Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Béo phì độ 1: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Béo phì được định nghĩa là tình trạng tích tụ mỡ bất thường hoặc quá mức gây nguy hiểm cho sức khỏe. Béo phì có nhiều mức độ, trong đó béo phì độ 1 là thường gặp và ở cấp độ nhẹ. Béo phì không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề thẩm mỹ mà còn là một vấn đề y tế làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh và vấn đề sức khỏe khác.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Béo phì độ 1 là gì?

Béo phì được định nghĩa là tình trạng tích tụ mỡ bất thường hoặc quá mức gây nguy hiểm cho sức khỏe. Tất nhiên, có mỡ trong cơ thể không phải đều gây bệnh. Nhưng khi cơ thể bạn có quá nhiều mỡ dư thừa, nó có thể thay đổi hoạt động chuyển hóa bên trong cơ thể. Béo phì không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề thẩm mỹ mà còn là một vấn đề y tế làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh và vấn đề sức khỏe khác. Chúng có thể bao gồm bệnh tim mạch, tiểu đường, huyết áp cao, cholesterol máu cao, bệnh gan, ngưng thở khi ngủ và một số bệnh ung thư.

Tỷ lệ béo phì đang gia tăng nhanh tại Việt Nam, khoảng 2,6% năm 2010 lên đến 3,6% năm 2014. Tần suất thừa cân, béo phì trên người lớn ở Việt Nam là 2,3% vào năm 1993 và tăng lên đáng kể 15% vào năm 2015, tỷ lệ ở thành thị gấp gần 2 lần so với nông thôn. Rất đáng lưu ý là tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tuổi học đường 5 - 19 tuổi tăng từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020.

Bác sĩ thường sử dụng chỉ số khối cơ thể (BMI) để xác định tình trạng béo phì. Chỉ số đo trọng lượng cơ thể trung bình so với chiều cao trung bình của cơ thể và được biểu thị bằng đơn vị đo kg/m2. Mặc dù BMI có những hạn chế nhưng đây là chỉ số dễ đo lường và có thể giúp cảnh báo bạn về những nguy cơ sức khỏe liên quan đến béo phì.

Một cách khác để đánh giá béo phì là đo chu vi vòng eo. Nếu bạn có nhiều mỡ trong cơ thể quanh eo, bạn có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến béo phì cao hơn. Nguy cơ trở nên đáng kể khi kích thước vòng eo của bạn lớn hơn 80cm đối với nữ hoặc lớn hơn 90cm đối với nam.

Theo tiêu chuẩn của WHO áp dụng cho người Châu Á, thừa cân béo phì được chia thành các mức độ như sau:

BMI (kg/m2)Phân loại
< 18,5Thiếu cân
18,5 - 22,9Bình thường
23 - 24,9Thừa cân
25 - 29,9Béo phì độ I
≥ 30Béo phì độ II

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của béo phì độ 1

Béo phì độ 1 khi BMI trong khoảng từ 25 - 29,9kg/m2. Nhìn chung, béo phì độ 1 được phân loại ở mức độ nhẹ, nhưng nếu cứ để tình trạng này tiếp diễn và cân nặng ngày một tăng có thể gây ra một số vấn đề y tế khác. Các triệu chứng liên quan đến béo phì bao gồm:

  • Khó thở;
  • Tăng tiết mồ hôi;
  • Ngáy;
  • Khó khăn khi thực hiện hoạt động thể chất;
  • Mệt mỏi;
  • Đau khớp, đau lưng;
  • Cảm giác tự ti.
Béo phì độ 1: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa 4
Béo phì độ 1 có thể gây ra tình trạng đau lưng

Biến chứng có thể gặp khi mắc béo phì độ 1

Những người béo phì có nhiều khả năng phát triển một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm:

  • Bệnh tim và đột quỵ: Béo phì khiến bạn dễ bị huyết áp cao và mức cholesterol cao, đây là những yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim và đột quỵ.
  • Bệnh tiểu đường tuýp 2: Béo phì làm tăng nguy cơ đề kháng insulin và gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2.
  • Một số bệnh ung thư: Béo phì có thể làm tăng nguy cơ ung thư tử cung, cổ tử cung, nội mạc tử cung, buồng trứng, vú, đại tràng, trực tràng, thực quản...
  • Vấn đề về tiêu hóa: Béo phì làm tăng khả năng phát triển bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản.
  • Chứng ngưng thở lúc ngủ: Những người mắc bệnh béo phì có nhiều khả năng mắc chứng ngưng thở khi ngủ.
  • Viêm xương khớp: Béo phì làm tăng áp lực lên các khớp chịu trọng lượng. Nó cũng thúc đẩy tình trạng viêm tiềm ẩn trong cơ thể.
  • Bệnh gan nhiễm mỡ: Béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ, một tình trạng xảy ra do chất béo tích tụ quá nhiều mỡ trong gan.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn lo lắng về cân nặng của mình hoặc các vấn đề sức khỏe liên quan đến cân nặng, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn về cách quản lý cân nặng và đánh giá nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến béo phì.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến béo phì độ 1

Béo phì xảy ra khi bạn nạp vào quá nhiều calo từ các thực phẩm giàu chất béo và đường hơn mức tiêu thụ thông qua các hoạt động và tập thể dục thông thường hàng ngày. Cơ thể bạn lưu trữ lượng calo dư thừa này dưới dạng mô mỡ. Các nguyên nhân gây béo phì bao gồm:

  • Thức ăn nhanh và đồ uống có lượng calo cao;
  • Di truyền;
  • Lối sống tĩnh tại, không tập thể dục;
  • Rối loạn nội tiết tố: Suy giáp, hội chứng buồng trứng đa nang;
  • Các vấn đề về tâm lý;
  • Thuốc: Một số thuốc chống trầm cảm, thuốc chống động kinh, thuốc trị tiểu đường, thuốc chống loạn thần và thuốc chẹn beta.
Béo phì độ 1: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa 5
Thức ăn nhanh có lượng calo cao là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến béo phì độ 1

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc béo phì độ 1

Những đối tượng có nguy cơ mắc béo phì độ 1 bao gồm:

  • Người lớn tuổi: Béo phì có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, ngay cả ở trẻ nhỏ. Nhưng khi bạn già đi, sự thay đổi nội tiết tố và lối sống ít vận động hơn sẽ làm tăng nguy cơ béo phì.
  • Không hoạt động.
  • Một số tình trạng sức khỏe tiềm ẩn đôi khi có thể góp phần làm tăng cân, chẳng hạn suy giáp, hội chứng Cushing, hội chứng Prader-Willi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải béo phì độ 1

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc béo phì độ 1 bao gồm:

  • Các thành viên trong gia đình mắc béo phì;
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh;
  • Lười vận động;
  • Thai kỳ;
  • Thiếu ngủ;
  • Có vấn đề về tâm lý: Chán nản, cô đơn, lo lắng và trầm cảm đều là những hiện tượng phổ biến trong xã hội hiện đại và đều có thể dẫn đến ăn quá nhiều.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán béo phì độ 1

Bác sĩ sẽ đo chiều cao, cân nặng và chu vi vòng eo của bạn tại buổi tư vấn. Phương pháp DEXA hấp thụ năng lượng kép là phương pháp tốt nhất để đánh giá lượng mỡ trong cơ thể bạn. Quan trọng hơn, bác sĩ sẽ hỏi bạn về tiền sử bệnh lý, thuốc đang sử dụng. Họ cũng sẽ muốn biết về cách ăn uống, ngủ nghỉ và tập thể dục hiện tại của bạn, các yếu tố gây căng thẳng cũng như liệu bạn đã từng thử bất kỳ chương trình giảm cân nào trước đây hay chưa.

Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra các chức năng quan trọng của bạn bằng cách đo nhịp tim và huyết áp. Họ có thể cho bạn xét nghiệm máu để kiểm tra lượng đường và cholesterol trong máu cũng như sàng lọc các vấn đề về hormone. Họ sẽ sử dụng hồ sơ đầy đủ này để chẩn đoán tình trạng béo phì của bạn và bất kỳ tình trạng liên quan kèm theo nào mà bạn có thể mắc phải.

Béo phì độ 1: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa 6
Bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh

Phương pháp điều trị béo phì độ 1 hiệu quả

Mục tiêu của điều trị béo phì là đạt được và duy trì cân nặng khỏe mạnh. Điều này cải thiện sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ phát triển các biến chứng liên quan đến béo phì.

Mục tiêu điều trị đầu tiên thường là giảm cân vừa phải từ 5% đến 10% tổng trọng lượng của bạn. Điều đó có nghĩa là nếu bạn nặng 91kg, bạn chỉ cần giảm khoảng 4,5 đến 9kg để sức khỏe của bạn bắt đầu được cải thiện. Nhưng bạn càng giảm cân nhiều thì lợi ích càng lớn.

Các phương pháp điều trị béo phì bao gồm:

  • Thay đổi chế độ ăn uống: Có chế độ ăn uống lành mạnh, cắt giảm bớt lượng calo mỗi bữa ăn, hạn chế ăn đồ béo ngọt, tăng lượng rau xanh và trái cây.
  • Tập thể dục và hoạt động: Những người mắc bệnh béo phì cần hoạt động thể chất với cường độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần.
  • Thay đổi hành vi: Nói chuyện với chuyên gia sức khỏe tâm thần có thể giúp giải quyết các vấn đề về cảm xúc và hành vi liên quan đến việc ăn uống. Trị liệu có thể giúp bạn hiểu lý do tại sao bạn ăn quá nhiều và học những cách lành mạnh để đối phó với lo lắng.
  • Thuốc giảm cân: Thuốc giảm cân được sử dụng cùng với chế độ ăn kiêng, tập thể dục và thay đổi hành vi chứ không phải thay thế chúng. Các loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất đã được FDA phê duyệt để điều trị béo phì bao gồm: Liraglutide, Orlistat.
  • Phẫu thuật: Nếu bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh béo phì độ III, phẫu thuật giảm béo có thể là một lựa chọn cho bạn.
Béo phì độ 1: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa 7
Người mắc bệnh béo phì cần hoạt động thể chất với cường độ vừa phải

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của béo phì độ 1

Chế độ sinh hoạt: 

  • Cố gắng đứng dậy và di chuyển quanh nhà thường xuyên hơn. 
  • Đi bộ 10 phút mỗi ngày cũng có thể giúp ích. 
  • Nếu bạn đang có bệnh lý nào khác kèm theo hoặc ở độ tuổi trên 40 tuổi, hãy nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn các bài tập thể dục và thời gian vận động phù hợp.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt. Tránh các thực phẩm chiên xào, đồ ngọt, tinh bột, nước ngọt, thức ăn nhanh. 
  • Giảm khẩu phần ăn mỗi bữa ăn.
  • Liên hệ với chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn phù hợp với bạn.

Phương pháp phòng ngừa béo phì độ 1 hiệu quả

Các phương pháp phòng ngừa béo phì độ 1 hiệu quả bao gồm:

  • Hãy thay đổi thói quen ăn uống: Bạn có thói quen ăn vặt hàng ngày chẳng hạn như đồ uống có đường, chứa nhiều calo không? Hãy xem xét việc thay thế nó bằng trái cây hoặc bánh kẹo ít đường.
  • Hãy thay đổi thói quen sinh hoạt: Cố gắng mỗi ngày đều tập thể dục ít nhất 10 phút.
  • Mua sắm có chủ ý: Chỉ nên mua những thực phẩm lành mạnh như sữa ít đường, trái cây, khoai lang... để dự trữ ở nhà.
  • Nuôi dưỡng cơ thể khỏe mạnh: Giảm thời gian sử dụng thiết bị điện tử, ra ngoài và đi dạo. Kiểm soát căng thẳng của bạn và cố gắng ngủ đủ giấc.
Nguồn tham khảo
  1. Obesity: https://www.nhs.uk/conditions/obesity/
  2. Health Effects of Overweight and Obesity: https://www.cdc.gov/healthyweight/effects/index.html
  3. Obesity and overweight: https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/obesity-and-overweight
  4. Obesity: What You Need to Know: https://www.healthline.com/health/obesity
  5. Obesity: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK459357/

Các bệnh liên quan

  1. Ung thư hậu môn

  2. Viêm gan A

  3. Ợ chua

  4. Sa búi trĩ

  5. Loét dạ dày tá tràng

  6. Hội chứng Chilaiditi

  7. Sán lợn gạo

  8. Ung thư ruột kết

  9. Viêm ruột mạn tính

  10. Ngứa hậu môn