Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Người tiểu đường có ăn được lạc không? Một số lưu ý khi ăn lạc ở người tiểu đường

Ngày 28/04/2023
Kích thước chữ

Chế độ ăn uống của những người mắc bệnh tiểu đường đòi hỏi khắt khe hơn so với người bình thường. Có nhiều loại thực phẩm người bệnh tiểu đường nên tránh hoặc hạn chế trong chế độ ăn hàng ngày. Vậy người tiểu đường có ăn được lạc không? Cùng tìm hiểu ngay nhé!

Lạc (hay đậu phộng) là một loại thực phẩm quen thuộc tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại loại thực phẩm giàu chất béo này sẽ không phù hợp với chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân tiểu đường. Vậy người tiểu đường có ăn được lạc không? 

Người tiểu đường có ăn được lạc không?

Lạc hay các sản phẩm chế biến từ lạc có nhiều đặc tính bổ dưỡng cần thiết cho cơ thể. Ngoài ra, lạc còn được xem là một trong những thực phẩm thân thiện trong bữa ăn đối với người tiểu đường. Lạc mang hương vị thơm ngon và không gây tăng đột ngột lượng đường trong máu sau khi tiêu thụ.

Theo thống kê, chỉ số đường huyết GI của thực phẩm bắt đầu từ 0 - 100. Chỉ số này càng cao thì nguy cơ gây tăng đường huyết sau ăn càng lớn. Tương ứng, chỉ số GI của đậu phộng là 14, đây là chỉ số GI thấp nên sẽ không gây biến động đường huyết sau ăn ở bệnh nhân tiểu đường.

Vậy người tiểu đường có ăn được lạc không? Câu trả lời là có. Hơn thế, lạc còn mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời cho sức khỏe bệnh nhân tiểu đường.

Người tiểu đường có ăn được lạc không? Cần lưu ý gì khi ăn lạc ở người tiểu đường 1
Giải đáp: Người tiểu đường có ăn được lạc không?

Lợi ích của lạc đối với người tiểu đường

Lạc là một trong những nguồn cung cấp protein tuyệt vời cho cơ thể. Ngoài ra, vỏ lạc chứa nhiều loại khoáng chất như đồng, mangan và các chất phytochemical chống oxy hóa khác. Khi ăn lạc sẽ đem lại những lợi ích cho cơ thể như: 

  • Kiểm soát lượng đường trong máu: Lạc là một phần của chế độ ăn kiêng cho bệnh nhân tiểu đường. Ngoài việc có GI thấp sẽ không khiến lượng đường trong máu của bạn tăng đột biến sau khi ăn, hàm lượng chất xơ trong đậu phộng có thể giúp bạn điều chỉnh lượng đường trong máu và kiểm soát cân nặng. Từ đó ngăn ngừa nguy cơ béo phì và tránh tiến triển thành bệnh tiểu đường tuýp 2.
  • Hạn chế các nguy cơ biến chứng tim mạch: Biến chứng tim mạch là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở bệnh nhân đái tháo đường. Do đó, chế độ ăn uống nên thay thế chất béo động vật bằng chất béo từ lạc, hạnh nhân hoặc hồ đào. Bổ sung lạc vào chế độ dinh dưỡng là khuyến cáo để bảo vệ trái tim của bạn. 

Cách chế biến món ăn với lạc

Các chuyên gia dinh dưỡng đưa ra lời khuyên nên bổ sung lạc vào chế độ ăn hàng ngày hoặc chế biến lạc thành những món ăn tiện lợi, hấp dẫn cho người bệnh tiểu đường. Dưới đây là một vài cách chế biến lạc có thể thêm vào thực đơn cho người tiểu đường:

  • Trộn lạc vào yến mạch để qua đêm cho bữa sáng.
  • Cho thêm lạc vào món salad trong bữa trưa để có thêm protein.
  • Ăn một ít lạc vào bữa ăn nhẹ.
  • Nghiền nhuyễn lạc và trộn với nước cốt dừa và rưới lên gà nướng.
  • Thưởng thức lạc với bánh quy giòn cho bữa tối.
Người tiểu đường có ăn được lạc không? Cần lưu ý gì khi ăn lạc ở người tiểu đường 2
Ăn một ít lạc vào bữa ăn nhẹ để bổ sung protein cho cơ thể

Những điều cần lưu ý khi ăn lạc ở người tiểu đường

Người tiểu đường có thể ăn được lạc. Tuy nhiên, bệnh nhân tiểu đường cũng cần lưu ý một số vấn đề với loại thực phẩm này trước khi ăn để tránh những nguy cơ không mong muốn.

  • Dị ứng: Một trong những rủi ro lớn nhất khi ăn lạc là nguy cơ bị dị ứng. Cơ chế gây dị ứng lạc vẫn chưa được làm rõ và không phải ai cũng gặp phải tình trạng này. Tuy nhiên, bạn có thể nhận biết các triệu chứng điển hình của dị ứng lạc như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, nổi mề đay, phù mạch, chàm dị ứng, hen suyễn,... Nếu không may gặp phải các tình trạng trên, bạn cần đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.
  • Ngộ độc thực phẩm: Lạc, đặc biệt là lạc khi bị mốc thường bị nhiễm nấm Aspergillus aflatoxin, loại nấm này tạo ra độc tố aflatoxin. Điều này có thể xảy ra trong quá trình vận chuyển hay bảo quản lạc. Ăn phải lạc bị mốc sẽ có khả năng bị ngộ độc thực phẩm.
  • Lượng calo cao: Bên cạnh việc mang lại nhiều lợi ích cho những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, lạc còn chứa hàm lượng calo tương đối cao. Vậy lạc có bao nhiêu calo? Theo nghiên cứu, trong 100g lạc có chứa 567 calo. Vì thế, lạc nên được sử dụng với lượng vừa phải trong khẩu phần ăn hàng ngày. Bên cạnh đó bạn nên kết hợp với những loại thực phẩm khác để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.

Ngoài ra, nếu lạc không được bảo quản đúng cách, chúng có khả năng làm tăng hàm lượng axit béo bão hòa (chất béo xấu). Quá trình này cũng làm giảm giá trị dinh dưỡng cũng như hương vị thơm ngon của lạc. Vì vậy, cần chú ý bảo quản lạc đúng cách, không ăn khi lạc đã bị mốc, hư hỏng.

Người tiểu đường có ăn được lạc không? Cần lưu ý gì khi ăn lạc ở người tiểu đường 3
Người tiểu đường nên chú ý đến nguy cơ dị ứng khi bổ sung lạc

Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi để giúp bạn trả lời câu hỏi người tiểu đường có ăn được lạc không cũng như một số lưu ý khi ăn lạc. Hi vọng những thông trên sẽ hữu ích đến bạn trong việc xây dựng thực đơn cho người bị tiểu đường. Cùng theo dõi Nhà thuốc Long Châu để cập nhật những thông tin sức khỏe mới nhất nhé!

Xem thêm: Người tiểu đường có ăn được sữa chua không?

Hiền Trang

Nguồn tham khảo: hellobacsi.com

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin