Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách trị ho mãn tính hiệu quả và an toàn

Ngày 18/03/2023
Kích thước chữ

Ho mãn tính là một bệnh lý liên quan đến đường hô hấp và có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Tuy nhiên, không cần phải lo lắng vì hiện nay đã có nhiều phương pháp hiệu quả để giúp giảm các triệu chứng của ho mãn tính. Cùng tham khảo các cách trị ho mãn tính sau đây nhé.

Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin về các phương pháp trị ho mãn tính. Hy vọng sẽ giúp bạn tìm ra cách giảm triệu chứng ho mãn tính hiệu quả và mang lại sự thoải mái cho cuộc sống hàng ngày. Hãy cùng khám phá những phương pháp trị ho mãn tính hiệu quả và cải thiện sức khỏe của bạn nhé!

Ho mãn tính là gì?

Ho mãn tính là tình trạng ho kéo dài và không được chữa khỏi. Những cơn ho có thể xuất hiện suốt cả ngày hoặc tập trung vào ban đêm, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ và sức khỏe của người bệnh. 

Điều này có thể dẫn đến những triệu chứng không mong muốn như nôn mửa, chóng mặt và đau xương sườn. Ngoài ra, các triệu chứng khác như sổ mũi, đau rát cổ họng, khàn tiếng, ợ nóng hay ợ chua cũng thường đi kèm với tình trạng ho mãn tính. Một số ít bệnh nhân có thể gặp phải biểu hiện ho ra máu do tình trạng ho mãn tính này.

Bất kỳ ai cũng có thể mắc phải ho mãn tính, đặc biệt là trong thời đại hiện nay với các tác nhân gây bệnh ngày càng tăng như ô nhiễm môi trường, áp lực công việc hay các chất kích thích.

Chính vì vậy, cần phải có các phương pháp trị ho mãn tính hiệu quả để giảm các triệu chứng này và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Phương pháp trị ho mãn tính hiệu quả và an toàn 1

Ho mãn tính gây khó chịu cho người bệnh

Ho mãn tính có nguy hiểm không?

Ho mãn tính là một dấu hiệu nhận biết của nhiều căn bệnh nguy hiểm. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng ho mãn tính ví dụ như: Hen suyễn, nhiễm trùng đường hô hấp, trào ngược dạ dày, viêm phế quản mãn tính, ung thư phổi, lao phổi, bệnh suy tim và nhiều bệnh lý khác. Bệnh nhân có thể đã mắc phải một hoặc một số bệnh lý này, dẫn đến tình trạng ho kéo dài trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng hay còn được gọi là ho mãn tính.

Các chuyên gia y tế cho biết rằng, từng độ tuổi sẽ báo hiệu những căn bệnh khác nhau và mức độ nghiêm trọng của bệnh lý. Đối với trẻ em, khi tình trạng ho kéo dài quá 4 tuần sẽ được xác định là ho mãn tính, còn ở người lớn thường là trên 8 tuần.

Việc phát hiện và điều trị kịp thời ho mãn tính là rất quan trọng để ngăn ngừa những hậu quả xấu cho sức khỏe của người bệnh.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ho mãn tính

Một số yếu tố tăng nguy cơ mắc bệnh ho mãn tính bao gồm:

  • Hút thuốc lá: Hút thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của ho mãn tính. Tiếp xúc với khói thuốc cũng có thể dẫn đến ho và tổn thương phổi.
  • Dị ứng: Người bị dị ứng có nguy cơ bị ho mãn tính khi tiếp xúc với một dị nguyên nào đó.
  • Môi trường: Một số môi trường nơi làm việc chứa các chất kích thích trong không khí có thể gây ra ho. Nơi sống hoặc làm việc ở vùng bị ô nhiễm nhiều, sử dụng than để nấu ăn hay sưởi ấm cũng có thể làm tăng nguy cơ bị ho.
  • Bệnh phổi mãn tính: Những người từng mắc bệnh hen, giãn phế quản (mở rộng đường thở), COPD, viêm phổi với sẹo phổi có nguy cơ cao bị ho mãn tính.
  • Nữ giới: Phụ nữ có phản xạ ho nhạy cảm hơn do đó có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh ho mãn tính.
Phương pháp trị ho mãn tính hiệu quả và an toàn 2Khói thuốc lá tăng nguy cơ ho mãn tính

Cách trị ho mãn tính hiệu quả

Để tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả cho ho mãn tính, việc xác định nguyên nhân gây ra tình trạng này là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, không phải lúc nào nguyên nhân cũng chỉ do một bệnh lý gây ra, do đó việc xác định nguyên nhân rất quan trọng trong điều trị ho mãn tính.

Ngoài ra, để điều trị ho mãn tính hiệu quả, bệnh nhân cần tuân thủ phác đồ điều trị được chỉ định bởi bác sĩ và giữ gìn sức khỏe bản thân để tránh tình trạng bệnh lý nặng hơn.

Điều trị ho mãn tính dùng thuốc

Để điều trị ho mãn tính hiệu quả, cần phải xác định nguyên nhân gây bệnh và sử dụng các loại thuốc phù hợp theo chỉ định của bác sĩ. Thông thường, các loại thuốc cơ bản được sử dụng bao gồm:

  • Thuốc kháng histamin, thuốc glucocorticoid, thuốc giúp thông mũi nếu nguyên nhân gây ho là do dị ứng, chảy nước mũi.
  • Thuốc điều trị hen nếu nguyên nhân gây ho là do hen.
  • Thuốc kháng sinh nếu nguyên nhân gây ho là do nhiễm vi khuẩn.
  • Thuốc kháng tiết acid nếu nguyên nhân gây ho là do trào ngược dạ dày thực quản.

Nếu tình trạng ho quá nhiều, người bệnh có thể được chỉ định sử dụng thuốc giảm ho. Tuy nhiên, việc sử dụng các loại thuốc này cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt theo chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất trong quá trình điều trị.

Hỗ trợ điều trị ho mãn tính tại nhà bằng thực phẩm

Lá hẹ

Có thể áp dụng những cách sau để giảm ho hiệu quả bằng lá hẹ:

  • Hấp lá hẹ với đường phèn: Uống 2 - 3 lần/ngày, mỗi lần uống khoảng 2 thìa cà phê.
  • Nấu canh lá hẹ, chả trứng lá hẹ: Có thể nấu canh trứng lá hẹ hoặc chả trứng lá hẹ và ăn 2 - 3 lần/tuần để giảm triệu chứng ho hiệu quả.

Diếp cá

Để giảm ho, bạn có thể sử dụng diếp cá theo các bước sau đây:

  • Giã nát lá diếp cá.
  • Cho nước vào và đun sôi.
  • Đun nhỏ lửa trong khoảng 15 phút cho đến khi lá diếp cá nhừ.
  • Uống hỗn hợp này khoảng 2 - 3 lần/ngày để giúp giảm ho hiệu quả.

Húng chanh

Lá húng chanh có hương thơm, vị chua và tính mát, chứa nhiều thành phần có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và giảm ho. Có thể sử dụng lá húng chanh để giảm ho bằng những cách sau:

  • Lá húng chanh giã nát, hãm với nước sôi và uống 2 lần/ngày.
  • Hấp lá húng chanh cùng với đường phèn và uống hỗn hợp này 2 lần/ngày cho đến khi hết ho.

Tía tô

Tía tô được biết đến là một loại thảo dược hiệu quả trong việc trị ho. Để tăng cường hiệu quả, bạn có thể kết hợp với các loại thảo dược khác như hoa khế, hoa đu đủ đực. 

  • Cách làm rất đơn giản, chỉ cần hấp lá tía tô, hoa đu đủ đực và đường phèn trong nước khoảng 30 phút.
  • Dùng hỗn hợp này 2 - 3 lần/ngày để giảm ho đến khi hết.
Phương pháp trị ho mãn tính hiệu quả và an toàn 3Lá tía tô giúp hỗ trợ điều trị ho mãn tính

Những lưu ý giúp giảm ho mãn tính 

Ngoài dùng thuốc điều trị người bệnh cần lưu ý:

  • Uống đủ nước: Chất lỏng giúp làm mỏng chất nhầy trong cổ họng và dễ dàng loại bỏ. Nước ấm, trà hoặc nước trái cây đều có thể giúp làm dịu cổ họng.
  • Ngậm kẹo hoặc thuốc ho cứng: Chúng có thể giảm cơn ho khan và làm dịu cổ họng kích thích.
  • Xem xét sử dụng mật ong: Một thìa cà phê mật ong có thể giúp làm dịu cơn ho. Tuy nhiên, không dùng mật ong cho trẻ em dưới 1 tuổi vì nó có thể chứa vi khuẩn nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ sơ sinh.
  • Tạo ẩm trong không khí: Sử dụng máy tạo độ ẩm để tạo sương mát hoặc tắm bằng hơi nước để làm dịu cổ họng.
  • Tránh khói thuốc lá: Việc hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc có thể làm kích thích phổi và làm cơn ho trầm trọng hơn. Nếu bạn hút thuốc, hãy nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn về cách bỏ thuốc.

Các biện pháp phòng ngừa bệnh ho mãn tính

Để phòng tránh bệnh ho mãn tính có thể thực hiện những biện pháp sau:

  • Duy trì lối sống lành mạnh bằng cách hạn chế thói quen hút thuốc, uống rượu và tránh thực phẩm gây kích ứng cổ họng như ớt, thực phẩm chiên xào.
  • Thay đổi chế độ ăn uống để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể và giữ trọng lượng cơ thể ở mức độ phù hợp. Nếu bạn cần sự giúp đỡ, hãy tìm đến chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ để được tư vấn.
  • Không dùng thuốc ức chế men chuyển khi không có chỉ định của bác sĩ. Nếu tình trạng ho trở nên trầm trọng, bạn cần báo ngay cho bác sĩ để được điều chỉnh kịp thời.
  • Uống trà hoặc mật ong có thể giúp làm dịu cổ họng và phòng bệnh tốt.
  • Ngậm nước muối sinh lý để sát trùng họng cũng là một biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa bệnh ho mãn tính.

Trên đây là toàn bộ những thông tin cần thiết cũng như lưu ý khi điều trị ho mãn tính. Hy vọng giúp cho bạn đọc phần nào hiểu rõ hơn để có thể đạt hiệu quả cao trong quá trình điều trị.

Xem thêm: 

Ánh Tuyết

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin