Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Bệnh lý/
  3. Thần kinh - Tinh thần/
  4. Nhược cơ

Nhược cơ là gì? Làm thế nào để điều trị nhược cơ hiệu quả?

Bác sĩNguyễn Văn Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe da liễu, hiện tại đang công tác tại Trung tâm Tiêm chủng Long Châu.

Xem thêm thông tin

Nhược cơ là một bệnh lý tự miễn mạn tính do sự rối loạn hệ thống miễn dịch làm ngăn chặn sự dẫn truyền thần kinh – cơ, gây yếu các cơ và ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của bệnh nhân. Nhược cơ không thể chữa khỏi hoàn toàn, tuy nhiên việc phát hiện sớm có thể giúp hạn chế được tiến triển của bệnh và kiểm soát được các triệu chứng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung nhược cơ

Nhược cơ là gì?

Nhược cơ là một rối loạn tự miễn mạn tính, trong đó các kháng thể của cơ thể phá hủy sự dẫn truyền giữa dây thần kinh và cơ, dẫn đến yếu cơ xương.

Nhược cơ ảnh hưởng đến các cơ tự nguyện của cơ thể, đặc biệt là các cơ kiểm soát mắt, miệng, cổ họng và các chi.

Triệu chứng nhược cơ

Những dấu hiệu và triệu chứng của Nhược cơ

Tình trạng yếu cơ do nhược cơ sẽ trầm trọng hơn khi bệnh nhân cử động nhiều ở cơ bị ảnh hưởng và điều này thường được cải thiện khi nghỉ ngơi. Tuy nhiên, các triệu chứng có xu hướng tiến triển nặng dần theo thời gian, thường đạt đến mức tồi tệ nhất trong vòng vài năm sau khi bệnh khởi phát.

Dù nhược cơ có thể gây ảnh hưởng đến bất kỳ cơ tự chủ nào, nhưng một số nhóm cơ nhất định thường bị ảnh hưởng hơn những nhóm cơ khác.

Các triệu chứng trên cơ mắt rất thường gặp, ở khoảng 50% số bệnh nhân nhược cơ:

  • Sụp 1 hoặc cả 2 mí mắt.

  • Nhìn đôi (song thị), có thể theo chiều ngang hoặc dọc và triệu chứng này được cải thiện khi nhắm 1 mắt.

Ở khoảng 15% bệnh nhân nhược cơ, các triệu chứng đầu tiên liên quan đến cơ mặt và cổ họng:

  • Bị thay đổi giọng nói, khó phát âm.

  • Khó nuốt, dễ mắc nghẹn, khó ăn, khó uống. Trong một số trường hợp, có thể bị chảy nước uống ra đường mũi.

  • Có thể bị mỏi các cơ dùng để nhai khi đang ăn.

  • Thay đổi nét mặt.

Cơ cổ và cơ tay chân:

  • Yếu các cơ cổ, tay và chân.

  • Ảnh hưởng đến dáng đi bộ.

  • Khó ngẩng đầu lên.

Tác động của Nhược cơ đối với sức khỏe

Nhược cơ gây bất tiện cho các hoạt động sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân do bệnh gây yếu các cơ tự chủ như cơ mắt, miệng, cổ họng, hô hấp và các chi. Do đó, các bộ phận hoạt động nhờ các cơ này cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh Nhược cơ

Các cơn khủng hoảng nhược cơ có thể đe dọa đến tính mạng vì lúc này, các cơ hô hấp quá yếu để hoạt động. Khi đó, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay để được chăm sóc y tế kịp thời.

Một số người bị bệnh nhược cơ có khối u ở tuyến ức.

Bệnh nhân nhược cơ có khả năng bị suy giáp hoặc cường giáp và mắc phải các bệnh tự miễn khác (lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp…).

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân nhược cơ

Nguyên nhân dẫn đến Nhược cơ

Hệ thống miễn dịch tự tạo ra các kháng thể ngăn chặn hoặc phá hủy nhiều thụ thể acetylcholine, ngăn việc dẫn truyền thần kinh – cơ, gây suy yếu các cơ bắp. Các kháng thể này còn ngăn chặn chức năng của thụ thể protein tyrosine kinase (MuSK) – một protein tham gia vào sự hình thành vị trí gắn kết thần kinh – cơ. Bên cạnh đó, bệnh còn có thể do các kháng thể kháng protein LRP4 gây ra.

U tuyến ức làm gia tăng tác dụng kích hoạt hoặc duy trì việc sản xuất các kháng thể kháng acetylcholine do sự to bất thường của tuyến ức.

Hiếm khi xảy ra nhược cơ bẩm sinh do di truyền. Ở trường hợp này, trẻ em thường hồi phục trong vòng 2 tháng sau khi sinh nếu được điều trị kịp thời.

Chia sẻ:
Nguồn tham khảo

Hỏi đáp (0 bình luận)