Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Loạn sản phế quản phổi là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Ngày 26/12/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Loạn sản phế quản phổi là một loại bệnh phổi mắc phải chủ yếu ở trẻ sinh non, những trẻ này cần được hỗ trợ hô hấp sau khi sinh. Loạn sản phế quản phổi là một dạng của bệnh phổi mạn tính. Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin về khái niệm, triệu chứng, nguyên nhân, yếu tố nguy cơ, chẩn đoán, điều trị và phương pháp phòng ngừa loạn sản phế quản phổi.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Loạn sản phế quản phổi là gì?

Thuật ngữ loạn sản phế quản phổi (Bronchopulmonary Dysplasia) lần đầu tiên được đưa ra bởi Northway và cộng sự vào năm 1967 để mô tả một dạng tổn thương mạn tính ở phổi do chênh lệch áp suất môi trường và tổn thương do oxy ở trẻ sinh non cần phải thở máy. 

Mặc dù có những tiến bộ đáng kể trong chăm sóc trẻ sinh non trong những thập kỷ qua, tuy nhiên tỷ lệ mắc bệnh loạn sản phế quản phổi vẫn tiếp tục ở mức cao. Những chiến lược mới này đã cho phép gia tăng tỷ lệ sống sót của trẻ sơ sinh nhẹ cân và dẫn đến sự thay đổi về đặc điểm của bệnh loạn sản phế quản phổi. 

Jobe đặt ra thuật ngữ “loạn sản phế quản phổi mới” vào năm 1999 để mô tả bệnh phổi mạn tính ở trẻ sinh non vào thời điểm đó. “Loạn sản phế quản phổi mới” này cho thấy ít tổn thương đường thở và xơ hóa vách phế nang hơn nhiều khi so sánh với thuật ngữ “loạn sản phế quản phổi cũ” được đặc trưng bởi dị dạng vi mạch và sự đơn giản hóa phế nang.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của loạn sản phế quản phổi

Các triệu chứng của chứng loạn sản phế quản phổi rất khác nhau, chúng có thể bao gồm:

  • Khó thở (suy hô hấp);
  • Nồng độ oxy trong máu thấp;
  • Tím tái ở da và môi;
  • Thở nhanh;
  • Ngừng thở.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu trẻ có:

  • Hơi thở nặng nề và thở nhanh.
  • Bỏ ăn hoặc uống.
  • Cánh mũi phập phồng trong mỗi hơi thở.
  • Có triệu chứng của bệnh do virus (sốt, hắt hơi hoặc ho, sổ mũi, quấy khóc).
  • Chậm phát triển.

Hãy đưa trẻ đến cấp cứu ngay lập tức nếu trẻ ngừng thở, khó thở hoặc da và môi chuyển sang tím tái.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến loạn sản phế quản phổi

Loạn sản phế quản phổi là một bệnh lý đa yếu tố, bệnh chịu tác động của nhiều yếu tố trước và sau sinh ảnh hưởng đến mẹ và trẻ sơ sinh. Các yếu tố nguy cơ trước sinh ảnh hưởng đến sự hình thành bệnh loạn sản phế quản phổi, bao gồm:

  • Thiếu steroid trước khi sinh;
  • Người mẹ hút thuốc lá;
  • Tăng huyết áp/tiền sản giật;
  • Thiếu oxy;
  • Người mẹ bị nhiễm trùng, bao gồm viêm màng ối;
  • Tính nhạy cảm di truyền;
  • Dị tật bẩm sinh gây thiểu sản phổi.

Tương tự, một số yếu tố sau sinh khiến trẻ sinh non mắc bệnh loạn sản phế quản phổi, bao gồm:

  • Phổi chưa trưởng thành;
  • Dinh dưỡng kém;
  • Cần thông khí cơ học;
  • Tổn thương phổi do oxy;
  • Nhiễm trùng/nhiễm trùng huyết.
Loạn sản phế quản phổi là gì? Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị loạn sản phế quản phổi 4.png
Trẻ sinh non cần thông khí cơ học là yếu tố nguy cơ của bệnh loạn sản phế quản phổi

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải loạn sản phế quản phổi?

Tỷ lệ mắc bệnh loạn sản phế quản phổi thay đổi đáng kể giữa các nơi do sự khác nhau trong thực hành chu sinh, sự khác biệt trong quản lý và thiếu định nghĩa nhất quán về bệnh. 

Tỷ lệ mắc bệnh loạn sản phế quản phổi được quan sát cao nhất là ở trẻ sơ sinh được sinh ra ở tuổi thai thấp hơn và cân nặng khi sinh thấp hơn. Dữ liệu từ mạng lưới nghiên cứu trẻ sơ sinh báo cáo tỷ lệ mắc bệnh loạn sản phế quản phổi ở trẻ sơ sinh rất nhẹ cân (cân nặng khi sinh dưới 1500 gram) là 40 đến 68%. Tỷ lệ mắc bệnh này được phát hiện là tỷ lệ nghịch với tuổi thai của trẻ sơ sinh. 

Các yếu tố nguy cơ nhân khẩu học khác liên quan đến loạn sản phế quản phổi bao gồm giới tính nam, cân nặng khi sinh thấp, người da trắng, suy giảm tăng trưởng đối với tuổi thai và tiền căn gia đình mắc bệnh hen suyễn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải loạn sản phế quản phổi

Mức độ sinh non ở trẻ sơ sinh phần lớn là điều khiến trẻ có nguy cơ mắc bệnh loạn sản phế quản phổi. Phần lớn trẻ sơ sinh bị loạn sản phế quản phổi được sinh ra sớm hơn 10 tuần, nặng dưới 2 pound (khoảng 0.9 kg) khi sinh và trẻ được sinh ra có vấn đề về hô hấp. Loạn sản phế quản phổi rất hiếm gặp ở trẻ sơ sinh sau 32 tuần mang thai.

Loạn sản phế quản phổi là gì? Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị loạn sản phế quản phổi 5.png
Trẻ sinh non sớm hơn 10 tuần có nguy cơ mắc bệnh loạn sản phế quản phổi

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm loạn sản phế quản phổi

Không có loại xét nghiệm cụ thể nào để chẩn đoán loạn sản phế quản phổi. Nếu trẻ cần được hỗ trợ thở trong 28 ngày đầu đời, rất có thể trẻ sẽ tiếp tục mắc bệnh loạn sản phế quản phổi. Một số xét nghiệm có thể gợi ý và giúp chẩn đoán bao gồm:

  • Hình ảnh học, như chụp X-quang ngực để quan sát phổi.
  • Xét nghiệm máu để xác định nồng độ oxy trong máu.

Đôi khi siêu âm tim có thể giúp chẩn đoán loại trừ các bất thường về tim bẩm sinh.

Điều trị loạn sản phế quản phổi

Mục tiêu của điều trị loạn sản phế quản phổi là loại bỏ việc sử dụng oxy liệu pháp càng sớm càng tốt. Việc điều trị sẽ cải thiện chức năng phổi của trẻ và khả năng tự thở của trẻ. Điều trị bao gồm:

  • Tăng lượng calo để cải thiện dinh dưỡng cho trẻ và giúp phổi phát triển.
  • Hạn chế dịch bằng thuốc lợi tiểu để giảm lượng dịch trong phổi (phù phổi).
  • Cố gắng giảm dần việc trẻ phụ thuộc vào oxy liệu pháp ở mức có thể dung nạp được.
  • Phẫu thuật đặt một ống vào khí quản của trẻ để giúp thở (mở khí quản).
  • Dùng thuốc để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Loạn sản phế quản phổi là gì? Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị loạn sản phế quản phổi 6.png
Điều trị có thể giúp trẻ bệnh loạn sản phế quản phổi cải thiện chức năng phổi và khả năng tự thở

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của loạn sản phế quản phổi

Chế độ sinh hoạt:

  • Theo dõi và quản lý bệnh: Điều trị loạn sản phế quản phổi thường cần bác sĩ từ chuyên khoa phổi hoặc bác sĩ nhi chuyên về bệnh phổi. Cần theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe, tăng cường quản lý thuốc, và xem xét các biện pháp hỗ trợ khi cần thiết.
  • Môi trường an toàn và không khói thuốc: Đảm bảo môi trường sống của trẻ bệnh loạn sản phế quản phổi không có khói thuốc lá hoặc các chất gây kích ứng khác như bụi, hóa chất hoặc mùi hương mạnh. Điều này giúp giảm nguy cơ viêm phổi và tác động tiêu cực lên hệ thống hô hấp.
  • Tăng cường hoạt động thể chất: Dù có thể gặp khó khăn trong việc tập luyện, nhưng vận động thể chất nhẹ nhàng và theo sự hướng dẫn của bác sĩ có thể giúp cải thiện chức năng hô hấp và tăng cường sức khỏe tổng thể.
  • Tiêm phòng: Đảm bảo trẻ được tiêm đủ các mũi tiêm phòng đúng lịch và theo khuyến nghị của bác sĩ để giảm nguy cơ nhiễm trùng và các bệnh lý liên quan.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Đảm bảo cung cấp đủ lượng calo: Trẻ bệnh loạn sản phế quản phổi thường có nhu cầu calo cao hơn. Nên tăng cường lượng calo từ nguồn dinh dưỡng, chẳng hạn như tăng số lần ăn trong ngày hoặc tăng lượng chất béo trong khẩu phần ăn. Tuy nhiên, việc cung cấp calo nên được điều chỉnh cẩn thận theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để tránh tình trạng tăng cân quá mức.
  • Tăng cường protein: Protein là thành phần quan trọng trong việc xây dựng và phục hồi mô tế bào, bao gồm mô phổi. Đảm bảo cung cấp đủ lượng protein qua việc bổ sung thực phẩm giàu protein như thịt, cá, trứng, đậu và hạt. Nếu cần thiết, bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng có thể chỉ định sử dụng thực phẩm bổ sung protein.
  • Tăng cường chất béo: Chất béo là nguồn năng lượng cao và có vai trò quan trọng trong sự phát triển và bảo vệ phổi. Chọn các nguồn chất béo lành mạnh như dầu ôliu, dầu cây lạc, dầu cá, hạt và quả cung cấp axit béo không no và omega-3. Đảm bảo lượng chất béo hợp lý trong chế độ ăn giúp cung cấp năng lượng và hỗ trợ quá trình phục hồi phổi.
  • Đủ vitamin và khoáng chất: Bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cần thiết là quan trọng để hỗ trợ chức năng miễn dịch, sự phát triển và chức năng hô hấp. Đảm bảo chế độ ăn đa dạng với các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất, bao gồm rau xanh, trái cây, hạt, cá, thịt và sữa.
  • Hạn chế chất kích thích và kích ứng: Tránh sử dụng các chất kích thích như caffeine và các chất gây kích ứng khác có thể làm tăng tình trạng kích ứng phổi và khó thở. Ngoài ra, hạn chế sử dụng các loại thực phẩm có thể gây dị ứng hoặc kích ứng như hóa chất, gia vị mạnh, thực phẩm chế biến sẵn và thức ăn nhanh.
  • Tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng: Mỗi trường hợp loạn sản phế quản phổi có thể có nhu cầu dinh dưỡng riêng biệt và yêu cầu quản lý tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và phát triển của từng người bệnh. Cần phải tuân thủ và tương tác với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp và tối ưu cho trẻ bệnh loạn sản phế quản phổi.

Phòng ngừa loạn sản phế quản phổi

Nếu bạn đang mang thai, điều quan trọng là phải giữ cho bản thân và em bé khỏe mạnh và thực hiện các biện pháp để tránh chuyển dạ sớm. Nguy cơ sinh con mắc chứng loạn sản phế quản phổi giảm đáng kể nếu phổi của trẻ có đủ thời gian phát triển trong bụng mẹ. Bạn có thể giảm nguy cơ sinh con sớm bằng cách:

  • Tránh hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích và rượu khi đang mang thai.
  • Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh và bổ dưỡng.
  • Khám thai định kỳ theo hẹn của bác sĩ.
  • Giảm căng thẳng.
Loạn sản phế quản phổi là gì? Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị loạn sản phế quản phổi 7.png
Tránh hút thuốc lá ở phụ nữ mang thai giúp phòng ngừa loạn sản phế quản phổi

Các câu hỏi thường gặp về loạn sản phế quản phổi

Biến chứng của loạn sản phế quản phổi là gì?

Loạn sản phế quản phổi là một trong những bệnh lý phổ biến nhất liên quan đến sinh non và có liên quan đến các biến chứng sau:

  • Tăng huyết áp;
  • Kém phát triển thần kinh;
  • Tăng áp động mạch phổi;
  • Phì đại thất trái và rối loạn chức năng thất trái.

Hội chứng suy hô hấp có gây loạn sản phế quản phổi không?

Trẻ sinh ra mắc hội chứng suy hô hấp có thể mắc bệnh loạn sản phế quản phổi, nhưng không phải tất cả trẻ sơ sinh đều mắc bệnh này. Hội chứng suy hô hấp thường gặp ở trẻ sơ sinh có phổi kém phát triển, đặc biệt là trẻ sinh non. Khi phổi của chúng không có đủ chất hoạt động bề mặt, các phế nang trong phổi sẽ không nở ra như bình thường.

Trẻ mắc hội chứng suy hô hấp đôi khi cần phải sử dụng máy thở, sử dụng máy thở lâu ngày sẽ gây ra chứng loạn sản phế quản phổi.

Nguyên nhân gì khiến con tôi sinh non?

Trẻ sinh non (trước tuần thứ 37 của thai kỳ) có nguy cơ cao mắc chứng loạn sản phế quản phổi. Những nguyên nhân thường gặp nhất khiến phụ nữ mang thai sinh con sớm, bao gồm:

  • Hút thuốc lá hoặc sử dụng các sản phẩm từ thuốc lá.
  • Sử dụng rượu và ma túy.
  • Tăng huyết áp (tiền sản giật).
  • Nhiễm trùng (viêm màng ối).
  • Bệnh mạn tính (bệnh đái tháo đường).

Nếu bạn đang mang thai, hãy khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để đảm bảo cả bạn và thai nhi đều an toàn và khỏe mạnh.

Loạn sản phế quản phổi có thể chữa khỏi không?

Không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho loạn sản phế quản phổi, nhưng việc điều trị sẽ làm giảm nguy cơ tổn thương phổi thêm và giúp phổi của trẻ phát triển và hồi phục.

Sau khi điều trị bao lâu thì con tôi có thể tự thở được?

Sau khi điều trị, sức khỏe của trẻ sẽ dần được cải thiện trong vài tháng. Trong thời gian này, phổi của trẻ sẽ tiếp tục hồi phục và phát triển với mục tiêu là trẻ có thể tự thở.

Nguồn tham khảo
  1. Bronchopulmonary Dysplasia: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK539879/
  2. An Overview of BPD in Premature Babies: https://www.verywellhealth.com/what-is-bpd-in-preemies-2748616
  3. Bronchopulmonary dysplasia (BPD): Clinical features and diagnosis:https://www.uptodate.com/contents/bronchopulmonary-dysplasia-bpd-clinical-features-and-diagnosis
  4. Bronchopulmonary Dysplasia: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22675-bronchopulmonary-dysplasia
  5. Learn About Bronchopulmonary Dysplasia: https://www.lung.org/lung-health-diseases/lung-disease-lookup/bronchopulmonary-dysplasia/learn-about-bpd

Các bệnh liên quan

  1. Phổi tắc nghẽn mãn tính

  2. Ho ra máu

  3. Viêm phổi kẽ tróc vảy

  4. Tràn khí màng phổi

  5. Khó thở

  6. U phổi

  7. Xuất huyết phế nang lan tỏa

  8. Nhiễm trùng nấm Aspergillus

  9. COVID-19

  10. Viêm phổi do Pneumocystis jirovecii