Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Đau sau gáy cảnh báo bệnh gì? Nguyên nhân và cách điều trị

Ngày 27/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đau sau gáy là tình trạng nhiều người gặp phải. Nguyên nhân có thể do tì đè, va đập nhưng cũng có thế xuất phát từ bệnh lý nội thần kinh. Vì vậy, với những ai đã và đang gặp tình trạng này, tìm hiểu về nguyên nhân và cách điều trị đau sau gáy là việc cần thiết.

Trong cuộc sống ngày càng nhiều áp lực, tình trạng đau đầu có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Ngoài đau nửa đầu, đau đầu căng cơ, đau đầu căng thẳng,… còn có tình trạng đau sau gáy cũng nhiều người đang gặp phải. Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ cùng khám phá nguyên nhân và cách khắc phục chứng đau ở vùng sau gáy cũng như tìm hiểu xem đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh nguy hiểm nào.

Đôi nét về tình trạng đau sau gáy

Hiểu một cách nôm na, đau sau gáy là cảm giác đau đầu tập trung ở vùng sau gáy. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cảm giác đau đầu có thể lan đến cả vùng cổ, vai, thái dương. Cùng với đó là cảm giác đau có thể âm ỉ kéo dài, cũng có thể dữ dội từng cơn hoặc kèm theo cảm giác giật liên tục không hề dễ chịu. Một số trường hợp, người bệnh có thể gặp thêm các triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn, mất ngủ, sợ ánh sáng, rối loạn cảm giác,…

Tùy cơ địa mỗi người, mức độ, cảm giác và tần suất cơn đau có thể khác nhau. Đau vùng sau gáy có thể xảy ra với bất cứ ai trong chúng ra. Tuy nhiên, một số đối tượng được cho là có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, điển hình như:

  • Phụ nữ thường dễ bị đau đầu nói chung và đau vùng sau gáy nói riêng hơn nam giới do quá trình sinh nở, thay đổi nội tiết tố, mất máu kinh hàng tháng,…
  • Người làm công việc nặng, vùng cổ vai gáy bị tác động hoặc phải chịu áp lực thường xuyên.
  • Nhân viên văn phòng, tài xế lái xe với tư thế làm việc ít thay đổi, ít vận động cũng dễ bị đau sau gáy.
  • Người cao tuổi với khả năng tuần hoàn máu giảm, mất ngủ, căng thẳng,… cũng là đối tượng dễ bị đau vùng sau gáy.
Đau sau gáy cảnh báo bệnh gì? Nguyên nhân và cách điều trị 1
Ở mỗi người và tùy từng nguyên nhân, mức độ đau vùng sau gáy lại khác nhau

Nguyên nhân gây đau sau gáy

Nguyên nhân gây đau vùng sau gáy sẽ được xác định theo các tình trạng, triệu chứng đau khác nhau. Cụ thể là:

Đau sau gáy và cổ cùng một lúc

Nếu cảm giác đau vùng sau gáy xuất hiện cùng lúc với đau ở cổ, nguyên nhân có thể xuất phát từ các vấn đề sức khỏe như:

  • Bệnh viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp ảnh hưởng đến các khớp vùng cổ vai gáy.
  • Duy trì các tư thế chưa đúng trong sinh hoạt hàng ngày như kê gối quá cao khi ngủ, nằm ngủ tì đè về một bên, kê gáy lên vật cứng,… sẽ khiến các dây thần kinh hay cơ vùng gáy bị chèn ép gây đau.
  • Thoát vị đĩa đệm ở các đốt sống cổ cũng có thể gây đau phía gáy kèm hốc mắt, thái dương, vai, cánh tay.
  • Đau dây thần kinh chẩm cũng dẫn đến triệu chứng đau vùng sau gáy. Tình trạng này xuất phát ở các tổn thương dây thần kinh từ tủy sống đến não. Đau dây thần kinh chẩm đi kèm các triệu chứng đau từ cổ đến đầu, đau sau vùng gáy, đau nhức hốc mắt, cảm giác có luồng điện chạy qua đầu. Ngoài ra, người bệnh nhạy cảm hơn với ánh sáng, da đầu dễ bị kích ứng, chuyển động cổ thấy đau.
Đau sau gáy cảnh báo bệnh gì? Nguyên nhân và cách điều trị 2
Đau dây thần kinh chẩm cũng gây nhầm lẫn với đau sau gáy thông thường

Đau nửa đầu bên phải sau gáy

Một trong số các loại đau đầu sau gáy phổ biến nhất là đau nửa đầu sau gáy bên phải. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là căng thẳng kéo dài. Các cơn đau sẽ xuất hiện ở phía sau đầu bên phải và có thể làm đau vùng vai gáy bên phải. Người gặp tình trạng này sẽ cảm nhận được phần da đầu, cổ như bị siết chặt bởi cảm giác đau âm ỉ, nhức nhối.

Đau nửa đầu bên trái sau gáy

Đau nửa đầu sau gáy bên trái thường do dị ứng, nhiễm trùng, viêm động mạch thái dương. Các nguyên nhân khác như lạm dụng cà phê, bia rượu, thuốc lá, sinh hoạt không khoa học, tác dụng phụ của thuốc,… cũng được kể đến.

Đau sau gáy khi nằm

Một số người lại chỉ bị đau sau gáy khi nằm. Nguyên nhân có thể do chứng đau đầu cụm với cảm giác đau nhức nhối khó chịu. Tình trạng này thậm chí có thể làm rối loạn cuộc sống của người bệnh và họ cần phải đi khám chuyên khoa thần kinh để sớm có phương pháp điều trị hiệu quả.

Đau sau gáy cảnh báo bệnh lý nguy hiểm nào?

Trong hầu hết trường hợp, đau vùng đầu sau gáy đều là lành tính, không gây nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên, chúng ta vẫn không thể loại bỏ hoàn toàn các nguy cơ cảnh báo bệnh lý nguy hiểm xuất phát từ triệu chứng này.

Đau sau gáy cảnh báo bệnh gì? Nguyên nhân và cách điều trị 3
Đau vùng sau gáy có thể là lành tính cũng có thể cảnh báo bệnh lý nguy hiểm

Có thể kể đến một số căn bệnh cũng có dấu hiệu nhận biết là đau vùng sau gáy như:

  • Nếu đau nửa đầu phía sau gáy kèm cơn đau mang đến cảm giác như đang bó chặt đầu có thể là dấu hiệu của bệnh tăng huyết áp.
  • Khi bị nhiễm siêu vi (sốt virus, cảm cúm, sốt xuất huyết), ngoài bị sốt cao liên tục bạn cũng có cảm giác đau đầu, nhức mỏi sau gáy.
  • Đau sau gáy liên tục và dữ dội kèm biểu hiện nôn ói, rối loạn ý thức có thể do tổn thương não, u não hay tăng áp lực nội sọ. Khối u não có thể chèn ép lên các dây thần kinh khiến vùng sau gáy bị đau thường xuyên hơn và tăng dần về mức độ.
  • Khi mắc bệnh về đốt sống cổ, bạn cũng có thể bị đau vùng sau gáy kèm giảm khả năng vận động, mỏi, tê ở vùng này. Thậm chí, các cảm giác trên có thể lan xuống cả vùng cánh tay.
  • Các tình trạng nghiêm trọng liên quan đến não như xuất huyết dưới nhện, viêm màng não cũng kéo theo cơ đau sau đầu dữ dội và chứng cứng gáy, đau cổ gáy.
  • Nếu bị bệnh lý hố sau, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau vùng gáy thường xuyên cùng các biểu hiện thần kinh khu trú.

Cách điều trị đau nửa đầu sau gáy như thế nào?

Cách điều trị đau vùng sau gáy sẽ căn cứ vào từng nguyên nhân và tình trạng cụ thể. Để có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, các bác sĩ cần tiến hành thăm khám lâm sàng, chỉ định thực hiện các xét nghiệm phù hợp rồi mới có thể chẩn đoán bệnh.

Điều trị đau sau gáy cấp tính

Sẽ không đáng ngại nếu tình trạng đau sau gáy là cấp tính. Trường hợp này sẽ được bác sĩ tư vấn dùng thuốc giảm đau. Tuy nhiên, dùng thuốc kéo dài có thể gây tác dụng phụ hoặc cần tăng liều trong tương lai. Vì vậy, việc dùng thuốc cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa thần kinh. Một số cách giảm đau nhanh bạn có thể áp dụng tại nhà như thư giãn, nghỉ ngơi, tập yoga, massage,…

Đau sau gáy cảnh báo bệnh gì? Nguyên nhân và cách điều trị 4
Uống thuốc giảm đau vùng sau gáy cần tuân theo chỉ định

Điều trị đau sau gáy mạn tính

Đau vùng sau gáy kéo dài, lặp lại thường xuyên sẽ tiến triển thành giai đoạn mãn tính. Lúc này, các bác sĩ cũng có thể kê thuốc dự phòng giúp người bệnh kiểm soát các cơn đau khởi phát. Ngoài ra, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt của bản thân để ngăn ngừa và giảm tần suất tái phát cơn đau.

Điều trị tận gốc nguyên nhân gây đau vùng sau gáy

Đau vùng sau gáy có thể chỉ là triệu chứng bình thường nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo một bệnh lý nghiêm trọng. Vì vậy, người bệnh cần thăm khám chuyên khoa để tìm ra chính xác nguyên nhân. Nếu phát hiện các bệnh lý gây triệu chứng đau vùng sau gáy, bác sĩ sẽ chỉ định hướng điều trị phù hợp. Chỉ khi bệnh lý được kiểm soát, triệu chứng đau sau gáy mới ngừng tái phát.

Trong một số trường hợp sau đây, bạn cần đi khám bác sĩ chuyên khoa sớm nhất có thể:

Cảm giác đau không thuyên giảm sau nghỉ ngơi, chăm sóc thậm chí có dấu hiệu gia tăng về tần suất và cường độ.

  • Cùng với cảm giác đau là triệu chứng buồn nôn, sốt, chóng mặt, cứng cổ, cứng vai,…
  • Cảm giác đau dữ dội, không giảm khi dùng thuốc giảm đau.
  • Đau vùng sau gáy kèm triệu chứng co giật, tê nửa đầu sau gáy, tê bì tay, yếu cơ tạm thời, nói ngọng, sợ ánh sáng và tiếng ồn, rối loạn thị giác hay rối loạn cảm xúc,…
Đau sau gáy cảnh báo bệnh gì? Nguyên nhân và cách điều trị 5
Bạn cần đi khám để biết rõ nguyên nhân và cách điều trị đau sau gáy hiệu quả

Tình trạng đau sau gáy nếu thường xuyên xảy ra và có cường độ mạnh sẽ có nguy cơ diễn biến thành mãn tính khá cao. Thậm chí, có một số ít có thể là biểu hiện sớm của bệnh lý nguy hiểm nào đó. Vì vậy, thay vì chủ quan trước cảm giác đau vùng đầu sau gáy, bạn nên theo dõi sát và đi kiểm tra sớm nhất có thể.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm