Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm họng hạt là bệnh gì? Biến chứng gì có thể xảy ra ở người mắc bệnh viêm họng hạt?

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh lý viêm họng là một bệnh lý về đường hô hấp trên khá phổ biến và có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Trong đó, viêm họng hạt là một dạng viêm họng phổ biến, gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, dai dẳng và ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Khi bị viêm họng hạt cấp mà không được điều trị đúng cách và dứt điểm có thể diễn tiến thành viêm họng hạt mãn tính.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh viêm họng hạt là bệnh lý gì?

Bệnh viêm họng hạt là một dạng của bệnh viêm họng mạn tính. Là tình trạng niêm mạc họng bị viêm mạn, đặc trưng bưởi tình trạng viêm nhiễm kéo dài liên tục khiến niêm mạc bị sung huyết và xuất huyết làm cho các mô lympho thành sau họng sưng lên, tạo thành các hạt màu đỏ hoặc hồng ở niêm mạc. Kích thước của những hạt này có thể to nhỏ khác nhau, từ bằng đầu đinh ghim đến kích thước to bằng những hạt đậu.

Bệnh phát triển ở những người bị viêm họng tái phát nhiều lần, dai dẳng vì vậy rất khó điều trị dứt điểm và dễ tái phát. Ngoài ra, bệnh viêm họng hạt có khởi phát đơn độc hoặc đi kèm với các bệnh lý đường hô hấp khác như viêm xoang mạn tính, viêm thanh khí phế quản mạn tính,...

Bệnh viêm họng hạt có thể chia thành 2 loại, bao gồm:

  • Viêm họng hạt cấp tính: Người bệnh bị viêm họng dưới 3 tuần. Đây là giai đoạn đầu của bệnh, thường không có nhiều triệu chứng và ít gây đau. Do đó người bệnh có thể chủ quan và bỏ qua việc điều trị.
  • Viêm họng hạt mãn tính: Nếu viêm họng hạt cấp tính không được điều trị triệt để có thể tiến triển thành bệnh viêm họng hạt mạn tính. Thời gian bệnh thường kéo dài trên 3 tuần và có thể kèm theo những biến chứng khác. Khi đó việc điều trị sẽ khó hơn và cũng sẽ dễ tái phát hơn.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm họng hạt

Các triệu chứng, mức độ và biến chứng xảy ra của bệnh viêm họng hạt sẽ tùy thuộc vào cá nhân của mỗi người bệnh, tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Các triệu chứng của viêm họng hạt có thể có:

  • Khàn giọng;
  • Ho khan hoặc ho có đờm;
  • Cảm giác vướng víu, ngứa và khô họng, đặc biệt sau khi ngủ dậy;
  • Thành họng xuất hiện các hạt đỏ, hồng lồi cao hơn so với niêm mạc xung quanh;
  • Nuốt đau, nghẹn khi nhai nuốc thức ăn, uống nước hoặc thậm chí là nuốt nước bọt;
  • Người bệnh cố gắng khạc đờm, đặc, sốt cao trên 39 độ;
  • Người bệnh có thể ù tai;
  • Sờ thấy cứng, cổ nổi hạch, ấn đau;
  • Sốt cao trên 38 độ.

Ngoài ra còn có thể có các tổn thương khác như suy giáp, hội chứng Sjogren thứ phát, xơ gan mật tiên phát, trầm cảm và rối loạn tâm lý.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm họng hạt

Bệnh viêm họng hạt mặc dù không quá nguy hiểm đến tính mạng nhưng vẫn có thể dẫn đến nhiều biến chứng gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Biến chứng có thể gặp, bao gồm:

  • Sưng tấy, áp xe ở vùng thành họng hay viêm sưng amidan.
  • Gây viêm nhiễm khu vực lân cận và cơ quan hô hấp dẫn đến hình thành nhiều bệnh lý khác như viêm xoang, viêm tai giữa, viêm thanh khí phế quản hoặc có thể là viêm phổi.
  • Nếu bệnh kéo dài có thể ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể như viêm khớp, viêm cầu thận, viêm màng ngoài tim,...
  • Trong một số trường hợp, bệnh có thể là yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh ung thư vòm họng ở người bệnh.
Viêm họng hạt là bệnh gì? Biến chứng gì có thể xảy ra ở người mắc bệnh viêm họng hạt? 4
Viêm họng hạt có thể gây viêm nhiễm khu vực lân cận và cơ quan hô hấp

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bị đau họng nghiêm trọng kéo dài mà không thuyên giảm, kèm theo các triệu chứng sốt, ho, khó nuốt, khó thở thì bạn nên đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế có uy tín để được thăm khám và điều trị phù hợp. Bạn càng được chẩn đoán sớm thì bạn càng được điều trị sớm và trở lại cuộc sống bình thường. Việc chẩn đoán và điều trị sớm cũng sẽ giúp cho người bệnh giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh cũng như các biến chứng của bệnh.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm họng hạt

Bệnh viêm họng hạt có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, bao gồm:

  • Nhiễm virus, vi khuẩn hoặc nấm.
  • Do một số bệnh lý như viêm xoang mạn tính khiến dịch nhầy ở xoang chảy xuống thành họng gây nên tình trạng viêm nhiễm. Do viêm amidan mạn tính, bệnh trào ngược dạ dày thực quản,...
  • Do bất thường trong cấu trúc giải phẫu mũi xoang như polyp mũi, vẹo vách ngăn, quá phát cuốn mũi khiến dịch mũi chảy ngược xuống.
  • Bệnh viêm họng cấp không được điều trị khỏi hoàn toàn, tái phát nhiều lần dẫn đến tình trạng tăng sản nang lympho.
  • Chế độ sinh hoạt, lối sống và môi trường tiếp xúc với nhiều khói bụi, hoa chất, khói thuốc lá, sử dụng bia rượu thường xuyên, các chất kích thích.
  • Cơ địa có hệ thống miễn dịch kém, cơ địa dễ bị dị ứng.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc bệnh viêm họng hạt?

Bất kỳ ai đều có thể mắc bệnh viêm họng hạt. Trong đó, trẻ em và người độ tuổi vị thành niên dễ mắc bệnh hơn do hệ thống miễn dịch còn kém hơn so với người trưởng thành. Những người sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, thuốc lá,... Cơ thể dị ứng hay mắc các bệnh làm suy giảm hệ thống miễn dịch.

Tại Hoa Kỳ, số lượt khám ngoại trú vì viêm họng mãn tính dao động từ 7.000.000 đến 11.000.000 người. Tại Trung Quốc, tỷ lệ mắc bệnh viêm họng mãn tính cực kỳ cao do thói quen ăn uống, môi trường sống và lạm dụng thuốc kháng sinh. Tỷ lệ mắc bệnh có thể lên tới ⅓ dân số.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm họng hạt

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh viêm họng hạt:

  • Độ tuổi: Trẻ nhỏ và thanh thiếu niên dễ bị viêm họng do nhiễm khuẩn hơn so với người trưởng thành.
  • Khói thuốc lá: Đây là tác nhân làm kích thích vùng hầu họng gây ra viêm.
  • Bệnh lý đi kèm khác: Nhiễm trùng xoang, trào ngược dạ dày thực quản,...
  • Môi trường: Môi trường sống và làm việc bị ô nhiễm, chứa nhiều khói bụi, vi khuẩn,...
  • Cơ địa dị ứng: Dị ứng với bụi, lông động vật hoặc dị ứng theo mùa dễ thúc đẩy bệnh viêm họng trầm trọng hơn.
Viêm họng hạt là bệnh gì? Biến chứng gì có thể xảy ra ở người mắc bệnh viêm họng hạt? 5
Khói thuốc lá là tác nhân làm kích thích vùng hầu họng gây ra viêm

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh viêm họng hạt

Viêm họng là một bệnh lý phổ biến, có thể chẩn đoán và điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, chúng ta không nên chủ quan mà phải cẩn thận trong việc chẩn đoán, chính xác và đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả.

  • Khám thể chất: Nếu người bệnh đang có các triệu chứng của viêm họng, thì sẽ được bác sĩ khám cổ họng. Bác sĩ sẽ kiểm tra xem có mảng trắng hay xám, sưng tấy và đỏ gì hay không. Có thể sẽ đánh giá vùng tai và mũi của người bệnh để chẩn đoán.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm có thể xác định người bệnh có mắc bệnh bạch cầu đơn nhân hay không. Xét nghiệm công thức máu toàn bộ có thể được thực hiện để xác định xem có bị nhiễm trùng hay không.
  • Nội soi mũi họng thanh quản: Quan sát niêm mạc vùng hậu họng rõ hơn, từ đó đưa ra chẩn đoán chính xác hơn.
  • Cấy vi khuẩn: Nếu bác sĩ nghi ngờ người bệnh viêm họng có thể do vi khuẩn, thì sẽ tiến hành cấy vi khuẩn vùng hầu họng để có thể chẩn đoán chính xác hơn.

Phương pháp điều trị bệnh viêm họng hạt

Như đã đề cập ở trên bệnh viêm họng hạt có thể do nhiều nguyên nhân gây ra bệnh. Vậy nên tùy theo nguyên nhân gây ra bệnh mà có thể đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả nhất.

Điều trị nguyên nhân gây ra bệnh viêm họng hạt

Nếu bệnh viêm họng hạt được gây ra bởi biến chứng của các bệnh hoặc có liên quan đến các bệnh lý đường hô hấp thì để trị viêm họng hạt tốt nhất chính là điều trị các tình trạng hoặc nguyên nhân gây bệnh này, như: Điều trị dứt điểm các bệnh viêm xoang, viêm amidan, viêm mũi, trào ngược dạ dày thực quản. Không được hút thuốc lá, bia rượu và các chất kích thích để tránh tình trạng viêm họng tái phát.

Sử dụng thuốc để điều trị bệnh viêm họng hạt

Người bệnh có nhiều triệu chứng của bệnh như: Đau họng, rát họng, khàn tiếng, ho khan hoặc ho có đờm. Dựa vào tình trạng bệnh mà bác sĩ sẽ sử dụng thuốc điều trị phù hợp. Một số thuốc thường hay sử dụng, như:

  • Thuốc giảm ho, loãng đờm: Bromhexin,...
  • Thuốc giảm đau, hạ sốt: Paracetamol, ibuprofen,…
  • Thuốc kháng sinh nếu như người bệnh có nhiễm khuẩn: Penicillin, Amoxicillin,...
  • Thuốc điều trị các bệnh lý khác: Thuốc ức chế bơm proton, thuốc kháng histamin H2,...

Phương pháp đốt viêm họng hạt

Đối với những người mắc bệnh viêm họng hạt mãn tính dai dẳng, không điều trị hết dứt điểm, làm cho các nang lympho phát triển với kích thước lớn và tập trung nhiều thành từng đám phù nề có thể được chỉ định điều trị bằng phương pháp đốt viêm họng bằng laser hoặc phương pháp đốt lạnh. Bên cạnh việc đốt hạt, người bệnh cần phải giữ gìn vệ sinh răng miệng thật sạch sẽ.

Chăm sóc bệnh viêm họng hạt tại nhà

Ngoài những phương pháp điều trị trên, những biện pháp tại nhà sau cũng có thể giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh như:

  • Uống nhiều nước ấm;
  • Nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng;
  • Tránh sử dụng các chất kích thích, rượu bia, thuốc lá;
  • Súc miệng với nước muối loãng.
Viêm họng hạt là bệnh gì? Biến chứng gì có thể xảy ra ở người mắc bệnh viêm họng hạt? 6
Người bị viêm họng hạt nên súc miệng với nước muối loãng thường xuyên

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến bệnh viêm họng hạt

Chế độ sinh hoạt:

Bệnh viêm họng hạt có thể phòng ngừa và làm hạn chế tái phát các đợt cấp của bệnh. Người bệnh nên duy trì những thói quen sinh hoạt tốt và khoa học để có thể hạn chế diễn tiến của bệnh, có thể bao gồm:

  • Tuân thủ điều trị và dặn dò của bác sĩ.
  • Luôn giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ.
  • Liên hệ với bác sĩ hoặc các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị ngay nếu xuất hiện những triệu chứng mới hoặc biến chứng nguy hiểm khác.
  • Tập luyện thể dục đều đặn và phù hợp để có sức khỏe tốt.
  • Tránh xa hoặc hạn chế làm việc ở những khu vực ô nhiễm, khói bụi nhiều.
  • Thường xuyên sử dụng nước ấm để uống.
  • Súc họng bằng nước muối hằng ngày.
  • Ngưng sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia,...

Chế độ dinh dưỡng:

Duy trì một chế độ ăn lành mạnh, ví dụ như:

  • Ăn uống đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng, nhiều rau xanh và trái cây.
  • Hạn chế ăn mặn, ăn nhiều đồ ngọt và duy trì cân nặng phù hợp.
  • Chế độ ăn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phương pháp phòng ngừa bệnh viêm họng hạt

Như đã đề cập ở trên, bệnh viêm họng hạt là một dạng của bệnh viêm họng mãn tính do nguyên nhân gây ra. Trong đó có thể phòng ngừa bệnh bằng số biện pháp như:

  • Tiêm vắc xin đầy đủ để phòng ngừa các bệnh về đường hô hấp.
  • Tránh tiếp xúc với những người đang bị bệnh về đường hô hấp.
  • Không dùng chung đồ ăn, đồ uống hoặc dụng cụ ăn uống với người bệnh.
  • Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên rửa tay.
  • Hoạt động thể chất đều đặn để có một sức khỏe tốt, tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể để chống lại bệnh.
  • Chế độ ăn đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng.
Viêm họng hạt là bệnh gì? Biến chứng gì có thể xảy ra ở người mắc bệnh viêm họng hạt? 7
Nên ăn uống đủ các chất dinh dưỡng
Nguồn tham khảo
  1. Chronic Pharyngitis: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22280-chronic-pharyngitis
  2. Chronic Pharyngitis: https://ada.com/conditions/chronic-pharyngitis/
  3. What Causes Chronic Pharyngitis (Sore Throat)?: https://www.verywellhealth.com/chronic-pharyngitis-7497415
  4. What causes a chronic sore throat?: https://www.medicalnewstoday.com/articles/325537
  5. Chronic pharyngitis. Modern approaches to diagnosis and treatment: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/37450392/ 

Các bệnh liên quan

  1. Xơ phổi vô căn

  2. Hen phế quản

  3. Ho ra máu

  4. U phổi

  5. Xơ phổi

  6. Nhồi máu phổi

  7. Bệnh sán lá phổi

  8. Bệnh Beryllium

  9. Suy hô hấp mạn

  10. Ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn II