Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Acid uric thấp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục

Ngày 28/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Acid uric cao làm tăng nguy cơ bệnh gút còn acid uric thấp thì bị bệnh gì? Cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu những thông tin thú vị xoay quanh vấn đề sức khỏe này nhé!

Acid uric huyết là một chỉ số quan trọng đối với việc ngăn ngừa bệnh gout. Người ta thường quan tâm nhiều đến tình trạng tăng acid uric nhưng ít ai biết được khi nồng độ chất này giảm cũng nguy hiểm không kém. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu liệu acid uric thấp sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào ngay sau đây nhé!

Đôi nét về chỉ số acid uric huyết

Axit uric huyết là một dạng hợp chất dị vòng có công thức hóa học là C5H4N4O3. Axit uric được tạo thành trong cơ thể do quá trình thoái giáng các nhân purin. Sau đó chúng được hòa tan trong máu và đưa đến thận và thải ra ngoài qua nước tiểu.

Nồng độ acid uric trong máu cao hay thấp đều là dấu hiệu sức khỏe cảnh báo rằng đang có một cơ quan nào đó bị rối loạn. Đó có thể là do thay đổi chế độ ăn, rối loạn tiêu hóa, rối loạn chức năng thận dẫn đến quá trình thải trừ gặp vấn đề. Vì vậy thường xuyên theo dõi nồng độ acid uric huyết định kỳ có thể giúp bạn phòng ngừa rất nhiều bệnh lý nguy hiểm.

Acid uric thấp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục 1
Acid uric thấp cảnh báo nhiều nguy cơ sức khỏe

Thế nào gọi là acid uric thấp?

Acid uric thấp là một bệnh ít gặp, khi lượng acid uric trong máu dưới mức bình thường. Mức acid uric bình thường ở người lớn là từ 2 đến 7 mg/dl, tùy thuộc vào giới tính và tuổi tác.

Bản chất tình trạng acid uric thấp là lành tính, không gây quá nhiều biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, nguyên nhân gây ra tình trạng trên mới là điều đáng quan tâm. Người bị hạ acid uric thấp kéo dài nên tìm đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám để tìm hiểu nguyên nhân.

Nguyên nhân gây giảm acid uric huyết

Nếu bạn có chỉ số acid uric huyết giảm bất thường trong thời gian dài, dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp:

  • Bệnh lý tiêu hóa: Acid uric được tạo ra từ purin trong protein. Khi quá trình hấp thu có vấn đề thì lượng purin được hấp thu vào cơ thể sẽ suy giảm. Lâu dần nồng độ acid uric trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng đáng kể.
  • Bệnh gan: Gan chính là cơ quan chuyển hóa purin thành acid uric. Khi gan bị suy giảm chức năng chẳng hạn như viêm gan, xơ gan,... lượng acid uric được tạo ra cũng sẽ thấp hơn bình thường.
  • Bệnh thận: Thận là cơ quan đào thải acid uric ra khỏi cơ thể thông qua đường nước tiểu. Một số bệnh lý như hội chứng Fanconi, sỏi thận làm chức năng thận rối loạn có thể làm ảnh hưởng đến nồng độ acid uric huyết.
  • Suy dinh dưỡng: Thiếu chất đạm trong khẩu phần ăn chính là nguyên nhân thường gặp gây hạ acid uric hơn mức bình thường ở người bị suy dinh dưỡng.

Hầu hết các bệnh lý liên quan đến tình trạng acid uric thấp đều diễn ra âm thầm khiến cho người bệnh chủ quan hoặc không hay biết. Trong trường hợp này, khám sức khỏe định kỳ là một trong những giải pháp giúp phát hiện nguy cơ và phòng bệnh kịp thời.

Acid uric thấp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục 2
Suy dinh dưỡng, chán ăn cũng có thể làm giảm acid uric huyết

Cách phòng ngừa giảm acid uric huyết

Nhìn chung, giảm acid uric huyết là dấu hiệu cơ thể bạn đang mất cân bằng. Áp dụng các nguyên tắc sau để phòng ngừa tình trạng trên hiệu quả:

  • Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục là hoạt động khiến máu huyết lưu thông, cơ thể cân bằng lại các quá trình chuyển hóa bên trong và ngăn ngừa nhiều bệnh lý nguy hiểm. Khi cơ thể khỏe mạnh thì các rối loạn sẽ tự nhiên được chữa lành theo thời gian.
  • Ăn nhiều thịt đỏ: Bổ sung vào chế độ ăn hằng ngày các loại thịt đỏ như heo, bò, cừu,... để bổ sung thêm đạm cho cơ thể.
  • Thăm khám bác sĩ: Các nguyên nhân gây ra giảm acid uric khá đa dạng và phức tạp. Hãy đến tham khảo ý kiến bác sĩ ngay khi có kết quả nồng độ chất này bị hạ thấp để có phương án xử lý kịp thời nhất.

Bạn có thể áp dụng tất cả các phương pháp trên kết hợp với tuân thủ điều trị theo bác sĩ để mang lại hiệu quả kiểm soát acid uric huyết tốt nhất. Lưu ý rằng cũng nên đến tái khám đúng hẹn bác sĩ để theo dõi hiệu quả của việc điều trị nhé!

Acid uric thấp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục 3
Thăm khám bác sĩ là lựa chọn an toàn để kiểm soát acid uric huyết

Bệnh nhân có acid uric thấp cần làm gì?

Nếu kết quả bạn nhận được nồng độ acid uric thấp kéo dài sau nhiều lần tái khám, hãy trình bày nó với chuyên viên sức khỏe. Bên cạnh đó, hãy duy trì:

  • Thư giãn: Một số rối loạn có thể tiếp tục diễn ra nếu bạn bị stress, lo âu, mất ngủ. Thư giãn đầu óc là cách tốt nhất trong lúc này để tạo điều kiện cho cơ thể phục hồi. Nên chọn cho mình một loại hình thể thao giải trí để vừa kết hợp với vận động giúp tăng cường sức khỏe một cách toàn diện.
  • Tuân thủ điều trị: Uống thuốc đúng liều, đủ lượng và khi muốn sử dụng thêm bất kỳ sản phẩm nào phải hỏi ý kiến bác sĩ. Việc tự ý bổ sung thêm thuốc tây hoặc thậm chí là thảo mộc có thể dẫn đến tương tác khiến bệnh ngày càng nghiêm trọng hơn.
  • Thay đổi chế độ dinh dưỡng: Nếu bạn chán ăn hãy bổ sung các dạng thực phẩm chức năng kích thích ăn ngon. Nếu chế độ ăn thiếu dinh dưỡng hãy tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để thiết lập cho mình một thực đơn phong phú hơn. Cơ thể của bạn không thể khỏe mạnh nếu thiếu các dưỡng chất thiết yếu.
  • Tránh uống bia rượu: Theo lý thuyết thì các thức uống có cồn này sẽ làm tăng cao nồng độ acid uric huyết sau một thời gian. Tuy nhiên, chúng cũng gây hại đến hầu hết các cơ quan chuyển hóa chất này như gan, thận,... Do vậy, lạm dụng rượu bia càng làm trầm trọng thêm tình trạng acid uric thấp.

Như vậy không chỉ tăng acid uric mới gây hại mà việc giảm quá thấp nồng độ chất này trong máu cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe không kém. Nếu tình trạng này xảy ra, nhanh chóng đến gặp bác sĩ để chẩn đoán nguyên nhân là lựa chọn khôn ngoan và an toàn nhất.

Trên đây là một số thông tin cơ bản về tình trạng acid uric thấp, mong có thể giúp bạn thu thập thêm các hiểu biết mới về tình trạng này để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Hy vọng sẽ cùng đồng hành với các bạn trong những bài viết mới nhất của Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm: Chỉ số acid uric bình thường là bao nhiêu mới an toàn?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm