Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ung thư tuỷ là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa ung thư tuỷ

Ngày 11/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ung thư tủy (ung thư tuỷ xương) gây ra cho người bệnh các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào từng loại ung thư cụ thể. Bác sĩ chuyên khoa ung bướu sẽ chẩn đoán loại ung thư mà bạn bị mắc phải, đồng thời cung cấp cho bạn thông tin về các phương pháp điều trị cụ thể.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Ung thư tuỷ là gì?

Tủy hình dạng trông giống như bọt biển nằm bên trong xương. Thành phần của tủy là các tế bào gốc, các tế bào này phát triển hình thành tế bào hồng cầu, bạch cầu hoặc tiểu cầu.

Ung thư tủy xảy ra khi các tế bào trong tủy bắt đầu phát triển bất thường hoặc tăng sinh với tốc độ nhanh chóng. Ung thư tủy khác với ung thư xương và cần được phân biệt để tránh nhầm lẫn. Các loại ung thư ở vị trí khác cũng có thể di căn đến xương và tủy xương nhưng chúng không được phân loại là ung thư tủy.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư tủy

Mỗi người bệnh sẽ có các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm loại ung thư, mức độ xâm lấn của nó và vị trí của nó trong cơ thể.

Các triệu chứng của bệnh đa u tủy có thể bao gồm:

  • Đau nhức trong xương hoặc gãy xương;
  • Dễ bị nhiễm trùng;
  • Thường xuyên cảm thấy mệt mỏi;
  • Thay đổi số lần đi tiểu;
  • Khát nước;
  • Lú lẫn;
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân;
  • Buồn nôn hoặc nôn.

Các triệu chứng của bệnh bạch cầu có thể bao gồm:

  • Mệt mỏi;
  • Suy nhược cơ thể;
  • Khó thở;
  • Đau nhức trong xương;
  • Sốt;
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân;
  • Nổi hạch;
  • Đổ mồ hôi trộm;
  • Lách to;
  • Da xanh niêm nhợt;
  • Dễ bị nhiễm trùng;
  • Thường xuyên bị bầm dưới da không rõ nguyên nhân;
  • Cơ thể đau nhức;
  • Chảy máu khó cầm từ những vết thương nhỏ.

Các triệu chứng của ung thư hạch tương cũng tự như các triệu chứng của bệnh bạch cầu, ngoài ra chúng có thể bao gồm những triệu chứng sau:

  • Ngứa da;
  • Ho dai dẳng;
  • Đau hạch sau khi uống rượu;
  • Đau bụng;
  • Chán ăn;
  • Phát ban hoặc cục u trên da;
  • Cảm giác đầy hoặc chướng bụng do lách to.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh ung thư tủy

Các biến chứng có thể xảy ra khi mắc bệnh ung thư tủy, bao gồm:

  • Thiếu máu: Do bệnh ung thư tủy ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hồng cầu, một số người bệnh sẽ xuất hiện tình trạng thiếu máu.
  • Nhiễm trùng: Bệnh ung thư tủy có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể, gây ra nguy cơ nhiễm trùng cao.
  • Suy giảm chức năng thận: Trong quá trình điều trị bệnh ung thư tủy, một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến chức năng thận.
  • Đột quỵ: Một số người bệnh ung thư tủy có nguy cơ cao bị đột quỵ do xuất hiện khối u trong não hoặc do huyết khối gây tắc mạch.
  • Tăng áp lực nội sọ: Các khối u trong não có thể làm tăng áp lực nội sọ, gây ra các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn và nôn mửa.
  • Suy giảm trí nhớ: Một số người bệnh ung thư tủy có thể xuất hiện tình trạng suy giảm trí nhớ và khả năng tập trung trong quá trình điều trị bệnh.
Ung thư tuỷ là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa ung thư tuỷ 4
Thiếu máu là một trong những biến chứng thường gặp của ung thư tủy

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến ung thư tủy

Ung thư phát triển khi DNA (vật liệu di truyền) trong các tế bào bị ảnh hưởng trở nên bất thường. Đa số các trường hợp vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác của những bệnh ung thư này. Nhưng có những yếu tố nguy cơ đã được tìm thấy có thể làm tăng khả năng xuất hiện bệnh.

Nguy cơ

Các loại ung thư khác nhau có các nguy cơ mắc bệnh khác nhau. Hầu hết những người bị ung thư tủy không có yếu tố nguy cơ rõ ràng. Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ đã được biết đối với một số bệnh ung thư tủy xương phổ biến.

Bệnh đa u tủy

Khả năng mắc loại ung thư tủy này gia tăng theo tuổi, nguy cơ cao nhất ở lứa tuổi trên 65 tuổi. Nam giới có khả năng mắc bệnh này nhiều hơn phụ nữ. Và nó phổ biến hơn ở người Mỹ gốc Phi so với người da trắng. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:

  • Tiền sử gia đình mắc bệnh đa u tủy.
  • Làm việc trong ngành dầu khí.
  • Béo phì hoặc thừa cân.
  • Tiền căn mắc các bệnh khác liên quan tế bào plasma.

Ung thư hạch

Bệnh ung thư hạch thường gặp ở những người trên 60 tuổi. Người Mỹ da trắng có nhiều khả năng mắc bệnh hơn so với người Mỹ gốc Phi hoặc người Mỹ gốc Á.

Các yếu tố nguy cơ khác đối với ung thư hạch là:

  • Tiếp xúc với các hóa chất như benzen, hóa trị hoặc xạ trị các bệnh ung thư khác.
  • Mắc các bệnh tự miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, lupus và hội chứng Sjogren.
  • Mắc phải một số bệnh truyền nhiễm như HIV hoặc viêm gan virus C.
  • Thừa cân hoặc béo phì.
  • Một số trường hợp hiếm của nâng ngực.

Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy

Bệnh bạch cầu cấp dòng tủy thường gặp phổ biến ở nam hơn nữ. Các yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Hút thuốc lá.
  • Tiếp xúc lâu dài với một số hóa chất như benzen.
  • Điều trị bằng thuốc hóa trị cho các bệnh ung thư khác.
  • Phơi nhiễm phóng xạ, kể cả tiếp xúc với liều lượng tia X thấp như chụp X quang hoặc chụp CT.
  • Một số bệnh khác về máu.
  • Các bệnh bẩm sinh trong đó có hội chứng Down.
  • Tiền căn gia đình mắc bệnh bạch cầu cấp tính dòng tủy.

Bệnh bạch cầu mạn dòng tủy

Một số yếu tố nguy cơ có thể gặp là:

  • Phơi nhiễm bức xạ liều cao (chẳng hạn như từ lò phản ứng hạt nhân).
  • Nguy cơ tăng lên khi tuổi càng cao.
  • Bệnh phổ biến ở nam giới hơn ở phụ nữ.

Bệnh Leukemia ở trẻ em

Hầu hết trẻ em mắc bệnh Leukemia không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào và nguyên nhân chính xác gây ra nó vẫn chưa được biết rõ. Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở trẻ em hoặc thanh thiếu niên bao gồm:

  • Các hội chứng bao gồm Hội chứng Down, thiếu máu Fanconi hoặc các hội chứng di truyền khác.
  • Mắc một dạng bệnh tủy xương khác.
  • Có anh chị em ruột mắc bệnh bạch cầu, đặc biệt là anh chị em song sinh cùng trứng.
  • Phơi nhiễm phóng xạ ở mức độ cao (có thể do điều trị ung thư trước đó).
  • Thuốc hóa trị và các hóa chất khác (như benzen).
  • Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch (ví dụ như đối với người được ghép tạng).

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư tủy

Trước khi đề nghị bất kỳ cận lâm sàng nào, trước tiên bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về tiền căn, các triệu chứng hiện tại và tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư tủy. Sau đó, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm sau để giúp chẩn đoán ung thư tủy:

Xét nghiệm máu và nước tiểu: Xét nghiệm máu hoặc nước tiểu có thể phát hiện được một loại protein cụ thể đi vào hệ thống tuần hoàn do bệnh đa u tủy. Xét nghiệm máu cũng có thể cung cấp thông tin về chức năng thận, nồng độ điện giải và số lượng tế bào máu.

Chọc hút tủy: Bác sĩ sẽ sử dụng kim chuyên dụng chọc thủng một trong các xương dưới sự gây tê và rút một mẫu tủy nhỏ. Các chuyên gia sẽ kiểm tra mẫu dưới kính hiển vi để tìm tế bào ung thư.

Hình ảnh học: Bác sĩ có thể sử dụng một trong các hình ảnh học sau đây để kiểm tra các tổn thương ở xương hoặc bất thường:

  • Chụp X quang.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan).
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI).
  • Chụp PET (Positron Emission Tomography).
Ung thư tuỷ là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa ung thư tuỷ 6
Chọc hút tủy là một trong những cận lâm sàng quan trọng giúp chẩn đoán ung thư tủy

Phương pháp điều trị ung thư tủy hiệu quả

Điều trị ung thư tủy sẽ được cá thể hoá theo từng người bệnh. Nó dựa trên loại và giai đoạn ung thư cụ thể khi chẩn đoán, cũng như bất kỳ tình trạng sức khỏe đi kèm nào khác. Sau đây là các phương pháp điều trị được sử dụng cho bệnh ung thư tủy:

  • Hóa trị: Hóa trị là một phương pháp điều trị toàn thân được sử dụng để tiêu diệt các tế bào ung thư trong cơ thể. Bác sĩ sẽ kê toa một loại thuốc hoặc kết hợp các loại thuốc dựa trên loại ung thư cụ thể của người bệnh.
  • Xạ trị: Xạ trị là sử dụng chùm năng lượng cao đến khu vực mục tiêu để tiêu diệt tế bào ung thư, giảm kích thước khối u và giảm đau.
  • Liệu pháp sinh học: Liệu pháp này giúp người bệnh nâng cao sức đề kháng để sử dụng hệ thống miễn dịch của chính cơ thể tiêu diệt tế bào ung thư.
  • Thuốc điều trị nhắm trúng đích: Thuốc điều trị nhắm trúng đích nhằm tấn công các tế bào ung thư cụ thể một cách chính xác dựa trên công nghệ gen.
  • Cấy ghép tế bào gốc: Trong quá trình cấy ghép tủy, tủy bị tổn thương sẽ được thay thế bằng tủy khỏe mạnh từ người hiến tặng.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư tủy

Chế độ sinh hoạt

Người bệnh ung thư tủy cần duy trì một chế độ sinh hoạt lành mạnh để giúp cơ thể chống lại bệnh tật và duy trì sức khỏe tốt. Dưới đây là một số lời khuyên về chế độ sinh hoạt cho người bệnh ung thư tủy:

  • Tập thể dục: Người bệnh ung thư tủy nên tập luyện thể dục đều đặn, tùy theo khả năng và sức khỏe của từng người. Tập các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe hoặc các bài tập thở để giảm căng thẳng.
  • Giữ cho cơ thể được đủ nước: Nên uống đủ nước mỗi ngày để giúp cơ thể giải độc và duy trì chức năng của các cơ quan nội tạng.
  • Điều chỉnh trạng thái tâm lý: Bệnh ung thư tủy có thể gây ra stress và tâm lý khó chịu. Hãy tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè hoặc các nhóm hỗ trợ bệnh nhân ung thư.
  • Ngủ đủ giấc: Hãy cố gắng ngủ đủ giấc mỗi ngày để giúp cơ thể tập trung vào việc phục hồi và duy trì sức khỏe.
  • Tránh các tác nhân gây ung thư: Tránh các tác nhân gây ung thư như hút thuốc lá, uống rượu và tiếp xúc với các chất độc hại.
Ung thư tuỷ là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa ung thư tuỷ 7
Tập thể dục giúp cơ thế chống lại bệnh tật và giúp cơ thể duy trì sức khỏe tốt

Chế độ dinh dưỡng

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh và cân bằng có thể giúp cải thiện sức khỏe và giảm tác dụng phụ của các phương pháp điều trị ung thư tủy. Dưới đây là một số lời khuyên về chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư tủy:

  • Ăn uống đa dạng: Nên ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau để đảm bảo cung cấp đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Tránh ăn quá nhiều các loại thực phẩm chứa đường, chất béo và muối.
  • Tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả: Các loại rau xanh và hoa quả chứa nhiều chất chống oxy hóa và chất chống ung thư, giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác động của các gốc tự do và tăng cường hệ miễn dịch.
  • Tăng cường ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ: Các loại thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc, hạt, đậu và các loại rau quả giúp cải thiện chức năng tiêu hóa và giảm nguy cơ táo bón.
  • Hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa chất béo động vật: Cần hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chứa chất béo động vật như thịt đỏ, phô mai.
  • Tăng cường ăn các thực phẩm giàu protein: Cần tiêu thụ đủ lượng protein để giúp cơ thể phục hồi và duy trì sức khỏe. Nên chọn các nguồn protein từ các loại thực phẩm như đậu, hạt, thịt gia cầm, cá, sữa và trứng.
  • Cân nhắc sử dụng các loại bổ sung dinh dưỡng: Nếu cần thiết, người bệnh có thể sử dụng các loại bổ sung dinh dưỡng như vitamin và khoáng chất để đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.

Lưu ý rằng, cần tham khảo ý kiến ​​chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ để có lời khuyên cụ thể và phù hợp nhất cho từng trường hợp.

Phương pháp phòng ngừa ung thư tủy hiệu quả

Ung thư tủy là một loại bệnh ung thư khá phổ biến, tuy nhiên có thể thực hiện một số phương pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ mắc bệnh. Dưới đây là một số phương pháp phòng ngừa ung thư tủy hiệu quả:

  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Việc thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu của ung thư tủy. Khi phát hiện sớm, bệnh có thể được điều trị hiệu quả hơn.
  • Hạn chế tiếp xúc với các chất gây ung thư: Các chất gây ung thư như thuốc lá, hóa chất, bụi và các chất độc khác có thể tăng nguy cơ mắc ung thư tủy. Hạn chế tiếp xúc với các chất này có thể giảm nguy cơ mắc bệnh.
  • Ăn uống lành mạnh và cân bằng: Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng và giữ cho cơ thể luôn trong tình trạng cân bằng giúp tăng cường hệ miễn dịch và giảm nguy cơ mắc ung thư tủy.
  • Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục đều đặn giúp giảm nguy cơ mắc ung thư tủy bằng cách giảm cân, tăng cường sức khỏe tim mạch và cải thiện chức năng miễn dịch.
  • Tránh tiếp xúc với bức xạ: Tiếp xúc với bức xạ có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư tủy. Tránh tiếp xúc với bức xạ bằng cách sử dụng các biện pháp bảo vệ như đeo kính bảo hộ và mặc quần áo bảo hộ.
  • Giảm stress: Stress có thể làm giảm chức năng miễn dịch và tăng nguy cơ mắc ung thư tủy. Giảm stress bằng cách tập yoga, luyện tập thở và tham gia các hoạt động giải trí.

Lưu ý rằng, việc thực hiện các phương pháp phòng ngừa trên chỉ có thể giảm nguy cơ mắc ung thư tủy, không thể đảm bảo ngăn ngừa hoàn toàn bệnh. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ để được khám và điều trị kịp thời.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.healthline.com/health/cancer/bone-marrow-cancer#diagnosis
  2. https://www.medicalnewstoday.com/articles/320116#treatment
  3. https://www.verywellhealth.com/bone-marrow-cancer-7479594 

Các bệnh liên quan