Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hội chứng lối thoát lồng ngực là gì? Những vấn đề cần biết về hội chứng lối thoát lòng ngực

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hội chứng lối thoát ngực (Thoracic outlet syndrome-TOS) xảy ra khi dây thần kinh hoặc mạch máu bị chèn ép ở cổ dưới và ngực trên của bạn. Các triệu chứng bao gồm đau, ngứa ran và tê ở cánh tay và bàn tay. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm cử động vai cánh tay thường xuyên với lực mạnh mẽ, chấn thương hoặc bất thường về mặt giải phẫu trước khi sinh ra. Các phương pháp điều trị bảo tồn như vật lý trị liệu và thuốc giảm đau có thể cải thiện hầu hết các trường hợp. Nhưng trong một số trường hợp cũng có thể cần phẫu thuật nếu những phương pháp điều trị bảo tồn không hiệu quả hoặc TOS cản trở sự lưu thông máu bình thường.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hội chứng lối thoát lòng ngực là gì?

Hội chứng lối thoát ngực (Thoracic Outlet Syndrome - TOS) là thuật ngữ dùng để chỉ ba hội chứng liên quan đến việc chèn ép dây thần kinh, động mạch và tĩnh mạch ở vùng cổ dưới và vùng ngực trên. “Thoracic outlet” là một thuật ngữ giải phẫu dùng để chỉ lỗ hở giữa cổ và ngực. Lỗ mở này là lối đi cho nhiều cấu trúc quan trọng vùng cổ ngực như đã kể trên.

Thông thường, lối thoát ngực của bạn đủ rộng để cho phép các dây thần kinh và mạch máu này đi qua dễ dàng. Nhưng một số biến thể giải phẫu và chấn thương có thể làm gián đoạn lối đi này và khiến nó trở nên quá hẹp. Các cấu trúc khác trong ngực như xương hoặc cơ sẽ đè lên dây thần kinh hoặc mạch máu trong không gian này gây đau, dị cảm và các triệu chứng khác ở phần chi trên.

TOS được phân loại theo cấu trúc bị chèn ép:

  • Hội chứng lối thoát ngực do thần kinh: Đây là tình trạng chèn ép dây thần kinh. TOS thần kinh xảy ra khi có áp lực lên đám rối cánh tay của bạn hoặc mạng lưới các dây thần kinh đan xen chạy qua ngực trên của bạn. Đây là loại phổ biến nhất chiếm khoảng 95% tất cả các trường hợp mắc hội chứng lối thoát ngực. Nguyên nhân phổ biến nhất là hoạt động lặp đi lặp lại vùng cổ vai cánh tay thường là do thể thao hoặc chấn thương đột ngột ở cổ.
  • Hội chứng lối thoát tĩnh mạch ngực: Đây là tình trạng chèn ép tĩnh mạch dưới đòn. TOS tĩnh mạch phổ biến hơn ở nam giới và thường ở độ tuổi 20 hoặc 30.
  • Hội chứng đầu ra động mạch ngực: Đây là tình trạng chèn ép động mạch dưới đòn. Đây là loại TOS hiếm nhất, chiếm khoảng 1% tổng số trường hợp. TOS động mạch là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra cục máu đông cấp tính ở cánh tay. TOS động mạch thường xảy ra do sự sai khác về giải phẫu ngay khi sinh ra chẳng hạn như xương sườn cổ. Loại TOS này phổ biến hơn ở phụ nữ cũng có thể giải thích do có khoảng 70% xương sườn cổ xảy ra ở phụ nữ.

Thuật ngữ “vascular thoracic outlet syndrome” dùng để chỉ loại tĩnh mạch hoặc động mạch. Những loại này thường phải phẫu thuật để giảm triệu chứng và giảm nguy cơ biến chứng. TOS thần kinh thường đáp ứng tốt với vật lý trị liệu và tập thể dục.

Triệu chứng

Những triệu chứng của hội chứng lối thoát lồng ngực

Các triệu chứng của hội chứng lối thoát ngực ảnh hưởng đến phần trên cơ thể như cổ, ngực trên, vai, cánh tay hoặc bàn tay và thường ở một bên, đặc biệt các triệu chứng này có thể trầm trọng hợp khi giơ tay lên cao:

  • Đau từ cổ xuống vai và cánh tay.
  • Ngứa ran hoặc châm chích.
  • Tê bì hay dị cảm cánh tay.
  • Yếu cánh tay.
  • Sưng hoặc nặng nề.
  • Da trông nhợt nhạt hoặc xanh xao.
  • Da có cảm giác mát.
  • Hoại tử.

Các triệu chứng cụ thể mà bạn gặp phải có thể khác nhau tùy thuộc vào loại TOS mà bạn mắc phải (các triệu chứng phụ thuộc cấu trúc bị chèn ép cụ thể là thần kinh hay mạch máu). Việc chèn ép này ngăn cản các cấu trúc đó thực hiện chức năng bình thường của chúng và gây ra các triệu chứng:

  • Đám rối thần kinh cánh tay giúp cho cánh tay và bàn tay vận động và cảm giác. Vì thế đau, ngứa ran, tê hay yếu vùng cánh tay có thể xảy ra khi đám rối thần kinh cánh tay bị chèn ép.
  • Tĩnh mạch dưới đòn dẫn máu từ cánh tay trở lại tim. Vì vậy khi chèn ép tĩnh này sẽ ngăn cản máu rời khỏi cánh tay dẫn đến sưng tấy và nặng nề.
  • Động mạch dưới đòn cung cấp máu giàu oxy cho cánh tay của bạn. Chèn ép lên động mạch này làm giảm lưu lượng máu đến cánh tay, bàn tay và ngón tay có thể gây tê, ngứa ran hoặc đau, cũng như da có cảm giác mát khi chạm vào.
Hội chứng lối thoát lồng ngực là gì? Những vấn đề cần biết về hội chứng lối thoát lòng ngực 1
Đau tê vùng cánh tay tăng khi đưa tay lên cao là triệu chứng chính của hội chứng lối thoát ngực

Tác động của hội chứng lối thoát lồng ngực đối với sức khỏe

Các triệu chứng của hội chứng lối thoát ngực có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh hoạt, làm việc, chất lượng cuộc sống của người mắc.

Biến chứng có thể gặp khi mắc hội chứng lối thoát lồng ngực

TOS nên được điều trị càng sớm càng tốt. Nếu không, nó có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn như sau:

  • Đau và sưng ở cánh tay mạn tính.
  • Tổn thương thần kinh không hồi phục.
  • Các vấn đề về lưu lượng máu như hoại tử, loét do thiếu máu cục bộ.
  • Các cục máu đông có thể gây thuyên tắc phổi (tắc động mạch phổi).

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi có bất kỳ triệu chứng khó chịu nào kể trên bạn nên đến bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị.

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây hội chứng lối thoát lồng ngực

Có thể chia nguyên nhân của TOS thành ba nhóm chính:

  • Bẩm sinh: Đây là những biến thể trong cấu trúc giải phẫu ngay khi bạn sinh ra như xương sườn cổ (xương sườn phụ ở gần hoặc đôi khi hợp nhất với xương sườn đầu tiên), hoặc có thể do những bất thường ở xương sườn, cơ cổ hoặc dây chằng gần đó. Những biến thể này có thể gây áp lực lên dây thần kinh hoặc mạch máu ở ngực.
  • Chấn thươngĐây là những chấn thương bất ngờ ảnh hưởng đến cổ và vùng ngực trên (ví dụ phổ biến là thương tích do tai nạn ô tô, xe máy,…)
  • Tổn thương chức năng: Đây là những hành động bạn thực hiện lặp đi lặp lại gây tổn thương các cấu trúc trong lồng ngực của bạn. Chuyển động mạnh vùng cánh tay phổ biến ở các vận động viên hay người chơi thể thao (đặc biệt là bóng chày và bơi lội) hay nâng vật trên cao lặp đi lặp lại là những hoạt động ảnh hưởng cơ thể theo cơ chế này.

Các yếu tố bẩm sinh khiến một số người mắc phải TOS, nhưng họ có thể không cảm thấy bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi bị chấn thương ở cổ do chấn thương bất ngờ hoặc vô tình vận động quá mức vùng cổ vai, cánh tay.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải hội chứng lối thoát lồng ngực?

TOS phổ biến hơn ở phụ nữ. Các triệu chứng thường bắt đầu ở độ tuổi từ 20 đến 50.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải hội chứng lối thoát lồng ngực

Bạn có thể phải đối mặt với nguy cơ mắc hội chứng lối thoát ngực cao hơn nếu bạn các có yếu tố nguy cơ cao:

  • Chơi các môn thể thao liên quan đến chuyển động lặp đi lặp lại của cánh tay hoặc vai (ví dụ bao gồm bóng chày, bơi lội, chơi gôn và bóng chuyền, cử tạ,...)
  • Thường xuyên mang vác nặng trên vai hoặc nâng đồ vật qua đầu.
  • Bị chấn thương ở cổ hoặc lưng, chẳng hạn như chấn thương cổ.
  • Có khối u hoặc hạch bạch huyết lớn ở ngực trên hoặc nách.
  • Có tư thế ngồi xấu.
Hội chứng lối thoát lồng ngực là gì? Những vấn đề cần biết về hội chứng lối thoát lòng ngực 2
Động tác đưa tay mạnh qua đầu nhiều lần làm tăng nguy cơ mắc hội chứng lối thoát ngực

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hội chứng lối thoát lồng ngực

Chẩn đoán TOS bằng cách khai thác bệnh sử, triệu chứng và thực hiện một số nghiệm pháp:

  • Kiểm tra độ căng của chi trên.
  • Kiểm tra căng thẳng cánh tay nâng cao.

Đối với những nghiệm pháp này bạn cần thực hiện các động tác đơn giản như nâng cánh tay, nghiêng đầu và siết chặt nắm tay,… các bác sĩ sẽ xem xét động tác nào làm bạn đau nhiều hơn xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng đó.

Ngoài ra một số cận lâm sàng hình ảnh có thể được sử dụng như:

  • X-quang ngực thẳng.
  • Điện cơ (EMG).
  • Chụp cắt lớp vi tính ( CT scan).
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI).
  • Chụp cộng hưởng từ mạch máu (MRA).

Các cận lâm sàng hình ảnh giúp tìm kiếm các biến thể giải phẫu (như xương sườn cổ), đánh giá lưu lượng máu qua động mạch và tĩnh mạch của bạn, loại trừ các tình trạng khác gây ra các triệu chứng tương tự, kiểm tra chức năng của cơ và dây thần kinh của bạn và tìm chính xác vị trí chèn ép.

Phương pháp điều trị hội chứng lối thoát ngực

Hầu hết mọi người sẽ cải thiện nhờ tập thể dục và vật lý trị liệu. Những người mắc TOS mạch máu và TOS thần kinh thực sự thường cần phẫu thuật để giảm áp lực lên mạch hoặc dây thần kinh bị ảnh hưởng.

Điều trị Hội chứng lối thoát ngực do thần kinh

Vật lý trị liệu thường là phương pháp điều trị đầu tiên.

Tiêm độc tố Botulinum đôi khi có hiệu quả khi vật lý trị liệu không làm giảm hoàn toàn các triệu chứng.

Nếu các triệu chứng vẫn tồn tại sau khi tập vật lý trị liệu và tiêm, phẫu thuật có thể được khuyến khích. Phẫu thuật có thể bao gồm việc cắt bỏ các cơ nhỏ ở cổ (cơ bậc trước) và cắt bỏ xương cổ hoặc xương sườn thứ nhất.

Hội chứng lối thoát lồng ngực là gì? Những vấn đề cần biết về hội chứng lối thoát lòng ngực 3
Trong một số trường hợp cần phẫu thuật điều trị hội chứng lối thoát ngực

Điều trị hội chứng lối thoát ngực do tĩnh mạch

Phẫu thuật thường được khuyến nghị cho TOS tĩnh mạch. Điều này có thể liên quan đến việc loại bỏ cả cơ bậc thang và cơ dưới đòn và xương sườn đầu tiên. Cục máu đông thường hình thành xung quanh bề mặt bên trong của tĩnh mạch bị chèn ép nên cần điều trị chống huyết khối kèm theo để phòng ngừa thuyên tắc phổi (tắc động mạch phổi).

Điều trị hội chứng lối thoát ngực do động mạch

Phẫu thuật thường được khuyến nghị cho TOS động mạch. Điều này có thể liên quan đến việc loại bỏ cả cơ bậc thang ở cổ, xương sườn cổ nếu có và xương sườn đầu tiên và thuốc chống huyết khối tương tự như điều trị hội chứng lối thoát ngực do tĩnh mạch.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến hội chứng lối thoát lồng ngực

Nếu bạn có các triệu chứng của hội chứng lối thoát ngực, hãy tránh mang túi nặng qua vai vì điều này sẽ tạo áp lực đè xuống xương đòn và làm tăng áp lực lên các cấu trúc quan trọng trong lối thoát ngực.

Bạn cũng nên thực hiện một số bài tập đơn giản để giữ cho cơ vai luôn chắc khỏe. Dưới đây là ba bài tập mà bạn có thể thử:

  • Căng cơ ngực trên: Đứng trong một góc (cách góc khoảng 1 bước chân) với hai tay cao ngang vai, mỗi tay đặt trên một bức tường. Dựa vào góc cho đến khi bạn cảm thấy căng nhẹ cơ vùng ngực trên. Giữ trong 5 giây.
  • Căng cổ: Đặt tay trái lên đỉnh đầu và tay phải ra sau thắt lưng. Kéo đầu về phía vai trái cho đến khi bạn cảm thấy căng nhẹ ở bên phải cổ và giữ trong 5 giây sau đó đổi vị trí tay và lặp lại bài tập theo hướng ngược lại.
  • Xoay vai: Nhún vai lên, ra sau rồi hạ xuống theo chuyển động tròn.

Mỗi động tác nên được thực hiện 10 lần và lặp lại mỗi bài tập hai lần/ngày.

Hội chứng lối thoát lồng ngực là gì? Những vấn đề cần biết về hội chứng lối thoát lòng ngực 4
Các bài tập mạnh cơ cổ giúp hạn chế diễn tiến của hội chứng lối thoát ngực

Phương pháp phòng ngừa hội chứng lối thoát lòng ngực hiệu quả

Một số biện pháp giúp phòng ngừa hội chứng lối này như sau:

  • Phòng ngừa hội chứng lối thoát ngực bằng cách tập luyện thể dục thể thao với cường độ vừa phải.
  • Tập các bài tập mạnh cơ vùng cổ gáy như trên.
Nguồn tham khảo
  1. Thoracic Outlet Syndrome: https://www.ninds.nih.gov/health-information/disorders/thoracic-outlet-syndrome
  2. Thoracic outlet syndrome: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/thoracic-outlet-syndrome/symptoms-causes/syc-20353988
  3. Thoracic Outlet Syndrome: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17553-thoracic-outlet-syndrome-tos
  4. Thoracic Outlet Syndrome: https://orthoinfo.aaos.org/en/diseases--conditions/thoracic-outlet-syndrome/
  5. Thoracic Outlet Syndrome: https://www.webmd.com/brain/thoracic-outlet-syndrome

Các bệnh liên quan

  1. Bướu sợi tuyến

  2. Bệnh Beryllium

  3. Viêm tuyến vú

  4. Viêm phổi kẽ tróc vảy

  5. Ung thư tim

  6. Còn ống động mạch

  7. Bụi phổi

  8. Viêm phổi tăng bạch cầu ái toan

  9. Bệnh cơ tim

  10. U xơ tuyến vú