Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh/
  4. Kiến thức y khoa

Viêm tuyến nước bọt mang tai và những điều cần biết

Ngày 22/05/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh viêm tuyến nước bọt là tình trạng viêm nhiễm của các tuyến nước bọt, chủ yếu là tuyến nước bọt mang tai và dưới hàm. Cùng tìm hiểu về chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé.

Viêm tuyến nước bọt không phải là bệnh lý nguy hiểm, nhưng không nên chủ quan để bệnh kéo dài. Các biến chứng của viêm tuyến nước bọt có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và vẻ đẹp. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu một vài thông tin về viêm tuyến nước bọt mang tai trong bài viết dưới đây.

Tìm hiểu viêm tuyến nước bọt mang tai

Tuyến nước bọt là gì?

Tuyến nước bọt là các tuyến nằm quanh khoang miệng, có vai trò tiết nước bọt để hỗ trợ tiêu hóa thức ăn. Mỗi người có ba cặp tuyến nước bọt chính: Tuyến mang tai, tuyến dưới hàm và tuyến dưới lưỡi, phân bố ở hai bên mặt, cùng nhiều tuyến nước bọt phụ nằm rải rác dưới niêm mạc miệng. Trong ba loại tuyến này, tuyến mang tai là lớn nhất.

Viêm tuyến nước bọt mang tai và những điều cần biết 1
Tuyến nước bọt gồm 3 cặp tuyến chính, trong đó tuyến mang tai là lớn nhất

Viêm tuyến nước bọt là gì?

Viêm tuyến nước bọt là khi tuyến bị viêm do nhiễm virus, vi khuẩn, dị vật, hoặc các phản ứng miễn dịch. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến tuyến hoặc ống tuyến, gây tắc nghẽn và giảm lượng nước bọt tiết vào khoang miệng.

Viêm tuyến nước bọt có thể có nhiều loại:

  • Viêm tuyến nước bọt mang tai do sỏi là hiếm so với sỏi tuyến dưới hàm (chỉ chiếm 10%), có thể do nước bọt của tuyến mang tai có cấu trúc lỏng, ít mucin hơn và chứa nhiều muối khoáng hơn so với tuyến dưới hàm. 95% trường hợp sỏi tuyến mang tai xuất hiện ở ống Stenon. Bệnh có thể xảy ra ở cả nam và nữ, không phụ thuộc vào giới tính và độ tuổi ( ít phổ biến hơn ở người trẻ).
  • Viêm tuyến nước bọt do vi khuẩn thường xuất phát từ vi khuẩn trong khoang miệng lan vào ống tuyến gây nhiễm trùng. Hoặc cũng có thể do dị vật như thức ăn làm tắc ống tuyến gây ra tình trạng viêm.
  • Quai bị là một bệnh truyền nhiễm đặc hiệu, thường xuất hiện ở trẻ em và thiếu niên, có tính chất lây lan dịch. Biểu hiện lâm sàng thường bao gồm viêm tuyến mang tai ở cả hai bên, không có mưng mủ, do một loại virus có tính hướng đến tế bào tuyến và hệ thần kinh. Bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân hoặc mùa hè, phổ biến hơn ở trẻ trai so với trẻ gái và lây truyền chủ yếu qua nước bọt, đặc biệt trong giai đoạn ủ bệnh.
  • Lao tuyến nước bọt là một hiện tượng hiếm gặp. Bệnh có thể tiến triển độc lập, nhưng cũng có thể phát triển trên một bệnh nhân đã mắc tổn thương lao khác.

Nguyên nhân viêm tuyến nước bọt mang tai

Viêm tuyến nước bọt phổ biến nhất là do các loại virus như virus quai bị, HIV, Coxsackievirus, Parainfluenza loại 1 và 2, virus Herpes và virus cúm A. Ngoài ra, vi khuẩn và nấm cũng có thể gây ra tình trạng này. Staphylococcus aureus thường là loại vi khuẩn gây ra viêm tuyến nước bọt cùng với các loại khác như vi khuẩn liên cầu và vi khuẩn Coliform.

Tình trạng tắc nghẽn tuyến nước bọt có thể do các yếu tố như sỏi tuyến nước bọt, ống nước bọt bị gấp khúc, khối u hoặc các tuyến nước bọt hình thành bất thường, sẹo hẹp ống tuyến.

Tuy nhiên, tình trạng giảm tiết nước bọt thường có nguyên nhân từ các yếu tố như tuổi tác, phẫu thuật mới, xạ trị trong miệng, bệnh Sjögren, chứng khô miệng, suy dinh dưỡng, miễn dịch yếu, sử dụng thuốc kháng histamin, thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta, thuốc an thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống rối loạn thần kinh và các loại thuốc khác điều trị tâm thần, suy thận, thở bằng miệng khi ngủ, căng thẳng, nấm miệng và đái tháo đường.

Viêm tuyến nước bọt mang tai và những điều cần biết 2
Viêm tuyến nước bọt mang tai thường do vi khuẩn, virus gây ra

Triệu chứng viêm tuyến nước bọt mang tai

Viêm tuyến nước bọt do sỏi

Khi sỏi nhỏ, có thể không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, khi sỏi dần dần phát triển, có thể xuất hiện các triệu chứng của tắc tuyến nước bọt và nhiễm khuẩn xung quanh ống Stenon, sau đó gây viêm tuyến nước bọt. Thường không có triệu chứng đau khi nuốt nước bọt.

Đôi khi, triệu chứng đầu tiên mà người bệnh chú ý đến là một cơn viêm tuyến mang tai cấp đột ngột với việc sưng nề ở lỗ ống Stenon, có thể có mủ đặc hoặc áp xe nhỏ trên má.

Có thể thông qua việc sờ trong miệng, dọc theo đường từ cánh mũi đến nắp bình tai (theo ống Stenon), có thể phát hiện sỏi hoặc thông qua chụp X-quang không chuẩn bị sử dụng tia mềm và nhanh.

Chụp X-quang có thể sử dụng lipiodol để tăng cường, đôi khi có thể phát hiện một chỗ khuyết nhỏ trên đường ống Stenon bị mở rộng không đều.

Viêm tuyến nước bọt mang tai và những điều cần biết 3
Đau khi nuốt nước bọt là triệu chứng thường gặp trong viêm tuyến nước bọt

Viêm tuyến nước bọt do vi khuẩn thường

Viêm ống tuyến do dị vật

Rất hiếm gặp. Có thể xuất hiện sưng nề lỗ tuyến Stenon, tắc nước bọt, đau, nhức, sưng vùng miệng và má quanh ống tuyến.

Viêm tuyến mang tai cấp tính

Thường xuất hiện trong các trường hợp như nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn nặng do lỵ, tả, suy nhược cơ thể, sau các phẫu thuật lớn vùng chậu, ung thư tiêu hóa, xơ gan. Bệnh điển hình với các triệu chứng sưng rõ rệt vùng mang tai, lan ra sau góc hàm, ra gò má, có thể gây biến dạng dáy tai, làm giảm khả năng nghe và khó khăn trong việc há miệng. Ở giai đoạn sau, có thể xuất hiện sưng mủ, niêm mạc miệng khô, lỗ ống Stenon sưng nề, có mủ kết hợp với nước bọt và có thể có sốt từ vừa đến cao. Dịch, mủ thường thoát ra qua lỗ ống tuyến Stenon, ít khi thoát ra qua da.

Viêm tuyến mang tai siêu cấp tính

Đây là quá trình tiến triển tiếp theo hoặc là biến chứng tức thì của một số bệnh. Thường xảy ra trên bệnh nhân suy nhược ở giai đoạn cuối của các bệnh rất nặng như viêm thận, suy tim hoặc ung thư giai đoạn cuối. Bệnh nhân sẽ bị sưng nề đột ngột và nhanh chóng ở một hoặc hai bên của tuyến mang tai mà không có triệu chứng báo trước. Da trở nên viêm bì, có thể có màu hồng hoặc màu xám tím, sờ lạo xạo do có khí dưới da. Trong vài giờ sau, có thể xảy ra sự thủng và dịch màu đen, thối, lẫn tổ chức hoại tử chảy ra ngoài da.Viêm tấy lan tỏa ra vùng cổ trung thất và ống tai.

Viêm tuyến mang tai bán cấp tính ở trẻ em

Nguyên nhân chưa được xác định rõ ràng có thể là một loại dị ứng, gây ra viêm nhiễm theo đường ống lên tuyến. Cũng có thể tổn thương nguyên thủy ở tại tuyến bịt các lỗ ống nhỏ của tuyến, gây viêm. Cơn đau đầu tiên thường xuất hiện khi trẻ còn nhỏ, dưới 6 tuổi, nguyên nhân không rõ ràng. Thường tái phát nhiều lần ở cùng một bên, nhưng cũng có thể lan sang bên đối diện sau nhiều đợt tái phát. Sưng vùng mang tai thường xảy ra trong vòng 1 - 2 ngày, đi kèm với sốt cao từ 38 - 39°C. Lỗ ống tuyến sưng nề, có thể có mủ.

Viêm tuyến nước bọt mang tai và những điều cần biết 4
Sưng tuyến mang tai kèm sốt cao là triệu chứng thường gặp trong viêm tuyến mang tai cấp tính ở trẻ em

Viêm tuyến nước bọt mãn tính

Đây là loại viêm tuyến nước bọt phổ biến nhất, thường xuất hiện ở người lớn. Nguyên nhân thường khó xác định. Bệnh tiến triển từ từ và trở thành mãn tính ngay sau những đợt viêm nhiễm có tính chất cấp tính. Bệnh biểu hiện với sưng tức thường xảy ra ở vùng tuyến mang tai một bên hoặc cả hai bên, kèm theo đau. Lỗ ống tuyến sưng nề, có thể có mủ loãng hoặc những sợi nhầy mủ. Tình trạng này thường kéo dài một đến hai tuần rồi dần giảm đi dù có được điều trị hay không. Sự sưng đau có thể tái phát sau vài tháng. Nước bọt có thể trở nên mặn hơn và nhiều hơn và việc xoa vùng tuyến mang tai có thể kích thích mủ loãng, đặc biệt là những sợi mủ màu trắng chảy ra trong miệng.

Viêm tuyến nước bọt do virus - quai bị

Tuyến mang tai sưng đau, thường ở một bên, sau vài ngày có thể lan sang bên đối diện. Da căng bóng và biến dạng mặt. Ban đầu, sự sưng nhẹ chỉ làm mờ rãnh phía sau góc hàm, đẩy dái tai ra ngoài. Vùng sưng khi sờ thì căng, hơi nóng và đau. Há miệng có thể bị hạn chế, đau. Niêm mạc miệng trở nên khô và đỏ. Lỗ ống Stenon sưng nề, đỏ và đôi khi có vết nhỏ bầm tím xung quanh.

Lao tuyến nước bọt

Bệnh có hai thể:

  • Thể khu trú giới hạn rõ: Ban đầu, tuyến mang tai sưng không rõ ràng giới hạn, sau đó dần dần tạo thành một khối khu trú, có giới hạn rõ ràng và đẩy phồng da.
  • Thể lan tỏa: Sưng phồng xảy ra ở vùng tuyến mang tai, có hình thể giống tuyến nhưng không có giới hạn rõ ràng. Thường đi kèm với sự xuất hiện của các hạch trước tai hoặc dọc cổ, những hạch này di động dễ dàng và không gây đau.

Viêm tuyến nước bọt mang tai là một bệnh lý thường gặp trong lĩnh vực tai mũi họng. Để chữa trị, bạn cần tới các cơ sở y tế chuyên khoa tương ứng. Chi phí điều trị phụ thuộc vào phương pháp và cơ sở y tế cụ thể, vì vậy bạn cần liên hệ trực tiếp với cơ sở y tế để biết thông tin chi tiết về thông tin.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.