Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Cua đồng và thành phần dinh dưỡng, công dụng, lưu ý khi ăn

Ngọc Trang

14/12/2024
Kích thước chữ

Cua đồng được xem là món ăn dân dã và rất được yêu thích. Loài cua này không chỉ được chế biến thành nhiều món ăn ngon đa dạng mà còn chứa rất nhiều giá trị dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe của người dùng. Vậy cua đồng tốt cho sức khỏe như thế nào? Khi ăn cần lưu ý gì?

Ở nước ta, cua đồng là món ăn miền quê bổ dưỡng và còn là vị thuốc hỗ trợ chữa nhiều bệnh. Tuy giàu chất dinh dưỡng nhưng nếu ăn cua đồng không đúng cách cũng có hại cho sức khỏe. Hãy tham khảo bài viết sau để tìm hiểu thông tin chi tiết về loài cua đồng và những lưu ý khi ăn.

Đặc điểm, thành phần dinh dưỡng của cua đồng

Cua đồng là gì? Cua đồng hay còn gọi là điền giải, có tên khoa học là Somanniathelphusa Sinensis, thuộc nhóm cua nước ngọt. Ở nước ta, cua đồng sống ở các con kênh và rạch hay trong hang, hốc ở bờ ruộng.

Để nhận biết cua đồng, bạn dựa vào những đặc điểm sau: Mai cua đồng có màu vàng đậm, gọng màu vàng cháy nhưng phần thân thì có màu nâu vàng, có một càng to và một càng nhỏ. Thịt cua đồng vừa có vị ngọt tươi nhưng vừa có vị hơi mặn, hơi tanh. 

Cua đồng: Thành phần dinh dưỡng, công dụng, lưu ý khi ăn 1
Cua đồng thuộc nhóm cua nước ngọt vừa có vị ngọt vừa có vị mặn, hơi tanh

Ở các vùng quê, cua đồng là món ăn dân dã nhưng bổ dưỡng. Nổi tiếng là món canh cua đồng, một món canh giải nhiệt, có tác dụng kích thích ăn uống nhưng rất dễ tiêu hóa, dùng trong những ngày hè oi nóng là thích hợp.

Theo y học hiện đại, trong 100g thịt cua đồng chứa:

  • 12,3% protid; 
  • 3,3% lipid; 
  • 5.040mg canxi; 
  • 4,7mg% sắt; 
  • 0,01mg%;
  • Vitamin B1; 
  • 0,51mg% vitamin B2; 
  • 2,1mg% vitamin PP; 
  • 0,12mg% vitamin B6; 
  • 125mg% cholesterol; 
  • 0,25mg% melatonin... 
  • Đặc biệt, cua đồng chứa purine và sodiummai, cua chứa nhiều chất chitin. 

Lợi ích của cua đồng đối với sức khỏe

Bạn sẽ nhận được những lợi ích khi ăn cua đồng đối với sức khỏe như sau:

Hàn gắn xương, hoạt huyết

Từ xa xưa, theo Đông y, người dân đã dùng cua đồng làm thuốc, đặt tên là điền giải và quan niệm rằng do cua đồng có vị mặn, hơi độc, tính hàn, có tác dụng sinh phong liền gân nối xương, được dùng để trừ ghẻ lở, trị nhiệt tà, bạt độc và máu cục,…

Ngăn ngừa loãng xương và còi xương

Những thành phần dinh dưỡng trong cua đồng có tác dụng hỗ trợ trị còi xương cho trẻ em và phòng ngừa bệnh loãng xương cho người già. Theo y học hiện đại, hàm lượng cao canxi photphat trong cua đồng là thành phần được sử dụng để hỗ trợ điều trị hoặc phòng ngừa nồng độ canxi huyết thấp ở những người không bổ sung đủ lượng canxi trong chế độ ăn uống.

Cua đồng: Thành phần dinh dưỡng, công dụng, lưu ý khi ăn 2
Cua đồng giúp hỗ trợ trị còi xương cho trẻ em và phòng ngừa loãng xương cho người già

Hỗ trợ điều trị chấn thương

Trong y học cổ truyền, cua đồng còn được sử dụng với tác dụng hỗ trợ chữa ứ huyết và sinh phong liền gân nối xương khớp khi bị chấn thương.

Giải nhiệt cơ thể

Do cua đồng có vị mặn và tính hàn nên có tác dụng giải nhiệt cơ thể. Vì thế, nhiều người sử dụng cua đồng để nấu các món ăn để thanh nhiệt trong những ngày hè nóng bức.

Cải thiện kén ăn, khó ngủ

Theo Đông y, cua đồng chứa thành phần dinh dưỡng dồi dào được sử dụng như một vị thuốc có tác dụng cải thiện tâm trạng bồn chồn, chứng kén ăn, ngủ ít.

Chữa vết thương

Để chữa các vết thương đụng dập, lở loét, nhiều người giã nát cua đồng, đem đun sôi với rượu và lấy bã đắp vào chỗ vết thương.

Đối tượng nào không nên ăn cua đồng?

Mặc dù cua đồng bổ dưỡng và tốt cho cơ thể nhưng có một số đối tượng không nên ăn cua đồng vì gây hại cho sức khỏe. Nên lưu ý:

  • Phụ nữ mang thai: Cua đồng có tác dụng phá khối u, tống ra khối cục tồn đọng.
  • Người bệnh mới khỏe, người có hệ thống tiêu hóa còn yếu, người có biểu hiện sợ lạnh (tỳ vị hư hàn), người bị tiêu chảy: Các đối tượng này không nên ăn cua đồng.
  • Người có huyết áp cao, người mắc bệnh tim mạch: Do gạch cua có nhiều cholesterol, nên những người này cần hạn chế dùng. Nếu ăn cua thì nên ăn cùng gừng, lá tía tô để làm giảm bớt tính hàn.
  • Người bị bệnh gút, người bị ho hen, cảm cúm: Do cua đồng chứa nhiều sodium và purines nên những người này không nên ăn cua đồng.
  • Người dễ bị dị ứng với cua: Sau khi ăn cua đồng, người hay bị di ứng có thể nổi mề đay khắp người.
Cua đồng: Thành phần dinh dưỡng, công dụng, lưu ý khi ăn 3
Người bị gút không nên ăn cua đồng vì chứa nhiều sodium và purines

Lưu ý gì khi ăn cua đồng?

Mặc dù ăn cua đồng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng nếu bạn dùng thực phẩm này không đúng cách cũng ẩn chứa nhiều mối nguy hại. Sau đây là một số vấn đề cần chú ý để sử dụng cua đồng đảm bảo an toàn:

  • Khi ăn trái hồng hoặc uống trà: Quả hồng và nước trà chứa nhiều chất tannin, nếu kết hợp các chất này với cua đồng sẽ làm thịt cua đặc lại, dễ gây đau bụng, buồn nôn hoặc tiêu chảy,...
  • Không ăn cua đồng sống hoặc nấu chưa chín: Các món gỏi có cua đồng sống không hề được khuyến khích. Trong thịt cua đồng sống chứa nhiều loại ký sinh trùng và sán. Nếu ăn cua đồng sống hoặc chưa nấu chín kĩ có nguy cơ bị nhiễm bệnh, đặc biệt là bệnh sản lá phổi. Việc nhiễm sán lá phổi là rất nguy hiểm đối với cơ thể người.
  • Lưu ý dùng nước cua đồng sống: Nước cua đồng đặc vốn được xem là một loại thuốc tăng lực do có tác dụng tán huyết, bồi bổ sức lực, bổ gân xương. Dù trong nước cua đồng chứa nhiều chất bổ dưỡng nhưng đây cũng là một món ăn sống có thể tiềm ẩn nhiều mầm bệnh nguy hiểm, gây ngộ độc, đặc biệt là mắc bệnh sán lá phổi
  • Cua chết hoặc không còn tươi: Cua chết sẽ tiết ra nhiều histidine, người ăn cua chết sẽ dễ bị ngộ độc với triệu chứng đau bụng, nôn mửa. Cua chết càng để lâu thì lượng histidine càng tiết ra nhiều, làm tăng nguy cơ bị ngộ độc hơn.
  • Cua đã nấu chín nhưng thời gian trữ lâu: Dù cua đã được nấu chín nhưng nếu để lâu dễ bị nhiễm khuẩn, ôi thiu. Do đó, sau khi chế biến cua, bạn nên ăn hết, không nên để dành để ăn tiếp. Lưu ý, nhiều người muốn ăn cua sạch nên đã mua cua đồng ở quê, được sơ chế sẵn, sau khi đem về bảo quản cua trong tủ lạnh để chế biến dần. Với trường hợp này, không nên để cua ở ngăn mát tủ lạnh, còn nếu để cua ở ngăn đá thì phải bọc cua cẩn thận và không để quá một tuần.
Cua đồng: Thành phần dinh dưỡng, công dụng, lưu ý khi ăn 4
Trong thịt cua đồng sống chứa nhiều loại ký sinh trùng và sán, nhất là sán lá phổi

Những điều nên và không nên khi mua cua đồng

Mẹo chọn cua đồng ngon

Để chọn cua đồng ngon, chắc thịt, bạn lưu ý những đặc điểm sau:

  • Màu sắc: Chọn cua có màu xám đục nhưng mai cua thường có màu sáng và bóng hơn.
  • Cua còn tươi sống, khỏe: Cua còn đủ chân, chạy rất nhanh, càng luôn chỉa lên trên khi bạn cố bắt là dấu hiệu của cua khỏe. Thân cua mập, ấn vào yếm cua thấy nổi bọt khí.
  • Dấu hiệu cua chắc thịt: Bóp vào phần bên trong của chân cua thấy lõm là cua vị khai, ít thịt, không ngon.
  • Thời gian mua cua: Nên mua cua đồng vào đầu và cuối tháng âm lịch vì cua giữa tháng sẽ ốm do thường thay vỏ nên thịt sẽ bở, không ngon.
  • Để nấu món canh bún, nếu muốn cua có nhiều gạch thì chọn cua cái, còn chọn cua nhiều thịt thì chọn cua đực.

Các loại cua đồng không nên mua

  • Khuyến cáo với các loại cua đồng có 4 hay 6 chân, chân có khoang nhỏ, lưng sao, bụng có lông vì các loại cua này thường gây độc hại cho sức khỏe.
  • Tránh mua cua đồng có màu xanh xám hay màu xanh nhạt, hai càng có kích thước bằng nhau vì không ngon.

Tóm lại, cua đồng là thực phẩm rất tốt cho sức khỏe vì chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Chỉ cần lưu ý cách chọn mua và cách sử dụng cua đồng đúng cách là bạn sẽ có những món ngon bổ dưỡng từ cua đồng.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin