Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nhiễm Balantidium là gì? Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Balantidium là một loại đơn bào có hai nhân (một nhân lớn và một nhân nhỏ), có lông khắp cơ thể và chúng chuyển động bằng lông. Balantidium sống hoại sinh, có nhiều loài, nhưng loài có khả năng gây bệnh cho người là Balantidium coli. Nhiễm Balantidium hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để chủ động phòng tránh bệnh, hãy cùng Long Châu theo dõi bài viết sau để hiểu rõ và nắm chắc kiến thức liên quan về nhiễm Balantidium để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Nhiễm Balantidium là gì? 

Nhiễm Balantidium là bệnh nhiễm trùng gây ra bởi trùng lông Balantidium coli. Khi xâm nhập vào cơ thể sẽ ký sinh ở đường tiêu hóa gây ra các bệnh về đường tiêu hóa: Đau bụng, tiêu chảy, lỵ do Balantidium. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển dẫn đến thủng ruột, xuất huyết tiêu hóa gây nguy hiểm đến tính mạng.

Balantidium tồn tại ở 2 dạng: Thể bào nang và thể hoạt động.

  • Thể bào nang: Hình tròn hoặc hình trứng, đường kính 40 – 65µm, được bao bọc bởi 2 lớp vỏ, lớp vỏ ngoài dày, chắc, giúp bào nang đề kháng tốt với môi trường;

  • Thể hoạt động: Hình trứng, kích thước khoảng 30 – 150µm x 25 – 120µm. Toàn thân được bao phủ bởi nhiều hàng lông tơ, xếp theo chiều dọc, giúp trùng lông di chuyển. Đầu trước thon, có một bào khẩu (cytostome) hình phễu, đầu sau tròn chứa một lỗ bài tiết (cytopyge) hình tam giác;

Balantidium coli có 2 nhân: Nhân lớn hình hạt đậu và nhân nhỏ tròn, nằm ở mặt lõm của nhân lớn. Trong bào tương có 2 không bào co thắt, một ở giữa, một ở gần cực sau và nhiều không bào thức ăn.

Khi gặp điều kiện bất lợi: Tình trạng thiếu nước ở trực tràng hoặc khi rời khỏi cơ thể vật chủ, thể hoạt động sẽ hóa thành thể bào nang.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng khi bị nhiễm Balantidium 

Balantidium coli gây bệnh chủ yếu tại đường tiêu hóa, thường tại manh tràng và đoạn cuối hồi tràng. Biểu hiện lâm sàng của nhiễm Balantidium đa dạng và phong phú, triệu chứng có thể không có hoặc biểu hiện nhẹ đến nặng. Các triệu chứng của thường gặp:

  • Đau bụng, tiêu chảy, có thể có máu và chất nhầy, có trường hợp người bệnh đi ngoài đến 15 lần/ ngày.

  • Ngoài ra, còn xuất hiện các triệu chứng: Buồn nôn và nôn, sốt, đau đầu, mất nước và giảm cân. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, các triệu chứng diễn biến nặng gây thủng ruột, xuất huyết tiêu hóa có thể gây tử vong.

  • Hội chứng kiết lỵ do Balantidium có thể diễn biến mạn tính, người bệnh xuất hiện các đợt tái phát của bệnh lỵ và tiêu chảy.

Biến chứng có thể gặp khi bị nhiễm Balantidium

Một số biến chứng: Nhiễm trùng mạn tính, gây suy kiệt, mất nước, rối loạn nước – điện giải, hoại tử ruột, viêm phúc mạc, viêm ruột thừa, xuất huyết tiêu hóa, thủng ruột,… thậm chí tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Ngoài ra, biến chứng của bệnh còn liên quan đến sự lây lan của Balantidium sang nhiều cơ quan trong cơ thể: Viêm tử cung, viêm âm đạo, viêm đường tiết niệu, tổn thương gan, phổi, xương, viêm giác mạc,…

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào thì tốt nhất nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm và được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn điều trị.

Tuyệt đối không được thờ ơ trước các bất thường của cơ thể, vì có thể khiến bệnh tiến triển đến mức trầm trọng, việc chữa trị vô cùng khó khăn và gặp không ít rủi ro, biến chứng.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến nhiễm Balantidium

Nguyên nhân gây bệnh Balantidium là do trùng lông Balantidium coli xâm nhập vào cơ thể người gây nên.

  • Người bệnh mắc phải Balantidium qua đường tiêu hóa do ăn, uống không đảm bảo, ô nhiễm, mất vệ sinh. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, Balantidium thể hoạt động ký sinh ở đường tiêu hóa, tấn công vào thành ruột để gây bệnh. Balantidium xâm nhập vào niêm mạc ruột gây các ổ hoại tử và áp xe làm bệnh nhân bị loét và xuất huyết đường tiêu hóa.

  • Các Balantidium ở thể bào nang được đào thải ra ngoài môi trường qua phân và lây bệnh cho vật chủ mới.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ nhiễm Balantidium?

Nhiễm Balantidium có thể xảy ra ở bất cứ ai, bất cứ độ tuổi nào.

Heo là tàng chủ chính của Balantidium coli. Vì vậy, những người chăn nuôi, người dọn vệ sinh chuồng trại, người sống trong vùng ô nhiễm hay do tiếp xúc với phân và chất thải (lợn) không xử lý đảm bảo, chứa nguồn bệnh.

Ngoài ra, nhiễm Balantidium còn xuất hiện ở những người có hệ thống miễn dịch bị suy giảm, người có chế độ ăn uống không đảm bảo, thiếu chất dinh dưỡng, nghiện rượu,…

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải nhiễm Balantidium

Có rất nhiều yếu tố có thể tăng nguy cơ nhiễm Balantidium, như:

  • Khí hậu nóng ẩm của Việt Nam là môi trường thuận lợi cho sự tồn tại của các bào nang;

  • Tập quán ăn uống không nấu chín, ăn rau sống, sử dụng phân tươi chăm bón cho cây trồng và rau củ, ao cá dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm Balantidium;

  • Cơ thể suy giảm miễn dịch: Người bệnh HIV/AIDS, ung thư,…;

  • Người chăn nuôi, dọn vệ sinh chuồng trại, người sống trong vùng ô nhiễm hay do tiếp xúc với phân và chất thải (lợn) không xử lý đảm bảo, chứa nguồn bệnh;

  • Vệ sinh cá nhân, vệ sinh thực phẩm.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh nhiễm Balantidium

Chẩn đoán nhiễm Balantidium kết hợp giữa việc khám lâm sàng cùng với thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán:

Lâm sàng: Xác định các triệu chứng nhiễm Balantidium. Tuy nhiên, triệu chứng nhiễm Balantidium dễ nhầm với lỵ do amip.

Cận lâm sàng:

Nội soi trực tràng phát hiện vết loét đặc trưng do Balantidium coli gây ra: Vết loét thường rộng, sâu, đáy thường phủ mủ, mô bị hoại tử;

Xét nghiệm phân tìm Balantidium coli, thể hoạt động và thể bào nang.

Phương pháp điều trị bệnh nhiễm Balantidium hiệu quả

Nguyên tắc điều trị: Diệt mầm bệnh và điều trị hỗ trợ nâng cao thể trạng.

Thuốc điều trị: 3 loại thuốc được sử dụng phổ biến: Tetracycline, metronidazole và Iodoquinol.

Chú ý: Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Điều trị ngoại khoa: Can thiệp bằng phẫu thuật trong trường hợp: Viêm ruột thừa, thủng ruột,…

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp hạn chế diễn tiến của nhiễm Balantidium

  • Tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc hoặc mua thuốc không có trong đơn thuốc của bác sĩ;

  • Lắng nghe và làm theo mọi hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhiễm trùng có thể tái phát nếu điều trị không đủ thời gian;

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những bất thường xuất hiện trong quá trình điều trị;

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi diễn tiến của bệnh và tình trạng sức khỏe;

  • Vệ sinh cá nhân, môi trường sạch sẽ và thường xuyên;

  • Thể dục thể thao nâng cao sức khỏe;

  • Chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng, thức ăn được nấu chín, nước uống đun sôi để nguội.

Phương pháp phòng ngừa nhiễm Balantidium

  • Vệ sinh cá nhân (rửa tay kỹ trước khi ăn, sau khi vệ sinh và sau khi làm việc tiếp xúc với lợn, phân lợn), nguồn nước, môi trường sạch sẽ và thường xuyên;

  • Vệ sinh thực phẩm: Ăn chín, uống nước sôi để nguội, hạn chế ăn rau sống (rửa kỹ trước khi ăn), tránh ruồi, gián đậu vào thức ăn;

  • Cần mang bảo hộ lao động khi làm việc trong môi trường tiếp xúc với lợn, phân lợn;

  • Quản lý chặt chẽ nguồn phân;

  • Chống nguy cơ lây nhiễm, không nuôi heo gần nơi sinh hoạt;

  • Chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dinh dưỡng;

  • Khám sức khỏe định kỳ;

  • Truyền thông giáo dục sức khỏe phòng chống bệnh do Balantidium coli gây ra.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.impehcm.org.vn/noi-dung/ky-sinh-trung/trung-long-balantidium-coli.html

  2. Trần Xuân Mai (2015), Ký sinh trùng y học, Nhà xuất bản Y học

  3. Bộ môn Ký sinh – Vi nấm học (2013), Ký sinh trùng Y học, Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.

Các bệnh liên quan

  1. Tả do virus Vibrio Cholerae

  2. Thủy đậu

  3. Bệnh thận do HIV

  4. Thương hàn

  5. Sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh

  6. Sùi mào gà

  7. Bạch hầu

  8. Viêm phúc mạc nhiễm khuẩn tiên phát

  9. Nhiễm giun lươn

  10. Lao ruột