Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Mang thai

Có thai bao lâu thì nghén​? “Bỏ túi” các cách giảm ốm nghén khi mang thai

Ngày 30/11/2024
Kích thước chữ

Ốm nghén là hiện tượng phổ biến trong thời kỳ mang thai, đồng thời cũng là nỗi lo lắng của không ít chị em phụ nữ. Do đó, việc tìm hiểu có thai bao lâu thì nghén hay nghén bao lâu thì hết luôn là mối quan tâm hàng đầu để các mẹ bầu chuẩn bị tâm lý và vượt qua giai đoạn này dễ dàng hơn. Bài viết sau đây sẽ giúp chị em giải đáp thắc mắc trên cùng những thông tin liên quan.

Ốm nghén là tình trạng buồn nôn, nôn mửa xảy ra chủ yếu trong tam cá nguyệt thứ nhất của thai kỳ. Theo thống kê, có khoảng 75% phụ nữ mang thai gặp phải hiện tượng buồn nôn hoặc nôn, trong đó một nửa số người chỉ gặp triệu chứng nôn mửa mà không có buồn nôn đi kèm.

Có thai bao lâu thì nghén?

Ốm nghén là một hiện tượng phổ biến mà hầu hết phụ nữ mang thai đều trải qua, đặc biệt trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ. Vậy có thai bao lâu thì nghén?

Theo các nghiên cứu, có tới 70% thai phụ gặp phải tình trạng ốm nghén, thường bắt đầu từ tuần thứ 6 hoặc tuần thứ 7 của thai kỳ. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ốm nghén xuất hiện ngay khi vừa mang thai. Đây được coi là một trong những dấu hiệu sớm giúp phụ nữ nhận biết mình đang mang thai.

Có thai bao lâu thì nghén​? “Bỏ túi” các cách giảm ốm nghén khi mang thai  1
Có thai bao lâu thì nghén là mối quan tâm của những người đang mang thai

Nguyên nhân gây ốm nghén

Hiện nay, nguyên nhân chính xác gây ra ốm nghén vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng tình trạng này có liên quan đến sự thay đổi hormone trong cơ thể, đặc biệt là sự gia tăng của hormone hCG (Human Chorionic Gonadotropin) và Estrogen. Sự nhạy cảm của cơ thể với các yếu tố môi trường như mùi hương hoặc thức ăn cũng được cho là yếu tố kích thích tình trạng buồn nôn và khó chịu.

Triệu chứng ốm nghén

Ốm nghén có thể biểu hiện qua nhiều triệu chứng khác nhau, tùy thuộc vào từng người. Phổ biến nhất là cảm giác buồn nôn, nôn mửa, chán ăn hoặc không cảm thấy ngon miệng khi ăn. Một số thai phụ nhạy cảm hơn với mùi, ví dụ như mùi thức ăn, mùi nước hoa hoặc mùi hóa chất.

Thời điểm xuất hiện triệu chứng cũng không giống nhau. Có thai phụ bị ốm nghén nhiều vào buổi sáng nhưng triệu chứng có thể giảm dần trong ngày. Ngược lại, một số trường hợp lại gặp khó chịu nhiều hơn vào buổi chiều hoặc tối.

Khi nào ốm nghén nặng nhất?

Những thông tin bên trên đã giúp chị em biết được có thai bao lâu thì nghén rồi. Bên cạnh đó, một vấn đề cũng rất được quan tâm đó là ốm nghén thời điểm nào là nặng nhất.

Mức độ và thời gian ốm nghén nặng nhất thường xuất hiện ở tuần thứ 9 đến tuần thứ 10 của thai kỳ. Điều này có liên quan đến sự tăng cao của hormone hCG trong cơ thể thai phụ, đạt đỉnh vào khoảng thời gian này. Sau đó, từ tuần thứ 11 đến tuần thứ 15, nồng độ hormone này sẽ giảm dần, giúp các triệu chứng ốm nghén thuyên giảm rõ rệt.

Có thai bao lâu thì nghén​? “Bỏ túi” các cách giảm ốm nghén khi mang thai  2
Mức độ và thời gian ốm nghén nặng nhất thường xuất hiện ở tuần thứ 9 đến tuần thứ 10 của thai kỳ

Ốm nghén có nguy hiểm không?

Mặc dù ốm nghén có thể khiến mẹ bầu mệt mỏi và khó chịu nhưng đây là một hiện tượng sinh lý bình thường và không gây nguy hiểm. Trên thực tế, ốm nghén được xem là cách cơ thể bảo vệ thai nhi khỏi các tác nhân độc hại trong giai đoạn nhạy cảm nhất của sự phát triển. Đây cũng là thời điểm các cơ quan và bộ phận của thai nhi bắt đầu hình thành và phát triển mạnh mẽ.

Lưu ý khi bị ốm nghén

Dù ốm nghén không nguy hiểm, mẹ bầu vẫn cần chú ý đến chế độ ăn uống và nghỉ ngơi để giảm thiểu cảm giác khó chịu. Nếu triệu chứng ốm nghén quá nặng, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và sinh hoạt, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hỗ trợ điều trị kịp thời.

Tóm lại, ốm nghén là một dấu hiệu thường gặp trong thai kỳ, thường bắt đầu từ tuần thứ 6 - 7 và nặng nhất vào tuần thứ 9 - 10. Hiểu rõ về hiện tượng này sẽ giúp mẹ bầu chuẩn bị tốt hơn và chăm sóc sức khỏe thai kỳ một cách an toàn và hiệu quả.

Có thai bao lâu thì nghén​? “Bỏ túi” các cách giảm ốm nghén khi mang thai  3
Mẹ bầu vẫn cần chú ý đến chế độ ăn uống và nghỉ ngơi để giảm thiểu cảm giác khó chịu

Nghén bao lâu thì hết?

Ốm nghén là tình trạng phổ biến trong thai kỳ, thường xảy ra nhiều nhất trong giai đoạn tuần thứ 9 và 10 khi nồng độ hormone thai kỳ đạt đỉnh. Sau giai đoạn này, các triệu chứng buồn nôn và khó chịu thường giảm dần và đến tuần thứ 14, phần lớn thai phụ sẽ không còn gặp phải hiện tượng này. Tuy nhiên, ở một số ít trường hợp, ốm nghén có thể kéo dài hoặc thậm chí trở nên nghiêm trọng hơn sau tuần thứ 9.

Dù đa số phụ nữ mang thai chỉ gặp ốm nghén nhẹ và trong thời gian ngắn, một số ít (khoảng 2%) gặp tình trạng nghén nặng, hay còn gọi là Hyperemesis Gravidarum. Đây là hiện tượng hiếm gặp, nhưng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.

Biểu hiện của nghén nặng bao gồm:

  • Buồn nôn và nôn mửa liên tục: Tần suất nôn nhiều, gần như không thể kiểm soát, ảnh hưởng đến việc ăn uống.
  • Mất cảm giác thèm ăn: Mẹ bầu không thèm bất cứ món ăn nào và nếu ăn cũng sẽ nôn ra ngay sau đó.
  • Mệt mỏi và kiệt sức: Cơ thể luôn trong trạng thái uể oải, thiếu năng lượng, không muốn vận động.
  • Mất nước nghiêm trọng: Biểu hiện rõ rệt là khô da, môi khô, ít đi tiểu.
  • Sụt cân nhanh chóng: Nhiều mẹ bầu có thể giảm từ 4 - 5 kg chỉ trong 3 tháng đầu.

Có những thai phụ may mắn không gặp bất kỳ triệu chứng ốm nghén nào trong suốt 9 tháng mang thai, điều này là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, ngược lại có một số ít phụ nữ bị ốm nghén kéo dài đến hết thai kỳ, chủ yếu gặp ở những người có triệu chứng ốm nghén nặng từ sớm.

Bỏ túi các cách giảm ốm nghén khi mang thai

Biết được có thai bao lâu thì nghén, chị em cũng cần trang bị cho mình những biện pháp giúp làm giảm triệu chứng ốm nghén khi mang thai hiệu quả.

Uống đủ nước

Nước là yếu tố thiết yếu cho sức khỏe, đặc biệt với phụ nữ mang thai. Duy trì lượng nước đủ mỗi ngày không chỉ giúp giảm nguy cơ mất nước khi nôn mửa mà còn hỗ trợ cơ thể hoạt động hiệu quả. Nếu cảm thấy uống nước lọc quá khó chịu, bạn có thể thử thay đổi bằng nước trái cây tươi hoặc nước điện giải.

Có thai bao lâu thì nghén​? “Bỏ túi” các cách giảm ốm nghén khi mang thai  4
Duy trì lượng nước đủ mỗi ngày giúp giảm nguy cơ mất nước khi nôn và hỗ trợ cơ thể hoạt động hiệu quả

Chia nhỏ bữa ăn

Thay vì ăn ba bữa lớn, hãy chia thành 5 - 6 bữa nhỏ mỗi ngày. Điều này giúp dạ dày không bị quá tải và cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết mà không gây cảm giác chán ăn. Ưu tiên các món nhẹ, dễ tiêu hóa như bánh mì, ngũ cốc và trái cây tươi.

Nghỉ ngơi hợp lý

Giấc ngủ và chế độ nghỉ ngơi hợp lý đóng vai trò quan trọng trong việc giảm căng thẳng và mệt mỏi. Ngủ đủ 7 - 9 tiếng mỗi đêm và tránh các công việc nặng nhọc là cách để cải thiện sức khỏe trong giai đoạn mang thai.

Sử dụng trà gừng

Trà gừng được biết đến như một giải pháp tự nhiên giúp giảm buồn nôn hiệu quả. Một tách trà gừng ấm không chỉ giúp thư giãn tinh thần mà còn làm dịu cơn khó chịu. Tuy nhiên, hãy sử dụng lượng vừa phải để tránh ảnh hưởng không mong muốn.

Chế độ ăn uống khoa học

Hạn chế các món nhiều dầu mỡ, cay hoặc có mùi hăng, vì những loại thực phẩm này dễ kích thích cơn buồn nôn. Thay vào đó, hãy tập trung vào các thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như rau xanh, cá và các loại hạt.

Chăm sóc răng miệng

Nôn mửa thường xuyên khi ốm nghén có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Việc đánh răng và súc miệng sau khi nôn là rất quan trọng để bảo vệ răng và giảm cảm giác khó chịu.

Hạn chế một số thói quen không tốt

  • Tránh nằm ngay sau bữa ăn vì điều này có thể gây trào ngược dạ dày và tăng cảm giác buồn nôn.
  • Hạn chế uống quá nhiều nước trong bữa ăn để tránh làm đầy dạ dày nhanh chóng.
Có thai bao lâu thì nghén​? “Bỏ túi” các cách giảm ốm nghén khi mang thai  5
Tránh nằm sau bữa ăn vì có thể gây trào ngược dạ dày và tăng cảm giác buồn nôn

Ốm nghén không chỉ là dấu hiệu sinh lý bình thường mà còn đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời mỗi người mẹ. Hiểu rõ có thai bao lâu thì nghén và áp dụng các cách giảm nghén hiệu quả không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé trong suốt thai kỳ. Mong rằng bài viết này sẽ giúp các mẹ có sự chuẩn bị tốt nhất để vượt qua giai đoạn ốm nghén cũng như những khó khăn khác trong quá trình mang thai. Lưu ý, nếu mẹ bầu có biểu hiện nghén nặng, nên đến gặp bác sĩ để được theo dõi và hỗ trợ y tế càng sớm càng tốt để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. 

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin