Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Căng cơ cổ: Nguyên nhân và cách phòng ngừa

Ngày 26/05/2022
Kích thước chữ

Căng cơ cổ là bệnh khá phổ biến và thường gặp ở mọi đối tượng. Hãy cùng tìm hiểu xem nguyên nhân gây ra tình trạng trên da do đâu qua bài viết dưới đây nhé.

Bị căng cơ vai cổ gây ra những cơn đau nhức không mong muốn cho người bị, ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống hàng ngày. Đây là hiện tượng hoàn toàn có thể phòng tránh nên bạn không cần lo lắng quá nhé.

Nguyên nhân dẫn đến căng cơ cổ

Thoái hóa đốt sống cổ

Cũng giống với hầu hết các khớp trên khắp cơ thể, khớp cổ cũng có nguy cơ bị thoái hóa dần, nguyên nhân dẫn đến thoái hóa đốt sống cổ có thể là do tuổi tác, chế độ sinh hoạt hay vận động quá nhiều khiến cho phần sụn đóng vai trò là lớp đệm giữa các xương đốt sống cổ bị tổn thương hoặc hao mòn. Lúc này, việc chuyển động các khớp không còn được như trước nữa, những gai khớp không còn lớp đệm êm ái mà chạm trực tiếp vào nhau gây nên những cơ đau đớn, trong đó có căng cơ cổ.

Căng có cổ nguyên nhân và cách phòng ngừa 1

Thoái hóa đốt sống cổ là nguyên nhân dẫn đến căng cơ cổ

Do thoát vị đĩa đệm

Tác động từ thời gian, tuổi tác lớn dần hay những thói quen không lành mạnh có thể kể đến như thường xuyên hút thuốc lá, lười vận động, ít tập thể, dục, béo phì, chế độ ăn không đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng,... sẽ khiến cho phần đĩa đệm bị thoát vị, thoái hóa dẫn đến những dây thần kinh rễ bị đè ép, chèn ép tủy sống ở cổ gây nên căng cơ cổ đau đớn, khó chịu. Một số dấu hiệu để nhận biết thoát vị đĩa đệm mà bạn nên chú ý theo dõi cơ thể như: đau một bên ngực, khó thở, đau nhức vùng cổ, căng cơ cổ bên phải,…

Vận động quá sức hoặc cơ thể bị sai tư thế

Việc vận động nhiều, tập luyện một số bộ môn thể thao, động tác thể dục không đúng, hay những người thường xuyên mang vác nặng trên vùng cổ, vai,… sẽ dễ bị căng cơ vai cổ hơn.

Ngoài ra, cúi mặt bấm điện thoại hàng giờ hay nắm sai tư thế khi ngủ, ngồi không đúng tư thế,… cũng khiến các cơ đau ở cổ kéo dài và thường xuyên xuất hiện hơn, lâu dần có thể dẫn đến một số bệnh mãn tính.

Bị chấn thương vùng cổ

Một số chấn thương do tập luyện thể dục thể thao hoặc những di chứng do tai nạn cũng khiến các mô cơ ở cổ bị tổn thương, căng cứng gây nên những cơn đau co rút và khó chịu cho người bị. Khi gặp những chấn thương này, bạn nên đến cơ sở y tế để được các bác sĩ chẩn đoán, không nên chủ quan nghĩ đó chỉ là cơn đau căng cơ cổ bình thường.

Trạng thái tâm lý căng thẳng lâu ngày

Những áp lực từ cuộc sống hay công việc khiến tâm lý luôn trong trạng thái căng thẳng, mệt mỏi, stress,… cũng là nguyên nhân gây ra những cơn đau cơ cổ. Khi căng thẳng, cơn đau có thể lan xuống bả vai hoặc kèm theo cả những cơn đau đầu, đau nửa đầu.

Căng cơ cổ: Nguyên nhân và cách phòng ngừa 2

Stress lâu ngày cũng khiến bạn bị căng cơ ở cổ

Làm gì khi bị căng cơ ở cổ?

Để giảm bớt tình trạng căng cơ vùng cổ và trả lời cho câu hỏi “bị căng cơ cổ làm sao để hết?”, bạn có thể tham khảo các cách dưới đây:

Nghỉ ngơi nhiều hơn

Đầu tiên, bạn nên tăng cường thời gian nghỉ ngơi, thư giãn để các cơ được giãn ra, hạn chế vận động mạnh hay vận động quá nhiều khiến các cơ mệt mỏi. Điều này không những giúp giảm cơn đau tức thời mà còn giúp tình trạng trên không tiến triển nặng hơn.

Chườm nhiệt giảm đau

Trả lời cho thắc mắc “làm gì khi bị căng cơ cổ?”, bạn có thể tham khảo phương pháp chườm nhiệt nóng hoặc lạnh đem đến hiệu quả cao trong việc giảm bớt những cơn đau cơ. Đồng thời, đây cũng là cách để giảm căng cơ vùng cổ mà người bị có thể tự thực hiện tại nhà một cách dễ dàng, giảm đau nhanh, không gây mất thời gian.

Bạn nên chườm luân phiên nóng lạnh thay vì chỉ áp dụng 1 phương pháp, điều này sẽ giúp cơn đau dịu lại nhanh hơn, hạn chế tái phát. Bạn lấy một miếng chườm lạnh (khăn ngâm nước lạnh) chườm lên cổ 15 phút rồi thay bằng túi chườm nóng (hoặc khăn ngâm qua nước ấm) tiếp tục giữ trên cổ thêm 15 phút nữa. Lần lượt thực hiện theo chu trình trên trong khoảng 2 giờ đồng hồ, bạn sẽ nhận thấy cơn đau giảm hẳn, phần cổ trở nên dễ chịu, thoải mái hơn rất nhiều.

Uống thuốc giảm đau

Đây là biện pháp cuối cùng để xử lý cơn đau căng cơ cổ. Nếu cơn đau quá khó chịu, khiến bạn cảm thấy đau đớn không ngừng thì các loại thuốc không kê đơn như ibuprofen hay naproxen sodium sẽ giúp bạn giảm đau tức thì. Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tạm thời và bạn cần chú ý tác dụng phụ của thuốc (nếu có) cũng như tiến hành thăm khám, tham khảo ý kiến từ bác sĩ để có thể trị dứt điểm hiện trạng trên.

Một số tác dụng phụ bạn có thể gặp phải như đau bao tử, co thắt dạ dày, suy gan, suy thận,… nếu lạm dụng nhiều trong thời gian dài.

Căng cơ cổ: Nguyên nhân và cách phòng ngừa 3

Nên cân nhắc kỹ trước khi dùng và không lạm dụng thuốc giảm đau

Các cách giúp phòng tránh căng cơ vùng cổ

Bạn không nên căng cứng phần cơ vai cổ mà nên thả lỏng nhẹ nhàng, hạ vai, hạ thấp cằm cũng như luôn giữ cổ được thẳng để tránh những cơn đau căng cơ cổ bất ngờ kéo đến.

  • Không nên kê gối quá cao khi ngủ và cũng hạn chế nhiều nhất nằm sấp khiến máu không được lưu thông tốt, cơ căng cứng gây ra đau cổ.
  • Tư thế ngủ nên là tư thế nằm thẳng, thả lỏng cơ thể, nên sử dụng loại gối có độ mềm mại, không quá cao cũng không quá thấp để nâng đỡ cổ một cách tốt nhất.
  • Không nên gục trên bàn, ngủ trên bàn bởi tư thế gò bó lúc này cản trở máu lưu thông, cơ cổ bị kéo căng hết cỡ dẫn đến các cơn đau không mong muốn. Bên cạnh đó, kiểu nằm này còn khiến thiếu máu lên não gây đau đầu, đau nửa đầu.
  • Không nên cúi đầu quá thấp khi làm việc hoặc học tập; không nên nghiêng đầu sang một bên và giữ tư thế này quá lâu.
  • Thay đổi vị trí thường xuyên và luôn để các cơ được thả lỏng tự nhiên, tránh căng cơ quá mức.
  • Thường xuyên tập luyện thể thao, thể dục để giúp các khớp xương được hoạt động, phần cơ trở nên dẻo dai, mạnh khỏe hơn.
  • Nên khởi động kỹ đúng kỹ thuật trước khi tập luyện và căng cơ thư giãn sau khi tập thể thao.

Căng cơ cổ không phải bệnh lý gây nguy hiểm cho sức khỏe nhưng nếu kéo dài sẽ dẫn đến nhiều đau đớn, khó chịu trong sinh hoạt hàng ngày. Ngoài những lưu ý trên đây để phòng chống bị căng cơ ở cổ, bạn cũng cần duy trì chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh, tránh các chất kích thích hay đồ uống có cồn như bia, rượu,… 

Hồng Nhung 

Nguồn tham khảo: Tổng hợp 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin