Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Các xét nghiệm chẩn đoán viêm cầu thận hiện nay

Ngày 20/05/2024
Kích thước chữ

Để chẩn đoán viêm cầu thận, các bác sĩ thường sử dụng các xét nghiệm chẩn đoán viêm cầu thận hiện nay như xét nghiệm nước tiểu để tìm protein và hồng cầu niệu, hoặc xét nghiệm máu để kiểm tra các dấu hiệu thiếu máu, tăng ure và creatinin trong máu.

Viêm cầu thận là tình trạng viêm nhiễm xảy ra ở các bộ lọc nhỏ trong thận, gọi là cầu thận. Chức năng chính của cầu thận là loại bỏ chất lỏng dư thừa, chất điện giải và chất thải từ máu, sau đó truyền chúng vào nước tiểu. Khi cầu thận bị viêm, chức năng này bị suy giảm, dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Hội chứng viêm cầu thận là gì?

Viêm cầu thận có thể xảy ra riêng lẻ hoặc là do biến chứng của các bệnh lý khác như lupus hoặc tiểu đường. Khi tình trạng này trở nên nghiêm trọng hoặc kéo dài, nó có thể gây tổn thương thận vĩnh viễn. Viêm cầu thận có thể phân thành hai loại chính: Viêm cầu thận cấp và viêm cầu thận mạn.

bien-chung-cua-hoi-chung-than-hu-neu-khong-duoc-chan-doan-som 1.jpg
Viêm cầu thận có thể là do biến chứng của các bệnh lý khác

Viêm cầu thận cấp

Viêm cầu thận cấp khởi phát đột ngột với các triệu chứng như đau lưng và tiểu máu, có thể dẫn đến tình trạng thiểu niệu (tiểu ít) hoặc vô niệu (không tiểu được). Nguyên nhân chủ yếu của viêm cầu thận cấp là do cơ chế miễn dịch, trong đó hệ miễn dịch tấn công cầu thận, gây viêm và tăng sinh tế bào, dẫn đến tổn thương màng cơ bản, gian mạch hoặc nội mao mạch.

Viêm cầu thận cấp không phải là một bệnh đơn lẻ mà là một hội chứng, có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và để lại nhiều hậu quả nếu không được điều trị kịp thời.

Viêm cầu thận mạn

Nhiều trường hợp viêm cầu thận cấp có thể tiến triển thành viêm cầu thận mạn. Viêm cầu thận mạn đặc trưng bởi sự xơ hóa không hồi phục của cầu thận, gây tổn thương ống thận và giảm chức năng lọc cầu thận. Khi bệnh tiến triển và không được kiểm soát, nó có thể dẫn đến bệnh thận mạn tính, bệnh thận giai đoạn cuối và các biến chứng về tim mạch.

Các xét nghiệm chẩn đoán viêm cầu thận hiện nay

Để chẩn đoán viêm cầu thận, bác sĩ thường bắt đầu bằng việc khám lâm sàng bệnh nhân về các triệu chứng và tiền sử bệnh. Viêm cầu thận thường được phát hiện khi bệnh nhân nhận thấy những thay đổi bất thường trong quá trình đi tiểu hàng ngày. Để đánh giá chức năng thận và chẩn đoán hội chứng viêm cầu thận, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán viêm cầu thận sau:

Xét nghiệm nước tiểu

Xét nghiệm nước tiểu là một trong những phương pháp cơ bản để phát hiện viêm cầu thận. Thông qua phân tích nước tiểu, bác sĩ có thể tìm thấy:

  • Hồng cầu: Sự hiện diện của hồng cầu trong nước tiểu cho thấy cầu thận đã bị tổn thương.
  • Bạch cầu: Tăng bạch cầu là dấu hiệu phổ biến của nhiễm trùng hoặc viêm.
  • Protein: Lượng protein cao trong nước tiểu là chỉ báo của tổn thương nephron, đơn vị chức năng của thận.
  • Ngoài ra, các chỉ số như tăng nồng độ creatinin hoặc ure trong máu cũng rất quan trọng để chẩn đoán hội chứng viêm cầu thận.
bien-chung-cua-hoi-chung-than-hu-neu-khong-duoc-chan-doan-som 2.jpg
Xét nghiệm nước tiểu là phương pháp cơ bản để phát hiện viêm cầu thận

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu giúp bác sĩ hiểu rõ hơn về mức độ tổn thương thận và sự suy yếu của chức năng cầu thận. Các chỉ số quan trọng bao gồm:

  • Nitơ urê máu và creatinin: Tăng nồng độ của các chất thải này trong máu cho thấy thận không hoạt động hiệu quả.
  • Bổ thể C3: Mức độ bổ thể C3 thường trở lại bình thường sau khoảng 8 tuần.
  • Protein niệu và đái máu vi thể: Protein niệu có thể kéo dài đến 6 tháng, trong khi đái máu vi thể có thể kéo dài đến 1 năm từ khi khởi phát viêm cầu thận cấp.

Xét nghiệm hình ảnh

Nếu các xét nghiệm ban đầu chỉ ra rằng thận có thể bị tổn thương, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện các xét nghiệm hình ảnh để có cái nhìn rõ hơn về tình trạng thận:

  • Chụp X-quang: Để phát hiện các bất thường trong cấu trúc thận.
  • Siêu âm: Giúp đánh giá kích thước và hình dạng của thận.
  • Chụp CT: Cung cấp hình ảnh chi tiết hơn về cấu trúc và tổn thương thận.

Sinh thiết thận

Sinh thiết thận là một trong những xét nghiệm quan trọng và cần thiết nhất để xác định nguyên nhân và mức độ viêm cầu thận. Trong quy trình này, bác sĩ sẽ sử dụng một cây kim đặc biệt để lấy mẫu mô thận nhỏ. Mẫu này sau đó được kiểm tra dưới kính hiển vi để xác định nguyên nhân gây viêm.

Sinh thiết thận thường được thực hiện khi các xét nghiệm khác không cung cấp đủ thông tin để chẩn đoán chính xác. Nó giúp xác định loại viêm cầu thận và từ đó hướng dẫn điều trị phù hợp.

Một số lưu ý khi thực hiện xét nghiệm viêm cầu thận

Chuẩn bị trước thăm khám

Trước khi tiến hành xét nghiệm viêm cầu thận, bạn cần hỏi rõ nhân viên y tế về những điều cần chuẩn bị. Một số xét nghiệm có thể yêu cầu bạn nhịn ăn hoặc uống. Để buổi thăm khám diễn ra suôn sẻ, bạn nên lập danh sách các thông tin sau để cung cấp đầy đủ cho bác sĩ:

  • Các triệu chứng đã gặp: Bao gồm cả những triệu chứng có vẻ không liên quan đến thận hoặc hệ tiết niệu.
  • Thời điểm bắt đầu xuất hiện các triệu chứng: Giúp bác sĩ xác định giai đoạn bệnh.
  • Danh sách các loại thuốc đang dùng: Bao gồm liều lượng, các loại vitamin và chất bổ sung.
  • Tiền sử y tế quan trọng: Của bản thân và các thành viên trong gia đình.
  • Câu hỏi cần bác sĩ giải đáp: Ghi chú lại những thắc mắc để hỏi bác sĩ trong buổi thăm khám.
bien-chung-cua-hoi-chung-than-hu-neu-khong-duoc-chan-doan-som 3.jpg
Bác sĩ thăm khám trước khi thực hiện xét nghiệm

Ngoài ra, việc đến phòng khám cùng một người thân hoặc bạn bè cũng rất hữu ích. Họ có thể giúp bạn ghi nhớ những lời dặn dò của bác sĩ và nhắc nhở bạn cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết.

Câu hỏi nên đặt cho bác sĩ

Khi khám bệnh, đặc biệt với viêm cầu thận, bạn nên hỏi bác sĩ một số câu hỏi quan trọng như:

  • Mức độ tổn thương thận đã nghiêm trọng đến mức nào?
  • Cần làm những xét nghiệm viêm cầu thận nào?
  • Tình trạng bệnh là tạm thời hay mãn tính?
  • Có nguy cơ phải lọc máu hay không?
  • Hội chứng viêm cầu thận ảnh hưởng như thế nào đến những bệnh lý khác đang mắc phải?
  • Cần tránh hoặc không nên làm những gì?
  • Có cần đến khám tại một chuyên khoa khác phù hợp hơn không?
  • Có thể tham khảo thêm thông tin về viêm cầu thận qua tài liệu hay trang web uy tín nào?

Ngoài các câu hỏi trên, bạn cũng nên tự do đặt ra những thắc mắc khác để được bác sĩ giải đáp đầy đủ và rõ ràng.

Biện pháp phòng ngừa và kiểm soát

Mặc dù không có cách nào hoàn toàn ngăn ngừa các dạng viêm cầu thận, bạn có thể giảm nguy cơ bằng cách:

  • Điều trị kịp thời các bệnh nhiễm trùng: Chẳng hạn như HIV và viêm gan.
  • Kiểm soát lượng đường trong máu: Đặc biệt quan trọng đối với những người mắc bệnh tiểu đường.
  • Kiểm soát huyết áp cao: Giúp giảm khả năng tổn thương thận.

Những biện pháp này không chỉ giúp giảm nguy cơ mắc viêm cầu thận mà còn giúp bảo vệ thận và sức khỏe toàn diện của bạn. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ và tuân thủ hướng dẫn y tế để duy trì sức khỏe tốt nhất.

Hy vọng qua nội dung bài viết bạn đã có thêm thông tin về các xét nghiệm chẩn đoán viêm cầu thận hiện nay. Bệnh viêm cầu thận nếu không được chẩn đoán và điều trị có thể gây nên nhiều biến chứng nghiêm trọng. Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo không thể thay thế cho việc chẩn đoán và điều trị của bác sĩ. Nếu bạn có gặp các triệu chứng viêm cầu thận nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin