Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Phân biệt bệnh do virus RSV và cúm mùa: Hướng dẫn cụ thể và biện pháp phòng ngừa

Kim Toàn

07/05/2025
Kích thước chữ

Virus RSV và virus cúm là hai tác nhân gây bệnh đường hô hấp cấp tính thường gặp, đặc biệt ở trẻ nhỏ trong mùa lạnh. Mặc dù đều gây ra các triệu chứng như sốt, ho, sổ mũi nhưng hai loại virus này có cơ chế gây bệnh, mức độ nguy hiểm và cách điều trị khác nhau. Do đó, việc nhận biết rõ ràng giữa bệnh do virus RSV và cúm mùa là cần thiết để kịp thời xử trí và hạn chế biến chứng nghiêm trọng.

Virus RSV, hay còn gọi là virus hợp bào hô hấp, là nguyên nhân gây nên các bệnh lý đường hô hấp với triệu chứng khá tương đồng với cúm mùa do virus cúm gây ra. Cả hai đều là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, lây truyền chủ yếu qua các giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Hãy cùng khám phá những điểm khác biệt giữa bệnh do virus RSV và cúm mùa trong bài viết dưới đây để nhận biết sớm và có biện pháp điều trị phù hợp, kịp thời nhé!

Cách phân biệt bệnh do virus RSV và cúm mùa

Một số triệu chứng của bệnh do virus RSV và cúm mùa có thể khá giống nhau, khiến việc chẩn đoán bệnh trở nên khó khăn, chẳng hạn như:

  • Đau đầu;
  • Viêm họng, ho và hắt hơi;
  • Sốt, ớn lạnh, mệt mỏi;
  • Chảy nước mũi, nghẹt mũi;
  • Thở khò khè, khó thở;
  • Chán ăn, ăn ít.

Tuy vậy, giữa hai bệnh này vẫn có một số điểm khác biệt, bao gồm:

  • Người bị cảm cúm có thể gặp phải tiêu chảy, trong khi ở người nhiễm virus RSV, triệu chứng này ít gặp hơn.
  • Trẻ em và người cao tuổi có nguy cơ nhiễm virus RSV cao hơn, với triệu chứng có thể nghiêm trọng hơn như thở nông, nhanh, khó thở, chán ăn và dễ cáu kỉnh. Người trưởng thành và thanh thiếu niên ít bị mắc bệnh hơn và triệu chứng cũng nhẹ nhàng hơn.

Để có thể xác định bệnh chính xác ngay từ đầu, mọi người nên đến cơ sở y tế để thăm khám càng sớm càng tốt!

Phân biệt bệnh do virus RSV và cúm mùa: Hướng dẫn cụ thể và biện pháp phòng ngừa 1
Triệu chứng do virus RSV và cúm mùa gần giống nhau

Điều trị RSV và cúm có giống nhau không?

Các trường hợp nhiễm virus RSV và cúm có thể được điều trị tại nhà nếu đã được bác sĩ chẩn đoán và xác định ở mức độ nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, với những trường hợp đặc biệt như trẻ sơ sinh, trẻ có hệ miễn dịch suy yếu, người lớn tuổi hoặc người có bệnh nền hô hấp, tim mạch, việc nhập viện là cần thiết để theo dõi sát và phòng tránh biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, viêm phổi nặng, co giật do sốt cao kéo dài.

Trong quá trình điều trị tại nhà, người bệnh cần được chăm sóc đúng cách để giảm nhẹ triệu chứng và rút ngắn thời gian hồi phục. Dưới đây là những biện pháp hỗ trợ quan trọng:

Uống đủ nước và nghỉ ngơi hợp lý:

  • Khuyến khích người bệnh uống nhiều nước (nước ấm, nước lọc, nước ép loãng).
  • Khi bị sốt, nên bổ sung dung dịch bù điện giải để tránh mất nước và hỗ trợ phục hồi nhanh hơn.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ giúp hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả, đặc biệt trong giai đoạn cơ thể đang chống lại virus.
    Làm sạch và thông thoáng đường thở:
  • Có thể sử dụng máy phun sương tạo độ ẩm, nước muối sinh lý để vệ sinh mũi, làm loãng chất nhầy và giảm nghẹt mũi.
  • Dùng thuốc xịt mũi không chứa corticoid nếu được bác sĩ chỉ định, tránh lạm dụng.
Phân biệt bệnh do virus RSV và cúm mùa: Hướng dẫn cụ thể và biện pháp phòng ngừa 2
Người bệnh cần nghỉ ngơi hợp lý giúp nhanh chóng hồi phục

Giảm đau họng và sát khuẩn miệng họng:

  • Súc miệng bằng nước muối loãng 2–3 lần/ngày giúp giảm đau rát họng, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn thứ phát.
  • Lưu ý: Không áp dụng biện pháp này cho trẻ nhỏ do nguy cơ sặc hoặc nuốt phải dung dịch.

Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng:

  • Tăng cường thực phẩm giàu vitamin C, A, E, kẽm, sắt như trái cây, rau xanh, cá, thịt nạc, sữa,...
  • Ưu tiên món ăn dễ tiêu như cháo, súp, canh ấm để tránh gây áp lực lên hệ tiêu hóa.

Dùng thuốc đúng theo hướng dẫn:

  • Chỉ sử dụng thuốc hạ sốt, giảm ho, giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.
  • Tuyệt đối không tự ý dùng kháng sinh vì kháng sinh không có tác dụng với virus, và có thể gây tác dụng phụ hoặc kháng thuốc nếu lạm dụng.

Phòng ngừa RSV và cúm mùa

Phòng ngừa virus RSV và cúm mùa là một yếu tố quan trọng để bảo vệ sức khỏe của trẻ nhỏ, đặc biệt là trong mùa lạnh khi tỷ lệ nhiễm bệnh tăng cao. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa hiệu quả:

  • Rửa tay thường xuyên: Cha mẹ và trẻ nên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch ít nhất trong 20 giây. Việc này giúp giảm thiểu khả năng lây lan virus từ các bề mặt xung quanh.
  • Đeo khẩu trang và giữ khoảng cách: Nếu có người mắc bệnh trong gia đình hoặc cộng đồng, việc đeo khẩu trang và hạn chế tiếp xúc gần là cần thiết để tránh lây nhiễm.
  • Vệ sinh môi trường sống: Lau chùi và khử khuẩn các đồ dùng hàng ngày như tay nắm cửa, đồ chơi, điện thoại để loại bỏ vi khuẩn và virus.
  • Giữ gìn sức khỏe tốt: Dinh dưỡng đầy đủ và giấc ngủ hợp lý sẽ giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch, giảm khả năng mắc bệnh.
  • Hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người: Trong mùa dịch, cha mẹ nên hạn chế đưa trẻ đến những nơi đông người như trung tâm thương mại, nhà trẻ, nhất là khi có người trong gia đình bị bệnh.
  • Cách ly nếu nhiễm bệnh: Nếu có thành viên trong gia đình mắc bệnh, hạn chế tiếp xúc với trẻ để tránh lây lan virus.
  • Tiêm phòng nâng cao hệ miễn dịch: Mặc dù chưa có vắc xin cho virus RSV, nhưng việc tiêm phòng cúm, ho gà và các bệnh hô hấp khác có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng liên quan đến đường hô hấp.
Phân biệt bệnh do virus RSV và cúm mùa: Hướng dẫn cụ thể và biện pháp phòng ngừa 3
Tiêm phòng nâng cao đề kháng giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp

Tăng cường bảo vệ trẻ sơ sinh nguy cơ cao trước virus RSV bằng liệu pháp kháng thể đơn dòng Palivizumab

Palivizumab là một kháng thể đơn dòng nhắm đích protein F của virus hợp bào hô hấp (RSV), có khả năng ngăn chặn sự hòa màng giữa virus và tế bào biểu mô đường hô hấp – bước đầu tiên của quá trình xâm nhiễm. 

Thông qua việc trung hòa hoạt tính của virus trước khi chúng có thể nhân lên trong cơ thể, liệu pháp này giúp dự phòng hiệu quả các biến chứng nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh sinh non, mắc bệnh tim bẩm sinh hoặc bệnh phổi mạn tính – những đối tượng có nguy cơ nhập viện cao do RSV. 

Việc sử dụng kháng thể đơn dòng Palivizumab theo phác đồ định kỳ trong mùa dịch RSV đã được chứng minh là làm giảm tỷ lệ nhập viện và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Để giảm nguy cơ nhập viện và biến chứng nặng do RSV, Tổ chức Y tế Thế giới và nhiều hiệp hội nhi khoa quốc tế cũng khuyến cáo sử dụng kháng thể đơn dòng Palivizumab cho các đối tượng nguy cơ cao.

Phân biệt bệnh do virus RSV và cúm mùa: Hướng dẫn cụ thể và biện pháp phòng ngừa 4
Bảo vệ trẻ có nguy cơ cao trước virus RSV bằng kháng thể đơn dòng Palivizumab

Việc nhận diện chính xác giữa bệnh do virus RSV và cúm mùa đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là ở trẻ nhỏ và người có hệ miễn dịch yếu. Dù có nhiều điểm giống nhau về triệu chứng, mỗi bệnh lại có mức độ nguy hiểm và cách điều trị khác nhau. Vì vậy, khi có dấu hiệu bất thường về hô hấp, người bệnh nên được thăm khám sớm để chẩn đoán đúng nguyên nhân và được hướng dẫn điều trị phù hợp, hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Virus Rsv