Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Xét nghiệm tốc độ máu lắng: Ý nghĩa, vai trò và các phương pháp thực hiện

Ngày 22/12/2024
Kích thước chữ

Tốc độ máu lắng (hay còn gọi là tốc độ lắng của hồng cầu, viết tắt là ESR) là một trong những xét nghiệm thường được sử dụng trong y học để đánh giá tình trạng viêm và các bệnh lý khác trong cơ thể. Xét nghiệm này đơn giản, dễ thực hiện và cung cấp thông tin quan trọng về sức khỏe tổng quát của người bệnh.

Tốc độ máu lắng là một chỉ số sinh hóa phản ánh sự lắng xuống của các hồng cầu trong một khoảng thời gian nhất định, thường là một giờ. Khi cơ thể bị viêm nhiễm hoặc có các bệnh lý khác, sự thay đổi trong thành phần của máu có thể làm tăng tốc độ lắng của hồng cầu. Do đó, việc đo tốc độ máu lắng giúp bác sĩ có cái nhìn tổng quát về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, từ đó hỗ trợ chẩn đoán và theo dõi hiệu quả điều trị. Thông qua bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu thêm về ý nghĩa, vai trò và quy trình thực hiện xét nghiệm này.

Ý nghĩa của xét nghiệm tốc độ máu lắng

Kết quả xét nghiệm tốc độ máu lắng được biểu thị bằng milimét (mm) của các tế bào hồng cầu trong một giờ. Phạm vi tốc độ bình thường là dưới 20 mm/giờ ở nam giới và dưới 30 mm/giờ ở nữ giới, cụ thể như sau:

  • Nam giới dưới 50 tuổi: < 15 mm/giờ;
  • Đối với nam giới trên 50 tuổi: tốc độ máu lắng < 20 mm/giờ;
  • Phụ nữ dưới 50 tuổi: < 20 mm/giờ;
  • Phụ nữ trên 50 tuổi: < 30 mm/giờ;
  • Trẻ em: < 13 mm/giờ.

Ngưỡng trên có thể thay đổi tùy thuộc vào phương pháp đo của từng cơ sở y tế.

Vai trò của xét nghiệm tốc độ máu lắng​ 1
Tốc độ máu lắng được biểu thị bằng milimet (mm) của các tế bào hồng cầu trong một giờ

Chỉ số máu lắng tăng cao thường gặp trong các trường hợp sau:

  • Nhiễm trùng do vi khuẩn, nhiễm trùng hệ thống, lao, và các tình trạng nhiễm trùng khác.
  • Các bệnh lý như nhồi máu cơ tim, viêm đa khớp mạn tính, viêm động mạch thái dương, đau xơ cơ, viêm đại tràng, áp xe, viêm xương, và viêm nội tâm mạc.
  • Bệnh lý cấp tính, chẳng hạn như viêm ruột thừa và viêm phổi.
  • Các bệnh ung thư, bao gồm u lympho và đau do u tủy xương.
  • Nhiễm nấm cùng với các loại ký sinh trùng khác.

Ngược lại, chỉ số máu lắng giảm thường gặp trong những tình huống sau:

  • Suy tim sung huyết;
  • Thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm;
  • Bệnh đa hồng cầu nguyên phát;
  • Giảm albumin và protein trong máu;
  • Giảm fibrinogen trong máu.
Vai trò của xét nghiệm tốc độ máu lắng​ 2
Thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm thường làm chỉ số máu lắng giảm

Tuy nhiên, không phải lúc nào kết quả bất thường cũng chỉ ra rằng có bệnh lý cần điều trị. Một số yếu tố có thể làm tăng tốc độ máu lắng bao gồm:

  • Tuổi tác cao;
  • Kinh nguyệt;
  • Mang thai;
  • Thiếu máu;
  • Sử dụng một số loại thuốc như thuốc tránh thai, aspirin, vitamin A, cortisone hoặc quinine.

Xét nghiệm tốc độ máu lắng chỉ giúp phát hiện tình trạng viêm trong cơ thể mà không thể xác định được nguyên nhân hoặc vị trí gây viêm. Vì vậy, cần thực hiện thêm các xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh để có kết quả chính xác.

Vai trò của xét nghiệm tốc độ máu lắng​ là gì?

Xét nghiệm kiểm tra tốc độ máu lắng được sử dụng để xác định sự hiện diện của tình trạng viêm, từ đó hỗ trợ trong việc tầm soát và chẩn đoán một số bệnh lý như:

  • Nhiễm trùng (bao gồm nhiễm trùng tim, nhiễm trùng xương, nhiễm trùng phổi,...);
  • Nhiễm nấm hoặc ký sinh trùng;
  • Viêm mạch máu;
  • Đau đa cơ do thấp khớp;
  • Viêm khớp dạng thấp (RA);
  • Lupus ban đỏ hệ thống (SLE);
  • Bệnh viêm ruột (IBD);
  • Một số loại ung thư.

Xét nghiệm tốc độ máu lắng có thể được chỉ định khi có các triệu chứng của tình trạng viêm khớp hoặc bệnh viêm ruột (IBD), chẳng hạn như:

  • Đau hoặc cứng khớp kéo dài trên 30 phút;
  • Nhức đầu liên quan đến vùng vai gáy;
  • Sụt cân không rõ lý do;
  • Đau ở xương chậu, cổ hoặc vai;
  • Các triệu chứng liên quan đến tiêu hóa: Tiêu chảy, đau bụng nghiêm trọng, đi ngoài có máu hoặc sốt.
Vai trò của xét nghiệm tốc độ máu lắng​ 3
Xét nghiệm tốc độ máu lắng có thể được chỉ định khi có các triệu chứng của tình trạng viêm hay đau khớp

Ngoài ra, xét nghiệm này còn được sử dụng để theo dõi và đánh giá tình trạng nhiễm trùng, bệnh lý ác tính (như nhồi máu cơ tim, sốt thấp cấp) hoặc bệnh tự miễn đã được chẩn đoán. Chỉ số máu lắng dần trở lại mức bình thường cho thấy việc điều trị có hiệu quả và tình trạng bệnh lý đang được cải thiện.

Trong một số trường hợp, chỉ số tốc độ máu lắng giảm có thể chỉ ra các vấn đề như:

  • Đa hồng cầu;
  • Thiếu máu hồng cầu hình liềm;
  • Tăng bạch cầu;
  • Suy tim sung huyết;
  • Giảm protein fibrinogen trong máu;
  • Tăng độ nhớt máu.

Các phương pháp xét nghiệm tốc độ máu lắng thường gặp

Hiện nay, có hai phương pháp chính để đo tốc độ máu lắng:

  • Phương pháp Westergren: Trong phương pháp này, máu được hút vào ống Westergren-Katz cho đến khi đạt 200 milimet (mm). Ống sau đó được bảo quản thẳng đứng và để ở nhiệt độ phòng trong một giờ. Cuối cùng, khoảng cách giữa đỉnh của hỗn hợp máu và đỉnh lắng của hồng cầu được đo. Đây là phương pháp phổ biến nhất để kiểm tra tốc độ máu lắng.
  • Phương pháp Wintrobe: Phương pháp này tương tự như phương pháp Westergren, nhưng sử dụng ống dài 100 mm và có đường kính nhỏ hơn. Nhược điểm của phương pháp Wintrobe là kết quả không chính xác bằng phương pháp Westergren.
Vai trò của xét nghiệm tốc độ máu lắng​ 4
Hiện nay, có hai phương pháp chính để đo tốc độ máu lắng là phương pháp Westergren và phương pháp Wintrobe

Trong quá trình thực hiện xét nghiệm tốc độ máu lắng (ERS), cơ thể người bệnh có thể gặp phải một số phản ứng và biến chứng như:

  • Chảy máu, từ rất nhẹ đến nhiều;
  • Ngất xỉu;
  • Tụ máu;
  • Xuất hiện vết bầm;
  • Nhiễm trùng;
  • Viêm tĩnh mạch;
  • Cảm giác choáng váng.

Ngoài ra, bạn có thể cảm thấy đau nhẹ khi kim chích vào da hoặc cảm thấy đau nhói ở vết đâm sau khi thực hiện kiểm tra.

Khi có kết quả xét nghiệm tốc độ máu lắn cần lưu ý gì?

Nếu kết quả xét nghiệm tốc độ máu lắng cho thấy bất thường, điều này chưa đủ để xác định bạn mắc một bệnh lý cụ thể. Kết quả chỉ đơn thuần cho thấy cơ thể có dấu hiệu viêm, và cần thực hiện thêm các xét nghiệm khác để có được chẩn đoán chính xác hơn. Đặc biệt, bạn cần lưu ý rằng một số yếu tố khách quan có thể ảnh hưởng đến kết quả này, chẳng hạn như tuổi tác, giới tính, việc sử dụng thuốc, hoặc tình trạng mang thai.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện xét nghiệm đo tốc độ máu lắng lần thứ hai để kiểm tra lại kết quả. Việc làm này không phải là hiếm gặp, và nó giúp bác sĩ có cái nhìn tổng quát hơn về tình trạng sức khỏe của bạn. Bạn không cần phải quá lo lắng, điều quan trọng là tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ. Khi bạn kiên nhẫn và tuân theo hướng dẫn điều trị, điều này sẽ giúp cải thiện hiệu quả điều trị một cách rõ rệt, đồng thời đảm bảo rằng bạn đang nhận được sự chăm sóc y tế tốt nhất để phục hồi sức khỏe.

Vai trò của xét nghiệm tốc độ máu lắng​ 5
Kết quả xét nghiệm tốc độ máu lắng cho thấy bất thường chưa đủ để xác định bạn mắc một bệnh lý cụ thể

Tốc độ máu lắng là một chỉ số quan trọng giúp đánh giá tình trạng viêm trong cơ thể và hỗ trợ chẩn đoán một số bệnh lý. Mặc dù kết quả bất thường không xác định một bệnh lý cụ thể, nhưng nó có thể là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang phản ứng với tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng. Để có chẩn đoán chính xác hơn, cần kết hợp với các xét nghiệm khác và sự đánh giá của bác sĩ. Việc theo dõi chỉ số tốc độ máu lắng theo chỉ định y tế có thể giúp bạn nhận biết tình trạng sức khỏe và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, từ đó cải thiện sức khỏe toàn diện.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Bệnh về máu