Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh mạch vành có chữa khỏi được không? Các phương pháp điều trị bệnh mạch vành

Ngày 05/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh mạch vành là một trong những bệnh tim mạch phổ biến hiện nay. Mỗi khi nhắc đến bệnh mạch vành, nhiều người không khỏi lo lắng liệu rằng bệnh mạch vành có chữa khỏi được không? Trong bài viết hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn đọc giải đáp nỗi băn khoăn này một cách chi tiết nhất.

Bệnh mạch vành có chữa khỏi được không? Đây đang là nỗi lo lắng của rất nhiều độc giả. Trước khi giải đáp thắc mắc này, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu điểm qua một vài thông tin cơ bản về bệnh mạch vành trước bạn nhé.

Tổng quan về bệnh mạch vành

Bệnh mạch vành hay bệnh động mạch vành là một bệnh tim mạch phổ biến và vô cùng nguy hiểm, đang có xu hướng ngày một gia tăng hiện nay. Đây là căn nguyên gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam nói riêng và các quốc gia trên thế giới nói chung.

Bệnh mạch vành xảy ra khi một hoặc nhiều nhánh của động mạch vành bị tắc nghẽn hoặc chít hẹp gây ra bởi các mảng xơ vữa động mạch, làm giảm lưu lượng máu đến tim.

Khi bệnh mạch vành tiến triển nặng sẽ gây cản trở sự lưu thông máu, hậu quả là tim không được cung cấp đủ lượng máu và oxy cần thiết gây ra các cơn đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim. Khi một cục máu đông đột ngột di chuyển đến đoạn hẹp của mạch máu sẽ gây tắc mạch, chấm dứt nguồn cung cấp máu cho tim và khiến cho tim bị tổn thương vĩnh viễn.

Theo thời gian, nếu không được can thiệp điều trị, bệnh sẽ diễn tiến nặng làm gia tăng áp lực lên cơ tim, khiến cơ tim hoạt động nhiều hơn và trở nên bị suy yếu. Lúc này, người bệnh có thể phải đối mặt với tình trạng loạn nhịp tim, thậm chí là suy tim. Đây được đánh giá là những biến chứng vô cùng nguy hiểm của bệnh mạch vành. Một câu hỏi đặt ra: Bệnh mạch vành có chữa khỏi được không?

Bệnh mạch vành có chữa khỏi được không? Các phương pháp điều trị bệnh mạch vành 1
Bệnh mạch vành là một trong những căn bệnh vô cùng nguy hiểm

Bệnh mạch vành có chữa khỏi được không?

Bệnh mạch vành có chữa khỏi được không là nỗi băn khoăn rất lớn đối với hầu hết người bệnh không may mắc phải căn bệnh này.

Trong nhiều năm trở lại đây, bệnh mạch vành được đánh giá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến cho người bệnh luôn mong muốn tìm kiếm được các phương pháp điều trị căn bệnh này. Vậy bệnh mạch vành có chữa khỏi được không?

Tính đến thời điểm hiện tại, y học vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị dứt điểm căn bệnh động mạch vành. Tuy nhiên, một số phương pháp điều trị được đưa ra có thể giúp người bệnh cải thiện các triệu chứng của bệnh mạch vành, đồng thời ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như suy tim, nhồi máu cơ tim và đột quỵ…

Chia sẻ kỹ hơn về chủ đề bệnh mạch vành có thể chữa khỏi không, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cho hay: Dù không thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh mạch vành nhưng tiên lượng của người bệnh vẫn rất khả quan. Ngày nay, có rất nhiều phương pháp can thiệp ra đời và có hiệu quả cải thiện bệnh mạch vành rất tốt. Điều quan trọng là người bệnh luôn phải giữ tinh thần lạc quan và điều trị tích cực ngay từ khi phát hiện bệnh.

Bệnh mạch vành có chữa khỏi được không? Các phương pháp điều trị bệnh mạch vành 2
Bệnh mạch vành có chữa khỏi được không là thắc mắc của nhiều người

Phương pháp điều trị bệnh mạch vành

Cùng với băn khoăn bệnh mạch vành có chữa được không thì các phương pháp điều trị bệnh tim mạch nói chung và bệnh mạch vành nói riêng cũng là chủ đề được nhiều người quan tâm.

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp được áp dụng trong công tác điều trị bệnh mạch vành như điều trị nội khoa bằng thuốc, can thiệp phẫu thuật, sử dụng thảo dược và thay đổi lối sống… Tuy nhiên, theo các chuyên gia tim mạch, người bệnh nên kết hợp linh hoạt các phương pháp điều trị này dưới sự hướng dẫn của bác sĩ để đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất cũng như hạn chế các tác dụng không mong muốn trong quá trình điều trị.

Dưới đây là một số phương pháp điều trị bệnh mạch vành, bạn đọc có thể tham khảo:

Thay đổi lối sống

Một lối sống khoa học và lành mạnh là chìa khóa giúp người bệnh đẩy lùi sự tiến triển của bệnh. Cụ thể, người mắc bệnh động mạch vành cần:

  • Duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa như đồ chiên rán, bơ, nội tạng động vật… Bên cạnh đó, người bệnh nên bổ sung thêm các loại thực phẩm tốt cho tim mạch như trái cây và rau xanh, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt.
  • Nói không với các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, caffeine…
  • Luôn kiểm soát, duy trì cân nặng và huyết áp ở mức ổn định.
  • Thường xuyên tập thể dục đều đặn: Tối thiểu 30 phút/ngày và 5 buổi/tuần.
  • Tránh căng thẳng, stress, đồng thời duy trì chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý.

Điều trị nội khoa

Căn cứ vào các triệu chứng, rối loạn và chức năng tim, các bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị nội khoa phù hợp với từng trường hợp bệnh. Trên thực tế, sử dụng thuốc là ưu tiên hàng đầu trong điều trị bệnh động mạch vành nhằm giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh như đau tức ngực, mệt mỏi, khó thở, đồng thời kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ như huyết áp cao, mỡ máu cao và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Một số nhóm thuốc thường được sử dụng trong điều trị bệnh mạch vành bao gồm thuốc chống kết tập tiểu cầu, thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh calci, thuốc giãn mạch, thuốc chống đông máu…

Bệnh mạch vành có chữa khỏi được không? Các phương pháp điều trị bệnh mạch vành 3
Sử dụng thuốc giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh mạch vành

Can thiệp đặt stent và phẫu thuật

Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc thì người bệnh mạch vành còn có thể được bác sĩ chỉ định can thiệp đặt stent mạch vành, phẫu thuật bắc cầu động mạch vành hoặc điều trị bằng sóng xung kích. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng đủ điều kiện cũng như tiêu chuẩn để thực hiện các phương pháp này.

Trên thực tế, can thiệp phẫu thuật chỉ được tiến hành trên người bệnh tắc hẹp động mạch vành từ 70% trở lên, không còn đáp ứng với thuốc và thường xuyên gặp phải các cơn đau thắt ngực không ổn định. Sau phẫu thuật, nếu không được chăm sóc tốt thì người bệnh có nguy cơ tái phát tình trạng tắc hẹp mạch vành.

Sử dụng thảo dược tự nhiên

Mặc dù không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh nhưng việc sử dụng các sản phẩm hỗ trợ được chiết xuất từ thảo dược cũng đã giúp không ít người bệnh thoát khỏi mối nguy hiểm về biến chứng suy tim và nhồi máu cơ tim gây ra bởi bệnh mạch vành.

Nhiều chuyên gia tim mạch cũng nhận định rằng, người mắc bệnh mạch vành hoàn toàn nên sử dụng các chế phẩm chứa các loại thảo dược tốt cho bệnh tim mạch như hoàng đằng, đan sâm, thông Dahurian…

Biện pháp ngăn ngừa bệnh mạch vành

Chủ động phòng bệnh tim mạch nói chung và bệnh mạch vành nói riêng là điều vô cùng cần thiết, giúp bạn giảm thiểu được rất nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm. Dưới đây là một số biện pháp ngăn ngừa bệnh mạch vành, bạn đọc có thể tham khảo:

  • Duy trì chế độ dinh dưỡng cũng như sinh hoạt khoa học và lành mạnh.
  • Kiểm soát và duy trì cân nặng ở mức độ hợp lý.
  • Duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên và điều đặn.
  • Tránh căng thẳng, mệt mỏi, luôn giữ tâm lý thoải mái nhất có thể.
  • Nói không với các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ 3 - 6 tháng/lần.
  • Kiểm soát tốt các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành như các bệnh lý liên quan đến tim mạch, đái tháo đường, béo phì, rối loạn chuyển hóa…
Bệnh mạch vành có chữa khỏi được không? Các phương pháp điều trị bệnh mạch vành 4
Thường xuyên tập thể dục giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh mạch vành

Trên đây là toàn bộ những thông tin xoay quanh chủ đề bệnh mạch vành có chữa khỏi được không mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng qua bài viết hôm nay, bạn đọc sẽ có cái nhìn chính xác hơn về căn bệnh này, đồng thời nắm được các biện pháp dự phòng bệnh mạch vành. Nhà thuốc Long Châu chúc bạn sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm