Long Châu

Hở van hai lá là gì ? Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hở van hai lá là một tình trạng van hai lá đóng không chặt làm cho máu chảy ngược từ tâm thất trái về lại tâm nhĩ trái, làm cho tâm nhĩ trái hoạt động quá mức lâu dần khiến tâm nhĩ trái to ra. Nếu tình trạng này trở nên nghiêm trọng, máu sẽ không thể di chuyển tới tim hoặc bơm máu đầy đủ tới những phần còn lại của cơ thể, làm có bệnh nhân thấy mệt mỏi hay khó thở, hậu quả có thể dẫn tới suy tim. Vậy nguyên nhân nào gây ra hở van hai lá và điều trị như thế nào? Chúng ta có thể tham khảo bài viết dưới đây.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hở van hai lá là gì?

Van hai lá nằm ở giữa tâm thất và tâm nhĩ trái của tim. Giúp máu chảy một chiều từ tâm nhĩ xuống tâm thất. Khi tâm nhĩ co lại để bơm máu về tâm thất thì van hai lá sẽ mở ra, và van sẽ đóng lại để ngăn máu chảy ngược về tâm nhĩ. 

Hở van hai lá là tình trạng van hai lá ở tim đóng không chặt làm cho máu chảy ngược về tâm nhĩ trong kỳ tâm thu. Hở van hai lá có 4 mức độ khác nhau:

  • Hở van hai lá 1/4: Mức độ nhẹ hay rất nhẹ;
  • Hở van hai lá 2/4: Mức độ trung bình;
  • Hở van hai lá 3/4: Mức độ nặng;
  • Hở van hai lá 4/4: Mức độ rất nặng.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hở van hai lá

Triệu chứng của hở van hai lá phụ thuộc vào mức độ và nguyên nhân dẫn tới hở van. Bệnh nhân có thể không gặp triệu chứng gì ở mức độ nhẹ. Nhưng nếu ở tình trạng hở van nặng, người bệnh sẽ gặp một vài dấu hiệu sau:

  • Mệt mỏi, mất sức khi gắng sức;

  • Cảm thấy hồi hộp, tim đập nhanh;

  • Hụt hơi, nhói ngực đặc biệt ở người hở van do bị sa van;

  • Mạch đập bất thường (loạn nhịp tim);

  • Ho khan, ho ra mau hay khạc đờm;

  • Đau thắt ngực, khó thở xảy ra khi hoạt động;

  • Phù chân.

Biến chứng có thể gặp khi bị Hở van hai lá

Nếu tình trạng ở mức độ nhẹ, bệnh chỉ ảnh hưởng tới chất lượng sống của người bệnh. Tuy nhiên, khi bệnh đã trở nặng mà không kịp thời điều trị sẽ gây ra một số biến chứng nguy hiểm như:

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, người bệnh nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bệnh nhân mau chóng hồi phục sức khỏe. 

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến hở van hai lá

Nguyên nhân dẫn tới hở van hai lá có thể do bẩm sinh ở van hai lá, hay còn gọi là hở van hai lá nguyên phát. Ngoài ra, hở van hai lá còn do một vài nguyên nhân sau: 

  • Van hai lá bị tổn thương;

  • Dây chằng van hai lá bị tổn thương;

  • Bị một số bệnh về tim: Nhồi máu cơ tim, thiếu máu cục bộ cơ tim, cơ tim phì đại, cơ tim giãn nở,…

  • Biến chứng sau nhiễm trùng như: Sốt thấp khớp, viêm nội tâm mạc;

  • Sa van hai lá;

  • Tăng huyết áp động mạch phổi;

  • Rung tâm nhĩ;

  • Sử dụng một số thuốc có chứa ergotamine trong thời gian dài;

  • Xạ trị ung thư ở vùng ngực.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) Hơ van hai lá?

Hầu hết tất cả mọi đối tượng, lứa tuổi đều có khả năng bị hở van hai lá.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) Hở van hai lá

Các yếu tố làm tăng nguy hở van hai lá: 

  • Dị tật tim bẩm sinh;

  • Bị đau tim hoặc suy tim;

  • Tăng huyết áp; 

  • Tăng áp động mạch phổi;

  • Cơ tim suy yếu;

  • Bị nhiễm trùng gây ảnh hưởng tới tim, như viêm nội tâm mạc nhiễm trùng;

  • Xạ trị ở vùng ngực;

  • Sử dụng một số loại thuốc như thược điều trị chứng đau nửa đầu.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán Hở van hai lá

Để chẩn đoán hở van tim hai lá, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và hỏi bệnh nhân những câu hỏi về tình trạng sức khỏe cũng như triệu chứng thường gặp, bao gồm:

  • Những triệu chứng xảy ra trong bao lâu;

  • Tiền sử bệnh của bệnh nhân;

  • Lắng nghe tiếng tim và phổi của người bệnh;

  • Đo huyết áp;

  • Đo cân nặng.

Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành một vài xét nghiệm để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh, như là:

  • Siêu âm tim;

  • Điện tâm đồ (ECG);

  • Chụp X-quang ngực;

  • Chụp cộng hưởng từ MRI tim;

  • Chụp CT tim;

  • Kiểm tra gắng sức;

  • Đặt ống thông tim.

Điều này rất quan trọng để có thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh để giúp bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt.

Phương pháp điều trị Hở van hai lá hiệu quả

Tùy thuộc vào nguyên nhân cũng như triệu chứng và mức độ của bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra những phương pháp điều trị khác nhau. Mục tiêu của việc điều trị là: 

  • Giảm những triệu chứng;

  • Ngăn ngừa biến chứng xảy ra;

  • Cải thiện chất lượng của cuộc sống.

Điều trị bằng thuốc

Thuốc được sử dụng điều trị hở van hai lá thường dùng là:

  • Thuốc lợi tiểu: Loại bỏ chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể;

  • Thuốc chống loạn nhịp tim để kiểm soát nhịp tim;

  • Thuốc kiểm soát suy tim;

  • Thuốc huyết áp nếu người bệnh bị hở van hai lá kèm theo tăng huyết áp;

  • Thuốc chống đông máu giúp phòng ngừa hình thành huyết khối.

Phẫu thuật hoặc thủ thủ thuật khác

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra những phương pháp phẫu thuật khác nhau:

  • Sửa chữa van hai lá: Bác sĩ sẽ rạch một vết rách trên van, sau đó định hình lại hoặc loại bỏ mô để giúp cho van có thể đóng chặt hơn.

  • Thay van hai lá: Nếu van không sửa chữa được, bác sĩ sẽ chỉ định thay van hai lá cơ học hoặc van làm từ mô tim của lợn, bò hoặc người. Tuy nhiên, người bệnh phải dùng thuốc chống thải ghép và chống đông.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Hở van hai lá

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị;

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng;

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị;

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Phương pháp phòng ngừa Hở van hai lá hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Kiểm soát huyết áp tốt;

  • Hạn chế sử dụng chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cafe,…

  • Kiểm soát lượng cholesterol trong máu;

  • Ăn nhạt nhất có thể, ăn nhiều rau xanh, trái cây chứa vitamin tốt cho tim;

  • Tập thể dục để nâng cao sức khỏe, nhưng tập ở mức độ vừa phải;

  • Giữ cân nặng ổn định, giảm cân nếu cần thiết;

  • Tránh để cơ thể căng thẳng, lo âu kéo dài;

  • Hạn chế để cơ thể bị bệnh nhiễm trùng;

  • Kiểm tra sức khỏe thường xuyên nếu có những bệnh lý liên quan tới tim.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.msdmanuals.com/vi/chuy%C3%AAn-gia/r%E1%BB%91i-lo%E1%BA%A1n-tim-m%E1%BA%A1ch/b%E1%BB%87nh-l%C3%BD-van-tim/h%E1%BB%9F-van-hai-l%C3%A1

  2. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21484-leaky-heart-valve-mitral-valve-regurgitation

Các bệnh liên quan

  1. Bệnh tim mạch

  2. Giãn tĩnh mạch chi dưới

  3. Thông liên nhĩ

  4. Rối loạn nhịp tim

  5. Thiếu máu cơ tim

  6. Bệnh van tim

  7. Nhịp nhanh nhĩ

  8. Tim đập nhanh

  9. Tai biến mạch máu não

  10. Cơ tim xốp