Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Thoái hóa đốt sống xương cụt: Bệnh lý thường gặp ở người già

Ngày 14/07/2022
Kích thước chữ

Thoái hóa đốt sống xương cụt là bệnh lý thường gặp ở người trung niên và người già do quá trình lão hóa cột sống xảy ra đồng thời với sự già đi của cơ thể. Bệnh thoái hóa đốt sống xương cụt không gây nguy hiểm nhưng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Tiến trình lão hóa tại xương cụt cũng tương tự như các bộ phận khác trên cơ thể. Sự lão hóa gây ra xơ hóa sụn, hình thành gai xương, tác động đến dây thần kinh hoặc khớp. Vậy thoái hóa đốt sống xương cụt do đâu và gây triệu chứng gì, cách điều trị ra sao?

Thoái hóa đốt sống xương cụt là gì?

Thoái hóa đốt sống xương cụt: Bệnh lý thường gặp ở người già 1 Thoái hóa đốt sống xương cụt là do tình trạng lão hóa của xương khớp

Vị trí của xương cụt 

Cột sống gồm 33 – 34 đốt sống, cụ thể bao gồm 7 đốt sống cổ, 12 đốt sống ngực, 5 đốt sống thắt lưng. Các đốt sống cùng và cụt được nối dính liền với nhau tạo thành xương cùng và xương cụt.

Cấu tạo của xương cụt do ba đến năm đốt sống hợp nhất thành một xương duy nhất, nằm bên dưới xương cùng, ở đáy cột sống. Dây chằng kết nối các đốt sống và hệ thống cơ từ xương sọ tới xương chậu nâng đỡ đốt sống. Phía sau cột sống là ống sống chứa tủy và các rễ thần kinh, mạch máu bên trong.

Cả xương cùng và xương cụt cùng khung xương chậu đều cùng chịu sức nặng toàn cơ thể khi chúng ta ngồi xuống. Hai phần ba số người trưởng thành có xương cụt không hướng thẳng xuống mà lại hơi cong. Tuy nhiên, một phần cong quá mức có thể gây đau đớn, đây là dấu hiệu bất thường.

Nguyên nhân gây thoái hóa xương cụt

Thoái hóa cột sống xương cụt là do tình trạng lão hóa của xương khớp. Quá trình thoái hóa càng nhiều khi tuổi càng cao. Sự thoái hóa làm cho bao xơ của đĩa đệm bị giòn và nứt nẻ tạo thành khe hở cho nhân nhầy ở bên trong thoát ra ngoài, gây nên tình trạng thoát vị đĩa đệm, sinh ra gai cột sống và đau thần kinh tọa.

Khi các dây chằng thoái hóa bị cứng, giòn, giảm độ đàn hồi, phình to ra, chất vôi lắng đọng lại hoặc hóa xương trở nên sần sùi, chèn ép vào các rễ thần kinh gây đau xương cụt.

Triệu chứng thoái hóa xương cụt

Khi bị thoái hóa xương cụt, người bệnh sẽ cảm thấy đau ở mông hoặc hông. Cơn đau có thể lan xuống háng, đầu gối, hai chân và lan ra nhiều vị trí trên cơ thể.

Người bị thoái hóa xương cụt bị đau ở trong và xung quanh vùng xương cụt, xuống dưới cùng của cột sống và phía trên khe hở của mông. Cơn đau thường âm ỉ hay đau nhói và có cảm giác như co thắt cơ. Khi chúng ta hoạt động thể chất hoặc khi ngồi trong thời gian dài, cơn đau sẽ xuất hiện, lan xuống chân hoặc lên lưng.

Ngoài ra, tùy từng nguyên nhân gây đau xương cụt, người bệnh có kèm các triệu chứng khác nhau như sau: Buồn nôn và nôn, mất cảm giác, yếu cơ, cảm giác khó chịu về đường tiêu hóa như đau ở trực tràng, đau quặn bụng...

Bệnh thoái hóa đốt sống xương cụt khiến người bệnh khó đi lại và hạn chế vận động, gây ảnh hưởng tới sức khỏe và làm giảm chất lượng cuộc sống. Chính vì thế khi có các triệu chứng như trên mà không rõ nguyên nhân, người bệnh cần đi kiểm tra tại các cơ sở y tế, chuyên khoa Cơ xương khớp. Bác sĩ sẽ xác định tình trạng bệnh qua thăm khám, tiến hành chụp X quang xương cùng cụt, từ đó đưa ra phương pháp chữa trị phù hợp.

Thoái hóa đốt sống xương cụt: Bệnh lý thường gặp ở người già 2 Người bị thoái hóa đốt sống xương cụt không nên ngồi lâu

Cách điều trị thoái hóa xương cụt

Điều trị tại nhà

Thoái hóa xương cụt là do lão hóa tự nhiên khi chúng ta già đi, do đó không cần điều trị nếu bệnh không gây ra dấu hiệu thoái hóa cột sống thắt lưng nghiêm trọng.

Nếu người bệnh bị đau nhiều ở vùng xương cùng cụt và thắt lưng, có thể sử dụng các phương pháp không dùng thuốc như bấm huyệt, châm cứu, xoa bóp, chườm ngải cứu, dán cao, dùng thuốc bôi… Bên cạnh đó, người bệnh cần giảm thời gian ngồi lâu một chỗ. Nếu phải ngồi lâu, hãy tập tư thế rướn người về phía trước để giảm sức đè nén lên xương cụt.

  • Để thư giãn cơ bắp toàn thân và giảm đau tại chỗ, có thể tắm nước nóng vào cuối ngày.
  • Sử dụng nệm hoặc đệm chống đau xương cụt (dạng đệm tròn có lỗ) khi ngồi.
  • Nếu bị đau khi đi tiêu, uống thuốc nhuận trường có tác dụng giảm đau.
  • Luyện các bài tập kéo dãn và tăng cường sự linh hoạt, dẻo dai cho các nhóm cơ ở vùng lưng dưới và xương chậu.
  • Chườm nóng hoặc chườm lạnh cho vùng lưng dưới, mỗi lần chườm không quá 20 đến 30 phút và lặp lại vài lần trong ngày.
  • Mặc quần áo rộng rãi để vận động dễ dàng.

Vật lý trị liệu

Nếu cơn đau không giảm sau một vài tuần áp dụng các cách trên, bạn có thể tham khảo phương pháp vật lý trị liệu thoái hóa đốt sống lưng sau đây:

  • Các phương pháp vật lý trị liệu sau đây được bác sĩ chỉ định để giảm cơn đau xương cụt như: Nhiệt trị liệu, điện trị liệu, đèn chiếu hồng ngoại, châm cứu, bấm huyệt…
  • Để giảm cảm giác đau do xương cụt gây ra, các bác sĩ sẽ hướng dẫn những bài tập tác dụng trực tiếp tới khung xương chậu.

Thuốc điều trị đau xương cụt

Thoái hóa cột sống lưng uống thuốc gì? Bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc giảm đau sau đây để điều trị thoái hóa đốt sống xương cụt:

  • Đối với trường hợp đau nhẹ đến trung bình, người bệnh dùng thuốc giảm đau chống viêm (NSAIDs) như Ibuprofen, Paracetamol.
  • Nếu cơn đau trầm trọng hơn, người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau liều mạnh như tramadol. Tuy nhiên thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ như đau đầu, chóng mặt, táo bón.
  • Trong trường hợp có hiện tượng cơ cứng các cơ quan xung quanh vùng chậu, người bệnh dùng thuốc giãn cơ như Mydocalm, Myonal…
  • Ở mức độ nhẹ đến trung bình, người bệnh dùng thuốc giảm đau thần kinh Neurotin, Codein…

Tuy nhiên, khi điều trị bằng thuốc Tây, người bệnh không nên lạm dụng vì có thể phải gánh chịu nhiều tác dụng phụ ảnh hưởng tới chức năng gan, thận, hệ tiêu hóa… Vì thế, người bệnh cần theo đúng chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý sử dụng.

Trường hợp nặng

Thoái hóa đốt sống xương cụt: Bệnh lý thường gặp ở người già 3 Trường hợp nặng nên luyện các bài tập kéo giãn, nắn chỉnh và cải thiện tư thế

Nếu các biện pháp nêu trên vẫn không làm giảm cơn đau xương cụt, người bệnh có thể điều trị ngoại trú với các thủ thuật, can thiệp tại chỗ như sau:

  • Sử dụng thuốc tê và Steroid để giảm sưng viêm và phong bế dây thần kinh tại chỗ quanh vùng xương cụt;
  • Dùng liệu pháp xoa bóp, thư giãn cơ;
  • Luyện các bài tập kéo giãn, nắn chỉnh và cải thiện tư thế theo sự hướng dẫn của chuyên gia vật lý trị liệu;
  • Châm cứu;
  • Kích thích điện thần kinh qua da (TENS).

Trong trường hợp nặng, rất hiếm gặp khi cơn đau xương cụt là kháng trị, bác sĩ sẽ xem xét việc thực hiện phẫu thuật điều trị thoát vị thoái hóa xương cụt nhằm giải phóng chèn ép thần kinh hoặc cắt một phần xương cụt hoặc cắt toàn bộ xương cụt. Thời gian hồi phục sau phẫu thuật cắt xương cụt có thể mất vài tháng cho đến một năm.

Trong quá trình điều trị, người bị thoái hóa đốt sống xương cụt cần chú ý thường xuyên luyện tập thể dục thể thao nhẹ nhàng, thực hiện chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng, phòng chống loãng xương, hạn chế hoặc bỏ hút thuốc, rượu bia…

Phòng tránh đau xương cụt

  • Phòng bệnh hơn chữa bệnh, để tránh bị đau xương cụt, bạn cần điều chỉnh tư thế ngồi thẳng lưng, hóp bụng, thẳng cổ.
  • Để tránh đau lưng, khi đứng dậy có thể hướng người về phía trước, cong lưng trước khi đứng.
  • Ngồi trên gối đặc biệt dành cho bệnh nhân bị trĩ, đau xương cụt giúp giảm cơn đau.
  • Hạn chế mang vác vật nặng, không đúng tư thế.
  • Duy trì tập thể dục thể thao, tuy nhiên nên tránh những môn ảnh hưởng nhiều tới xương cụt như đạp xe, đua thuyền. Bạn có thể tìm hiểu thoái hoá cột sống nên tập gì thích hợp.
  • Bên cạnh hoạt động cần nghỉ ngơi hợp lý.
  • Lưu ý không rặn khi đại tiện vì rất dễ gây đau xương cụt
  • Bổ sung thực phẩm giàu canxi, chất xơ để làm hệ xương khớp chắc khỏe, phòng tránh các bệnh lý xương khớp.
  • Hạn chế ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, đồ chiên xào.
  • Hạn chế sử dụng chất kích thích, rượu bia.

Quỳnh Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin