Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Hay buồn nôn là bị bệnh gì? Có cách nào khắc phục không?

Ngày 23/07/2024
Kích thước chữ

Ai trong số chúng ta cũng đã từng bị buồn nôn và đây không phải là tình trạng gây nguy hiểm đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu hay buồn nôn, tình trạng buồn nôn diễn ra thường xuyên hoặc thậm chí là nôn mửa thì có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh lý nguy hiểm.

Nếu hay buồn nôn, triệu chứng buồn nôn gây ảnh hưởng tới các hoạt động hàng ngày cũng như chất lượng cuộc sống thì bạn không thể chủ quan mà bỏ qua dấu hiệu này. Vậy, hay buồn nôn là bị bệnh gì? Bài viết dưới đây của Long Châu sẽ cung cấp đến bạn một số thông tin có liên quan, giải đáp cho thắc mắc này, mời bạn đọc hãy chú ý theo dõi.

Buồn nôn là như thế nào?

Buồn nôn chính là cảm giác khó chịu ở dạ dày khiến cho người bệnh muốn nôn. Buồn nôn không phải là một loại bệnh lý mà là triệu chứng do một số vấn đề có liên quan tới sức khỏe gây ra như viêm dạ dày ruột, đau dạ dày, các bệnh lý hệ tiêu hóa, say tàu xe, ngộ độc thực phẩm, tắc ruột, đau nửa đầu hoặc bị chấn thương đầu.

Thậm chí, đôi khi buồn nôn cũng là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý nghiêm trọng hơn như rối loạn gan, thận, rối loạn hệ thần kinh trung ương, đau tim, khối u não và một số bệnh ung thư khác.

Hay buồn nôn là bị bệnh gì?1
Buồn nôn không phải là bệnh lý mà là triệu chứng do một số vấn đề về sức khỏe gây ra

Hay buồn nôn là bị bệnh gì?

Hay buồn nôn có thể do nhiều những nguyên nhân, bệnh lý khác nhau gây ra, tuy nhiên, một số nguyên nhân phổ biến bao gồm:

  • Trào ngược dạ dày - thực quản: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra triệu chứng buồn nôn. Người bệnh có thể cảm thấy hay buồn nôn, nóng rát do các chất trong dạ dày bị trào ngược lên thực quản.
  • Viêm loét dạ dày: Các vết loét dạ dày sẽ gây ra cảm giác đau, làm cho dạ dày co bóp mạnh hơn và gây ra cảm giác buồn nôn.
  • Nhiễm trùng, nhiễm virus: Các loại vi khuẩn hoặc virus có thể tác động xấu đến dạ dày và gây ra cảm giác buồn nôn, nguyên nhân là do độc tố của vi khuẩn và virus. Một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ngộ độc thực phẩm đó chính là thức ăn bị nhiễm vi khuẩn, người bệnh sẽ có một số triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy,...
  • Các loại thuốc: Sử dụng một số loại thuốc như thuốc hóa trị trong điều trị ung thư có thể gây khó chịu cho dạ dày, hậu quả là dẫn đến triệu chứng buồn nôn.
  • Say tàu xe, say sóng: Sở dĩ có hiện tượng say tàu xe, say sóng là do thông tin được dẫn truyền đến não không đồng bộ với các giác quan, từ đó dẫn tới hiện tượng buồn nôn, chóng mặt, nôn mửa.
  • Chế độ ăn: Chế độ ăn không khoa học, nhiều thực phẩm cay nóng, giàu chất béo có thể khiến cho dạ dày làm việc không hiệu quả, gây đau dạ dày, dẫn đến buồn nôn. Ngoài ra, nếu bị dị ứng với các loại thức ăn, bạn cũng có thể bị buồn nôn.
  • Bệnh lý: Một số các bệnh lý khác có thể gây đau bụng dữ dội như sỏi túi mật, viêm tụy, sỏi thận,... cũng gây ra triệu chứng khó chịu kèm theo là buồn nôn.
  • Mang thai: Ở phụ nữ, hay buồn nôn cũng có thể là do đã mang thai, nội tiết tố thay đổi cũng làm tăng sự nhạy cảm của khứu giác.

Buồn nôn cũng có thể là do một số các bệnh khác gây ra như nhiễm trùng tai, nhồi máu cơ tim, suy gan, ung thư gan, chóng mặt tư thế kịch phát lành tính,... Để có thể biết được chính xác tình trạng mình đang gặp phải, người bệnh sẽ cần thăm khám với các bác sĩ chuyên khoa.

Hay buồn nôn là bị bệnh gì?2
Hay buồn nôn có thể là dấu hiệu của các bệnh lý về hệ tiêu hóa, tâm lý, các bệnh nhiễm trùng,...

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Chúng ta tuyệt đối không nên xem thường triệu chứng buồn nôn. Đặc biệt, nếu buồn nôn đi kèm theo một số dấu hiệu bất thường về sức khỏe sau đây, đó chính xác là lời cảnh báo để bạn thăm khám với bác sĩ càng sớm càng tốt, không nên để tình trạng này kéo dài. Cụ thể:

  • Thường xuyên đau bụng và tức ngực.
  • Nôn mửa, nôn ra chất dịch có màu vàng, màu cà phê hoặc thậm chí là nôn ra máu.
  • Sốt cao và phát ban.
  • Thường xuyên cảm thấy đau đầu, đau cổ và mỏi cổ.
  • Luôn cảm thấy mệt mỏi, stress, căng thẳng và mất ngủ lâu ngày.
  • Có biểu hiện của tình trạng mất nước nghiêm trọng như khô môi, lờ đờ, tiểu ít, chuột rút,...
  • Đi cầu ra chất có màu giống nước trà, đi cầu ra máu,...

Các bác sĩ sẽ thăm khám và làm các xét nghiệm nếu cần thiết để xác định chính xác tình trạng bệnh nhân đang gặp phải. Sau đó đưa ra phác đồ điều trị giúp người bệnh cải thiện sức khỏe.

Hay buồn nôn là bị bệnh gì?3
Thăm khám bác sĩ nếu triệu chứng buồn nôn kéo dài không thuyên giảm

Các phương pháp giúp cải thiện triệu chứng buồn nôn

Nếu triệu chứng buồn nôn vẫn gây ra cảm giác khó chịu và mệt mỏi cho bạn, hãy thử áp dụng một số các phương pháp giúp cải thiện triệu chứng buồn nôn sau đây:

  • Uống đủ nước, tuy nhiên không nên uống một lượng nước lớn một lúc để giảm cảm giác buồn nôn mà nên uống từ từ.
  • Hạn chế ăn các loại đồ ăn cứng và đặc như cơm, xôi hay mì tôm,... cho tới khi cơn buồn nôn đã qua.
  • Sử dụng các dung dịch bù nước để tránh bị mất nước nếu như bị buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy kéo dài hơn 24 giờ.
  • Đối với phụ nữ mang thai, hãy chia nhỏ các bữa ăn trong ngày và thường xuyên bổ sung bữa ăn nhẹ giàu protein, việc này có thể giúp cải thiện tình trạng buồn nôn, ốm nghén.
  • Nếu tình trạng ốm nghén ở phụ nữ xảy ra quá nhiều, gây ảnh hưởng tới sức khỏe, sinh hoạt hàng ngày thì có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng một số loại thuốc giảm buồn nôn không kê đơn.
  • Nếu buồn nôn do say tàu xe, say sóng, hãy sử dụng các loại thuốc chống say xe, say sóng.

Ngoài ra hãy ghi nhớ, ngủ đủ giấc và nghỉ ngơi hợp lý, tránh để cơ thể mệt mỏi và căng thẳng quá mức. Hạn chế ăn các loại thức ăn chứa nhiều dầu mỡ, thức ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, đồ ăn có chứa nhiều chất bảo quản,... gây hại đến dạ dày cũng như hệ tiêu hóa. Bù lại, hãy nạp thật nhiều các loại rau củ quả, thực phẩm chứa nhiều vitamin và chất khoáng kết hợp với việc uống đủ nước và tập luyện thể dục mỗi ngày. Có như vậy, cơ thể bạn mới luôn ở trong trạng thái tốt, không bị buồn nôn, mệt mỏi.

Hay buồn nôn là bị bệnh gì?4
Có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng thuốc giảm cảm giác buồn nôn

Biện pháp giúp phòng ngừa cảm giác buồn nôn

Để không bị cảm giác buồn nôn quấy rầy, bạn có thể áp dụng một số cách như sau:

  • Chia nhỏ các bữa ăn, ăn chậm nhai kỹ để giảm bớt áp lực cho dạ dày.
  • Hạn chế ăn các loại thực phẩm khó tiêu hóa, thức ăn nhiều dầu mỡ.
  • Tránh vận động nhiều, vận động mạnh sau khi ăn xong. Đối với trẻ nhỏ, không nên để trẻ chơi đùa trong lúc ăn.
  • Không uống nước trong bữa ăn.
  • Khi di chuyển trên tàu xe, không nên đọc sách hoặc sử dụng điện thoại, việc này có thể gây ra tình trạng say xe.

Buồn nôn có thể xuất phát từ cảm giác hết sức tự nhiên, đồng thời cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm.

Hay buồn nôn là bị bệnh gì?5
Ghi nhớ và áp dụng một số biện pháp giúp phòng ngừa cảm giác buồn nôn

Hay buồn nôn có thể do rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu tình trạng này kéo dài, người bệnh tuyệt đối không nên tự ý mua các loại thuốc về để điều trị. Việc này không những không giúp cải thiện cảm giác buồn nôn mà còn có thể gây ra nhiều những biến chứng nguy hiểm khác gây ảnh hưởng đến sức khỏe. 

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin