Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hội chứng Apallic là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Ngày 14/12/2023
Kích thước chữ

Hội chứng Apallic là một loại hôn mê, rối loạn nhận thức khi người bệnh gặp tổn thương não nghiêm trọng. Hội chứng này được xếp vào nhóm bệnh lý thần kinh, thường gặp ở người bị hôn mê kéo dài.

Não là cơ quan vô cùng quan trọng, quản lý mọi hoạt động của các hệ cơ quan trên cơ thể. Các chấn thương não nghiêm trọng dễ khiến người bệnh rơi vào trạng thái hôn mê. Hôn mê kéo dài có thể dẫn đến hội chứng Apallic (Apallic syndrome). Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu Apallic syndrome là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị Apallic syndrome ra sao?

Hội chứng Apallic là gì?

Hội chứng Apallic thường được xem là một loại hôn mê, một tình trạng rối loạn nhận thức thuộc nhóm bệnh lý thần kinh xảy ra sau khi người bệnh bị tổn thương não nghiêm trọng. Họ chỉ nhận thức được một phần môi trường xung quanh chứ không ý thức được hoàn toàn. Hiện nay, thuật ngữ hội chứng Apallic chưa được sử dụng rộng rãi nên nhiều người còn thấy khá xa lạ. Trong nhiều trường hợp, các bác sĩ vẫn dùng các thuật ngữ thay thế khác như trạng thái mất chức năng não, trạng thái mất vỏ. Hai thuật ngữ được dùng thay thế này thực tế chỉ phản ánh một phần mức độ tổn thương của hệ thần kinh khi người bệnh mắc Apallic syndrome.

Thống kê cho thấy, khoảng 2 - 15% bệnh nhân bị hôn mê do chấn thương kéo dài gặp hội chứng này. Và có khoảng 11% bệnh nhân bị hôn mê nhưng không chấn thương mắc hội chứng. Như vậy, có thể khẳng định tình trạng hôn mê kéo dài chính là yếu tố thúc đẩy xuất hiện hội chứng Apallic. Và giới chuyên gia phân chia hội chứng này thành 2 loại: Hội chứng Apallic bệnh lý chấn thương và hội chứng Apallic nguyên nhân không chấn thương.

Hội chứng Apallic là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 1
Hôn mê kéo dài dẫn đến hội chứng Apallic

Mức độ nghiêm trọng của Apallic syndrome phụ thuộc vào các yếu tố như: Mức độ tổn thương não của người bệnh, người bệnh có được can thiệp, điều trị đúng cách và kịp thời hay không, tình trạng sức khỏe của người bệnh, thời gian kéo dài hôn mê,… Theo các nghiên cứu, nếu người bệnh dưới 35 tuổi, cơ hội phục hồi sau mắc hội chứng Apallic cao gấp khoảng 10 lần so với người bệnh trên 65 tuổi.

Nguyên nhân bệnh Hội chứng Apallic

Các bác sĩ cho rằng hội chứng Apallic bắt nguồn từ việc các thành phần của vỏ não bị mất kết nối với thân não. Thân não gồm các thành phần như: Cầu não, não giữa, hành não. Thân não có nhiệm vụ đảm nhận trách nhiệm chi phối nhịp tim, hô hấp, tiêu hóa và hoạt động của các dây thần kinh sọ não. Nguyên nhân dẫn đến hội chứng này có thể là:

  • Não bị tổn thương nghiêm trọng sau các chấn thương do tai nạn lao động, tai nạn nghề nghiệp, ẩu đả,...
  • Các can thiệp phẫu thuật được thực hiện ở não cũng có thể để lại biến chứng là các tổn thương não ở mức độ khác nhau.
  • Não bị tổn thương do bị vi khuẩn, virus tấn công, ví dụ như viêm màng não.
  • Người bị thiếu máu cục bộ hoặc đột quỵ cũng có thể mắc hội chứng Apallic sau đó.
  • Nhiễm độc não nghiêm trọng, thiếu oxy não nghiêm trọng cũng là nguyên nhân khiến người bệnh bị mắc Apallic.

Bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể mắc hội chứng này, nhưng đối tượng có nguy cơ cao nhất là: 

  • Người cao tuổi;
  • Người bị chấn thương nặng vùng đầu;
  • Người bị nhiễm trùng nặng;
  • Người bị ngộ độc nặng;
  • Người bị rối loạn điện giải trong não hoặc bị thiếu oxy trong máu nghiêm trọng.
Hội chứng Apallic là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 2
Đột quỵ, chấn thương nghiêm trọng, tổn thương sau phẫu thuật đều có thể gây ra hội chứng Apallic

Hội chứng Apallic biểu hiện thế nào?

Hội chứng Apallic xuất hiện cùng những triệu chứng đặc trưng như mất một phần nhận thức. Quan sát người bệnh sẽ thấy những triệu chứng rất dễ nhận ra như:

  • Người bệnh có thể mở mắt khi bị kích thích nhưng lại không thể nhìn được các đồ vật xung quanh họ.
  • Họ không phản ứng với tiếng gọi tên, tiếng nói hay những động chạm vào cơ thể.
  • Người mắc hội chứng này không nói, không cười, không biểu lộ bất cứ cảm xúc nào.
  • Họ không có phản xạ hay cử động nào tương tác với những người hay những sự việc xung quanh.
  • Cơ thể người bệnh có phản ứng với cơn đau nhưng thường quá mức. Khi đau, họ có thể bị co giật, co thắt cơ hay có những chuyển động không phối hợp.
  • Người bệnh vẫn giữ được phản xạ nuốt.

Hội chứng Apallic không được kiểm soát, can thiệp kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng như: Co giật, huyết khối tĩnh mạch, nhiễm trùng huyết, tàn tật, tử vong nếu tổn thương não quá nghiêm trọng.

Hội chứng Apallic là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 3
Người bệnh bị mất một phần nhận thức với thế giới xung quanh

Chẩn đoán hội chứng Apallic bằng cách nào?

Để chẩn đoán chính xác người bệnh có mắc hội chứng Apallic hay không, các bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và chỉ định các xét nghiệm như:

  • Làm xét nghiệm thường quy để đánh giá sức khỏe tổng thể của người bệnh.
  • Tổng phân tích tế bào máu, tổng phân tích nước tiểu.
  • Sinh hóa máu để đánh giá các chức năng gan, chức năng thận, chỉ số đường huyết,…
  • Xét nghiệm chuyên biệt khác tùy từng trường hợp cụ thể.
  • Siêu âm tim, điện tâm đồ để đánh giá chức năng tim và phát hiện tình trạng thiếu máu cục bộ trong cơ tim nếu có.
  • Siêu âm bụng để đánh giá chức năng của các cơ quan trong hệ tiêu hóa.
  • Điện não đồ để đánh giá chức năng của não bộ.

Các biện pháp điều trị hội chứng Apallic

Hội chứng Apallic được xếp vào nhóm tình trạng cấp cứu. Người bệnh cần được điều trị nhanh chóng, toàn diện dưới sự giám sát và chăm sóc liên tục. Cụ thể là:

  • Các bác sĩ sẽ ổn định chức năng tim mạch, hô hấp cho người bệnh. Điều trị nội khoa bằng các loại thuốc để kiểm soát triệu chứng nguy hiểm.
  • Người bệnh cũng cần được cung cấp thêm dinh dưỡng ngoài đường tiêu hóa.
  • Trong điều trị ngoại khoa, tùy tình trạng mà người bệnh gặp phải như tụ máu não, chấn thương đầu cổ,... bác sĩ sẽ tiến hành các phẫu thuật thần kinh phù hợp.
  • Điều trị vật lý trị liệu phù hợp với các giai đoạn phục hồi của người bệnh, phòng ngừa teo não hay thoái hóa não.
Hội chứng Apallic là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 4
Phẫu thuật xử lý chấn thương vùng đầu nếu có

Hội chứng Apallic là hậu quả của hôn mê kéo dài do chấn thương hoặc không do chấn thương. Để phòng ngừa hội chứng, những bệnh nhân bị tổn thương não nghiêm trọng, mới thực hiện phẫu thuật ở não, bị thiếu máu cục bộ hay đột quỵ, người bị nhiễm độc hay thiếu oxy máu nghiêm trọng cần được theo dõi và chăm sóc y tế liên tục. 

Xem thêm: Bạn biết gì về hội chứng chu kỳ liên quan đến thụ thể TNF?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin