Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nhận biết dấu hiệu hội chứng ruột kích thích và cách phòng ngừa

Ngày 06/05/2024
Kích thước chữ

Hội chứng ruột kích thích là bệnh lý phổ biến liên quan đến đường ruột và mỗi người sẽ có triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, vẫn có một số dấu hiệu hội chứng ruột kích thích đặc trưng để người bệnh dễ nhận biết để có biện pháp quản lý bệnh hiệu quả.

Hội chứng ruột kích thích (IBS – Irritable Bowel Syndrome) là một dạng rối loạn tiêu hóa phổ biến với tỷ lệ mắc từ 5 – 20% dân số. Mặc dù khá lành tính và không làm tổn hại đến sức khỏe thể chất nhưng gây ảnh hưởng đến chức năng đường ruột cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu các dấu hiệu hội chứng ruột kích thích để nhận biết sớm và có biện pháp quản lý tốt giúp nâng cao chất lượng cuộc sống nhé!

Nhận biết dấu hiệu hội chứng ruột kích thích đặc trưng

Các triệu chứng và dấu hiệu hội chứng ruột kích thích ở mỗi người thường khác nhau và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Các biểu hiện thường gặp có thể kể đến như:

Đau bụng

Triệu chứng đau thường xuất hiện ở khu vực vùng bụng dưới, đặc biệt ở phía bên trái dưới rốn. Cơn đau âm ỉ liên tục hoặc xuất hiện với tần suất, độ dài và cường độ khác nhau. Thông thường, cảm giác đau thường khởi phát sau khi ăn và giảm bớt sau khi đi đại tiện.

Nhận biết dấu hiệu hội chứng ruột kích thích và cách phòng ngừa 5
Triệu chứng đau thường xuất hiện ở khu vực vùng bụng dưới

Tiêu chảy hoặc táo bón

Khi mắc hội chứng ruột kích thích, thói quen đi đại tiện của người bệnh sẽ bị thay đổi như tiêu chảy, táo bón hoặc bị đồng thời cả tiêu chảy và táo bón. Tình trạng táo bón thường được nhận biết với biểu hiện ít đi đại tiện, lượng phân ít, khô và khó đi ra. Trong khi đó, tiêu chảy có tính chất phân lỏng hoặc nát, có thể đi kèm đại tiện nhiều lần.

Cảm giác không thoải mái khi đại tiện

Trong một số trường hợp, người bệnh sẽ thấy khó đi đại tiện, mót rặn hoặc cảm giác vẫn còn phân trong ruột sau khi đi. Người bệnh đi đại tiện nhiều lần nhưng không đi được nhiều phân, đôi khi chỉ ra ít dịch nhầy hoặc ít nước.

Cảm giác căng chướng bụng

Người mắc hội chứng ruột kích thích thường sẽ cảm thấy chướng bụng sau khi ăn hoặc trong quá trình tiêu hóa. Một số trường hợp còn gặp phải tình trạng chậm tiêu. Những triệu chứng thường trở nên nghiêm trọng hơn sau khi ăn, đặc biệt là sau khi tiêu thụ các loại đồ ăn gây kích thích đường ruột.

Triệu chứng khác ngoài tiêu hóa

Một trong những dấu hiệu hội chứng ruột kích thích ngoài tiêu hóa mà người bệnh có thể gặp phải như chuột rút, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, đau cơ, đau đầu mạn tính,...

Những biểu hiện triệu chứng này thường xuất hiện không đồng đều và có thể nặng hơn khi người bệnh bị căng thẳng hoặc tiêu thụ các loại thực phẩm dễ gây kích thích. Các triệu chứng này thường không đặc hiệu và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý tiêu hóa khác.

Nguyên nhân gây ra dấu hiệu hội chứng ruột kích thích

Mặc dù hiện tại vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân dẫn đến hội chứng ruột kích thích, nhưng hội chứng này có thể xảy ra do nhiều yếu tố khác nhau. Các lớp cơ lót trong thành ruột có khả năng co bóp và thư giãn nhịp nhàng trong quá trình vận chuyển thức ăn từ dạ dày qua ruột rồi đi đến trực tràng. Khi bị hội chứng ruột kích thích, cơn co thắt thường sẽ mạnh và kéo dài hơn, gây ra tình trạng chướng bụng, đầy hơi và tiêu chảy. Ngược lại, khi ruột co thắt yếu sẽ làm chậm quá trình vận chuyển thức ăn, khiến phân trở nên cứng và khô hơn.

Ngoài ra, nguyên nhân khiến cho người bệnh cảm thấy khó chịu hơn bình thường khi bị chướng hơi hoặc đầy phân có thể do các bất thường của hệ thần kinh ở đường tiêu hóa. Khi sự phối hợp giữa tín hiệu của ruột và não bị kém đi sẽ khiến cơ thể phản ứng quá mức khi có thay đổi xảy ra trong quá trình tiêu hóa. Sự phản ứng quá mức có thể gây cảm giác đau, tiêu chảy hoặc táo bón.

Nhận biết dấu hiệu hội chứng ruột kích thích và cách phòng ngừa 2
Nguyên nhân dẫn đến hội chứng ruột kích thích vẫn chưa được xác định rõ

Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ có liên quan đến tình trạng bệnh có thể kể đến như:

  • Thực phẩm: Mặc dù mối liên quan giữa hội chứng ruột kích thích với dị ứng thực phẩm hoặc bất dung nạp thực phẩm vẫn chưa được làm rõ, nhưng vẫn có một số trường hợp thấy triệu chứng nặng hơn sau khi tiêu thụ một số loại thực phẩm nhất định. Chẳng hạn như trái cây, các loại đậu, bông cải xanh/trắng, cải bắp, sữa, đồ uống có ga hoặc rượu bia.
  • Căng thẳng: Hầu hết các trường hợp mắc hội chứng ruột kích thích đều nhận thấy các triệu chứng trở nên trầm trọng và thường xuyên hơn khi bị căng thẳng. Tuy nhiên, tình trạng stress, căng thẳng chỉ làm cho các triệu chứng nặng hơn chứ không gây ra triệu chứng.
  • Nội tiết tố: Phụ nữ có khả năng mắc hội chứng ruột kích thích cao hơn gấp 2 lần so với nam giới. Một số nghiên cứu cho thấy, sự thay đổi nội tiết tố có thể góp phần gây ra hội chứng này. Nhiều người còn nhận thấy triệu chứng trở nên trầm trọng hơn trong, trước hoặc sau kỳ kinh nguyệt.
  • Các bệnh lý khác: Đôi khi các bệnh lý khác như viêm dạ dày ruột (tiêu chảy nhiễm trùng cấp tính) hoặc loạn khuẩn (vi khuẩn phát triển quá mức trong đường ruột) có thể kích thích hội chứng ruột kích thích.

Hội chứng ruột kích thích khi nào cần gặp bác sĩ?

Trường hợp nếu bạn thay đổi thói quen đại tiện liên tục hoặc xuất hiện bất kỳ triệu chứng hay dấu hiệu nào của hội chứng ruột kích thích, thì người bệnh cần phải đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám kịp thời. Điều này cũng có thể giúp người bệnh phát hiện sớm các bệnh lý nghiêm trọng hơn, bao gồm cả ung thư đại tràng.

Một số triệu chứng cho thấy tình trạng đang trở nên nghiêm trọng hơn bao gồm:

  • Chảy máu từ trực tràng.
  • Cơn đau bụng xuất hiện nhiều và thường xảy ra vào ban đêm.
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân.
Nhận biết dấu hiệu hội chứng ruột kích thích và cách phòng ngừa 4
Người bệnh nên đi khám khi thấy thói quen đại tiện thay đổi liên tục

Việc tìm hiểu rõ nguyên nhân sẽ giúp đưa ra biện pháp cụ thể để khắc phục các triệu chứng. Đồng thời, loại bỏ được các bệnh lý ở đại tràng như bệnh viêm ruột và ung thư đại tràng. Hơn nữa, bác sĩ còn giúp bạn dự phòng các biến chứng có thể xảy ra do tiêu chảy mãn tính.

Biện pháp phòng ngừa hội chứng ruột kích thích

Sau khi nắm được các dấu hiệu hội chứng ruột kích thích, bạn cũng cần biết cách phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe tiêu hóa và hạn chế các bệnh lý liên quan đến đường ruột. Tuy nguyên nhân chính xác của bệnh IBS vẫn chưa xác định rõ nhưng cần phải giữ cho hệ tiêu hóa ổn định để hạn chế nguy cơ mắc các căn bệnh liên quan.

Cách tốt nhất để chủ động phòng ngừa hội chứng ruột kích thích và các bệnh lý tiêu hóa khác là thói quen sống và chế độ ăn uống. Một số điều bạn cần lưu ý để cải thiện chế độ dinh dưỡng trong bữa ăn như:

  • Hạn chế tối đa việc bỏ bữa, ăn uống không điều độ.
  • Ăn chậm nhai kỹ, không nên ăn quá nhanh.
  • Hạn chế ăn những đồ ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, thực phẩm đóng hộp và chế biến sẵn.
  • Hạn chế tiêu thụ đồ uống có gas và uống rượu bia.
  • Kiểm soát việc dung nạp các loại trái cây có hàm lượng fructose cao, không ăn quá 240g mỗi ngày.
Nhận biết dấu hiệu hội chứng ruột kích thích và cách phòng ngừa 1
Ăn uống điều độ và hạn chế bỏ bữa

Dấu hiệu hội chứng ruột kích thích đặc trưng bởi tình trạng đau bụng tái phát, thói quen đi đại tiện bị thay đổi gây không ít phiền toái cho người bệnh. Việc điều trị triệu chứng kết hợp với chế độ dinh dưỡng và lối sống phù hợp với cơ địa mỗi người sẽ giúp quản lý tốt bệnh lý này.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin