Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm khớp háng ở trẻ em là gì? Những nguyên nhân hàng đầu gây viêm khớp háng ở trẻ em

Ngày 11/07/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đau khớp là một trong những triệu chứng phổ biến nhất mà bác sĩ nhi khoa, bác sĩ chỉnh hình hay bác sĩ đa khoa thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên. Trong đó, vị trí khớp thường gặp nhất là khớp háng, với tỷ lệ khoảng 148 trường hợp trên 100.000 người.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm khớp háng ở trẻ em là gì?

Viêm khớp háng ở trẻ em là tình trạng viêm khớp gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Triệu chứng thường gặp nhất đó là đau khớp háng, thường đi kèm với dáng đi khập khiễng và giảm khả năng vận động của khớp háng. 

Việc chẩn đoán viêm khớp háng ở trẻ em phải tuân theo tiêu chuẩn, từ việc hỏi bệnh sử đến khám lâm sàng và các hình ảnh học hay xét nghiệm máu nếu cần thiết. Việc chậm trễ trong chẩn đoán và điều trị có thể dẫn đến sự phá hủy không thể đảo ngược được của khớp háng, đặc biệt là trong các trường hợp nhiễm trùng.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm khớp háng ở trẻ em

Các triệu chứng thường gặp của viêm khớp háng ở trẻ em là:

  • Đau khớp háng;
  • Dáng đi khập khiễng;
  • Giảm khả năng vận động khớp háng.

Các triệu chứng này sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân dẫn đến đau khớp háng, đôi khi có kèm sưng đỏ khớp háng. Ngoài ra, các biểu hiện như đau đùi hoặc đau đầu gối ở trẻ cũng có thể là dấu hiệu gợi ý viêm khớp háng.

Đồng thời, trẻ có thể có các dấu hiệu như sốt, vã mồ hôi ban đêm, sụt cân, điều đó có thể gợi ý bệnh lý toàn thân hoặc liên quan đến toàn thân.

Viêm khớp háng ở trẻ em là gì? Những nguyên nhân hàng đầu gây viêm khớp háng ở trẻ em 1
Viêm khớp háng ở trẻ em đôi khi biểu hiện bằng đau đầu gối

Biến chứng có thể gặp khi mắc viêm khớp háng ở trẻ em

Nếu viêm khớp háng ở trẻ em không được chẩn đoán và điều trị đúng cách, có thể dẫn đến các biến chứng sau:

  • Phá hủy chỏm xương đùi;
  • Tiêu đầu xương;
  • Biến dạng khớp háng;
  • Trật khớp háng;
  • Mất vững khớp háng.
Viêm khớp háng ở trẻ em là gì? Những nguyên nhân hàng đầu gây viêm khớp háng ở trẻ em 2
Trật khớp háng là một biến chứng của viêm khớp háng ở trẻ em

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu cơn đau nghiêm trọng khiến trẻ không thể đi lại, hãy đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế. Bác sĩ có thể cần xét nghiệm máu, chụp X-quang hoặc chụp MRI để tìm nguyên nhân và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm khớp háng ở trẻ em

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm khớp háng, sau đây hãy cùng tìm hiểu các nguyên nhân gây viêm khớp háng thường gặp ở trẻ em.

Viêm khớp nhiễm khuẩn

Đây là một trong những nguyên nhân gây viêm khớp háng ở trẻ em, thường gặp ở độ tuổi từ 0 đến 4 tuổi. Tỷ lệ chiếm khoảng 1 đến 4 trường hợp trên 100.000 trẻ em mỗi năm.

Khi trẻ mắc viêm khớp nhiễm khuẩn, ngoài các triệu chứng đau khớp háng, đi khập khiễng và hạn chế vận động khớp háng, trẻ có thể mệt mỏi hay sốt. Bên cạnh đó, ở trẻ nhỏ, cha mẹ các bé thường báo cáo rằng trẻ bú kém, khóc lớn đặc biệt là khi khớp háng bị gập (ví dụ như khi thay tã).

Viêm khớp háng ở trẻ em là gì? Những nguyên nhân hàng đầu gây viêm khớp háng ở trẻ em 3
Hơn 90% trẻ em viêm khớp nhiễm trùng có triệu chứng sốt và mệt mỏi

Nguyên nhân chính dẫn đến viêm khớp nhiễm khuẩn là do nhiễm khuẩn huyết. Tác nhân chính thường là do Staphylococcus aureus, các tác nhân từ đường hô hấp, Kingella kingae hay Escherichia coli.

Viêm khớp nhiễm khuẩn là một tình trạng cấp cứu tuyệt đối, do đó phải được chẩn đoán nhanh chóng và điều trị ngay lập tức để tránh nguy cơ phá hủy chỏm xương đùi và tiêu đầu xương.

Viêm màng hoạt dịch thoáng qua

Viêm màng hoạt dịch thoáng qua không hoàn toàn là một bệnh mà là một triệu chứng. Về mặt sinh lý bệnh, đây là tình trạng tràn dịch khớp gây đau, thoáng qua, thường xảy ra sau một đợt nhiễm virus gần đây. Thường gặp ở trẻ từ 2 đến 10 tuổi, tỷ lệ khoảng 76 trường hợp trên 100.000 trẻ mỗi năm.

Triệu chứng chủ yếu của viêm khớp háng do viêm màng hoạt dịch thoáng qua là dáng đi khập khiễng, hạn chế chuyển động khớp háng đặc biệt là đau khớp háng khi ngồi lâu. Trẻ thường có dáng đi với các ngón chân hướng ra ngoài, có thể đi bằng đầu ngón chân hoặc đau đầu gối, đau đùi, và nặng hơn có thể không đi lại được.

Thông thường, viêm màng hoạt dịch thoáng qua sẽ tự giới hạn sau 5 đến 14 ngày. Trong hầu hết trường hợp chỉ cần giảm đau khi cần thiết và cho khớp nghỉ ngơi.

Bệnh Perthes

Đây là một trường hợp hoại tử chỏm xương đùi vô trùng ở trẻ em, gây ra bởi sự gián đoạn lưu lượng máu nuôi đến xương đùi, nguyên nhân gây gián đoạn vẫn chưa được hiểu rõ. Tình trạng này thường gặp ở trẻ từ 5 đến 7 tuổi , nam nhiều hơn nữ, với tỷ lệ khoảng 29 trường hợp trên 100.000 trẻ.

Lâm sàng biểu hiện bởi tình trạng dáng đi khập khiễng cùng với giảm khả năng vận động khớp háng nhưng thường không đau. Điều trị thường bằng vật lý trị liệu và nghỉ ngơi trong giai đoạn đau cấp tính.

Viêm khớp tự phát thiếu niên

Viêm khớp tự phát thiếu niên (JIA) hay còn gọi là viêm khớp dạng thấp thiếu niên (JRA), đây là tình trạng viêm khớp phổ biến nhất ở trẻ em. Thường gặp ở trẻ từ 2 đến 18 tuổi.

Nguyên nhân chính xác của JIA không được biết đến, tuy nhiên các nhà nghiên cứu tin rằng đây là một bệnh tự miễn. Các yếu tố di truyền, môi trường đều có thể góp phần vào tiến triển của bệnh.

Hầu hết các trường hợp JIA đều nhẹ, nhưng các trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến các biến chứng như tổn thương khớp hay đau mãn tính.

Nguyên nhân khác

Bên cạnh các nguyên nhân kể trên, còn các nguyên nhân khác có thể dẫn đến viêm hay đau khớp háng ở trẻ em như:

  • Trượt đầu trên xương đùi;
  • Loạn sản xương;
  • Các khối u lành tính hoặc ác tính;
  • Chấn thương.

Nguy cơ

Những đối tượng nào có nguy cơ mắc viêm khớp háng ở trẻ em?

Mọi trẻ em, ở nhiều độ tuổi, nam hay nữ đều có nguy cơ mắc viêm khớp háng. Tuy nhiên, tùy thuộc vào nguyên nhân mà các nhóm đối tượng có thể khác nhau, ví dụ như:

  • Viêm khớp nhiễm khuẩn thường gặp ở trẻ sơ sinh và mới biết đi (dưới 4 tuổi).
  • Viêm màng hoạt dịch thoáng qua thường gặp ở trẻ trai hơn.
  • Bệnh Perthes thường gặp ở trẻ trai, gấp 4 lần trẻ gái.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp háng ở trẻ em

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ viêm khớp háng ở trẻ em như:

  • Tuổi: Đối với mỗi độ tuổi khác nhau, sẽ có các nguy cơ mắc viêm khớp háng do các nguyên nhân khác nhau.
  • Giới tính: Như đã đề cập ở trên, trẻ trai có nguy cơ mắc viêm khớp háng do viêm màng hoạt dịch thoáng qua và bệnh Perthes nhiều hơn trẻ gái. Ngược lại, trẻ gái có nhiều nguy cơ mắc loạn sản xương hơn trẻ trai.
  • Di truyền: Yếu tố di truyền có liên quan đến sự phát triển của viêm khớp tự phát ở thiếu niên.
  • Môi trường: Đây cũng là một yếu tố có thể thúc đẩy viêm khớp tự phát ở thiếu niên.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm khớp háng ở trẻ em

Để chẩn đoán viêm khớp háng ở trẻ em, bác sĩ sẽ chú ý đến hỏi bệnh sử và khám bệnh cho trẻ. Bác sĩ có thể hỏi về thời gian đau, cường độ đau khớp háng và các triệu chứng kèm theo như hạn chế vận động, sốt, mệt mỏi… Ở những trẻ đã biết đi, bác sĩ sẽ quan sát dáng đi của trẻ. Đồng thời khám khớp háng và so sánh hai bên để có thể chẩn đoán.

Vì có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm khớp háng ở trẻ, do đó, đối với nguyên nhân khác nhau, bác sĩ sẽ đề nghị các xét nghiệm để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.

Viêm khớp nhiễm khuẩn

Trong trường hợp nghi ngờ viêm khớp nhiễm khuẩn, bác sĩ có thể đề nghị:

  • Siêu âm khớp háng 2 bên.
  • Xét nghiệm máu đánh giá các chỉ số: CRP, bạch cầu, tốc độ hồng cầu lắng.
  • Cấy máu trước khi điều trị kháng sinh.
  • Nếu có tràn dịch khớp, bác sĩ có thể cho chọc hút dịch và cấy dịch để xác định nhiễm trùng.

Viêm màng hoạt dịch thoáng qua

Chẩn đoán viêm màng hoạt dịch thoáng qua nên loại trừ viêm khớp nhiễm khuẩn. Siêu âm khớp háng cho thấy tràn dịch, nhưng không thấy các dấu hiệu viêm tăng cao.

Bệnh Perthes

Nếu nghi ngờ bệnh Perthes, sau khi cho siêu âm khớp háng 2 bên, bác sĩ có thể cho chụp X-quang khớp háng, một số trường hợp có thể cần chụp cộng hưởng từ (MRI).

Viêm khớp háng ở trẻ em là gì? Những nguyên nhân hàng đầu gây viêm khớp háng ở trẻ em 5
 Tổn thương khớp háng ở trẻ em do bệnh Perthes

Chụp X-quang thông thường có thể giúp chẩn đoán bệnh Perthes, tuy nhiên ở giai đoạn đầu, có thể X-quang sẽ không thấy bất thường. Trong trường hợp đó, có thể cần đến chụp MRI để chẩn đoán xác định và đánh giá mức độ tổn thương.

Viêm khớp tự phát thiếu niên

Để chẩn đoán viêm khớp tự phát thiếu niên, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm khác nhau, chẳng hạn như:

  • Xét nghiệm protein phản ứng C (CRP): Đây là xét nghiệm đo CRP trong máu, nhằm đánh giá tình trạng viêm.
  • Tốc độ hồng cầu lắng: Có thể được chỉ định để đánh giá tình trạng viêm.
  • Yếu tố dạng thấp (RF): Đây là một xét nghiệm máu nhằm phát hiện yếu tố dạng thấp, sự hiện diện của kháng thể này thường chỉ ra bệnh thấp khớp.
  • Kháng thể kháng nhân: Là kháng thể kháng acid nucleic (DNA và RNA), đây là các yếu tố thường được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch ở những đối tượng mắc các bệnh lý tự miễn.
  • Xét nghiệm HLA-B27: Đây là một dấu hiệu di truyền có liên quan đến viêm khớp tự phát ở thiếu niên.

Phương pháp điều trị viêm khớp gối

Điều trị viêm khớp háng ở trẻ em sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm khớp.

Viêm khớp nhiễm khuẩn

Điều trị có thể bao gồm:

  • Kháng sinh theo kinh nghiệm thông thường bắt đầu bằng cephalosporin thế hệ 2. Sau khi có kháng sinh đồ, thay đổi kháng sinh nếu cần thiết.
  • Chọc hút dịch khớp khi có bằng chứng tràn dịch khớp và dấu hiệu viêm tăng cao.
  • Phẫu thuật tưới rửa nếu chọc hút dịch có mủ đại thể.
  • Đồng thời cần tập vận động khớp theo hướng dẫn của bác sĩ để ngăn ngừa nguy cơ cứng khớp ở trẻ.

Viêm màng hoạt dịch thoáng qua

Trong hầu hết trường hợp chỉ cần giảm đau khi cần thiết và cho khớp nghỉ ngơi, theo thời gian từ 5 đến 14 ngày bệnh sẽ tự giới hạn. Tuy nhiên bác sĩ có thể chỉ định chọc hút dịch khớp nếu tràn dịch khớp nhiều và đau dữ dội.

Bệnh Perthes

Mục tiêu điều trị của bệnh Perthes là duy trì khả năng vận động của khớp háng thông qua các bài tập vật lý trị liệu chuyên sâu. Một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt xương vùng chậu hoặc liên mấu chuyển nếu cần thiết.

Viêm khớp tự phát thiếu niên

Việc điều trị viêm khớp tự phát ở thiếu niên tuân theo sơ đồ tổng để điều trị các bệnh thấp khớp ở trẻ em. Các thuốc điều trị có thể bao gồm:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), ví dụ như naproxen.
  • Thuốc chống thấp khớp (DMARD), ví dụ như methotrexate.
  • Thuốc sinh học, ví dụ như etanercept.
Viêm khớp háng ở trẻ em là gì? Những nguyên nhân hàng đầu gây viêm khớp háng ở trẻ em 4
Các thuốc điều trị viêm khớp tự phát ở thiếu niên như thuốc chống viêm, chống thấp khớp và thuốc sinh học

Đồng thời, vật lý trị liệu chuyên sâu cũng được thực hiện để điều trị cho trẻ viêm khớp tự phát thiếu niên. Điều này giúp tăng cường sự khỏe mạnh của cơ, ngăn chặn sự co rút gân, dây chằng và bao khớp.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến viêm khớp háng ở trẻ em

Chế độ sinh hoạt:

Để hạn chế những diễn tiến của viêm khớp háng ở trẻ em, bạn nên:

  • Đưa trẻ đến khám ngay khi có các dấu hiệu của bệnh như đau khớp háng, hạn chế vận động khớp háng, dáng đi khập khiễng hay các triệu chứng toàn thân như sốt, khóc, mệt mỏi, vã mồ hôi…
  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Đưa trẻ tái khám định kỳ hoặc khi các dấu hiệu không thuyên giảm để trẻ được theo dõi tình trạng sức khỏe và nhận được hướng điều trị tiếp theo phù hợp.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung những nguồn thực phẩm giàu canxi và các dưỡng chất thiết yếu trong mỗi bữa ăn thông qua các nhóm thực phẩm lành mạnh.
  • Duy trì cân nặng hợp lý qua chế độ vận động và ăn uống. Vì khi bị thừa cân, béo phì có thể làm gia tăng áp lực lên khớp háng.

Phương pháp phòng ngừa viêm khớp háng ở trẻ em hiệu quả

Viêm khớp háng là một tình trạng thường gặp ở trẻ em. Biểu hiện thông thường ở trẻ có thể là đau khớp háng, hạn chế vận động hoặc đôi khi không thể vận động do đau. Đôi khi biểu hiện có thể chỉ là dáng đi khập khiễng, hoặc đau đùi hay đau đầu gối. Việc phòng ngừa viêm khớp háng ở trẻ em có thể không dễ, tuy nhiên, bạn có thể chú ý để phát hiện sớm và đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị sớm. Điều này sẽ giúp hạn chế các biến chứng của viêm khớp háng ở trẻ em một cách hiệu quả.

Xem thêm:

Nguồn tham khảo
  1. Pääkkönen M. Septic arthritis in children: diagnosis and treatment. Pediatric Health Med Ther. 2017;8:65-68. Published 2017 May 18. doi:10.2147/PHMT.S115429.
  2. Agarwal A, Aggarwal AN. Bone and Joint Infections in Children: Septic Arthritis. Indian J Pediatr. 2016;83(8):825-833. doi:10.1007/s12098-015-1816-1.
  3. Yagdiran A, Zarghooni K, Semler JO, Eysel P. Hip Pain in Children. Dtsch Arztebl Int. 2020;117(5):72-82. doi:10.3238/arztebl.2020.0072.
  4. Bernd L, Niethard FU, Graf J, Kaps HP. Die flüchtige Hüftgelenksentzündung. Z Orthop Unfall. 1992; 130 :529–535.
  5. https://www.webmd.com/children/children-hip-pain-top-causes
  6. https://www.healthline.com/health/juvenile-rheumatoid-arthritis

Các bệnh liên quan