Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nguyên nhân nào gây suy giảm chức năng não bộ?

Ngày 31/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Suy giảm chức năng não bộ thường gặp ở người lớn tuổi và dần tiến triển xấu đi theo thời gian. Có nhiều bệnh lý có thể là nguyên nhân gây nên các dấu hiệu của tình trạng này. Dưới đây là một số nguyên nhân gây suy giảm chức năng não bộ thường gặp mà bạn có thể tham khảo.

Hầu hết mọi người sẽ gặp phải các dấu hiệu suy giảm chức năng não bộ từ 60 tuổi trở lên. Tuy nhiên ở một số trường hợp thì bệnh nhân lại gặp phải tình trạng này khi mới chỉ 30 tuổi. Các dấu hiệu thường gặp của bệnh là suy giảm thị lực, mất trí nhớ, thay đổi tính cách…

Nguyên nhân gây suy giảm chức năng não bộ thường gặp

Suy giảm chức năng não bộ có thể xảy ra do nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó phổ biến nhất là chứng sa sút trí tuệ, suy giảm nhận thức nhẹ và suy giảm trí nhớ có liên quan đến tuổi tác.

Suy giảm trí nhớ có liên quan đến độ tuổi

Suy giảm trí nhớ liên quan đến tuổi tác là sự thay đổi về nhận thức và trí nhớ xảy ra khi lão hóa. Những thay đổi trong suy giảm trí nhớ không phải là dấu hiệu của sự suy giảm chức năng não bộ của bệnh sa sút trí tuệ. So với người trẻ, khả năng ghi nhớ của người già, đặc biệt là tốc độ nhớ lại tương đối giảm đi. Tuy nhiên, những thay đổi do suy giảm trí nhớ không ảnh hưởng lớn đến hoạt động hàng ngày.

nguyen-nhan-nao-gay-suy-giam-chuc-nang-nao-bo 1.jpg
Suy giảm trí nhớ liên quan đến tuổi tác là sự thay đổi về nhận thức và trí nhớ xảy ra khi lão hóa

Suy giảm nhận thức nhẹ

Suy giảm nhận thức nhẹ gây mất trí nhớ nghiêm trọng hơn so với suy giảm trí nhớ do tuổi tác. Những người bị suy giảm nhận thức nhẹ có khả năng nhận thức và các chức năng khác của não kém hơn so với những người cùng tuổi nhưng thường không ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày. Tuy nhiên, có tới 50% số người bị suy giảm nhận thức nhẹ sẽ mắc bệnh sa sút trí tuệ sau ít nhất 3 năm.

Sa sút trí tuệ

Sa sút trí tuệ là một hội chứng bao gồm các dấu hiệu suy giảm chức năng não bộ như mất trí nhớ, thay đổi hành vi và giảm khả năng thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày. Sa sút trí tuệ có tác động tiêu cực đến tâm lý, thể chất, tài chính và các mối quan hệ xã hội của bệnh nhân lẫn người chăm sóc.

Mặc dù sa sút trí tuệ chủ yếu ảnh hưởng đến người cao tuổi nhưng căn bệnh này không chỉ là quá trình lão hóa đơn giản của não mà là hậu quả của nhiều yếu tố bệnh lý. Bệnh Alzheimer là dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất, chiếm khoảng 60 đến 70% trường hợp. Các yếu tố nguy cơ gây sa sút trí tuệ bao gồm béo phì, tăng huyết áp ở tuổi trung niên, thói quen uống rượu, sử dụng chất kích thích, hạ huyết áp ở người già, nhồi máu não đa ổ, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, gia đình có tiền sử mắc trầm cảm, sa sút trí tuệ…

Chế độ dinh dưỡng cải thiện chức năng não bộ

Một chế độ ăn uống hợp lý, khoa học và cân bằng dinh dưỡng rất tốt cho não bộ. Để làm chậm quá trình suy giảm trí não thì chế độ ăn của bạn nên tăng cường trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, chất béo tốt như dầu dừa, protein từ thịt nạc và hạn chế thực phẩm chế biến sẵn.

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và cải thiện chức năng não bộ. Chế độ ăn uống phải được thiết kế hợp lý và cân đối các chất dinh dưỡng để tối ưu hóa sức khỏe của não. Các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như trái cây và rau củ tươi, ngũ cốc nguyên hạt nên được ưu tiên trong khẩu phần hàng ngày để ngăn chặn tổn thương tế bào não do các gốc tự do.

nguyen-nhan-nao-gay-suy-giam-chuc-nang-nao-bo.jpg
Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và cải thiện chức năng não bộ

Trà xanh là một nguồn cung cấp chất chống oxy hóa mạnh mẽ, có thể giúp cải thiện trí nhớ, tăng cường khả năng tập trung và chậm lại quá trình lão hóa của não. Việc bổ sung omega-3, một thành phần quan trọng của não, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe trí não. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc thiếu omega-3 và các vấn đề như mất trí nhớ và bệnh Alzheimer.

Vitamin B12 cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và hoạt động của hệ thần kinh. Sự thiếu hụt vitamin B12 có thể dẫn đến tình trạng suy giảm trí nhớ và khả năng tập trung. Bổ sung vitamin D cũng cần thiết để đảm bảo sự phát triển và hoạt động bình thường của hệ thần kinh, đặc biệt là trong các chức năng như xử lý thông tin và trí nhớ.

Glucose là nguồn năng lượng chính cho não bộ, vì vậy việc duy trì mức đường huyết ổn định là rất quan trọng. Khi cơ thể thiếu glucose, có thể dẫn đến các vấn đề như mất tập trung, mệt mỏi và thậm chí làm suy giảm chức năng của não bộ. Việc duy trì một lượng glucose đủ cung cấp thông qua chế độ ăn uống là một phần quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe não bộ.

Biện pháp cải thiện chức năng não bộ

Dưới đây là một số biện pháp cải thiện chức năng não bộ mà bạn có thể tham khảo:

Tập thể dục thường xuyên

Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp não sản sinh ra những chất có lợi cho sức khỏe hệ thần kinh và cải thiện khả năng học tập, làm việc. Tập thể dục còn giúp cơ thể tăng cường lưu thông máu và tăng lượng oxy cung cấp cho não, giúp não hoạt động nhanh và hiệu quả hơn. Vì vậy, tập thể dục thường xuyên sẽ cải thiện tình trạng suy giảm chức năng não bộ.

nguyen-nhan-nao-gay-suy-giam-chuc-nang-nao-bo 2.jpg
Tập thể dục thường xuyên sẽ giúp não sản sinh ra những chất có lợi cho sức khỏe hệ thần kinh

Luyện tập não bộ

Rèn luyện trí não là cách hiệu quả và tự nhiên nhất để cải thiện trí nhớ. Có nhiều cách để rèn luyện trí não chẳng hạn như đọc sách, chơi chữ, giải câu đố, trò chơi trí tuệ, xem TV, lướt Internet, tham gia các hoạt động xã hội hoặc học chơi một loại nhạc cụ, học một ngôn ngữ mới… Hoạt động liên quan đến não sẽ kích thích hệ thần kinh làm chậm sự khởi phát của bệnh sa sút trí tuệ và giảm tác động của bệnh.

Nghe nhạc

Nghe nhạc có thể tăng cường chức năng của bán cầu não phải, giúp cải thiện trí nhớ, kỹ năng sử dụng ngôn ngữ và khả năng tập trung. Nghe những bài hát yêu thích trong khi tập thể dục có thể tăng gấp đôi hiệu quả rèn luyện trí nhớ của bạn.

Đảm bảo giấc ngủ ngon

Trong khi ngủ thì bộ não sẽ được nghỉ ngơi. Ngủ ngon và ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm sẽ giúp hệ thần kinh và não bộ khỏe mạnh, giảm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ. Đồng thời, giấc ngủ ngon giúp cải thiện trí nhớ, sự tập trung, khả năng sáng tạo, kỹ năng tư duy và kỹ năng giải quyết vấn đề. Ngược lại, mất ngủ hoặc chất lượng giấc ngủ kém có thể làm suy yếu hệ thần kinh, dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe bao gồm cả chứng mất trí nhớ.

nguyen-nhan-nao-gay-suy-giam-chuc-nang-nao-bo 3.png
Ngủ ngon và ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm sẽ giúp hệ thần kinh và não bộ khỏe mạnh

Giữ tinh thần vui vẻ

Giữ tinh thần phấn chấn và vui vẻ thông qua hoạt động thể chất và tương tác xã hội thông qua việc tham gia các câu lạc bộ và hoạt động tình nguyện có thể trì hoãn sự khởi phát của chứng mất trí nhớ và hạn chế các dấu hiệu suy giảm chức năng não. Nhiều nghiên cứu cho thấy những người có đời sống xã hội năng động và lạc quan có tỷ lệ suy giảm trí nhớ thấp hơn. Tiếng cười kích hoạt nhiều vùng não, từ đó tăng cường khả năng tập trung, học tập và sáng tạo.

Trên đây là những thông tin về các nguyên nhân gây suy giảm chức năng não bộ mà bạn có thể tham khảo. Hy vọng với những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về suy giảm chức năng não bộ cũng như biết được các biện pháp ngăn ngừa sự tiến triển của tình trạng này.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm