Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Người bị tiểu đường có được ăn chuối không?

Ngày 29/05/2023
Kích thước chữ

Về chuyện người bị tiểu đường có được ăn chuối không luôn là một vấn đề có hai luồng ý kiến khác nhau. Ở bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu và phân tích sâu hơn về vấn đề này.

Chuối là một loại trái cây được nhiều chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích ăn mỗi ngày. Loại quả này cung cấp nhiều năng lượng cho các hoạt động sống của cơ thể. Tuy nhiên, do chứa đường và tinh bột, chuối có thể làm thay đổi lượng đường trong máu. Vậy thì người bị tiểu đường có được ăn chuối không? Nếu có thì họ nên ăn với số lượng như thế nào?

Tiểu đường là gì? Nguyên nhân, triệu chứng thường gặp

Tiểu đường là một bệnh lý về sự rối loạn chuyển hóa cơ thể, được nhận biết bởi mức đường trong máu luôn cao hơn so với mức bình thường. 

Nguyên nhân chính của tiểu đường bao gồm: 

  • Yếu tố di truyền: Những người có người thân như cha, mẹ anh chị em ruột mắc bệnh tiểu đường thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
  • Lối sống không lành mạnh: Chế độ ăn uống không lành mạnh, thiếu vận động, và tăng cân sẽ dễ làm gia tăng đường huyết, dẫn đến tiểu đường. 
  • Kháng insulin: Cơ thể không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả hoặc sản xuất không đủ insulin để duy trì đường huyết ở mức bình thường. 

Triệu chứng thường gặp của tiểu đường có thể bao gồm: 

  • Khát nước và buồn nôn: Cảm giác khát nước liên tục, kèm theo buồn nôn. 
  • Thường xuyên đi tiểu: Tần suất đi tiểu nhiều, đặc biệt vào ban đêm. 
  • Mệt mỏi: Người bệnh sẽ luôn mệt mỏi thường xuyên. 
  • Sưng chân: Sưng và đau nhức ở chân và bàn chân. 
  • Mất cân nặng: Mặc dù ăn nhiều nhưng bệnh nhân vẫn sẽ sụt cân nhanh chóng. 
  • Thay đổi thị giác: Mắt mờ hoặc gặp nhiều khó khăn khi đọc chữ, đọc sách.

Những thành phần dinh dưỡng có trong chuối, lợi ích của chuối

Quả chuối có giá trị dinh dưỡng cao, mang đến nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, ở bài viết này, chúng tôi chỉ nhắc tới hàm lượng dinh dưỡng chủ yếu có liên quan đến bệnh tiểu đường.

Bổ sung đường cho cơ thể

Một quả chuối chứa khoảng 14 gram đường và 6 gram tinh bột, chiếm tới 93% calo mà thực phẩm này cung cấp. Đối với người khỏe mạnh, khi bạn tiêu thụ đường hoặc các thực phẩm giàu carbohydrate, lượng đường trong máu tăng lên và cơ thể sẽ sản xuất insulin để xử lý. Insulin giúp loại bỏ glucose khỏi máu và sử dụng nó làm năng lượng hoặc lưu trữ.

người bị tiểu đường có được ăn chuối không, có tác dụng gì
Chuối không chỉ cung cấp đường và tinh bột mà còn cung cấp nhiều chất xơ cho cơ thể

Tuy nhiên, đối với người bị tiểu đường, quá trình sản xuất insulin hoặc chuyển hóa glucose sẽ gặp nhiều vấn đề, dẫn đến việc không thể điều chỉnh mức đường trong máu tốt. Do đó, mức đường trong máu tăng cao và không được điều chỉnh hiệu quả.

Cung cấp chất xơ giúp giảm mức đường huyết

Chuối không chỉ cung cấp đường và tinh bột mà còn cung cấp nhiều chất xơ, ước tính khoảng 3 gram cho mỗi quả. Các nhà khoa học đã chứng minh rằng chất xơ là nguồn dinh dưỡng đặc biệt quan trọng đối với những người mắc bệnh tiểu đường. Vì nó có khả năng làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thụ carbohydrate. Điều này giúp người bệnh kiểm soát mức đường trong máu ổn định hơn, tránh tăng đột ngột sau khi ăn.

Trong chuối xanh có chứa tinh bột kháng

Trong quả chuối xanh được tìm thấy nhiều tinh bột kháng. Đây là một loại tinh bột dài được tạo thành từ chuỗi glucose. Khi chuối chín, hàm lượng tinh bột kháng trong chuối giảm đi. Tinh bột kháng có tác dụng tương tự như chất xơ trong việc ổn định nồng độ đường trong máu, không gây tăng đột ngột.

Ngoài ra, tinh bột kháng còn thúc đẩy hoạt động của các vi khuẩn có lợi, tăng cường quá trình trao đổi chất và kiểm soát đường huyết. Các tác dụng này đặc biệt rõ ràng đối với bệnh nhân tiểu đường type 2 (chiếm 90% tổng số bệnh nhân tiểu đường), giúp giảm viêm và tăng cường độ nhạy insulin. Do đó, bệnh nhân tiểu đường cũng được khuyến khích bổ sung tinh bột kháng trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày.

Người bị tiểu đường có nên ăn chuối không?

Trước câu hỏi người bị tiểu đường có được ăn chuối không, chúng ta cần phải dựa vào chỉ số GI của thực phẩm mới có thể đưa ra nhận xét chuẩn xác. Chỉ số GI sẽ có mức dao động từ 0 điểm đến 100 điểm. Cụ thể hơn:

  • GI dưới 55 sẽ được đánh giá là mức thấp.
  • GI từ 56 điểm đến 69 điểm sẽ thể hiện mức trung bình.
  • GI từ 70 điểm trở lên đến 100 điểm được nhận xét là mức cao.

Đối với người bệnh tiểu đường, thực phẩm nào có điểm GI càng thấp sẽ càng tốt cho sức khỏe của họ. Bởi lẽ, các thực phẩm này sẽ giúp mức đường huyết tăng dần dần, từ đó kéo dài thời gian tiêu hóa hoặc hấp thụ đường từ thức ăn của cơ thể. Nhờ vậy, chỉ số đường huyết sẽ không tăng cao bất ngờ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

người bị tiểu đường có được ăn chuối không
Người bị tiểu đường có được ăn chuối không?

Đối với quả chuối, điểm GI được nhận xét là nằm trong khoảng từ 42 điểm đến 62 điểm, thuộc mức thấp hoặc trung bình. Số điểm GI sẽ càng tăng khi chuối càng chín. Bên cạnh đó, kích thước của chuối cũng ảnh hưởng đến lượng đường mà nó cung cấp cho cơ thể. Kích thước quả chuối càng lớn, lượng carbs càng cao.

Vậy người bị tiểu đường có được ăn chuối không? Nói chung, không có lý do để loại bỏ chuối ra khỏi thực đơn của người bị tiểu đường. Lý do mà trái cây và hoa quả được khuyến khích cho bệnh nhân tiểu đường là vì chúng giàu vitamin, chất xơ và khoáng chất, có thể cải thiện sức khỏe, tăng cường hệ thống miễn dịch và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và ung thư.

Chuối cũng không ngoại lệ, chúng chứa nhiều chất xơ, vitamin, chất chống oxy hóa và các chất thực vật có lợi khác. Đường và tinh bột trong chuối khác với đường tinh chế sử dụng để làm bánh kẹo ngọt. Do đó, người bệnh có thể ăn thực phẩm này bình thường. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý ăn với một lượng vừa phải và vào thời điểm thích hợp.

Những lưu ý cho người tiểu đường khi ăn chuối

Người bị tiểu đường khi ăn chuối cần lưu ý những điều sau đây để đảm bảo chỉ số đường huyết ổn định:

  • Hạn chế ăn quá nhiều chuối trong một lần. Điều này có thể gây tăng đột ngột nồng độ đường trong máu. Bạn nên chia nhỏ chuối và chỉ ăn một phần, kết hợp với các thực phẩm khác để tạo cân bằng dinh dưỡng.
  • Chuối chưa chín chứa hàm lượng tinh bột kháng cao hơn, giúp ổn định nồng độ đường trong máu hơn. Bởi thế, bệnh nhân nên ưu tiên lựa chọn chuối chưa chín hơn chuối chín khi ăn.
  • Khi ăn chuối, bạn có thể kết hợp với các thực phẩm giàu chất xơ và chất béo khác để làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thụ đường. Điều này giúp kiểm soát đường huyết sau khi ăn.
  • Bệnh nhân tiểu đường cần theo dõi lượng đường toàn bộ từ các nguồn thực phẩm, bao gồm cả chuối. Để kiểm soát đường huyết hiệu quả, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về lượng chuối phù hợp trong chế độ ăn uống của mình.
người bị tiểu đường có được ăn chuối không, cần lưu ý gì
Người bị tiểu đường không nên ăn nhiều chuối một lần, và nên ưu tiên ăn chuối xanh

Thông qua bài viết trên, chúng tôi tin rằng bạn đã có câu trả lời cho thắc mắc về vấn đề người bị tiểu đường có được ăn chuối không. Hầu hết bệnh nhân bị tiểu đường thì việc bổ sung các loại trái cây bao gồm cả chuối là một lựa chọn lành mạnh. Tuy nhiên, cần chú ý đến độ chín và kích thước của quả chuối để không làm ảnh hưởng đến mức đường huyết của bạn. Mong rằng bạn sẽ luôn kiểm soát tốt lượng đường trong máu, và đạt được kết quả tích cực trong quá trình điều trị bệnh.

Hữu ích: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Thị Dương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin