Long Châu

Chấn thương bụng kín là gì? Các triệu chứng, biến chứng và cách điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Chấn thương bụng kín là những tổn thương thường gặp liên quan đến tai nạn giao thông, ẩu đả hoặc hành hung, té ngã và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Chấn thương được gây ra do cơ chế nén ép hoặc quá trình tăng tốc/giảm tốc đột ngột tác động lên các cơ quan nội tạng khi có sự va chạm mạnh vào vùng bụng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Chấn thương bụng kín là gì? 

Chấn thương bụng kín là những tổn thương thường gặp liên quan đến tai nạn giao thông, ẩu đả hoặc hành hung, té ngã. Chấn thương được gây ra do cơ chế nén ép hoặc quá trình tăng tốc/giảm tốc đột ngột tác động lên các cơ quan nội tạng khi có sự va chạm mạnh vào vùng bụng. 

Các cơ quan thường bị chấn thương nhiều nhất là gan, lách, ruột non, thận, bàng quang, đại tràng, cơ hoành và tụy. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nhân thường không rõ ràng, khó xác định dẫn đến việc chẩn đoán muộn, cấp cứu hồi sức không kịp thời và gây tử vong. Chấn thương bụng kín được điều trị tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của chấn thương bụng kín

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nhân thường không rõ ràng, khó xác định. Trong nhiều trường hợp, các dấu hiệu/triệu chứng tin cậy và thường gặp là:

  • Đau vùng bụng: Đây là triệu chứng thường gặp nhất, bệnh nhân có thể nôn ói kèm theo. Ngoài ra có thể khám thấy bụng chướng và khi sờ bụng bệnh nhân than đau nhiều.

  • Các vết bầm máu từ thắt lưng hoặc ở bụng.

  • Xuất huyết tiêu hoá và cơ quan sinh dục: Bệnh nhân có thể nôn ra máu, đi tiêu phân máu nếu có tổn thương ống tiêu hoá hoặc tiểu ra máu và đi kèm là các dấu hiệu mất máu cấp.

  • Viêm phúc mạc: Nếu thủng các tạng tiêu hoá hoặc có chảy máu trong ổ bụng có thể sẽ gây ra tình trạng viêm phúc mạc, bụng bệnh nhân lúc này khi khám sẽ có tình trạng co cứng, đề kháng với lực ấn bàn tay của người khám.

Biến chứng có thể gặp khi bị chấn thương bụng kín

Chấn thương bụng kín thường được chẩn đoán muộn do các triệu chứng của bệnh nhân không rõ ràng. Chẩn đoán muộn khiến cho việc cấp cứu hồi sức không kịp thời và có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra, các biến chứng khác có thể gặp là:

  • Xuất huyết ổ bụng, áp xe ổ bụng;

  • Tắc ruột hoặc liệt ruột;

  • Rò mật do tổn thương đường mật;

  • Hội chứng tăng áp lực ổ bụng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến chấn thương bụng kín

Lực tác động từ bên ngoài vào vùng bụng có thể gây ra tổn thương bụng kín qua 3 cơ chế: 

Cơ chế đầu tiên là tăng/giảm tốc: 

Sự tăng/giảm tốc nhanh chóng làm cho các cơ quan nội tạng chuyển động với tốc độ khác biệt nhau so với các cấu trúc liền kề. Do đó, lực ma sát được tạo ra và gây rách các cơ quan nội tạng hoặc mạch máu đặc biệt nếu các cơ quan này được treo vào một điểm cố định trong ổ bụng.

Ví dụ: Khi có va chạm mạnh đột ngột, động mạch chủ đoạn xa được treo vào cột sống ngực giảm tốc nhanh hơn nhiều so với cung động mạch chủ phía trên tương đối di động. Do đó, lực ma sát tác động lên động mạch chủ có thể khiến nó bị vỡ.

Cơ chế thứ hai liên quan tới nghiền ép: 

Các tạng trong ổ bụng bị nghiền ép giữa thành bụng phía trước và cột sống phía sau.

Cơ chế thứ ba là lực nén bên ngoài: 

Ví dụ các cú đánh hoặc va chạm trực tiếp bên ngoài dẫn đến sự gia tăng đột ngột áp suất trong ổ bụng và làm vỡ một cơ quan rỗng (thường là ống tiêu hoá) trong ổ bụng.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ bị chấn thương bụng kín?

Chấn thương bụng kín có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và thường liên quan đến tai nạn giao thông, ẩu đả hoặc hành hung, té ngã hoặc té từ trên cao.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán chấn thương bụng kín

Bác sĩ sẽ hỏi kỹ về cơ chế chấn thương và thăm khám vùng bụng để tìm các triệu chứng gợi ý chấn thương bụng kín. Các xét nghiệm khác thường được chỉ định bao gồm:

  • Hình ảnh học: Siêu âm bụng hoặc chụp CT scan có thể giúp tìm thấy tổn thương các cơ quan hoặc tình trạng chảy máu trong ổ bụng. Các xét nghiệm hình ảnh học cũng có thể giúp kiểm tra tình trạng gãy xương nếu có.

  • Các xét nghiệm máu, nhóm máu, điện giải, sinh hoá máu...

Phương pháp điều trị chấn thương bụng kín hiệu quả

Chấn thương bụng kín được điều trị tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương:

  • Các chấn thương nhẹ gây bầm tím và đau nhức sẽ được theo dõi trong thời gian ngắn. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc để giảm sưng và đau. 

  • Các triệu chứng của chấn thương bụng kín nặng đôi khi chỉ có thể xuất hiện sau 8 giờ. Do đó bệnh nhân có thể được theo dõi nhiều giờ sau chấn thương và nếu xuất hiện tổn thương nghiêm trọng chẳng hạn như tổn thương các cơ quan, mạch máu và xương thì lúc này cần phải phẫu thuật ngay.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của chấn thương bụng kín

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Có thể chườm đá để giảm sưng và đau ở vùng chấn thương. Cho các viên đá vào 1 túi nhựa và đậy khăn bao phủ trước khi đặt lên. Thời gian đặt thường từ 15 đến 20 phút/giờ hoặc theo chỉ dẫn bác sĩ.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

Phương pháp phòng ngừa chấn thương bụng kín hiệu quả

Biện pháp phòng ngừa đơn giản nhất là tránh các chấn thương va chạm liên quan tới tai nạn giao thông, đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, không tham gia vào các hoạt động ẩu đả đánh nhau. Ngoài ra, người lớn cần quản lý trẻ em để tránh các tổn thương do té ngã từ trên cao.

Nguồn tham khảo

1) https://www.drugs.com/

2) https://www.msdmanuals.com/professional/injuries-poisoning/abdominal-trauma/overview-of-abdominal-trauma

3) https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK431087/

4) https://emedicine.medscape.com/article/1980980-workup

Các bệnh liên quan