Hải sản có nhiều chất đạm không? Các loại hải sản giàu protein
Ngày 18/08/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Trong số các loại thực phẩm, hải sản là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, trong đó có protein tốt cho sức khỏe. Vậy, hải sản có nhiều chất đạm không và loại hải sản nào giàu đạm?
Chất đạm là một trong những nhóm chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Bổ sung protein thông qua thực phẩm là cách đơn giản và hiệu quả để giúp cơ thể khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng. Trong nhiều loại thực phẩm cung cấp protein, hải sản có nhiều chất đạm không?
Hải sản có nhiều chất đạm không?
Ăn hải sản là cách tốt nhất để bổ sung axit béo omega-3. Đây là những chất béo lành mạnh tốt cho sức khỏe đặc biệt là phòng ngừa bệnh tim mạch. Ngoài các vấn đề về tim mạch, ăn hải sản còn giúp tăng cường thị lực, ngăn ngừa và cải thiện tình trạng thoái hóa điểm vàng.
Bên cạnh đó, hải sản cũng là nguồn cung cấp protein phong phú. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, chất đạm trong hải sản là loại đạm có giá trị dinh dưỡng cao, làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể, giảm thoái hóa khớp, thoát vị đĩa đệm,… và hải sản cũng dễ ăn và tiêu hoá. Không chỉ giàu đạm, hải sản còn giàu sắt và kẽm. Đây là những khoáng chất cần thiết để cải thiện các vấn đề thiếu máu. Ăn hải sản đều đặn 2 lần/tuần sẽ giúp tăng lượng huyết sắc tố. Vì vậy, bạn cần bổ sung đạm thông qua ăn hải sản hàng tuần.
Các loại hải sản giàu protein
Cá hồi
Cá có chất đạm không? Cá nói chung và cá hồi nói riêng giàu axit béo omega-3 và protein nên có khả năng giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch vì ngừa hình thành cục máu đông trong thành mạch. Ngoài ra, cá hồi còn giúp bảo vệ thị lực cho người bị thoái hóa điểm vàng. Tuy nhiên, hàm lượng natri trong cá hồi khá cao nên người bị cao huyết áp không nên ăn quá nhiều cá hồi.
Cua biển
Theo nhiều chuyên gia dinh dưỡng, cua là loại hải sản giàu axit béo omega-3 nhất. Axit béo này có đặc tính chống viêm cho người bị viêm khớp, giảm huyết áp, có lợi cho tim mạch vì chứa khá ít calo và ít chất béo bão hòa. Ngoài ra, cua biển còn rất giàu protein, selen, đồng, crom, canxi, kẽm,…
Nhưng vì cua có tính hàn, nên những người có hệ tiêu hoá kém ăn dễ bị đau bụng, khó tiêu, tiêu chảy,... Do đó, cần chế biến kỹ và nấu chín trước khi ăn.
Mực
Mực chứa hàm lượng đồng rất phong phú, có lợi cho quá trình hấp thụ và chuyển hóa sắt để hình thành hồng cầu. Ngoài ra, mực còn chứa hàm lượng cao protein, kẽm, omega-3, vitamin B và i-ốt,... tốt cho hệ tim mạch. Ngoài ra, vitamin B trong mực giúp bạn giảm đau nửa đầu, phốt pho giúp hấp thu canxi. Tuy nhiên, do mực có lượng calo lớn nên chú ý chế biến bằng cách hấp thay vì chiên ngập dầu sẽ làm tăng lượng calo, chất béo chuyển hóa không tốt cho cơ thể, tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.
Tôm
Tôm chứa selen, giúp bảo vệ và hỗ trợ hệ thống miễn dịch, tuyến giáp và tim mạch. Ngoài ra tôm còn nhiều khoáng chất như kẽm, iốt và selen, ít calo và chất béo. Vì tôm biển có hàm lượng cholesterol khá cao nên người bị mỡ máu cao không nên ăn nhiều.
Sò điệp
Sò điệp là loại hải sản giàu protein, vitamin B, axit béo omega-3, magie và kali, ít calo và không chứa chất béo bão hòa. Nhờ đó, sò điệp còn giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch, đột quỵ và bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, hãy cẩn thận, không ăn sò điệp ở những vùng biển bị ô nhiễm vì có thể bị nhiễm độc. Do nồng độ retinol quá cao nên bà bầu nên hạn chế ăn món này.
Trai (hến)
Trai là món hải sản giàu đạm, nhiều omega-3 nhưng lại ít cholesterol nên có thể phòng ngừa bệnh tim mạch. Ngoài ra, trai còn giàu selen, sắt, vitamin A, vitamin nhóm B, axit folic, i-ốt, kẽm,... Ăn thường xuyên rất có lợi cho tuyến giáp. Ăn 1 chén hến nhỏ mỗi ngày đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu B12 và một nửa nhu cầu i-ốt của cơ thể. Vì hến có tính lạnh nên bà bầu không nên ăn nhiều loại hải sản này.
Các loại sò
Các loại sò chứa nhiều khoáng chất quan trọng giúp cơ thể giảm nguy cơ đột quỵ và mất trí nhớ. Ngoài ra, sò cũng thích hợp cho những người muốn giảm cân.
Ăn nhiều hải sản có tốt không?
Hải sản được biết đến là loại thực phẩm có nhiều thành phần dinh dưỡng như giàu đạm, canxi, omega-3 và nhiều khoáng chất khác. Tuy nhiên, ăn nhiều hải sản cũng có thể gây nguy cơ ngộ độc, ảnh hưởng tiêu hóa và có thể nhiễm giun sán:
Các nhà khoa học đã đưa ra nhiều cảnh báo về nguy cơ nhiễm độc thủy ngân trong hải sản. Hiện nay hàm lượng thủy ngân trong hải sản ngày càng tăng cao nên ăn nhiều hải sản rất dễ nhiễm thủy ngân, nguy hại cho sức khỏe.
Hải sản rất giàu đạm nên nếu ăn quá nhiều có thể bị thừa đạm hoặc cơ thể không tiêu hóa kịp dẫn đến đầy hơi, khó tiêu, đau bụng, tiêu chảy,… Chỉ nên ăn một lượng hải sản vừa đủ để cơ thể có đủ protein cần thiết cho cơ thể. Nếu mới ăn hải sản, ban đầu chỉ nên ăn một lượng nhỏ để xem có bị dị ứng hay không.
Các loại ký sinh trùng như giun đũa, sán dây, sán lá gan,… thường có trong hải sản sống. Vì vậy, nếu ăn hải sản sống, cần được chế biến đúng cách và đảm bảo vệ sinh. Người có hệ tiêu hóa kém hạn chế ăn hải sản sống.
Lưu ý khi ăn hải sản bổ sung protein
Mặc dù các loại hải sản có nhiều lợi cho sức khỏe của nhưng việc ăn hải sản rất dễ bị dị ứng. Vì vậy, trước khi ăn hải sản, cần chú ý tình trạng sức khoẻ hiện tại của bản thân có tốt không, có dị ứng bất kỳ loại hải sản nào không.
Hiện nay, hàm lượng thủy ngân trong hải sản ngày càng cao nên nếu ăn nhiều hải sản có thể bị nhiễm thủy ngân. Chú ý chọn mua hải sản ở vùng biển sạch sẽ, an toàn, không bị ô nhiễm.
Không ăn hải sản với trái cây. Hải sản chứa nhiều protein và canxi, trong khi trái cây chứa nhiều tanin. Ăn hai thực phẩm này cùng lúc sẽ làm cơ thể giảm hấp thu protein và canxi, đồng thời có thể gây buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy,... Tốt nhất, nên ăn hải sản và trái cây cách nhau khoảng 2 tiếng.
Không ăn hải sản và uống bia cùng lúc. Hải sản được xem là mồi nhậu bia hấp dẫn và nhiều người cho rằng bia sẽ giúp tiêu hóa hải sản tốt hơn. Tuy nhiên các loại hải sản tôm, cua, mực,... khi tiếp xúc với men bia dễ làm tăng hàm lượng axit uric gây sỏi thận, bệnh gút.
Không ăn hải sản đã chết. Ăn các loại động vật có vỏ như ốc, sò, nghêu,... đã chết dễ bị ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, các axit béo không bão hòa có trong hải sản có thể bị oxy hóa.
Hạn chế ăn gỏi hải sản: Gỏi hải sản là món ăn chỉ mới qua chế biến, còn tái nghĩa là hải sản chưa được nấu chín kỹ, có thể vẫn còn vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh.
Bài viết trên đã giải thích hải sản có nhiều chất đạm không và những loại hải sản nào giàu protein nên thêm vào thực đơn ăn uống. Không thể phủ nhận lợi ích và dinh dưỡng mà hải sản mang lại, nhưng tiêu thụ nhiều hải sản cũng ảnh hưởng đến sức khoẻ. Do đó chú ý tình trạng sức khỏe hiện tại và bổ sung hải sản 2 bữa/tuần.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.