Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Người bị tiểu đường có ăn được dưa hấu không?

Ngày 29/05/2023
Kích thước chữ

Vào mùa hè, để giải nhiệt nhanh chóng, ăn dưa hấu là một cách được nhiều người ưa chuộng. Thế nhưng, liệu rằng người bị tiểu đường có ăn được dưa hấu không?

Chế độ ăn uống của người bệnh tiểu đường cần phải tuân thủ đúng khoa học, lành mạnh và kiêng khem nhiều thực phẩm có khả năng làm tăng đường huyết trong máu. Bệnh nhân thường được khuyến khích bổ sung thực phẩm giàu chất xơ và vitamin như hoa quả, trái cây. Tuy nhiên, không phải loại quả nào người bệnh đái tháo đường cũng có thể ăn được. Vậy người bị tiểu đường có ăn được dưa hấu không? Chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết này.

Hàm lượng dinh dưỡng của quả dưa hấu

Dưa hấu không chỉ là một loại trái cây giúp giải khát tuyệt vời vào ngày hè, mà còn chứa nhiều các dưỡng chất thiết yếu như lycopene, vitamin A và vitamin C. Trong đó, lycopene là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, có khả năng bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do gây hại. Lycopene còn được cho là có tác dụng phòng ngừa một số bệnh như ung thư, bệnh tim mạch và bệnh tiểu đường.

Góc sức khỏe: Người bị tiểu đường có ăn được dưa hấu không 1
Dưa hấu chứa nhiều các dưỡng chất thiết yếu như lycopene, vitamin A và vitamin C,... tốt cho sức khoẻ

Vitamin A có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự khỏe mạnh của da, xương và mắt. Nó giúp cải thiện thị lực và đề kháng của mắt, đồng thời bảo vệ da khỏi tác động của tia tử ngoại. Vitamin C không chỉ hỗ trợ hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả mà còn có vai trò quan trọng trong quá trình chữa lành vết thương. Nó cũng giúp cơ thể tạo ra collagen, một protein quan trọng cho da, mô mềm và xương.

Ngoài ra, dưa hấu cũng có hạt chứa acid béo omega-3, một chất béo không no và có lợi cho sức khỏe tim mạch. Đồng thời, nó cung cấp đồng và các loại vitamin B như vitamin B5, biotin, vitamin B1 và vitamin B6. Các dưỡng chất này đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất của cơ thể và hỗ trợ chức năng của hệ thần kinh.

Người bị tiểu đường có ăn được dưa hấu không?

Như đã đề cập trước đó, dưa hấu mang đến hàm lượng giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe của người dùng. Vậy thì người bị tiểu đường có ăn được dưa hấu không?

Theo Thạc sĩ Doãn Thị Tường Vi, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng lâm sàng cho biết, dưa hấu có chỉ số GI của thực phẩm khá cao khi tính với hàm lượng 100g, dao động từ 72 - 80/100. Tuy nhiên, hàm lượng đường huyết hấp thu vào cơ thể (GL) của dưa hấu lại ở mức thấp, khoảng 2,3g.

người bị tiểu đường có ăn được dưa hấu không
Người bị tiểu đường có ăn được dưa hấu không, có tốt cho sức khoẻ không?

Các khoáng chất như kali, magie và các chất dinh dưỡng khác có trong dưa hấu có thể giúp tăng cường hoạt động của insulin, giảm lượng đường trong máu, chất béo và protein, từ đó làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu. Vì vậy, người bị tiểu đường hoàn toàn có thể tiêu thụ dưa hấu với hàm lượng cho phép, khoảng 200g trong một ngày.

Một điều nên chú ý là đối với trường hợp tiểu đường hoặc các vấn đề sức khỏe liên quan đến đường huyết, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng. Các chuyên gia có thể đưa ra những chỉ dẫn cụ thể và phù hợp với tình trạng sức khỏe của mỗi người.

Bệnh nhân tiểu đường ăn dưa hấu theo cách nào là tốt nhất?

Người mắc bệnh đái tháo đường có thể thêm dưa hấu vào các bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ bằng cách ăn trực tiếp hoặc xay sinh tố, kết hợp với các loại hạt, thực phẩm giàu chất béo lành mạnh, protein. Tuy nhiên, điều quan trọng là không thêm đường và không kết hợp với các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao.

người bị tiểu đường có ăn được dưa hấu không, ăn thế nào?
Người bị tiểu đường có thể ăn dưa hấu trực tiếp, xay sinh tố, hoặc ăn kèm với các loại hạt

Ngoài ra, người bệnh tiểu đường không nên tiêu thụ dưa hấu dưới dạng nước ép. Theo Tổ chức Bệnh đái tháo đường Defeat, nước ép hoa quả có hàm lượng đường cao hơn so với hoa quả nguyên bản. Đồng thời, quá trình ép hoa quả thành nước ép cũng làm giảm lượng chất xơ trong hoa quả. Chất xơ có vai trò giúp giảm hấp thụ đường trong ruột, do đó, việc tiêu thụ dưa hấu dưới dạng nước ép có thể khiến mức đường huyết tăng đột ngột.

Một vài điều lưu ý cho bệnh nhân tiểu đường khi ăn dưa hấu

Người bệnh tiểu đường có thể ăn dưa hấu, tuy nhiên nên lưu ý các điểm này sau khi ăn để đảm bảo kiểm soát đường huyết ổn định:

  • Giới hạn lượng dưa hấu: Dưa hấu có chứa nhiều đường tự nhiên, vì vậy người bệnh tiểu đường nên ăn dưa hấu một cách hợp lý với số lượng vừa phải. Thông thường, một phần dưa hấu có khoảng 15 - 20g carbohydrate.
  • Kiểm soát carbohydrate: Người bệnh tiểu đường cần quan tâm đến lượng carbohydrate từ dưa hấu, và điều chỉnh liều insulin hoặc thuốc đường huyết theo hướng dẫn của bác sĩ. Điều này giúp bạn duy trì mức đường huyết ổn định.
  • Kết hợp dưa hấu với thức ăn khác: Khi ăn dưa hấu, tốt nhất là kết hợp nó với các loại thực phẩm giàu chất xơ và protein để làm chậm quá trình hấp thụ carbohydrate. Ví dụ, bạn có thể ăn dưa hấu cùng với thịt gà, cá, hoặc các loại hạt.
  • Theo dõi đường huyết: Người bệnh tiểu đường nên kiểm tra đường huyết thường xuyên tại nhà bằng máy đo đường huyết sau khi ăn dưa hấu để xem cơ thể phản ứng như thế nào. Nếu đường huyết tăng đột ngột hoặc không ổn định, thì cần điều chỉnh chế độ ăn uống hoặc tham khảo ý kiến ​​bác sĩ.

Trên đây là những thông tin xoay quanh vấn đề người bị tiểu đường có ăn được dưa hấu không. Qua đó, chúng ta có thể khẳng định, bệnh nhân tiểu đường vẫn có thể ăn loại quả này, nhưng với mức độ vừa phải, không vượt quá sự kiểm soát. Mong rằng các nội dung trong bài từ Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm về việc chăm sóc sức khỏe.

Xem thêm: 

Bảo Vân

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin