Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Chất độc là những hóa chất gây nguy hiểm đến sức khoẻ con người, thậm chí là tử vong nếu vô tình hít phải hay ăn phải. Khi nhắc đến chất độc không ít người cảm thấy sợ hãi với những tác động mà nó gây ra. Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu những chất độc nguy hiểm đến sức khoẻ con người.
Hoá chất có ở khắp mọi nơi trong cuộc sống của chúng ta. Đa số đều là lành tính, một số chất còn là thành phần thiết yếu đối với cơ thể chúng ta. Tuy nhiên, một số hoá chất có độc tính mạnh có thể lấy tính mạng của chúng ta trong tích tắc. Vậy những chất độc nguy hiểm đến sức khoẻ con người là gì? Hãy cùng Long Châu tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé!
Chất độc hoá học là những hợp chất hoá học khi xâm nhập vào cơ thể sống (bao gồm cả con người, động vật, thực vật) sẽ làm rối loạn nhiều quá trình sinh hoá cơ bản của cơ thể. Khi con người vô tình ăn phải, hít phải hoặc hấp thụ nó vào cơ thể sẽ gây ra nhiều thương tích cho cơ thể và nặng nhất là tử vong.
Chất độc được đặc trưng bởi:
Bất kỳ chất độc nào khi xâm nhập vào cơ thể, kết hợp với điều kiện phù hợp sẽ gây ra những tổn thương từ nhẹ đến nặng lên cơ thể, thậm chí là tử vong. Dưới đây là một số tác động của chất độc đối với cơ thể:
Khi chất độc xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hoá, phản ứng đầu tiên của cơ thể đó là nôn mửa, nguyên nhân có thể do độc tố tác động đến hệ thần kinh làm tăng cường hoạt động co bóp của cơ hoành. Ngoài ra, một số chất độc khác có thể kích thích tiết ra nhiều nước bọt, từ đó gây kích thích đến đường tiêu hoá của người bệnh.
Một số chất độc bay hơi xâm nhập vào cơ thể bằng đường hô hấp, gây ra những tổn thương tại chỗ hoặc toàn thân. Với những kích thích tại biểu mô phổi có thể gây ra tình trạng ho, chảy mũi, khó thở, ngứa cổ, ngứa mũi, nặng hơn có thể gây ra viêm phế quản, phù phổi, ngạt thở, ảnh hưởng đến nhịp thở…
Đối với tác động toàn thân, có thể sẽ làm mất khả năng cung cấp oxy cho mô, dẫn đến nguy cơ chết ngạt. Một số chất có thể gây ra tình trạng xơ hoá phổi, phù phổi, ung thư phổi…
Một số chất độc có thể làm tăng nhịp tim, ảnh hưởng đến sự co giãn của mạch gây nguy hiểm đến sức khoẻ.
Phần lớn tất cả chất độc đều gây ảnh hưởng ít nhiều lên hệ thần kinh, gây hỗn loạn các chức năng vận động và cảm giác của người bệnh. Ví dụ một số chất có thể làm mất phản xạ của cơ thể sau đó gây ngừng thở, rối loạn cảm giác, điếc…
Thận cũng là cơ quan hỗ trợ thải độc cho cơ thể. Một số chất sử dụng ở liều cao có thể gây độc đối với thận, gây ra tình trạng vô niệu, hoại tử tế bào thận và dẫn đến tử vong. Một số dung môi hữu cơ có thể là nguyên nhân dẫn đến viêm thận.
Đây là cơ quan chính chịu trách nhiệm chuyển hoá các chất độc thành các chất không độc và đào thải ra bên ngoài. Chính vì thế, hầu hết các trường hợp ngộ độc đều có tổn thương gan như xơ hoá gan, tắc nghẽn mật, ung thư gan…
Một số chất độc nguy hiểm đối với sức khỏe con người có thể kể đến như:
Xyanua là một trong những chất gây ngộ độc phổ biến. Xyanua hình thành ở dạng tinh thể hoặc khí không màu với vị đắng như quả hạnh nhân. Chỉ cần một lượng nhỏ, khoảng từ 50 - 200 mg Xyanua xâm nhập vào cơ thể đã có thể khiến một người khỏe mạnh tử vong nhanh chóng.
Trong nhiễm độc Xyanua, người bệnh sẽ trải qua ba giai đoạn, ban đầu sẽ bị kích động, thở nhanh, lú lẫn. Sau đó, chất độc sẽ nhanh chóng ức chế mạnh lên hệ hô hấp khiến nạn nhân khó thở, bị giảm không khí, co giật, tụt huyết áp. Cuối cùng, nạn nhân sẽ rơi vào trạng thái truỵ tim mạch, mất phản xạ, ngừng hô hấp và tử vong.
Xyanua được liệt vào danh sách những chất độc nhất trong các chất độc, đồng thời dễ bắt gặp trong tự nhiên như hạnh nhân, hạt táo, hạt mơ, sắn, khói thuốc lá, thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng... Những độc tố này phổ biến đến mức cơ thể có thể tự đào thải được một lượng độc tố nhỏ. Tuy nhiên, nếu ăn với liều lượng nhiều sẽ có thể gây ra nhiễm độc cực kì nguy hiểm. Trên thực tế đã có nhiều người ăn sắn bị chết vì chất Xyanua có trong sắn.
Chất độc Ricin là một chất có nhiều trong cây thầu dầu, với đặc tính không mùi vị và chỉ cần một lượng nhỏ như hạt cát cũng đủ khiến một người tử vong. Loại chất độc này mạnh hơn so với Xyanua 1000 lần. Người nhiễm độc Ricin sẽ bị nôn mửa, đau bụng, đi ngoài nhiều, tiểu ít, khó thở, da tím tái.
Ricin gây ra tan máu, rối loạn thị lực, rối loạn tim mạch, phù phổi cấp, hôn mê và nhanh chóng tử vong. Cách thức hoạt động của Ricin đó là làm bất hoạt Ribosome gây ngừng hoạt động sản xuất protein của tế bào. Thông thường, người nhiễm độc sẽ chết sau khoảng 3 - 8 ngày và hiện nay vẫn chưa có thuốc để giải độc Ricin.
Đây là chất độc do vi khuẩn Clostridium Botulinum sinh ra. Chất độc này có độc tính cực mạnh, chỉ cần khoảng 0.03 mcg tiêm tĩnh mạch đã có thể giết chết một người khỏe mạnh. Khi bị nhiễm độc Botulinum, người bệnh nhanh chóng bị nguy kịch đến tính mạng. Biểu hiện ban đầu đó là tê liệt vùng mặt, sau đó đến tay chân và cơ quan hô hấp. Nguyên nhân gây ra nhiễm Botulinum đa phần là do ăn đồ hộp không đảm bảo điều kiện bảo quản.
Thuỷ ngân có thể tồn tại trong tự nhiên như trong nước, không khí, trên mặt đất… Tuy nhiên, sẽ nguy hiểm hơn nếu thuỷ ngân được hình thành bên trong cơ thể của cá và bị chuyển hoá thành methylmercury. Chỉ cần một lượng nhỏ thuỷ ngân xâm nhập vào cơ thể cũng khiến một người tử vong.
Nhiễm độc thủy ngân nguy hiểm thế nào? Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công nhận đây là 1 trong 10 nhóm hoá chất độc nhất đối với cơ thể. Khi hít hoặc nuốt phải thuỷ ngân sẽ khiến cơ thể bị tổn thương đặc biệt là não và gan. Ba trạng thái của thuỷ ngân đặc biệt nguy hiểm đó là thuỷ ngân tự nhiên (thường được sử dụng trong nhiệt kế thuỷ tinh), thuỷ ngân vô cơ (được sử dụng để chế tạo pin) và thuỷ ngân hữu cơ (tìm thấy trong cá).
Brodifacoum là một chất có tác dụng chống đông máu mạnh. Cơ chế hoạt động của nó đó là làm giảm lượng lớn vitamin K trong máu, từ đó dẫn đến tình trạng chảy máu trong và thậm chí là dẫn đến tử vong. Trong những năm gần đây, người ta sử dụng chất này để tạo thành thuốc trừ sâu và sử dụng rộng rãi trên thế giới.
Trên đây là thông tin về những chất độc nguy hiểm đến sức khoẻ con người mà chúng ta cần biết và phòng tránh để ngăn chặn những rủi ro của nó đối với sức khỏe. Hy vọng những thông tin này hữu ích cho bạn đọc và góp phần nâng cao ý thức trong phòng chống chất độc nguy hiểm.
Xem thêm:
Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên
Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.