Cách chế biến yến sào đảm bảo giữ nguyên các chất dinh dưỡng
Ngày 19/10/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Để tận dụng tối đa các dưỡng chất có trong yến sào, việc chế biến đúng cách đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu sẽ chỉ cho bạn cách chế biến yến sào đảm bảo giữ nguyên các chất dinh dưỡng.
Yến sào có nhiều công dụng, tác dụng lên sức khỏe một cách toàn diện từ tim mạch, xương khớp, khí huyết, miễn dịch,... Tuy nhiên việc chế biến sai cách có thể làm mất đi những thành phần dinh dưỡng quan trọng. Bài viết này sẽ chia sẻ cách chế biến yến sào khoa học, giúp giữ trọn vẹn giá trị dinh dưỡng để tận dụng tối đa lợi ích của yến sào.
Cách sơ chế yến
Để đảm bảo giữ được tối đa các chất dinh dưỡng có trong yến sào, công đoạn sơ chế trước khi chế biến đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt là đối với loại yến thô nguyên tổ còn lẫn lông và tạp chất. Theo cách sơ chế sau đây:
Bước 1: Ngâm tổ yến vào tô nước sạch trong khoảng 1 phút để tổ yến mềm ra.
Bước 2: Đặt yến vào một tấm khăn vải, trùm kín yến và sau đó bỏ vào hộp kín đậy nắp.
Bước 3: Để hộp yến trong ngăn mát tủ lạnh từ 4 đến 6 tiếng để tổ yến được ủ mềm.
Bước 4: Lấy yến ra khỏi hộp và ngâm tiếp vào tô nước sạch. Tách các phần yến có ít lông và nhiều lông để dễ nhặt.
Bước 5: Bóp nhẹ yến cho ráo nước và đặt lên dĩa trắng.
Bước 6: Dùng nhíp chuyên dụng để nhặt lông và tạp chất ra khỏi tổ yến. Khi nhặt, nhúng đầu nhíp vào chén nước để lông dễ rơi ra hơn.
Bước 7: Sau khi nhặt lông, rửa sạch lại phần yến, bóp nhẹ cho ráo nước và yến đã sẵn sàng để chưng.
Lưu ý: Để quá trình sơ chế nhanh gọn, bạn nên chuẩn bị sẵn các dụng cụ cần thiết như: Tô, dĩa, chén nước sạch màu trắng, nhíp chuyên dụng, hộp kín có nắp và khăn vải.
Nếu bạn chọn yến tinh chế hoặc yến rút lông, quá trình sơ chế sẽ đơn giản hơn. Chỉ cần ngâm yến vào nước sạch trong khoảng 30 phút để yến nở đều, sau đó vớt ra là có thể tiến hành chế biến ngay.
Cách chế biến yến sào thơm ngon, trọn vị dinh dưỡng
Một số công thức chế biến yến sào sau đây có thể giúp giữ nguyên các chất dinh dưỡng và hương vị thơm ngon
Yến sào chưng đường phèn
Đây là cách chế biến yến sào đơn giản, dễ làm nhất. Bạn cũng có thể biến tấu thêm bằng cách cho thêm vài quả táo đỏ. Món ăn này có tác dụng bổ máu, thanh nhiệt và giải độc. Dưới đây là cách thực hiện:
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
Tổ yến: 10g;
Đường phèn: 50g;
Nước: 500ml;
Các bước thực hiện:
Bước 1: Ngâm tổ yến trong nước ấm khoảng 2 tiếng cho đến khi yến nở ra. Sau đó, vớt yến ra và rửa sạch, loại bỏ tạp chất. Xé nhỏ tổ yến để dễ chế biến.
Bước 2: Đun nước trong nồi chưng cách thủy cho đến khi sôi. Hòa đường phèn vào nồi nước và khuấy đều cho tan hoàn toàn.
Bước 4: Tiếp theo, thêm tổ yến vào nồi và đun sôi lại. Giảm lửa và chưng nhỏ khoảng 10 phút để tổ yến mềm và ngấm đều đường.
Bước 5: Tắt bếp và để nguội. Món yến chưng đường phèn có thể được thưởng thức nóng hoặc lạnh, tùy theo sở thích của bạn.
Nếu bạn có cho thêm táo đỏ hãy cho vào lúc khuấy tan đường phèn. Nấu khoảng 15 phút cho táo đỏ mềm rồi mới cho tổ yến vào.
Chè yến hạt sen
Chè yến hạt sen là món ăn bổ dưỡng, thích hợp cho những người mới ốm dậy, giúp phục hồi sức khỏe và cải thiện thể trạng. Ngoài ra còn có thể giúp nâng cao thể trạng cho người suy nhược, mất ngủ, kém ăn, tiêu chảy, tiểu đục và són tiểu.
Nguyên liệu:
Tổ yến đã qua sơ chế: 1 cái;
Hạt sen: 50g;
Táo khô: 50g;
Câu kỷ tử: 10g;
Đường phèn: Vừa ăn;
Nước: 1 chén đầy;
Gừng tươi: 2 lát mỏng.
Cách chế biến:
Bước 1: Ngâm tổ yến với nước lạnh, rửa sạch tạp chất, xé nhỏ và để ráo.
Bước 2: Hạt sen cần được bỏ vỏ và tâm sen nếu sử dụng sen tươi, hoặc rửa sạch và ngâm cho nở nếu sử dụng sen khô. Đun hạt sen với một bát nước cho đến khi mềm.
Bước 3: Khi hạt sen đã mềm, cho táo khô vào nồi và đun thêm khoảng 7 phút cho táo khô nở ra.
Bước 4: Cho hạt sen gồm cả nước, tổ yến, táo khô, câu kỷ tử, và gừng tươi vào nồi. Đậy nắp và đun cách thủy trong khoảng 1 giờ cho các nguyên liệu hòa quyện và yến chín mềm.
Bước 5: Khi yến chín mềm, cho đường phèn vào nồi và khuấy đều cho đến khi đường tan.
Yến sào chưng thuốc bắc
Đây cũng là một cách chế biến yến sào dành cho những người mới suy dinh dưỡng, mới ốm dậy, cần hồi phục sức khỏe sau sinh, sau hậu phẫu. Cách thực hiện như sau:
Nguyên liệu bao gồm:
Tổ yến đã làm sạch;
Gừng: 5 - 7 lát mỏng;
Bạch quả: 50g;
Táo đỏ: 50g;
Nhãn nhục: 50g;
Đường phèn: Vừa đủ hoặc có thể không có.
Các bước thực hiện:
Bước 1: Rửa sạch hạt sen, bạch quả và táo đỏ, sau đó luộc sơ qua và cho vào một tô. Gừng cắt lát mỏng, nhãn nhục rửa sơ với nước sạch.
Bước 2: Cho 5 - 7 lát gừng, tổ yến, nhãn nhục, hạt sen, bạch quả, táo đỏ vào tô. Bắc nồi lên bếp, chưng với lửa to đến khi nước sôi, sau đó vặn mức lửa vừa và tiếp tục chưng trong 15 - 20 phút. Sau khi tắt bếp thì cho thêm đường phèn, khuấy đều cho tan và thưởng thức.
Món này nên cho ít đường phèn vì vị ngọt còn có từ nhãn nhục và táo đỏ. Do đó tùy theo khẩu vị mà cho ít hay nhiều đường phèn.
Làm sao để có cách chế biến yến sào mà vẫn giữ được giá trị dinh dưỡng?
Để yến sào vẫn giữ được nguyên các chất dinh dưỡng thì cách chế biến yến sào cần lưu ý các vấn đề từ quá trình sơ chế tới bảo quản.
Với khâu sơ chế thì không nên ngâm yến trong nước nóng. Bởi vì ngâm yến trong nước nóng có thể làm mất đi các chất dinh dưỡng và tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển.
Không nên ngâm yến quá lâu, vì có thể làm yến bị nhão và mất đi chất dinh dưỡng. Thời gian ngâm nở tùy thuộc vào loại yến khác nhau: Yến đảo từ 30 - 45 phút, yến nhà từ 20 - 30 phút và yến hồng, yến huyết ngâm từ 45 - 60 phút.
Làm sạch lông và tạp chất một cách cẩn thận, vì nếu còn sót lại, có thể gây mùi hôi và vi khuẩn.
Không nên chưng quá nhiều yến trong một lần, từ 3 - 5g là đủ để đảm bảo món ăn không bị quá đặc.
Chỉ nên cho lượng nước vừa đủ, tối đa chỉ bằng 80% chiều cao của vật chứa, tránh nước trào ra khi sôi, gây mất dưỡng chất.
Không nên chưng yến quá lâu. Thời gian chưng yến sào chỉ nên từ 30 - 45 phút. Nếu chưng quá lâu, yến sẽ bị khô và cứng, làm mất chất dinh dưỡng và hương vị.
Nhiệt độ lý tưởng để chưng yến là khoảng 80°C để tránh làm mất đi các dưỡng chất.
Yến đã chưng nên được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh từ 4 - 6°C, có thể giữ được 14 ngày. Tuy nhiên nên sử dụng hết trong ngày để đảm bảo hấp thu toàn bộ chất dinh dưỡng.
Như vậy bài viết trên đã chỉ ra cách chế biến yến sào đảm bảo giữ nguyên các chất dinh dưỡng. Hy vọng rằng với những hướng dẫn chi tiết này, bạn sẽ tự tin chế biến những món yến sào ngon miệng và bổ dưỡng, tăng cường sức khỏe cho bản thân.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.