Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Bong gân mắt cá chân và những điều cần biết

Ngày 19/12/2024
Kích thước chữ

Bong gân mắt cá chân là một chấn thương phổ biến mà nhiều người có thể gặp phải, thường gây đau nhói trong thời gian ngắn và có thể hồi phục nhanh chóng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chấn thương này có thể trở nên nghiêm trọng, gây sưng tấy và đau đớn dữ dội. Việc hiểu rõ cách xử lý khi bị bong gân mắt cá chân sẽ giúp giảm thiểu tổn thương và hỗ trợ quá trình hồi phục nhanh chóng.

Bong gân mắt cá chân hay còn gọi là trật mắt cá chân là tình trạng dễ xảy ra trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Nếu được sơ cứu đúng cách, người bệnh sẽ phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, việc xử lý không đúng có thể làm tăng mức độ tổn thương và kéo dài thời gian điều trị.

Bong gân mắt cá chân

Mắt cá chân, điểm tiếp nối giữa bàn chân và cẳng chân, đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc của khớp cổ chân.

Bong gân mắt cá chân xảy ra khi các dây chằng xung quanh mắt cá chân bị giãn hoặc rách, thường do một chấn thương đột ngột. Chấn thương này có thể gặp phải ở mọi độ tuổi, đặc biệt là đối với những người tham gia thể thao hoặc làm công việc yêu cầu vận động chân tay nhiều. Các triệu chứng thường gặp bao gồm sưng tấy và đau nhức dữ dội ngay khi bị chấn thương, sau đó là cơn đau âm ỉ, làm hạn chế khả năng vận động.

Nếu được sơ cứu và điều trị kịp thời, bong gân mắt cá chân không gây ra nguy hiểm nghiêm trọng hoặc ảnh hưởng lâu dài đến chức năng của khớp. Tuy nhiên, thời gian hồi phục sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương.

Bong gân mắt cá chân và những điều cần biết 1
Bong gân mắt cá chân xảy ra khi các dây chằng xung quanh mắt cá chân bị tổn thương

Phân loại bong gân mắt cá chân

Bong gân độ 1

Bong gân độ 1 xảy ra khi các dây chằng bị giãn nhẹ hoặc có những vết rách nhỏ. Cơn đau thường không quá nghiêm trọng, chủ yếu là sưng nhẹ ở vùng mắt cá chân kèm theo cảm giác đau nhức âm ỉ, đặc biệt khi có tác động vào vùng bị tổn thương. Thời gian hồi phục cho bong gân độ 1 thường dao động từ 1 - 2 tuần sau khi được điều trị thích hợp.

Bong gân độ 2

Bong gân độ 2 là tình trạng dây chằng bị rách một phần. Người bệnh sẽ gặp phải sưng tấy nghiêm trọng ở cổ chân và gặp khó khăn khi cử động do cơn đau buốt. Thời gian hồi phục và điều trị cho bong gân độ 2 thường kéo dài từ 4 - 6 tuần.

Bong gân độ 3

Bong gân độ 3 là mức độ nghiêm trọng nhất, khi dây chằng bị rách hoàn toàn. Sự sưng tấy và cơn đau dữ dội gây khó khăn trong việc di chuyển, khớp trở nên không ổn định và có thể xuất hiện các vết bầm tím lan rộng. Thời gian hồi phục cho bong gân độ 3 thường là lâu nhất, có thể lên đến 12 tuần.

Nguyên nhân gây bong gân mắt cá chân

Mắt cá chân có thể lệch khỏi vị trí và gây rách gân bởi các nguyên nhân như:

  • Tiếp đất không vững sau khi nhảy hoặc xoay người.
  • Di chuyển trên địa hình gồ ghề, không bằng phẳng.
  • Ngã hoặc vấp chân dẫn đến mất thăng bằng.
  • Vô tình giẫm lên vật cản khi đi lại.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bong gân mắt cá chân bao gồm:

  • Tham gia các môn thể thao như bóng rổ, tennis, bóng đá hoặc điền kinh.
  • Di chuyển trên địa hình không đồng đều.
  • Tiền sử chấn thương mắt cá chân.
  • Mắt cá chân không đủ linh hoạt.
  • Thói quen mang giày cao gót.
Bong gân mắt cá chân và những điều cần biết 2
Đi giày cao gót thường xuyên cũng tăng nguy cơ bị bong gân mắt cá chân khi trật, ngã

Triệu chứng bong gân mắt cá chân thường gặp

Khi bong gân mắt cá chân, người bệnh thường gặp các triệu chứng sau:

  • Hạn chế vận động ở vùng mắt cá chân.
  • Đau nhức, sưng tấy, và xuất hiện vết bầm tím.
  • Cảm giác mắt cá chân bị lệch khỏi vị trí ban đầu.
  • Nghe thấy tiếng "gãy" tại thời điểm chấn thương.

Phương pháp chẩn đoán

Chẩn đoán bong gân mắt cá chân chủ yếu dựa vào các phương pháp đánh giá hình ảnh, giúp bác sĩ đưa ra phương án điều trị phù hợp cho bệnh nhân. Quy trình chẩn đoán thường bao gồm các bước sau:

Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ kiểm tra và so sánh mức độ sưng tấy của mắt cá chân bị chấn thương với mắt cá chân còn lại. Sau đó, bác sĩ sẽ thực hiện việc sờ nắn vùng khớp bị tổn thương để xác định dây chằng nào bị ảnh hưởng. Cuối cùng, bác sĩ sẽ gấp duỗi cổ chân để đánh giá phạm vi cử động và độ ổn định của khớp.

Chẩn đoán cận lâm sàng:

  • Chụp X-quang: Giúp đánh giá tình trạng xương quanh vùng mắt cá chân, đồng thời loại trừ khả năng gãy xương.
  • Chụp cộng hưởng từ MRI: Cung cấp hình ảnh chi tiết về cấu trúc mềm và dây chằng của mắt cá chân.
  • Siêu âm: Được sử dụng để đánh giá mức độ tổn thương của các dây chằng tại mắt cá chân bị bong gân.
  • Chụp CT: Cung cấp hình ảnh chi tiết về tình trạng xương khớp tại khu vực bị bong gân.
Bong gân mắt cá chân và những điều cần biết 3
Khi nghi ngờ bị bong gân nên đi chụp X-quang để loại trừ các tổn thương xương có thể đi kèm

Biến chứng sau bong gân mắt cá chân

Bong gân mắt cá chân hiếm khi gây biến chứng, nhưng nếu không được điều trị và chăm sóc đúng cách, có thể dẫn đến:

  • Đau nhức mạn tính ở mắt cá chân.
  • Mắt cá chân kém ổn định, làm giảm khả năng di chuyển và sức mạnh của chân.
  • Viêm khớp mạn tính tại vùng mắt cá chân.

Điều trị bong gân mắt cá chân như thế nào?

Một số phương pháp đơn giản điều trị bệnh

  • Nghỉ ngơi: Khi bị bong gân mắt cá chân, người bệnh nên nghỉ ngơi hoàn toàn, tránh vận động để không làm tổn thương vùng mắt cá chân thêm nghiêm trọng.
  • Chườm đá lạnh: Phương pháp này giúp giảm sưng và đau hiệu quả. Người bệnh có thể chườm túi lạnh vào vùng mắt cá chân khoảng 15 - 30 phút, sau đó thực hiện lại sau 4 giờ.
  • Đè ép: Sử dụng nẹp và băng để giữ ổn định cho vùng mắt cá chân. Tuy nhiên, chỉ nên thực hiện khi đã hết sưng và không quấn quá chặt, vì nếu quá chặt, có thể ảnh hưởng đến lưu thông máu, khiến vết thương nghiêm trọng hơn và quá trình phục hồi lâu dài.
  • Nâng cao chân: Đây là phương pháp phổ biến giúp giảm sưng ở chân khi bị chấn thương. Nên nâng cao chân cao hơn tim trong 48 giờ đầu tiên kể từ khi bị chấn thương.
  • Dùng nạng: Với bong gân mắt cá chân mức độ nhẹ, sử dụng nạng sẽ giúp người bệnh di chuyển dễ dàng hơn mà không làm tăng tổn thương vùng mắt cá chân.
  • Vật lý trị liệu: Khi vùng mắt cá chân đã giảm sưng và đau, các bài tập vật lý trị liệu là rất quan trọng để phục hồi khả năng vận động. Nên tham khảo các chuyên gia để lựa chọn bài tập phù hợp, tránh tập sai cách hoặc quá sức, vì có thể gây tổn thương nghiêm trọng và ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của khớp.
Bong gân mắt cá chân và những điều cần biết 4
Chườm đá lạnh là phương pháp giảm sưng đau có thể dễ dàng thực hiện tại nhà

Điều trị phẫu thuật

Hầu hết các trường hợp bong gân mắt cá chân có thể điều trị hiệu quả bằng phương pháp không phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu sau khi áp dụng các phương pháp điều trị không phẫu thuật mà tình trạng vẫn không cải thiện, bác sĩ có thể xem xét việc phẫu thuật.

Mục tiêu của phẫu thuật là loại bỏ các mảnh xương hoặc sụn lỏng lẻo, đồng thời nối hoặc tái tạo lại dây chằng bị rách hoặc đứt. Tùy vào mức độ và tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ quyết định phương pháp phẫu thuật phù hợp, có thể là mổ hở hoặc mổ nội soi. Sau phẫu thuật, một số bệnh nhân vẫn cần sử dụng nạng hoặc thanh nẹp để bảo vệ và hỗ trợ mắt cá chân trong quá trình hồi phục.

Phương pháp phòng ngừa

Không có phương pháp nào đảm bảo ngăn ngừa hoàn toàn bong gân mắt cá chân, nhưng người bệnh có thể giảm thiểu nguy cơ chấn thương bằng cách thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:

  • Trước khi tham gia các môn thể thao, đặc biệt là các môn có cường độ cao và phức tạp như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, gym,... người chơi cần chú ý khởi động kỹ càng để giảm nguy cơ chấn thương.
  • Đảm bảo thực hiện đúng động tác khi tập luyện để tránh chấn thương do sai tư thế.
  • Sử dụng băng bảo vệ mắt cá chân trong quá trình chơi thể thao để hỗ trợ khớp.
  • Chọn giày có kích cỡ phù hợp với chân và thích hợp với môn thể thao đang tập luyện.
  • Hạn chế đi giày cao gót thường xuyên, vì có thể gây áp lực lên mắt cá chân.
  • Tập luyện thể thao đều đặn giúp tăng cường sự linh hoạt và sức khỏe của mắt cá chân.

Mặc dù bong gân mắt cá chân thường tự lành ở mức độ nhẹ, những trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến đứt hoàn toàn dây chằng, gây ảnh hưởng lâu dài và yêu cầu phẫu thuật. Do đó, không nên bỏ qua các triệu chứng đau nhức hoặc tự ý điều trị tại nhà. Việc thăm khám và điều trị kịp thời từ bác sĩ sẽ giúp rút ngắn thời gian hồi phục, giảm nguy cơ biến chứng mãn tính và tái phát bong gân trong tương lai.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin