Tình trạng suy dinh dưỡng ở người lớn ảnh hưởng không tốt đến chất lượng cuộc sống và làm giảm tuổi thọ của người bệnh nên rất nguy hiểm. Để cải thiện tình trạng này, người bệnh cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Suy dinh dưỡng ở người lớn là tình trạng cơ thể của người lớn tuổi không đảm bảo đủ chất dinh dưỡng thích hợp cho các hoạt động hàng ngày. Tình trạng này thường liên quan đến việc mất cân bằng calo, protein và các vitamin thiết yếu khác mà cơ thể cần mỗi ngày. Để hiểu hơn về vấn đề này, hãy tham khảo bài viết sau đây.
Suy dinh dưỡng ở người lớn là gì?
Tình trạng suy dinh dưỡng có hại cho mọi đối tượng ở mọi lứa tuổi, nhưng đặc biệt ảnh hưởng nặng nề đến người lớn tuổi. Khi bị suy dinh dưỡng, người lớn tuổi dễ bị té ngã, hồi phục bệnh lâu hơn, có thể nhập viện nhiều lần và nằm trong các cơ sở chăm sóc dài hạn, có thể tử vong.
Nếu một người lớn tuổi mắc bệnh tiểu đường, bệnh Alzheimer hay ung thư, việc ăn uống của họ sẽ khó khăn, khiến họ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng.
Nguyên nhân gây suy dinh dưỡng ở người lớn tuổi
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng suy dinh dưỡng ở người lớn. Trong đó, những nguyên nhân sau đây thường gặp nhất:
Nhu cầu năng lượng ở mọi lứa tuổi sẽ khác nhau. Người lớn tuổi có nhu cầu năng lượng càng giảm, trong khi đó, cơ thể vẫn cần một lượng dinh dưỡng nhất định. Chính vì thế, người lớn tuổi dễ suy dinh dưỡng do thói quen ăn uống không điều độ, chỉ ăn cho qua bữa, ăn quá ít, ăn uống thiếu chất…
Tình trạng lão hóa của cơ thể ở người lớn tuổi là nguyên nhân gây suy dinh dưỡng như răng yếu, thậm chí rụng răng làm suy giảm khả năng nhai của người già, từ đó khiến cho khả năng hấp thụ dưỡng chất của cơ thể kém đi. Người già thường bị chán ăn, ăn không ngon.
Người già có xu hướng kiêng ăn nhiều loại thực phẩm do tình trạng dị ứng hoặc quá lo lắng về những vấn đề liên quan đến đường tiêu hóa. Thậm chí họ còn e ngại việc uống sữa và ăn cá… Về lâu dài, thói quen kiêng ăn quá mức này sẽ gây nên tình trạng cơ thể thiếu dinh dưỡng nghiêm trọng.
Người có nguy cơ cao bị suy dinh dưỡng khi lớn tuổi là bệnh nhân mắc một số bệnh về đường tiêu hóa chẳng hạn như bệnh viêm loét dạ dày, bệnh viêm đại tràng co thắt…
Các yếu tố góp phần dẫn đến suy dinh dưỡng
Nguyên nhân gây suy dinh dưỡng nói chung là do người bệnh ăn quá ít hoặc ăn uống thiếu chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, suy dinh dưỡng ở người lớn thường phức tạp hơn do sự kết hợp của các vấn đề về thể chất, tâm lý và xã hội như:
Thay đổi theo tuổi: Khả năng ngửi, nếm và cảm giác thèm ăn lành mạnh ở người lớn tuổi giảm đi khiến họ khó thưởng thức đồ ăn và không ăn uống điều độ.
Bệnh tật: Nếu bạn gặp tình trạng viêm và các biến chứng liên quan đến bệnh, chúng có thể góp phần ảnh hướng đến cách cơ thể xử lý chất dinh dưỡng và làm giảm cảm giác thèm ăn.
Không có khả năng ăn uống: Do sức khỏe răng miệng kém cùng với khả năng cầm nắm đồ ăn bị hạn chế, dẫn đến việc khó nhai hoặc nuốt, góp phần gây suy dinh dưỡng.
Sự mất trí nhớ: Các thói quen ăn uống thất thường hoặc tình trạng quên ăn do các vấn đề về trí nhớ hoặc hành vi do mất trí nhớ hoặc bệnh Alzheimer cũng gây suy dinh dưỡng.
Thuốc men: Một số loại thuốc mà người lớn tuổi dùng có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng hoặc sự thèm ăn của họ.
Ăn kiêng hạn chế: Khi người lớn tuổi phải hạn chế về chế độ ăn uống do bệnh tật sẽ dẫn đến ăn không đủ chất.
Thu nhập có hạn: Người lớn tuổi có thể gặp khó khăn về tài chính nên không thể ăn uống đủ dưỡng chất, đặc biệt khi họ đang phải chi nhiều tiền cho việc trị bệnh.
Giảm tiếp xúc xã hội: Người lớn tuổi có thể mất hứng thú với việc nấu nướng và ăn uống nên thường ăn một mình hoặc không thích dùng bữa.
Tiếp cận thực phẩm hạn chế: Người lớn tuổi gặp khó khăn trong vận động nên khó mua được với các loại thực phẩm phù hợp.
Phiền muộn: Chứng trầm cảm ở người lớn tuổi do tâm lý cô đơn, đau buồn, sức khỏe suy giảm, lười vận động và các yếu tố khác khiến họ chán ăn.
Nghiện rượu: Lạm dụng rượu có thể tạo nên thói quen ăn uống kém và không đảm bảo chế độ dinh dưỡng. Quá nhiều chất cồn trong cơ thể có thể cản trở quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng và quá trình tiêu hóa.
Biểu hiện về tình trạng suy dinh dưỡng ở người lớn
Chứng suy dinh dưỡng ở người lớn có những biểu hiện sau đây:
Trong vòng 6 tháng đến 1 năm, giảm từ 5% đến 10% cân nặng.
Người bệnh suy dinh dưỡng có biểu hiện thường xuyên mệt mỏi, chán ăn, trí nhớ kém, tâm lý thay đổi thất thường và hay cáu giận vô cớ.
Tình trạng suy dinh dưỡng kéo dài ở người già khiến da khô và nhợt nhạt, miệng khô và bị lở, móng tay và móng chân dễ gãy, tóc rụng nhiều.
Suy dinh dưỡng làm rối loạn tiêu hóa như tình trạng buồn nôn, thường xuyên đau bụng, đi ngoài phân rắn, lỏng thất thường…
Khi bị suy dinh dưỡng, những người lớn tuổi có sẵn bệnh lý mạn tính như bệnh tim, bệnh về xương khớp, bệnh viêm gan, hen suyễn… sẽ bị bệnh ngày càng nghiêm trọng hơn.
Để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở người lớn, cần lưu ý gì?
Bạn cần chú ý những điều sau khi xây dựng chế độ ăn cho người lớn tuổi:
Điều quan trọng là cần đảm bảo chế độ ăn của người lớn tuổi phải chứa đầy đủ các loại dưỡng chất cần thiết như tinh bột, chất đạm, chất béo, chất xơ, các loại vitamin và khoáng chất… Nên dùng thức ăn có độ mềm vừa phải để tốt cho hệ tiêu hóa của người già, nhưng không cần xay quá nhuyễn thức ăn vì sẽ làm mất vị ngon. Nên có một món canh trong mỗi bữa ăn để dễ ăn. Tránh tình trạng bỏ bữa, lên thực đơn khoa học, theo dõi cân nặng và sức khỏe tổng quát của người lớn tuổi trong gia đình…
Calo: Người cao tuổi trung bình cần khoảng 1.700 - 1.900 calo/người/ngày. Trong trong khẩu phần ăn hàng ngày của người lớn tuổi nên bổ sung cân bằng dưỡng chất, trong đó ngũ cốc chiếm 68%, tỉ lệ chất béo chiếm 18%, chất đạm 14%.
Tinh bột: Người lớn tuổi không nên ăn quá nhiều tinh bột. Mỗi bữa chỉ nên ăn 1 đến 2 bát cơm. Thỉnh thoảng có thể thay thế bằng các loại khoai, sắn… vừa bổ sung tinh bột vừa có chất xơ cho cơ thể, rất tốt cho hệ thống tiêu hóa.
Đạm: Nhu cầu chất đạm ở người lớn tuổi là khoảng 60 - 70g đạm/ngày. Thay vì bổ sung nguồn đạm từ các loại thịt đỏ, người lớn tuổi nên bổ sung đạm từ các loại cá, đỗ, vừng lạc… sẽ tốt hơn.
Chất béo: Để giảm nguy cơ bị tăng huyết áp và các bệnh tim mạch, người lớn tuổi nên hạn chế ăn mỡ động vật, nên ăn dầu thực vật.
Muối: Nên ăn nhạt và hạn chế ăn thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm lên men.
Chất xơ: Người lớn tuổi nên ăn nhiều rau củ quả để bổ sung chất xơ, tốt cho hệ tiêu hóa và phòng chống bệnh tim mạch.
Nước: Để giúp cơ thể tăng cường quá trình trao đổi chất, loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể, người lớn tuổi cũng cần uống nhiều nước. Tuy nhiên, uống nước vào ban đêm dễ đi tiểu đêm gây mất ngủ nên hạn chế.
Tóm lại, suy dinh dưỡng ở người lớn là tình trạng nghiêm trọng, cần được lưu ý vì ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người lớn tuổi. Nếu người lớn tuổi gặp tình trạng này, cần đưa họ đến bệnh viện để được theo dõi và có hướng điều trị phù hợp.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.