và điều độ là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin