Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Xuất huyết não ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị và phương pháp phòng ngừa

Ngày 09/08/2023
Kích thước chữ

Xuất huyết não ở trẻ sơ sinh là hiện tượng mạch máu trong não bị vỡ, máu thoát ra khỏi lòng mạch và chảy vào nhu mô não. Tình trạng này thường xuất hiện ở trẻ sinh non dưới 32 tuần và có tỉ lệ tử vong cao hoặc để lại nhiều di chứng nặng nề.

Xuất huyết não ở trẻ sơ sinh là một tình trạng không hiếm gặp và có nhiều thể khác nhau. Trong đó, xuất huyết não, màng não muộn ở trẻ sơ sinh là thường gặp nhất, chiếm đến 80% các trường hợp. Tình trạng xuất huyết thường xảy ra ở trẻ từ 2 đến 6 tháng tuổi.

Nguyên nhân dẫn đến xuất huyết não ở trẻ sơ sinh

Xuất huyết não ở trẻ em là một bệnh cảnh nặng cấp tính do nhiều nguyên nhân dẫn đến như là: Chấn thương, ngạt, chuyển dạ kéo dài, thai ngôi mông, sang chấn sản khoa, do tác dụng phụ của thuốc khi mẹ sử dụng trong thời kì mang thai... Trong đó, thiếu vitamin K ở trẻ sơ sinh là nguyên nhân thường gặp nhất.

Xuất huyết não ở trẻ sơ sinh thường gặp do thiếu vitamin K

Được biết, vitamin K là yếu tố quan trọng trong quá trình đông cầm máu. Trong cấu trúc sinh học các tiền chất của các yếu tố đông máu và các protein phụ thuộc vitamin K. Vì vậy trẻ dễ bị xuất huyết khi thiếu vitamin K. Dưới đây là một số nguyên nhân khiến trẻ bị thiếu vitamin K:

  • Vitamin K được vận chuyển từ mẹ đến con qua nhau thai không đáng kể.
  • Trẻ sơ sinh có hàm lượng vitamin K trong máu rất thấp: 0,01 ng/ml so với 0,26 ng/ml ở người lớn và dự trữ vitamin K trong gan rất kém.
  • Vitamin K trong sữa mẹ thấp (2,5 mg/l) chỉ bằng khoảng 1/10 hàm lượng vitamin K trong sữa công nghiệp.

Do đó, lượng vitamin K trong sữa mẹ thiếu so với nhu cầu vitamin hàng ngày, nhất là những bà mẹ thiếu sữa. Như vậy, trẻ bú mẹ chủ yếu sẽ có nguy cơ xuất huyết não nếu không được dự phòng vitamin K lúc sinh.

Dấu hiệu xuất huyết não thường gặp ở trẻ sơ sinh

Xuất huyết não ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện đột ngột, tiến triển rất nhanh và có các dấu hiệu sau đây:

  • Suy sụp toàn thân, từ vài phút đến vài ngày tùy theo mức độ xuất huyết màng não.
  • Có những biểu hiện lâm sàng không đặc hiệu trước khi có đợt xuất huyết cấp như: Ọc sữa nhiều, bú kém hoặc bỏ bú, bứt rứt, cơ thể xanh tái, khóc thét, tiêu chảy.
  • Có hội chứng thiếu máu cấp: Da xanh, niêm mạc nhợt, tiểu ít.
  • Có hội chứng tăng áp lực nội sọ: Hô hấp (rối loạn nhịp thở, cơn ngưng thở > 20 giây, xanh tím), tim mạch (rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp), thần kinh (bú kém, bỏ bú, rối loạn tri giác, khóc thét khi bế, rối loạn trương lực cơ, co giật thường ở thể co cứng, gồng cơ, sụp mí mắt, đồng tử giãn không đều 2 bên, phản xạ ánh sáng giảm, thóp phồng, rối loạn điều hòa thân nhiệt, sốt cao trong trường hợp tổn thương não nặng do xuất huyết).
Xuất huyết não ở trẻ sơ sinh thường xảy ra đột ngột, diễn biến nhanh

Ở những trường hợp nặng hơn, trẻ có thể rơi vào hôn mê đột ngột, co cứng liên tục, gồng cơ, bàn tay nắm chặt xoay trong, cẳng tay duỗi, gồng và duỗi toàn thân. Đồng tử kém hoặc không phản xạ với ánh sáng.

Các biến chứng khi trẻ bị xuất huyết não

Trẻ sơ sinh mắc xuất huyết não có tỉ lệ tử vong rất cao từ khoảng 25 - 45% hoặc có khả năng để lại những di chứng nặng nề, khó hồi phục như:

  • Não úng thủy, giãn não thất;
  • Rối loạn vận động;
  • Rối loạn cảm giác;
  • Chậm phát triển vận động, tinh thần;
  • Trẻ bị tàn tật, bại não.
Trẻ sơ sinh bị xuất huyết não có thể để lại nhiều di chứng khó hồi phục

Tai biến có thể xảy ra tức thì hoặc muộn, khi xảy ra càng sớm thì bệnh trở nên càng trầm trọng.

Điều trị xuất huyết não ở trẻ em

Xuất huyết não, màng não ở trẻ nhỏ là bệnh nặng cần phải điều trị tại cơ sở y tế có chuyên môn, không thể tự chữa tại nhà. Vì thế ngay khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ trẻ bị xuất huyết não cần đưa đến bệnh viện sớm nhất có thể để chẩn đoán và chữa trị kịp thời.

Những trường hợp xuất huyết não nặng có thể bị hôn mê, không bú được cần phải theo dõi đặc biệt, bổ sung dinh dưỡng và hỗ trợ thở. Điều trị trẻ bị xuất huyết não hiện còn gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ tử vong và di chứng còn cao, vì thế dự phòng bệnh đang được ưu tiên hàng đầu.

Dự phòng xuất huyết não ở trẻ

Dưới đây là một số phương pháp dự phòng xuất huyết não ở trẻ mà mẹ bầu nên chú ý:

  • Khi mẹ mang thai: Phải khám thai định kỳ giúp mẹ và thai phát triển tốt (đủ cân, đủ tháng sinh). Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ thời kì mang thai bằng những thực phẩm giàu vitamin K như: Thịt bò, thịt lợn nạc, trứng gà, ngũ cốc, rau xanh, sữa,... Nếu mẹ có dấu hiệu thiếu vitamin K, có thể tiêm dự phòng vào 2 tuần cuối trước sinh.
  • Tránh trong quá trình sinh đẻ ngạt làm sang chấn sản khoa, cần chỉ định thủ thuật, can thiệp đúng và cẩn thận.
  • Tích cực nuôi con bằng sữa mẹ. Các bà mẹ không nên ăn kiêng trong quá trình cho con bú.
Mẹ bầu cần bổ sung vitamin K trong quá trình mang thai

Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về xuất huyết não ở trẻ sơ sinh. Đây là một trong những tình trạng nguy hiểm và có thể để lại nhiều biến chứng nặng nề cho trẻ. Chính vì thế nên phụ huynh cần lưu ý về những cách dự phòng để bảo vệ trẻ tốt hơn. Cùng theo dõi Nhà thuốc Long Châu để cập nhật những thông tin sức khỏe mới nhất nhé!

Xem thêm:

Phân biệt tình trạng nhồi máu não và xuất huyết não

Xuất huyết não sống được bao lâu?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm