Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Dây thần kinh thị giác có nhiệm vụ gì?

Thanh Hương

26/03/2025
Kích thước chữ

Ít ai để đôi mắt có thể làm tốt chức năng của nó là cả một hệ thống thần kinh phức tạp. Trong đó, dây thần kinh thị giác đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Vậy dây thần kinh thị giác có nhiệm vụ gì và hoạt động ra sao trong quá trình tiếp nhận hình ảnh?

Thị giác là một trong những giác quan quan trọng nhất, giúp con người cảm nhận, tương tác và khám phá thế giới xung quanh. Đằng sau khả năng nhìn của đôi mắt là sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều bộ phận, đặc biệt là dây thần kinh thị giác. Đây chính là “cầu nối” giữa mắt và não bộ, giúp chuyển tải thông tin hình ảnh một cách chính xác. Vậy dây thần kinh thị giác có nhiệm vụ gì? Dây thần kinh thị giác là dây số mấy​ và nó hoạt động ra sao?

Dây thần kinh thị giác là gì?

Dây thần kinh thị giác là một phần quan trọng của hệ thần kinh trung ương. Nó có nhiệm vụ dẫn truyền tín hiệu thị giác từ mắt đến não. Dây thần kinh thị giác là dây thần kinh sọ số II. Nó tạo thành cầu nối giữa võng mạc và vỏ não thị giác, giúp con người nhìn thấy và nhận diện hình ảnh một cách chính xác.

Mỗi người có hai dây thần kinh thị giác, một dây cho mỗi mắt. Mỗi dây xuất phát từ đĩa thị giác của võng mạc, đi qua ống thị giác và kết thúc tại giao thoa thị giác trong não. Tại đây, một phần tín hiệu từ hai mắt được hoán đổi trước khi tiếp tục truyền đến vỏ não thị giác ở thùy chẩm để xử lý hình ảnh.

Dây thần kinh thị giác có một số đặc điểm khác biệt so với các dây thần kinh sọ khác như:

  • Không giống các dây thần kinh ngoại biên, dây thần kinh thị giác được bao bọc bởi màng myelin của hệ thần kinh trung ương, thay vì tế bào Schwann.
  • Do thuộc hệ thần kinh trung ương, nếu bị tổn thương, dây thần kinh thị giác khó phục hồi, dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn.
  • Dây thần kinh thị giác chỉ dẫn truyền tín hiệu thị giác, trong khi nhiều dây thần kinh sọ khác có chức năng vận động hoặc cảm giác đa dạng hơn.
Dây thần kinh thị giác có nhiệm vụ gì 1
Dây thần kinh thị giác đặc biệt quan trọng trong hệ thống thị giác

Giải phẫu dây thần kinh thị giác

Trước khi tìm hiểu dây thần kinh thị giác có nhiệm vụ gì, chúng ta sẽ cùng khám phá giải phẫu của loại dây thần kinh này. Dây thần kinh thị giác gồm hơn 1 triệu sợi trục thần kinh có bao myelin do oligodendrocytes của hệ thần kinh trung ương tạo ra, xuất phát từ tế bào hạch võng mạc. Dây thần kinh thị giác không phải là một đoạn liên tục đơn giản. Nó được chia thành bốn đoạn chính, mỗi đoạn có vị trí và đặc điểm cấu trúc riêng biệt:

  • Đoạn nhãn cầu, nằm hoàn toàn trong mắt, với chiều dài khoảng 1mm. Đây là nơi các sợi trục bắt đầu tập hợp lại để hình thành dây thần kinh thị giác.
  • Đoạn hốc mắt, dài khoảng 25 - 30mm, chạy từ nhãn cầu đi về phía sau, dọc theo hốc mắt và tiến về ống thị giác. Đây là đoạn dài nhất và được bao bọc bởi các mô mỡ và cơ vận nhãn, giúp bảo vệ và giữ ổn định vị trí của dây thần kinh.
  • Đoạn ống thị giác, dài 5 - 10mm, đi xuyên qua xương bướm - một phần của nền sọ, nơi dây thần kinh thị giác đi qua một kênh xương gọi là ống thị giác (optic canal).
  • Đoạn nội sọ, dài khoảng 10 - 16mm, nằm trong hộp sọ và kết thúc ở giao thoa thị giác - nơi hai dây thần kinh thị giác từ hai mắt bắt đầu giao nhau, tạo thành con đường thị giác dẫn đến vỏ não thị giác ở thùy chẩm.

Dây thần kinh thị giác có nhiệm vụ gì?

Nhiệm vụ chính của nó là dẫn truyền tín hiệu thị giác từ võng mạc đến vỏ não thị giác để xử lý hình ảnh. Khi ánh sáng đi vào mắt, các tế bào cảm quang ở võng mạc (tế bào que và tế bào nón) chuyển đổi thành tín hiệu thần kinh. Dây thần kinh thị giác tiếp nhận tín hiệu này và truyền đến não, nơi các thông tin về màu sắc, độ sáng và độ tương phản được giải mã. Nhờ đó, con người có thể nhận biết hình ảnh một cách rõ ràng và chính xác.

Dây thần kinh thị giác có nhiệm vụ gì 2
Dây thần kinh thị giác có nhiệm vụ gì là điều nhiều người muốn biết

Nhiều người thắc mắc dây thần kinh thị giác có nhiệm vụ gì. Ngoài những chức năng trên, dây thần kinh thị giác còn tham gia vào các phản xạ mắt. Điển hình như điều chỉnh kích thước đồng tử và điều tiết mắt khi nhìn xa - gần. Những phản xạ này giúp mắt thích nghi với các điều kiện ánh sáng khác nhau, đảm bảo khả năng nhìn linh hoạt trong môi trường sống.

Các bệnh ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác

Dây thần kinh thị giác bị tổn thương có thể gây suy giảm thị lực, thậm chí mù lòa. Dưới đây là một số bệnh lý phổ biến ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác:

Viêm dây thần kinh thị giác

Viêm dây thần kinh thị giác thường liên quan đến bệnh đa xơ cứng, nhiễm trùng hoặc rối loạn miễn dịch. Bệnh có thể gây giảm thị lực đột ngột, đau khi cử động mắt và mất khả năng phân biệt màu sắc. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm có thể làm tổn thương vĩnh viễn dây thần kinh thị giác.

Bệnh tăng nhãn áp

Bệnh tăng nhãn áp (Glôcôm) xảy ra khi áp lực nội nhãn tăng cao, gây tổn thương dây thần kinh thị giác. Bệnh tiến triển âm thầm và có thể dẫn đến mất thị lực ngoại vi hoặc mù lòa nếu không kiểm soát kịp thời.

Bệnh thần kinh thị giác thiếu máu

Bệnh thần kinh thị giác thiếu máu xảy ra khi lưu lượng máu đến dây thần kinh thị giác bị gián đoạn. Tình trạng này thường liên quan đến cao huyết áp hoặc tiểu đường. Bệnh có thể gây mất thị lực đột ngột, đặc biệt vào buổi sáng.

Bệnh lý chèn ép dây thần kinh thị giác

U não, dị dạng mạch máu hoặc tổn thương xương có thể chèn ép lên dây thần kinh. Người bệnh thường có triệu chứng giảm thị lực từ từ, mất thị trường hoặc nhìn đôi.

Dây thần kinh thị giác có nhiệm vụ gì 3
Tổn thương dây thần kinh thị giác có thể gây suy giảm thị lực nghiêm trọng

Ngộ độc thần kinh thị giác

Ngộ độc thần kinh thị giác có thể do sử dụng rượu quá mức, hút thuốc lá, nhiễm độc methanol hoặc tác dụng phụ của một số thuốc. Bệnh có thể gây nhìn mờ, mất thị lực màu và suy giảm thị lực dần theo thời gian.

Teo dây thần kinh thị giác

Teo dây thần kinh thị giác là tình trạng các sợi thần kinh bị thoái hóa, mất chức năng dẫn truyền tín hiệu từ mắt đến não. Khi tìm đã tìm hiểu Nhiều người thắc mắc dây thần kinh thị giác có nhiệm vụ gì, có lẽ bạn cũng đoán được hậu quả gây suy giảm thị lực, mờ mắt, thậm chí mù lòa của căn bệnh này.

Dấu hiệu dây thần kinh thị giác có vấn đề

Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo dây thần kinh thị giác có vấn đề:

  • Người bệnh có thể bị mờ mắt đột ngột hoặc suy giảm thị lực từ từ theo thời gian. Trong một số trường hợp, tầm nhìn trung tâm bị ảnh hưởng trước khi lan rộng.
  • Nhìn mờ hoặc mất thị lực một bên mắt thường xuất hiện trong viêm dây thần kinh thị giác hoặc tăng nhãn áp.
  • Đau nhức, đặc biệt khi di chuyển mắt, có thể là dấu hiệu của viêm dây thần kinh thị giác.
  • Màu sắc trở nên nhạt hơn hoặc khó phân biệt (đặc biệt là các màu đỏ và xanh) là triệu chứng điển hình trong viêm dây thần kinh thị giác hoặc ngộ độc thần kinh thị giác.
  • Người bệnh có thể gặp tình trạng nhìn đôi hoặc mất một phần thị trường. Dấu hiệu này thường liên quan đến bệnh lý chèn ép dây thần kinh thị giác hoặc tổn thương tại giao thoa thị giác.
  • Một số trường hợp có thể thấy ánh sáng nhấp nháy bất thường hoặc có bóng đen trong tầm nhìn. Đây có thể là dấu hiệu của tổn thương thần kinh hoặc bệnh võng mạc kèm theo.

Cách chẩn đoán và khám dây thần kinh thị giác

Chẩn đoán và đánh giá tình trạng dây thần kinh thị giác đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm các bệnh lý thị giác. Bác sĩ nhãn khoa sẽ sử dụng nhiều phương pháp để kiểm tra chức năng và cấu trúc của dây thần kinh thị giác.

Dây thần kinh thị giác có nhiệm vụ gì 4
Khi có dấu hiệu bất thường về thị giác nên đi khám chuyên khoa mắt sớm

Khám lâm sàng

Khi khám lâm sàng, bác sĩ sẽ đo thị lực để kiểm tra khả năng nhìn xa, nhìn gần và nhận biết chi tiết. Đánh giá thị trường để xác định vùng mất thị lực nếu có tổn thương dây thần kinh thị giác. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra phản xạ đồng tử vfi phản xạ kém có thể là dấu hiệu tổn thương thần kinh thị giác. Ngoài ra, sử dụng kính soi đáy mắt giúp bác sĩ quan sát đĩa thị giác, phát hiện sưng, teo hoặc bất thường khác.

Khám cận lâm sàng

Để khám dây thần kinh thị giác, bác sĩ cũng có thể chỉ định các biện pháp khám cận lâm sàng như:

  • Chụp cắt lớp quang học võng mạc (OCT) để đánh giá độ dày lớp sợi thần kinh võng mạc, giúp phát hiện tổn thương sớm.
  • Đo nhãn áp giúp chẩn đoán bệnh tăng nhãn áp (glôcôm). Đây là nguyên nhân phổ biến gây tổn thương thần kinh thị giác.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) hoặc cộng hưởng từ (MRI) để xác định tổn thương do khối u, viêm nhiễm hoặc bệnh lý chèn ép thần kinh.
  • Điện sinh lý thị giác (VEP – Visual Evoked Potential) nhằm kiểm tra tốc độ dẫn truyền tín hiệu từ mắt đến não. Nó cũng giúp phát hiện viêm dây thần kinh thị giác hoặc tổn thương thần kinh do bệnh lý khác.

Phương pháp phục hồi dây thần kinh thị giác

Dây thần kinh thị giác có khả năng tái tạo rất hạn chế. Nhưng việc điều trị kịp thời có thể giúp phục hồi dây thần kinh thị giác​. Dưới đây là các phương pháp hỗ trợ phục hồi phổ biến:

Điều trị nguyên nhân

Điều trị nguyên nhân gây tổn thương dây thần kinh thị giác là việc cần thiết nhất để dây thần kinh thị giác khỏi tổn thương thêm:

  • Nếu viêm dây thần kinh thị giác là nguyên nhân, bác sĩ có thể chỉ định corticosteroid.
  • Trong trường hợp tăng nhãn áp (glôcôm), kiểm soát áp lực nội nhãn bằng thuốc nhỏ mắt, laser hoặc phẫu thuật giúp giảm tác động lên dây thần kinh.
  • Đối với bệnh nhân bị thiếu máu nuôi dây thần kinh thị giác, việc kiểm soát huyết áp, tiểu đường và mỡ máu giúp cải thiện lưu lượng máu đến mắt.
  • Nếu tổn thương do chèn ép thần kinh từ khối u hoặc dị dạng mạch máu, phẫu thuật hoặc xạ trị có thể cần thiết để giải phóng áp lực lên dây thần kinh.
Dây thần kinh thị giác có nhiệm vụ gì 4
Cần chú trọng việc chăm sóc thị giác mỗi ngày

Bổ sung dinh dưỡng cho dây thần kinh thị giác

Các vitamin nhóm B như B1, B6, B12 đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và tái tạo dây thần kinh thị giác. Omega-3 và lutein giúp tăng cường sức khỏe mắt, giảm viêm và chống oxy hóa. Một chế độ ăn giàu rau xanh, cá béo và thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào thần kinh khỏi stress oxy hóa, hạn chế quá trình thoái hóa thị giác.

Liệu pháp phục hồi thị giác

Liệu pháp phục hồi thị giác bao gồm các phương pháp vật lý và công nghệ giúp kích thích và hỗ trợ dây thần kinh thị giác. Kích thích điện (TES – Transcorneal Electrical Stimulation) sử dụng dòng điện nhẹ để kích hoạt dây thần kinh. Phương pháp này giúp cải thiện dẫn truyền tín hiệu thị giác. Một số bài tập thể dục cho mắt cũng được áp dụng để giúp não bộ thích nghi với tổn thương. Từ đó sẽ hỗ trợ khả năng nhận diện hình ảnh tốt hơn.

Với những thông tin trên đây hy vọng bạn đã biết dây thần kinh thị giác có nhiệm vụ gì. Việc hiểu rõ nhiệm vụ và cấu trúc của dây thần kinh thị giác không chỉ giúp chúng ta trân trọng hơn khả năng nhìn của mình. Qua đó chúng ta cũng nâng cao ý thức bảo vệ đôi mắt và hệ thần kinh thị giác một cách đúng đắn, khoa học.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:dây thần kinh