Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Khi nào cơ thể cần bổ sung cholesterol?

Thị Thúy

08/04/2025
Kích thước chữ

Không phải lúc nào lượng cholesterol thấp cũng là tốt. Vậy khi nào thì cơ thể thật sự cần được bổ sung cholesterol, và bổ sung như thế nào để an toàn, hiệu quả? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vai trò của cholesterol và những dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu hụt chất béo quan trọng này.

Nhắc đến cholesterol, nhiều người thường có tâm lý e ngại vì lo sợ mắc bệnh tim mạch. Tuy nhiên, cholesterol không hoàn toàn là “kẻ xấu” như ta thường nghĩ. Đây là một chất béo cần thiết cho cấu trúc tế bào, sản xuất hormone và tiêu hóa chất béo. Nếu thiếu cholesterol, cơ thể sẽ gặp không ít rối loạn, ảnh hưởng đến sức khỏe toàn diện. Vậy làm sao để biết lúc nào cần bổ sung cholesterol, và bổ sung ra sao để không gây hại?

Tầm quan trọng của cholesterol

Cholesterol là một chất béo có vai trò vô cùng quan trọng đối với cơ thể con người. Dù đôi khi cholesterol bị gắn liền với hình ảnh tiêu cực như gây bệnh tim mạch, nhưng thực tế, đây là một thành phần thiết yếu trong quá trình trao đổi chất và duy trì hoạt động sống.

Cholesterol được gan sản xuất tự nhiên và cũng được hấp thu qua thực phẩm hằng ngày. Trong cơ thể, nó đảm nhận nhiều vai trò quan trọng như:

  • Là nguyên liệu cấu tạo màng tế bào, giúp các tế bào hoạt động ổn định.
  • Tham gia vào quá trình bài tiết mật, hỗ trợ tiêu hóa chất béo hiệu quả.
  • Là thành phần tạo nên các hormone sinh dục như estrogen và testosterone.
Khi nào cơ thể cần bổ sung cholesterol? 1
Cholesterol giúp các tế bào hoạt động ổn định

Cholesterol trong máu tồn tại dưới hai dạng chính: LDL cholesterol (cholesterol xấu) và HDL cholesterol (cholesterol tốt). Sự khác biệt giữa hai loại này nằm ở vai trò và ảnh hưởng đến sức khỏe:

  • HDL cholesterol giúp vận chuyển LDL ra khỏi thành mạch, làm sạch mạch máu, từ đó giảm nguy cơ xơ vữa động mạch và bảo vệ tim mạch. Đây là loại cholesterol nên được duy trì ở mức cao, tối ưu từ 60 mg/dL (1.5 mmol/L) trở lên.
  • Ngược lại, LDL cholesterol khi tích tụ quá mức trong máu sẽ bám vào thành mạch, gây tắc nghẽn, hình thành mảng xơ vữa, làm tăng nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim. Nồng độ LDL nên giữ dưới 100 mg/dL (2.5 mmol/L) để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
  • Tổng lượng cholesterol trong máu, còn gọi là cholesterol toàn phần, là một chỉ số quan trọng dùng để đánh giá tổng thể tình trạng mỡ máu. Mức cholesterol toàn phần lý tưởng là dưới 200 mg/dL (5.0 mmol/L). Nếu nằm trong khoảng 200–239 mg/dL (5.0–6.0 mmol/L) thì được xem là ở ngưỡng cảnh báo, cần điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống.

Việc duy trì tỷ lệ hợp lý giữa cholesterol tốt và cholesterol xấu là chìa khóa giúp bảo vệ tim mạch và kéo dài tuổi thọ.

Khi nào cơ thể cần bổ sung cholesterol?

Hiện nay, vẫn chưa có một thước đo cụ thể và chính xác tuyệt đối để xác định mức cholesterol trong máu bao nhiêu là thấp, bởi điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như độ tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe tổng thể và thậm chí là yếu tố di truyền hoặc chủng tộc. Tuy nhiên, nếu nồng độ HDL cholesterol – còn gọi là cholesterol "tốt" – thấp hơn 40 mg/dL (1.0 mmol/L), hoặc tỷ lệ LDL cholesterol – cholesterol "xấu" – chiếm phần lớn trong tổng lượng cholesterol, thì cơ thể có thể cần được xem xét bổ sung thêm HDL cholesterol để cân bằng.

Cơ thể chúng ta cần một lượng cholesterol nhất định để sản xuất hormone, vitamin D và hỗ trợ quá trình tiêu hóa chất béo. Cholesterol chia thành hai loại chính: HDL (tốt) và LDL (xấu). Nếu bổ sung không đúng cách, đặc biệt là nạp vào quá nhiều cholesterol xấu, cơ thể có thể đối mặt với nguy cơ xơ vữa động mạch, đột quỵ và nhiều vấn đề tim mạch khác. Vì thế, việc bổ sung nên được thực hiện cẩn trọng và theo đúng hướng dẫn từ bác sĩ chuyên môn.

Khi nào cơ thể cần bổ sung cholesterol? 2
Khi nào cơ thể cần bổ sung cholesterol?

Một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị thiếu hụt cholesterol bao gồm:

  • Người bị suy dinh dưỡng, rối loạn hấp thu hoặc mắc bệnh gan.
  • Bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu, suy tuyến thượng thận, hoặc rối loạn tuyến giáp (cường giáp, suy giáp).
  • Những người ăn uống thiếu chất, đặc biệt là thiếu mangan, thiếu chất béo lành mạnh trong khẩu phần.
  • Ngoài ra, một số trường hợp cholesterol thấp do di truyền có thể xuất hiện từ rất sớm, thậm chí ở trẻ dưới 1 tuổi. Những trẻ này cần được phát hiện sớm và có kế hoạch điều trị, bổ sung phù hợp để đảm bảo sự phát triển toàn diện.

Tóm lại, việc duy trì mức cholesterol ổn định với tỷ lệ phù hợp giữa HDL và LDL không chỉ giúp tăng cường sức khỏe tim mạch mà còn là điều kiện quan trọng để phòng ngừa nhiều biến chứng nguy hiểm.

Làm thế nào để bổ sung cholesterol cho cơ thể?

Hiện tại, y học vẫn chưa phát triển được loại thuốc nào có khả năng làm tăng toàn bộ lượng cholesterol trong cơ thể. Một số loại thuốc như statin có thể hỗ trợ tăng HDL cholesterol (cholesterol tốt), nhưng việc sử dụng cần hết sức cẩn trọng. Statin có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng nếu dùng không đúng liều hoặc không phù hợp với tình trạng sức khỏe. Vì vậy, chỉ nên sử dụng Statin khi có chỉ định cụ thể từ bác sĩ.

Thay vì phụ thuộc vào thuốc, các chuyên gia khuyến khích chúng ta nên tập trung vào chế độ ăn uống lành mạnh và lối sống khoa học để duy trì cholesterol ở mức cân bằng, giúp bảo vệ tim mạch và phòng ngừa bệnh tật.

Ăn uống đúng cách để hỗ trợ cân bằng cholesterol

Một số thực phẩm nên được đưa vào thực đơn hàng ngày vì chúng giúp tăng HDL cholesterol và giảm tác động của LDL cholesterol:

  • Ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, lúa mạch, gạo lứt, các loại đậu… rất giàu chất xơ, giúp đào thải cholesterol xấu ra khỏi cơ thể. Người cần điều chỉnh cholesterol nên dùng ít nhất 2 phần ngũ cốc nguyên hạt mỗi ngày.
  • Cá béo như cá hồi, cá thu, cá mòi, cá ngừ chứa nhiều omega-3, có lợi cho tim mạch. Ăn 2 khẩu phần cá mỗi tuần được xem là hợp lý.
  • Quả bơ chứa chất béo không bão hòa đơn cùng folate, giúp tăng HDL cholesterol và giảm nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
  • Rượu vang đỏ khi uống với liều lượng vừa phải (1 – 2 ly/ngày) có thể tăng cholesterol tốt. Tuy nhiên, cần tránh lạm dụng để không gây hại cho gan và huyết áp.
  • Hạt chia, hạt lanh là nguồn chất xơ và omega-3 lý tưởng. Dùng thường xuyên sẽ hỗ trợ cân bằng cholesterol tự nhiên.
Khi nào cơ thể cần bổ sung cholesterol? 3
Ăn uống lành mạnh để hỗ trợ cân bằng cholesterol

Rèn luyện thể chất

Tập thể dục đều đặn không chỉ giúp giảm LDL cholesterol mà còn thúc đẩy HDL cholesterol hoạt động hiệu quả hơn. Chỉ cần duy trì 20 – 30 phút tập luyện mỗi ngày, ít nhất 5 ngày/tuần, hoặc đơn giản là đi bộ 10 – 15 phút mỗi ngày, bạn đã giúp cơ thể điều hòa tốt lượng cholesterol.

khi-nao-co-the-can-bo-sung-cholesterol (4).png
D

Hy vọng qua nội dung bài viết bạn đã có thêm thông tin khi nào cơ thể cần bổ sung cholesterol? Cholesterol là một phần không thể thiếu trong hoạt động sống của cơ thể, nhưng không phải ai cũng cần bổ sung, và càng không nên bổ sung một cách tùy tiện. Việc xác định cơ thể có thiếu cholesterol hay không cần dựa vào xét nghiệm máu, đánh giá của bác sĩ và các triệu chứng đi kèm. Để duy trì sức khỏe lâu dài, mỗi người nên xây dựng lối sống lành mạnh, chế độ ăn cân đối và thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để kiểm soát tốt chỉ số cholesterol, tránh những biến chứng không mong muốn.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.