Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Kế hoạch mang thai

Vợ chồng cần chuẩn bị gì 1 tháng trước khi mang thai?

Ngày 04/10/2024
Kích thước chữ

Việc chuẩn bị 1 tháng trước khi mang thai không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn tạo điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của thai nhi. Vậy các cặp đôi cần chuẩn bị những gì trong 1 tháng trước khi mang thai?

Quyết định có em bé là một việc rất quan trọng của các cặp vợ chồng. Các cặp đôi cần chuẩn bị kỹ càng từ sức khoẻ đến tâm lý trước khi quyết định có em bé để đảm bảo sức khỏe của mẹ và sự phát triển toàn diện của thai nhi trong suốt thai kỳ. Hôm nay, Nhà Thuốc Long Châu sẽ chia sẻ với các cặp vợ chồng về những điều cần chuẩn bị 1 tháng trước khi mang thai nhé!

Những vấn đề người phụ nữ cần chuẩn bị 1 tháng trước khi mang thai

Sức khỏe và thể trạng của người phụ nữ trước khi mang thai ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cũng như sự phát triển của thai nhi trong suốt thai kỳ. Vì thế, chị em cần chuẩn bị kỹ càng từ sức khoẻ tổng thể, thể trạng đến tâm lý trước khi mang thai để có một thai kỳ khỏe mạnh. Dưới đây là những vấn đề chị em phụ nữ cần chuẩn bị 1 tháng trước khi mang thai, bao gồm:

Khám sức khỏe tiền mang thai

Chị em phụ nữ nên đi khám tiền sản để chuẩn bị cho việc mang thai sắp tới. Thông qua cuộc khám sức khoẻ này, bác sĩ sẽ nắm được tiền sử mắc bệnh của người mẹ hay những loại thuốc các mẹ đang dùng. Từ đó, bác sĩ sẽ xem xét sức khoẻ của chị em có phù hợp để mang thai không hoặc cần phải ngưng sử dụng một số loại thuốc gây ảnh hưởng đến việc thụ thai.

Bên cạnh đó, thông qua kết quả thăm khám tiền sản, bác sĩ sẽ tư vấn và gợi ý cho chị em nên ăn uống những gì trước khi mang thai, tập luyện thể dục như thế nào, cần tiêm phòng ra sao, đồng thời từ bỏ các thói quen sinh hoạt không lành mạnh.

Vợ chồng cần chuẩn bị gì 1 tháng trước khi mang thai? 1
Các mẹ nên đi khám tiền sản trước khi có ý định mang thai

Chị em cũng cần đi thăm khám phụ khoa khi có kế hoạch mang thai. Trong trường hợp đang mắc phải bệnh lý phụ khoa như viêm phụ khoa, u buồng trứng, polyp tử cung, lạc nội tử cung,… thì cần điều trị dứt điểm.

Chị em cũng nên thực hiện một số xét nghiệm máu nhằm loại trừ các các bệnh lý về máu như thalassemia, thiếu máu,... hoặc các bệnh lý lây nhiễm qua đường tình dục làm ảnh hưởng đến thai kỳ như HIV, giang mai, viêm gan B,…

Nếu chị em đang mắc phải một số bệnh lý nền như đái tháo đường, huyết áp cao hoặc hen suyễn thì cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để nhận tư vấn trước khi quyết định mang thai. Bởi những chứng bệnh này cần phải được kiểm soát tốt trước khi mang thai nhằm đảm bảo an toàn cho thai kỳ.

Chuẩn bị dinh dưỡng cho người mẹ

Dinh dưỡng của người mẹ là một vấn đề quan trọng cần được chuẩn bị 1 tháng trước khi mang thai để đảm bảo mẹ có đủ sức khỏe mang thai, hỗ trợ cho quá trình thụ thai diễn ra thuận lợi nhất và giúp thai nhi phát triển tốt nhất. Do đó, mẹ cần có một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và hợp lý.

Mẹ cần lên kế hoạch xây dựng một chế độ dinh dưỡng khoa học từ trước khi thụ thai, cụ thể như:

  • Bổ sung acid folic từ chế độ ăn hoặc viên uống trước khi mang thai và trong suốt quá trình mang thai để ngăn ngừa xảy ra dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Một số loại thực phẩm giàu acid folic có thể kể đến như các loại rau sẫm màu, các loại hạt, hải sản, sữa, dưa hấu, chuối,…
  • Bổ sung các loại vitamin từ nguồn thực phẩm hoặc viên uống bổ sung. Chẳng hạn, vitamin A có nhiều trong gan cá biển, cà chua, bí ngô, cà rốt,… hay vitamin C có nhiều trong các loại rau, hoa quả,…
  • Mẹ cần bổ sung sắt để phòng ngừa tình trạng thiếu máu do thiếu sắt. Chất sắt có nhiều trong các loại thực phẩm như cá biển, thịt nạc, rau ngót, rau muống,…
  • Mẹ cũng cần bổ sung đầy đủ canxi để ngăn ngừa tình trạng thai nhi bị kém phát triển, còi xương,... đồng thời giúp xương của mẹ chắc khoẻ hơn.
  • Bổ sung protein từ cá, thịt, trứng, sữa,…

Tiêm phòng vắc xin trước khi mang thai

Một trong những vấn đề cần chuẩn bị 1 tháng trước khi mang thai là tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Đây là việc làm cực kỳ quan trọng và cần thiết để chuẩn bị mang thai.

Hệ miễn dịch cơ thể của người phụ nữ sẽ trở nên yếu ớt hơn khi mang thai. Điều này làm tăng nguy cơ mắc phải các bệnh lý truyền nhiễm ở phụ nữ mang thai. Do đó, việc tiêm phòng đầy đủ trước khi mang thai là biện pháp tốt nhất nhằm bảo vệ mẹ và thai nhi trước các bệnh lý nguy hiểm như viêm gan B, cảm cúm, rubella,… Đồng thời, mẹ cũng cần tiêm vắc xin đúng thời điểm và tuyệt đối tuân thủ theo lời dặn của bác sĩ. Một số loại vắc xin nên tiêm trước khi mang thai như:

  • Sởi;
  • Quai bị;
  • Rubella;
  • Uốn ván;
  • Bạch hầu;
  • Ho gà;
  • Cúm.

Chuẩn bị tâm lý trước khi mang thai

Các nghiên cứu được thực hiện cho biết, nếu người phụ nữ thường xuyên bị căng thẳng, stress trong thời gian chuẩn bị trước khi mang thai thì sẽ làm giảm khả năng thụ thai. Do đó, các mẹ hãy dành thời gian để thư giãn, nghỉ ngơi thoải mái để sớm có tin vui.

Đối với chị em đang gặp phải vấn đề sức khỏe tinh thần thì cần bình tĩnh tìm giải pháp thay vì tìm các phương pháp sinh con thiếu khoa học. Hãy tập trung thả lỏng tinh thần và tìm hiểu thêm những kiến thức bổ ích về vấn đề thụ thai để việc quan hệ đạt được hiệu quả tốt hơn.

Vợ chồng cần chuẩn bị gì 1 tháng trước khi mang thai? 4
Chị em phụ nữ cần tránh căng thẳng trong thời gian chuẩn bị 1 tháng trước khi mang thai

Nam giới cần chuẩn bị những gì trước khi thụ thai?

Bên cạnh những vấn đề chị em phụ nữ cần chuẩn bị gì 1 tháng trước khi mang thai thì dưới đây là những điều nam giới cũng cần chuẩn bị, bao gồm:

  • Ăn uống lành mạnh: Nam giới cũng cần thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh để hỗ trợ tăng cường chất lượng tinh trùng, từ đó giúp quá trình thụ thai diễn ra thuận lợi nhất có thể. Bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, đồng thời tránh sử dụng rượu bia hay chất kích thích khi có dự định có con.
  • Vận động hợp lý: Cánh mày râu cần vận động và rèn luyện cơ thể một cách hợp lý, đồng thời tránh làm việc quá sức để có sức khoẻ tốt nhất để sẵn sàng cho quá trình thụ thai sắp diễn ra.
  • Khám sức khỏe tiền sản: Cũng như nữ giới, nam giới cũng cần khám tiền sản để phát hiện và điều trị sớm những bệnh lý đang mắc phải, đặc biệt là các bệnh lý nam khoa. Điều này giúp đảm bảo chất lượng tinh trùng và tạo điều kiện thuận lợi để quá trình thụ thai được diễn ra.
  • Tâm lý thoải mái: Tâm lý của nam giới có ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng thụ thai. Do đó, người đàn ông cần phải chuẩn bị tâm lý thoải mái, tránh stress từ cuộc sống cũng như công việc khi hai vợ chồng quyết định sinh con.
Vợ chồng cần chuẩn bị gì 1 tháng trước khi mang thai? 2
Nam giới cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh để tăng cường chất lượng tinh trùng

Những kiến thức sinh sản cần biết trước khi mang thai

Bên cạnh việc chuẩn bị về sức khỏe thể chất và tinh thần, các cặp đôi cũng cần bổ sung thêm những kiến thức sinh sản cơ bản trước khi mang thai để có một thai kỳ khỏe mạnh, bao gồm:

  • Phòng tránh các bệnh lý lây nhiễm qua đường tình dục.
  • Tìm hiểu về các phương pháp mang thai tự nhiên.
  • Cách chăm sóc sức khỏe của người mẹ trước khi mang thai, trong quá trình mang thai và sau khi sinh con.
  • Tìm hiểu về dinh dưỡng trong suốt thai kỳ.
  • Cách chăm sóc trẻ sơ sinh.
Vợ chồng cần chuẩn bị gì 1 tháng trước khi mang thai? 3
Cha mẹ cần tìm hiểu về cách chăm sóc trẻ sơ sinh trước khi có ý định sinh con

Trên đây là những thông tin cơ bản về việc chuẩn bị 1 tháng trước khi mang thai dành cho các cặp đôi đang có ý định sinh con. Nhà Thuốc Long Châu hy vọng những thông tin trong bài viết sẽ hữu ích với bạn. Nếu muốn tìm hiểu thêm những kiến thức về sức khoẻ khác, bạn hãy truy cập vào website của Nhà Thuốc Long Châu để hiểu rõ hơn nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin