Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Suy dinh dưỡng nên ăn gì? Xây dựng chế độ ăn ra sao?

Ngày 28/08/2023
Kích thước chữ

Tình trạng thiếu hụt chất dinh dưỡng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, dẫn đến thể trạng bị suy yếu như mệt mỏi, sụt cân, tâm trạng thay đổi... chính là dấu hiệu của suy dinh dưỡng. Vậy suy dinh dưỡng nên ăn gì để tăng cân và để có sức khỏe tốt?

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng là do không ăn uống đủ chất dinh dưỡng so với nhu cầu cần thiết của cơ thể. Việc xây dựng chế độ ăn hợp lý, đảm bảo dinh dưỡng cho người bị suy dinh dưỡng sẽ giúp tăng thể trọng và mang lại một sức khỏe tốt hơn. Hãy tham khảo bài viết sau để biết suy dinh dưỡng nên ăn gì?

Khái niệm suy dinh dưỡng là gì?

Để tìm hiểu suy dinh dưỡng nên ăn gì, bạn cần biết suy dinh dưỡng là gì. Suy dinh dưỡng là tình trạng không được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể như protein, khoáng chất và các loại vitamin. Những người bị suy dinh dưỡng thường có thể chất nhẹ cân, thấp còi hơn người cùng tuổi, cùng giới khác dựa trên tiêu chuẩn trung bình.

Suy dinh dưỡng ở người lớn và trẻ em có thể là do:

  • Người không được tiếp cận đầy đủ nguồn lương thực.
  • Khả năng hấp thu dưỡng chất kém, gặp phải các bệnh về tiêu hóa.
  • Rối loạn sức khỏe tâm thần như trầm cảm, bệnh thần kinh...
  • Lạm dụng rượu, chất kích thích.
  • Trẻ em bị suy dinh dưỡng có thể do không được uống đủ sữa mẹ, dùng nhiều thuốc kháng sinh, sức đề kháng yếu, mắc các bệnh lý đường ruột, hệ hô hấp, biếng ăn lâu ngày,...
Suy dinh dưỡng nên ăn gì? Xây dựng chế độ ăn ra sao? 1
Suy dinh dưỡng là tình trạng không được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất quan trọng cho cơ thể

Triệu chứng của suy dinh dưỡng là gì?

Khi cơ thể có sự thay đổi do bị suy dinh dưỡng sẽ khiến người bệnh xuất hiện các triệu chứng như sau:

  • Giảm cân, dẫn đến giảm khối lượng cơ và mỡ;
  • Da, tóc khô;
  • Mắt trũng sâu, má hóp;
  • Mệt mỏi, kém vận động;
  • Tâm trạng thất thường, dễ cáu gắt, khó tập trung, lo âu, thậm chí là trầm cảm;
  • Vết thương lâu lành;
  • Teo dần lớp mỡ dưới da, cơ bắp lỏng lẻo;
  • Suy giảm sức đề kháng, dễ gặp phải các bệnh nhiễm trùng;
  • Chức năng tình dục và sinh sản kém.

Đối với trường hợp bị suy dinh dưỡng nặng, bệnh nhân còn có các triệu chứng như:

  • Da khô không có sự đàn hồi, lớp mỡ dưới da teo tóp;
  • Khuôn mặt hốc hác;
  • Tóc rụng rất nhiều;
  • Dễ bị suy gan, suy tim, suy hô hấp;
  • Nhịn đói trong nhiều ngày liên tiếp, nguy cơ tử vong cao.

Suy dinh dưỡng do thiếu hụt vi chất khiến bệnh nhân có những biểu hiện khác nhau, cụ thể là:

  • Thiếu vitamin A gây khô mắt, bệnh quáng gà, thị lực giảm và dễ bị nhiễm trùng.
  • Thiếu kẽm khiến cơ thể còi cọc, rụng tóc, chán ăn, vết thương chậm lành, có thể bị tiêu chảy.
  • Thiếu sắt gây thiếu máu, rối loạn thân nhiệt, ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ và làm tăng nguy cơ mắc phải các bệnh lý ở dạ dày.
  • Thiếu iot làm khả năng sản xuất hormone tuyến giáp giảm đi, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển và tăng trưởng thể chất của cơ thể.

Nếu tình trạng suy dinh dưỡng kéo dài thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí còn gây tử vong.

Suy dinh dưỡng nên ăn gì? Xây dựng chế độ ăn ra sao? 2
Suy dinh dưỡng kéo dài có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh

Chế độ dinh dưỡng cho người suy dinh dưỡng

Vậy người suy dinh dưỡng nên ăn gì? Người suy dinh dưỡng nên thực hiện theo chế độ dinh dưỡng với các nhóm thực phẩm sau:

Tinh bột

Gồm các loại thực phẩm như cơm, bánh mì... giúp phân phối đủ năng lượng cho hoạt động mỗi ngày của cơ thể. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, để đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng của cơ thể, người suy dinh dưỡng bắt buộc phải ăn đủ 12kg tinh bột trong vòng 1 tháng.

Rau, củ, quả

Các loại rau đều chứa hàm lượng cao chất xơ, vitamin và khoáng chất, giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả và chuyển hóa năng lượng tốt hơn. Nên ăn đủ 10kg rau xanh/tháng, đồng thời duy trì ăn hoa quả chín. Hoa quả sấy khô cũng giúp tăng cân hiệu quả vì có lượng calo cao gấp 5 - 8 lần so với hoa quả tươi.

Chất béo

Người suy dinh dưỡng nên ưu tiên nhóm chất béo thực vật để có sức khỏe tốt. Đồng thời, không nên nạp quá nhiều chất béo vào cơ thể, phù hợp là duy trì không quá 600g/tháng.

Chất đạm

Người suy dinh dưỡng cần tăng cường bổ sung chất đạm để tăng cân dễ hơn và có đủ năng lượng. Để cải thiện trọng lượng cơ thể hiệu quả, cần có chế độ ăn hợp lý gồm cả nguồn đạm động vật (trứng, thịt, cá, sữa,...) và đạm thực vật (các loại đậu). Hàng tháng, nên ăn khoảng 2,5kg cá, 1,5kg thịt đỏ, khoảng 2,5kg đậu và một số loại thực phẩm giàu đạm khác.

Suy dinh dưỡng nên ăn gì? Xây dựng chế độ ăn ra sao? 3
Chất đạm là một trong các nhóm thực phẩm cần bổ sung

Đường

Không chứa các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết để giúp tăng cân, chỉ có thể cung cấp năng lượng tức thời cho cơ thể. Vì vậy, người suy dinh dưỡng không cần ăn quá nhiều đường, chỉ nên duy trì ở mức không quá 500g/tháng.

Muối

Khi xây dựng thực đơn dinh dưỡng hàng ngày cho người suy dinh dưỡng, không nên ăn quá nhiều muối vì có thể gây ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe. Khi nấu nướng, chú ý dùng muối i-ốt để bổ sung thêm i-ốt cho cơ thể.

Những nguyên tắc giúp người gầy dễ tăng cân

Ngoài vấn đề suy dinh dưỡng nên ăn gì, bạn cũng cần lưu ý những nguyên tắc ăn uống đúng cách sau đây:

Lượng calo tiêu thụ thấp hơn lượng calo nạp vào

Nguyên tắc cơ bản nhất đối với người suy dinh dưỡng muốn tăng cân là dung nạp lượng thức ăn có lượng calo cao hơn so với lượng tiêu thụ mỗi ngày để có thể tăng cân dễ dàng.

Ăn thành nhiều bữa trong ngày

Nếu muốn tăng cân nhanh, ngoài ăn 3 bữa chính, người suy dinh dưỡng nên ăn thêm 2 - 3 bữa phụ/ngày. Bữa phụ sẽ giúp cơ thể nhận nguồn dinh dưỡng liên tục và đầy đủ. Những thực phẩm nên ăn vào bữa phụ gồm sữa, nước ép, các loại hạt, hoa quả, bánh ngọt...

Kết hợp vận động

Mỗi ngày chúng ta nên vận động khoảng 30 phút để cơ thể hấp thu lượng dưỡng chất trong thức ăn hiệu quả nhất. Đồng thời, vận động hợp lý còn giúp ăn ngon, ngủ ngon và tăng cường sức khỏe cho cơ thể. Nhờ vậy, kết quả tăng cân sẽ ổn định hơn, cơ bắp săn chắc và khỏe mạnh hơn.

Suy dinh dưỡng nên ăn gì? Xây dựng chế độ ăn ra sao? 4
Mỗi ngày nên vận động 30 phút để cơ thể hấp thu dưỡng chất trong thức ăn hiệu quả 

Cách phòng ngừa tình trạng suy dinh dưỡng

Cả trẻ em lẫn người lớn cần phòng ngừa nguy cơ bị suy dinh dưỡng bằng cách thực hiện những cách như sau:

  • Thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chính là sữa mẹ trong vòng 6 tháng đầu đời cho đến năm 2 tuổi. Nếu mẹ không có đủ sữa, để đảm bảo trẻ luôn có đủ dưỡng chất thiết yếu, có thể cho trẻ ăn dặm thêm sữa công thức.
  • Cần thay đổi đa dạng các món ăn nhằm kích thích sự thèm ăn giúp bữa ăn trở nên ngon miệng hơn.
  • Thường xuyên vận động cơ thể, hoạt động thể chất để thúc đẩy quá trình trao đổi chất và tăng cường sức đề kháng.
  • Tích cực điều trị các bệnh về đường tiêu hóa cũng như những bệnh lý gây suy dinh dưỡng;
  • Sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.

Sau khi đọc bài viết trên, bạn đã biết suy dinh dưỡng nên ăn gì, từ đó biết cách lựa chọn thực phẩm phù hợp trong chế độ ăn dành cho người suy dinh dưỡng để nhanh chóng hồi phục sức khỏe.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin