Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Bệnh Whitmore có lây không? Làm thế nào để hạn chế sự lây lan của bệnh Whitmore

Ngày 26/10/2023
Kích thước chữ

Bệnh Whitmore còn được gọi là hội chứng Melioidosis, đây là một bệnh lý truyền nhiễm cấp tính rất nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Vậy bệnh Whitmore có lây không? Làm thế nào để hạn chế sự lây lan của bệnh Whitmore?

Whitmore là bệnh lý có bệnh cảnh lâm sàng rất đa dạng, bệnh tiến triển nhanh chóng và có thể dẫn đến tử vong. Bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao nếu người bệnh không được chẩn đoán và điều trị kháng sinh phù hợp. Trong bài viết hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ với bạn đọc về vấn đề bệnh Whitmore có lây không và những đối tượng nào có nguy cơ mắc phải hội chứng Melioidosis.

Bệnh Whitmore có lây không?

Bệnh Whitmore có lây không? Câu trả lời là có. Theo đó, Burkholderia pseudomallei là loại vi khuẩn gây ra bệnh Whitmore và chúng sống trong môi trường đất. Chính vì thế, con đường lây nhiễm chính của bệnh Whitmore là qua việc tiếp xúc các vết trầy xước trên da con người với đất hoặc nước có nhiễm loại vi khuẩn này.

Ngoài ra, bệnh Whitmore còn có thể lây nhiễm qua đường hô hấp khi con người hít phải các hạt bụi đất mang theo vi khuẩn B. pseudomallei trong những trận gió mạnh hay lốc xoáy trước cơn mưa. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu khác cũng cho thấy những bằng chứng về khả năng nhiễm bệnh lý này khi ăn phải loại thức ăn có chứa vi khuẩn B. pseudomallei.

Tính đến thời điểm này, chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh được vấn đề lây truyền bệnh Whitmore từ người sang người hoặc lây bệnh từ động vật sang con người qua đường không khí. Do vậy, bệnh Whitmore thường xảy ra lẻ tẻ, lác đác một vài trường hợp chứ không bùng phát thành dịch bệnh hoặc đại dịch lớn.

Tuy nhiên, bệnh lý này có thể lây truyền từ mẹ sang con thông qua tuyến sữa của người mẹ bị áp xe tuyến vú do vi khuẩn B. pseudomallei. Hoặc bệnh có thể lây truyền qua việc tiếp xúc các vết xước trên da với động vật chết do nhiễm phải bệnh Whitmore như mèo, chó, dê, bò…

Bệnh Whitmore có lây không? Làm thế nào để hạn chế sự lây lan của bệnh Whitmore 1
Bệnh Whitmore có lây không?

Thời điểm nào bệnh Whitmore bùng phát?

Chắc hẳn bạn đọc đã biết được bệnh Whitmore có lây không. Vậy bệnh lý này bùng phát vào thời điểm nào. Theo đó, tính từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm có khoảng 70% số ca bệnh Whitmore nhập viện. Đồng thời, có đến vài trăm ca bệnh Whitmore được phát hiện chỉ sau một khoảng thời gian ngắn triển khai kế hoạch xét nghiệm tại các bệnh viện. 

Hầu hết các bệnh nhân mắc phải bệnh Whitmore là nông dân có độ tuổi từ 50 - 70, có bệnh lý nền là bệnh tiểu đường hoặc các bệnh mãn tính có liên quan đến thận và phổi. Người bệnh thường có các biểu hiện là nhiễm khuẩn và viêm phổi khi nhập viện.

Sự gia tăng đột biến về số lượng ca bệnh trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 11 là hoàn toàn tương đồng với các nghiên cứu bệnh Whitmore tại các vùng dịch bệnh khác trên thế giới, bởi số lượng ca bệnh Whitmore có mối liên hệ chặt chẽ và tỉ lệ thuận với lượng mưa hàng năm. Vậy bệnh Whitmore có nguy hiểm không?

Bệnh Whitmore có lây không? Làm thế nào để hạn chế sự lây lan của bệnh Whitmore 2
Số ca bệnh Whitmore tỉ lệ thuận với lượng mưa hàng năm

Bệnh Whitmore có nguy hiểm không?

Theo thống kê, có khoảng 90% bệnh nhân mắc bệnh Whitmore có biểu hiện viêm phổi và nhiễm khuẩn huyết. Đồng thời, một nửa trong số ca bệnh đó có nguy cơ gặp biến chứng sốc nhiễm khuẩn và dẫn đến tử vong.

Tuy nhiên, Whitmore lại là một bệnh lý đang bị “lãng quên” ở nước ta. Trên thực tế cho thấy, có không ít bác sĩ lâm sàng không biết rõ và mất cảnh giác với căn bệnh này, đồng thời còn nhiều nhân viên xét nghiệm vi sinh cận lâm sàng chưa được đào tạo cũng như chưa nắm rõ quy trình xét nghiệm bệnh trước đó. 

Vì vậy, chỉ sau một khoảng thời gian ngắn được đào tạo và hướng dẫn về quy trình xét nghiệm bệnh Whitmore, nhiều bệnh viện đã phát hiện ra được những ca bệnh Whitmore đầu tiên. Whitmore là bệnh lý đang bị bỏ quên chứ không phải là căn bệnh lạ, do đó người dân không nên quá hoang mang về bệnh này.

Thực tế, nhiễm khuẩn Whitmore hay mắc phải hội chứng Melioidosis đều có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng và phức tạp, bệnh không có triệu chứng đặc trưng. Đây chính là nguyên nhân khiến cho các bác sĩ rất khó để đưa ra chẩn đoán chính xác bệnh khi chỉ dựa trên dấu hiệu lâm sàng. Các bác sĩ rất dễ chẩn đoán nhầm bệnh Whitmore với các bệnh lý khác như lao phổi, viêm phổi, áp xe cơ hoặc nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu, liên cầu…

Tuy nhiên, ngay cả khi đã chẩn đoán chính xác bệnh thì việc điều trị cũng không dễ dàng, bởi phải sử dụng kháng sinh (thường là Ceftazidime) theo đường tiêm trong giai đoạn tấn công liều cao và phải kéo dài liên tục trong ít nhất từ 2 - 4 tuần. Sau đó, bệnh nhân cần phải dùng kháng sinh duy trì trong vòng từ 3 - 6 tháng tiếp theo.

Bên cạnh đó, bệnh Whitmore rất dễ tái phát và sức khỏe của người bệnh dễ rơi vào tình trạng suy kiệt do bệnh tái lại nhiều lần hoặc bệnh kéo dài do điều trị không đúng cách. Hiện nay, bệnh Whitmore vẫn chưa có vacxin phòng ngừa hiệu quả.

Bệnh Whitmore có lây không? Làm thế nào để hạn chế sự lây lan của bệnh Whitmore 3
Viêm phổi là biểu hiện thường thấy ở bệnh nhân Whitmore

Đối tượng nào có thể mắc phải bệnh Whitmore?

Whitmore có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, từ trẻ sơ sinh đến người già, từ người khoẻ mạnh đến người mắc phải bệnh lý nền. Tùy thuộc vào môi trường sống mà tỷ lệ trẻ em mắc bệnh là từ 5 - 15% trên tổng ca bệnh.

Có khoảng 35% số trẻ mắc bệnh Whitmore có biểu hiện là viêm mủ tuyến nước bọt mang tai, đây là dấu hiệu khiến nhiều người lầm tưởng là bệnh quai bị. Trong khi đó, có khoảng 65% trẻ có biểu hiện khác như viêm phổi, áp xe ở vùng lách, thận… hoặc xuất hiện các vết mưng mủ ngoài da vùng đầu, mặt, cổ.

Ở người lớn, hầu hết các bệnh nhân mắc Whitmore có biểu hiện viêm phổi kèm theo chứng nhiễm khuẩn huyết, viêm bàng quang và có các vết mưng mủ trên da. Ngoài ra, một số trường hợp người bệnh có biểu hiện viêm cơ khớp hoặc viêm màng não.

Nguy cơ cao mắc bệnh Whitmore không chỉ ở những đối tượng bị suy giảm hệ miễn dịch như bệnh nhân HIV/AIDS mà nguy cơ cao nhất là những người đang bị các bệnh mãn tính về phổi và thận, bệnh đái tháo đường hoặc người nghiện rượu nặng.

Bệnh Whitmore có lây không? Làm thế nào để hạn chế sự lây lan của bệnh Whitmore 4
Người bệnh đái tháo đường có nguy cơ cao mắc phải bệnh Whitmore

Làm thế nào để hạn chế sự lây lan bệnh Whitmore?

Bệnh Whitmore có lây không và câu trả lời là có. Vậy làm thế nào để hạn chế sự lây lan căn bệnh này?

Hiện nay, vẫn chưa có vacxin phòng ngừa bệnh Whitmore. Vì vậy, công tác phòng bệnh và ngăn chặn sự lây lan của bệnh Whitmore là điều rất quan trọng. Dưới đây là một số biện pháp giúp bạn đọc có thể ngăn chặn sự lây nhiễm bệnh lý Whitmore, cụ thể là:

  • Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ.
  • Khi làm việc hay sinh hoạt, đặc biệt là trong những môi trường bùn đất, ẩm ướt, môi trường có nguy cơ nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei, bạn cần chú ý tránh để bị xây xước da hay có vết thương hở. Cần che chắn, bảo vệ kỹ vết xước da, dù là rất nhỏ để tránh bị nhiễm bệnh.
  • Khi da bị trầy xước, cần sử dụng dung dịch để sát khuẩn vết thương kịp thời. Trong trường hợp xuất hiện mụn mủ, cần đến bệnh viện thăm khám sớm và điều trị kịp thời.
  • Đảm bảo thực hiện tốt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín, uống sôi.
  • Đối với những người có sức đề kháng kém như người đang mắc bệnh nhiễm trùng mãn tính, dùng thuốc Corticoid kéo dài, bệnh thận, đái tháo đường, người nghiện rượu hoặc ma tuý… càng cần chú ý phòng bệnh tốt hơn, bởi khi vi khuẩn xâm nhập vào máu sẽ gây ra tình trạng nhiễm khuẩn rất nghiêm trọng.
  • Đối với trường hợp mắc bệnh Whitmore mãn tính, cần kiên trì điều trị.

Nếu nghi ngờ mắc phải bệnh Whitmore, bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám, điều trị kịp thời và đúng phác đồ nhằm ngăn ngừa vi khuẩn B. pseudomallei đa đề kháng kháng sinh.

Hy vọng với những thông tin được chia sẻ trong bài viết, bạn đọc đã hiểu hơn về bệnh Whitmore và trả lời được câu hỏi bệnh Whitmore có lây không. Whitmore là một bệnh lý nguy hiểm và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Do đó, việc thực hiện các biện pháp phòng tránh căn bệnh này là điều vô cùng cần thiết.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin