Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Phì đại tâm thất ở tim là gì? Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết bệnh thế nào?

Ngày 26/10/2023
Kích thước chữ

Phì đại tâm thất ở tim là sự phình to của tâm thất trái, đây chính là một vấn đề quan trọng đe dọa sức khỏe tim mạch của bệnh nhân với áp lực máu tăng cao. Tình trạng này gây ra hàng loạt biến chứng nguy hiểm như suy tim, đau thắt ngực, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Bệnh phì đại tâm thất ở tim xuất hiện khi tâm thất - một bộ phận quan trọng của tim bị mất khả năng bơm máu hiệu quả. Điều này có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe và tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch nguy hiểm như đột quỵ và nhồi máu cơ tim.Trong bài viết hôm nay, bạn đọc hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả căn bệnh này nhé.

Bệnh phì đại tâm thất ở tim là gì?

Tình trạng dày thất trái chính là một biến chứng thường gặp của phì đại tâm thất ở tim, liên quan đến quá trình tăng kích thước và độ dày của thành tâm thất trái - buồng tim nằm phía dưới và bên trái. Chức năng quan trọng của tâm thất trái là bơm máu giàu oxy từ tim đến các cơ quan và mô trong cơ thể.

Chính do tác động của bệnh tăng huyết áp kéo dài không được kiểm soát gây nên dày thất trái. Khi tim phải làm việc vất vả để vượt qua sức cản của mạch máu, thành tâm thất dần trở nên dày và kích thước của buồng tim cũng gia tăng khi cơ tim giãn ra. Từ đó sẽ dẫn đến mất tính đàn hồi của thành tâm thất và làm hạn chế khả năng bơm máu đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể, cuối cùng gây hậu quả suy tim.

Phì đại tâm thất ở tim là gì? Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết bệnh thế nào? 1
Phì đại tâm thất ở tim là một căn bệnh nguy hiểm

Dấu hiệu nhận biết phì đại tâm thất ở tim

Triệu chứng xuất hiện khi bị bệnh phì đại tâm thất ở tim có thể bao gồm một loạt các biểu hiện sức khỏe, bao gồm:

  • Đau ngực hoặc nặng ngực: Người bệnh có thể trải qua cảm giác đau đớn hoặc nặng ngực, thường xảy ra sau khi họ tham gia vào hoạt động thể lực như leo cầu thang, tập thể dục, thậm chí khi họ trong tình trạng nghỉ ngơi. Đây là một triệu chứng quan trọng, không nên bỏ qua.
  • Khó thở: Khó thở là một biểu hiện phổ biến của phì đại tâm thất ở tim. Người bệnh cảm thấy khó thở và cần nỗ lực nhiều hơn để lấy đủ oxy cho cơ thể.
  • Mệt mỏi: Sự mệt mỏi không có lý do rõ ràng, thậm chí sau khi thực hiện các hoạt động thường ngày, cũng là một triệu chứng của bệnh phì đại tâm thất ở tim.
  • Cảm giác nhịp tim nhanh và không đều: Người bệnh có cảm nhận sự thay đổi về nhịp tim như nhịp tim nhanh hoặc không đều. Điều này có thể làm họ cảm thấy đánh trống trong ngực hoặc rung tim.
  • Chóng mặt hoặc ngất xỉu: Dày thất trái ảnh hưởng đến khả năng cung cấp đủ máu giàu oxy cho não. Kết quả, người bệnh trải qua trạng thái chói lòa hoặc thậm chí ngất xỉu.

Những triệu chứng này có thể xuất hiện một cách đột ngột hoặc dần dần, tùy thuộc vào mức độ và tiến triển của dày thất trái. Đau ngực thường là một biểu hiện đặc biệt quan trọng, nếu có bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến phì đại tâm thất ở tim ở trên, việc thăm khám bác sĩ để siêu âm và chuẩn đoán bệnh là vô cùng cần thiết.

Phì đại tâm thất ở tim là gì? Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết bệnh thế nào? 2
Người bệnh phì đại tâm thất ở tim thường xuyên bị khó thở, mệt mỏi

Nguyên nhân nào gây ra bệnh phì đại tâm thất ở tim?

Phì đại tâm thất ở tim do nhiều yếu tố khác nhau gây ra, trong đó tăng huyết áp là nguyên nhân phổ biến nhất. Ngoài ra, có các yếu tố khác có thể gây ra tình trạng này bao gồm:

  • Hẹp van động mạch chủ: Sự thu hẹp của van động mạch chủ tạo áp lực thêm lên tâm thất trái trong quá trình bơm máu vào động mạch chủ.
  • Bệnh phì đại cơ tim: Tình trạng này dẫn đến việc cơ tim dày hơn bình thường, làm trở ngại cho quá trình bơm máu của tim.

Bên cạnh đó, một số yếu tố nguy cơ cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng mắc dày thất trái, đó là:

  • Tuổi: Người cao tuổi thường có nguy cơ cao hơn mắc bệnh phì đại tâm thất ở tim.
  • Trọng lượng cơ thể: Thừa cân có thể tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp và dày thất trái.
  • Yếu tố di truyền: Tiền sử gia đình có thể có liên quan đến sự phát triển của phì đại tâm thất ở tim.
  • Bệnh tiểu đường: Mắc bệnh tiểu đường cũng là một yếu tố nguy cơ cao.
  • Giới tính: Nữ giới mắc tăng huyết áp có nguy cơ mắc dày thất trái cao hơn nam giới có cùng mức huyết áp.
Phì đại tâm thất ở tim là gì? Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết bệnh thế nào? 3
Cao huyết áp là nguyên nhân chủ yếu gây phì đại tâm thất ở tim

Bệnh phì đại tâm thất ở tim nguy hiểm ra sao?

Sự phình to của tâm thất trái có thể tác động đến cấu trúc và chức năng của tim, gây ra rối loạn trong hệ thống điện tim, làm cơ tim yếu đi và không thể bơm máu đủ để cung cấp cho cơ thể. Cuối cùng, điều này sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, bao gồm:

  • Suy tim;
  • Rối loạn nhịp tim.
  • Thiếu máu cục bộ ở cơ tim;
  • Nhồi máu cơ tim khi máu không đủ lưu thông đến cơ tim;
  • Tình trạng đột quỵ;
  • Tim ngừng hoạt động và đột ngột và tử vong.

Cách điều trị phì đại tâm thất ở tim phổ biến

Để giải quyết căn bệnh phì đại tâm thất ở tim, mục tiêu hàng đầu là kiểm soát và ngăn chặn sự gia tăng kích thước của tâm thất trái để tránh các biến chứng. Có một loạt phương pháp điều trị được áp dụng như sử dụng thuốc và trong một số trường hợp cần can thiệp phẫu thuật.

Cách ngăn ngừa sự phát triển của bệnh phì đại tâm thất ở tim là sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp nhằm kiểm soát huyết áp. Một số loại thuốc có thể bao gồm:

  • Thuốc ức chế men chuyển ACE giúp giảm huyết áp, mở rộng mạch máu và làm giảm khối lượng công việc của tim.
  • Các thuốc đối kháng thụ thể Angiotensin II sẽ có tác dụng tương tự như chất ức chế ACE.
  • Thuốc chẹn beta giúp kiểm soát nhịp tim và huyết áp.
  • Thuốc chẹn kênh canxi có thể giúp làm giảm huyết áp hiệu quả.
  • Thuốc lợi tiểu: Một số loại thuốc lợi tiểu cải thiện lưu thông máu và làm giảm áp lực trong tâm thất trái, giúp kiểm soát bệnh phì đại tâm thất ở tim.

Nếu phì đại tâm thất ở tim phát triển do nguyên nhân chính từ vấn đề liên quan đến van động mạch chủ, có thể cần phải thực hiện can thiệp phẫu thuật để sửa chữa hoặc thay thế van động mạch chủ.

Việc thực hiện phương pháp điều trị nào cần phải dựa vào kết quả chẩn đoán bệnh chính xác và tình trạng sức khỏe, nhu cầu chữa trị của từng bệnh nhân. Người bệnh không được tự ý điều trị khi chưa có chỉ định và hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa.

Phì đại tâm thất ở tim là gì? Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết bệnh thế nào? 4
Cần thực hiện điều trị phì đại tâm thất ở tim theo chỉ định của bác sĩ

Như vậy Nhà thuốc Long Châu vừa chia sẻ tới bạn đọc những kiến thức về bệnh phì đại tâm thất ở tim. Căn bệnh này vô cùng nguy hiểm, đòi hỏi sự chú ý và theo dõi sát sao từ người bệnh. Chính vì thế khi có những dấu hiệu bất thường chúng ta cần đi thăm khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin