Mẹ bầu đau lưng 3 tháng đầu do nguyên nhân gì? Làm thế nào để giảm đau?
Ngày 10/07/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Khi mang thai, cơ thể mẹ bầu có nhiều thay đổi như tăng cân nhanh, ốm nghén, tâm lý nhạy cảm, đau lưng… Tình trạng mẹ bầu đau lưng 3 tháng đầu là do nguyên nhân gì? Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp mẹ có thêm thông tin và biết cách làm giảm đau lưng trong thai kỳ.
Đau lưng khi mang thai khiến mẹ bầu gặp không ít phiền toái, thậm chí là ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt hàng ngày. Bài viết này sẽ lý giải nguyên nhân khiến mẹ bầu đau lưng 3 tháng đầu và gửi đến mẹ một số bí quyết giúp giảm đau lưng khi mang thai để thai phụ được thoải mái hơn.
Nguyên nhân khiến mẹ bầu đau lưng 3 tháng đầu
Hầu hết các mẹ bầu thường phải đối mặt với cơn đau nhức lưng trong thai kỳ. Mẹ bầu đau lưng 3 tháng đầu thường xảy ra ở vùng hông, vùng xương cùng và vùng cột sống thắt lưng. Tùy theo từng trường hợp mà cơn đau sẽ có cường độ và tần suất khác nhau. Khi bị đau lưng, thai phụ sẽ mệt mỏi, mất ngủ, tâm lý dễ bị ảnh hưởng.
Theo các bác sĩ, đau lưng là một hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể khi mang thai. Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể là do:
Hormone cơ thể thay đổi trong thai kỳ: Sự thay đổi của hormone trong quá trình mang thai khiến các khớp lỏng lẻo, giãn dây chằng vùng cột sống, vùng chậu, lưng bị giảm chức năng nâng đỡ khiến cho thai phụ cảm thấy lưng đau nhức.
Trọng lượng cơ thể tăng: Ở tam cá nguyệt thứ nhất, cơ thể mẹ bầu đã bắt đầu tăng cân khiến cho lưng phải chịu sức ép ngày càng lớn dẫn đến đau lưng.
Cơ vùng bụng yếu: Chức năng chịu sức ép của cơ vùng bụng đã giảm đi trong thời kỳ mang thai gây chèn ép cơ lưng dẫn đến các cơn đau.
Một số bệnh lý: Mẹ bầu bị đau lưng có thể là có liên quan đến chứng đau thần kinh tọa. Đây là bệnh lý làm suy giảm chức năng của dây chằng vùng lưng và xương chậu gây nên cơn đau lưng.
Tâm lý không thoải mái: Việc phụ nữ mang thai có tâm lý căng thẳng có thể gián tiếp gây nên cơn đau nhức lưng.
Sai tư thế khi đi đứng, nằm ngồi: Việc mẹ vận động hoặc nghỉ ngơi sai tư thế cũng là nguyên nhân làm tăng tình trạng đau lưng. Điển hình là mẹ bầu ngồi một chỗ quá lâu, ngồi không đúng tư thế cũng khiến lưng bị đau.
Phương pháp giúp giảm đau lưng khi mang thai 3 tháng đầu
Mẹ bầu đau lưng 3 tháng đầu là tình trạng gây ra không ít khó khăn, vất vả. Nó còn đi kèm theo chứng ốm nghén khiến mẹ vô cùng mệt mỏi.
Dưới đây là một số bí quyết mà mẹ có thể tham khảo để giảm bớt cơn đau lưng:
Thường xuyên tập luyện các bài thể dục nhẹ nhàng dành cho thai phụ như yoga cho bà bầu, đi bộ, bơi lội… để cơ thể luôn khỏe mạnh, tăng cường sức mạnh xương khớp, cơ bắp chắc khỏe. Đây còn là những bộ môn hỗ trợ mẹ vượt cạn được dễ dàng hơn.
Giữ lưng thẳng khi đứng để không bị mỏi lưng.
Ngồi thẳng, ngồi ở nơi có ghế tựa.
Nếu muốn nhặt hoặc lấy đồ dưới đất, mẹ không nên cúi người xuống mà hãy từ từ ngồi xuống rồi lấy để tránh làm cơn đau lưng tăng thêm.
Khi ngủ, thai phụ nên nằm nghiêng về bên trái, chọn tư thế sao cho thoải mái và cảm thấy dễ chịu nhất. Mẹ có thể đặt một chiếc gối ở giữa 2 đầu gối và kê 1 chiếc gối thấp dưới thắt lưng và eo để ngủ ngon hơn. Nếu được, mẹ nên chuẩn bị cho mình một chiếc gối ôm chuyên dụng dành cho bà bầu.
Hạn chế ngủ với tư thế nằm ngửa.
Không nên ăn quá nhiều trong một bữa ăn. Thay vào đó, mẹ hãy chia nhỏ thành nhiều bữa, khẩu phần ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng để nuôi dưỡng cả mẹ và bé.
Duy trì cân nặng của cơ thể tăng đều mỗi tháng, không nên tăng đột ngột. Trong trường hợp thấy cân nặng tăng quá nhanh và quá nhiều thì chị em cần đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và xử lý.
Chọn giày đế bệt, thấp, đi lại thoải mái, tránh xa giày cao gót. Nguyên nhân là những đôi giày cao gót sẽ khiến trọng lượng cơ thể dồn về phía trước nhiều hơn, cơn đau lưng tăng lên. Không những vậy, chúng còn có thể khiến mẹ bị vấp ngã gây động thai, sảy thai hoặc sinh non hết sức nguy hiểm.
Không mang vác đồ nặng vì chúng sẽ làm tăng trọng tải lên cột sống khiến mẹ càng đau lưng hơn.
Thực hiện chườm ấm vùng thắt lưng, tắm nước ấm để làm giảm cơn đau lưng hiệu quả.
Xoa bóp, massage lưng cho bà bầu tại nhà nhẹ nhàng và thường xuyên mỗi ngày để tăng cường lưu thông máu, làm mềm cơ, giảm đau lưng.
Xây dựng chế độ ăn uống bổ sung canxi và magie từ các thực phẩm như đậu, sữa, rau xanh, thực phẩm chức năng dành cho mẹ bầu để giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh, phòng ngừa một số bệnh lý trong thai kỳ. Tuy nhiên, mẹ hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc và thực phẩm bổ sung nào để đảm bảo an toàn.
Có khoảng ⅔ trường hợp thai phụ bị đau lưng khi mới bắt đầu mang thai. Nhìn chung, tình trạng này khá phổ biến và không đáng lo ngại về sức khỏe. Trong trường hợp cơn đau nhiều, không cải thiện dù đã áp dụng các biện pháp trên, thai phụ hãy thông báo với bác sĩ để được chỉ định loại thuốc giảm đau phù hợp.
Khi nào mẹ bầu đau lưng 3 tháng đầu cần đến bác sĩ?
Mẹ bầu đau lưng vào tam cá nguyệt thứ nhất tuy là tình trạng bình thường nhưng đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một nguy cơ nào đó mà mẹ phải đối mặt. Trong trường hợp cơn đau lưng xuất hiện đi kèm các triệu chứng sau, bạn cần nhanh chóng đến cơ sở y tế uy tín thăm khám:
Đau lưng kèm theo triệu chứng đau tức bụng dưới, ra máu âm đạo. Đây có thể là dấu hiệu dọa sảy thai, đặc biệt là ở những mẹ 3 tháng đầu bởi nguy cơ sảy thai trong giai đoạn này khá cao.
Đau lưng đi cùng cảm giác đau buốt hoặc nóng rát phần dưới khi đi tiểu. Dấu hiệu này cho thấy mẹ có thể bị sỏi hoặc viêm đường tiết niệu.
Cơn đau lưng diễn ra với cường độ lớn, âm ỉ kéo dài không dứt, đau lan rộng từ lưng ra khắp vùng mông, đùi và cẳng chân.
Mong rằng những chia sẻ trên đã giúp mẹ hiểu được nguyên nhân của tình trạng mẹ bầu đau lưng 3 tháng đầu. Đây là hiện tượng phổ biến và thường xuyên xảy ra ở đa số các thai phụ. Bạn hãy thực hiện các bí quyết để giảm đi phần nào tình trạng đau mỏi lưng để không ảnh hưởng đến việc sinh hoạt hàng ngày. Sau khi sinh em bé, hiện tượng này sẽ biến mất nên mẹ không cần quá lo lắng nhé!
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.