Giá trị dinh dưỡng của sữa mẹ và lợi ích đối với trẻ sơ sinh
Ngày 25/09/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Sữa mẹ chứa những chất dinh dưỡng không thể tìm thấy trong bất kỳ thực phẩm khác. Vì thế sữa mẹ luôn là thức ăn tốt nhất cho trẻ trong 6 tháng đầu đời. Ngoài các thành phần dinh dưỡng có trong sữa mẹ giúp bé khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, nuôi con bằng sữa mẹ còn mang lại nhiều lợi ích khác cho mẹ như giảm cân nhanh chóng, giảm nguy cơ ung thư vú, giải phóng hormone oxytocin,… Vậy giá trị dinh dưỡng của sữa mẹ có những gì?
Nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời là cách tốt nhất để trẻ khoẻ mạnh. Từ 6 tháng tuổi, tiếp tục cho trẻ bú mẹ kết hợp ăn dặm tất cả các loại thực phẩm khác để bổ sung thêm dinh dưỡng. Có thể thấy giá trị dinh dưỡng của sữa mẹ rất cần thiết với trẻ sơ sinh.
Giá trị dinh dưỡng của sữa mẹ
Sữa mẹ chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, đặc biệt là 10 - 15 ngày sau khi sinh, đó là lý do tại sao các bác sĩ khuyên các mẹ cho con bú ngay từ khi mới sinh. Thành phần dinh dưỡng có trong sữa mẹ bao gồm protein, chất béo, carbohydrate, kháng thể thụ động, vitamin và khoáng chất, enzyme và hormone.
Nước
Sữa mẹ có khoảng 90% là nước, chức năng của nước là duy trì lượng nước trong cơ thể, giúp điều hòa nhiệt độ cơ thể, bôi trơn các khớp và bảo vệ các cơ quan trong cơ thể. May mắn thay, chỉ riêng sữa mẹ đã cung cấp đủ lượng nước mà bé cần để phát triển.
Chất bột đường
Đường lactose có trong thành phần của sữa mẹ, cung cấp 40% năng lượng cần thiết cho sự phát triển và tăng trưởng của bé. Lactose và oligosacarit được coi là hai loại carbs quan trọng và cơ bản nhất trong sữa mẹ. Tác dụng chính là hỗ trợ phát triển trí não, giúp bé có hệ đường ruột khỏe mạnh và hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn.
Protein
Protein là thành phần trong sữa mẹ không thể bỏ qua. Vi chất dinh dưỡng này cung cấp axit amin cho trẻ, giúp phát triển cơ và xương, tạo kháng thể và tạo ra các enzym cần thiết cho cơ thể. Protein bao gồm whey protein và casein protein
Whey protein chiếm khoảng 60% có chức năng bảo vệ và loại bỏ chất thải, chất dư thừa, độc tố và tế bào lạ ra khỏi cơ thể. Whey protein từ sữa mẹ ở dạng lỏng có khả năng giúp bé tiêu hóa và hấp thu dễ dàng ở ruột, tạo kháng thể.
Casein protein chiếm khoảng 40% sữa mẹ. Chức năng chính là cung cấp protein dinh dưỡng, kết tủa vào ruột ở dạng mềm để dễ tiêu hóa và hấp thu.
Chất béo
Chất béo có trong sữa mẹ thường cung cấp 50% năng lượng hàng ngày cho trẻ, gồm chất béo trung tính và các axit béo dài như AA và DHA, giúp hoàn thiện võng mạc, não bộ, mô thần kinh và hệ miễn dịch của trẻ. MHO cũng là một axit béo ngắn có trong sữa mẹ, vi chất dinh dưỡng này có khả năng loại bỏ chất thải và vi khuẩn khỏi đường ruột của bé, tương tự như chất xơ. Từ đó, trẻ bú sữa mẹ không bị táo bón, tiêu chảy. Ngoài ra, chất béo còn được coi là dung môi giúp hấp thụ một số vitamin quan trọng.
Kháng thể
Kháng thể là thành phần dinh dưỡng chính giúp bé khỏe mạnh và chống lại các mầm bệnh từ môi trường bên ngoài. Với mỗi lần bú, hàng triệu tế bào bạch cầu sống từ sữa mẹ và globulin miễn dịch sẽ xâm nhập vào cơ thể trẻ. Khi trẻ bị vi khuẩn tấn công, các vi chất dinh dưỡng này sẽ đóng vai trò ngăn cản.
Các hợp chất NPN
Trong sữa mẹ có hơn 200 loại hợp chất NPN như carnitine, taurine, axit nucleic, amino-sugar,... giúp trẻ phát triển trí não, võng mạc và gan. Ngoài ra, hợp chất NPN còn đóng vai trò là dung môi cho vi khuẩn có lợi, giúp cơ thể điều hòa việc sử dụng năng lượng dự trữ và chất dinh dưỡng khi cần thiết.
Vitamin và khoáng chất
Sữa mẹ chứa nhiều canxi, sắt và selen, không chỉ giúp bé có xương và răng chắc khỏe, hệ miễn dịch khỏe mạnh mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển trí não.
Enzyme và hormone
Sữa mẹ chứa các enzyme tiêu hóa như amylase, lipase, prolactin, hormone tuyến giáp, oxytocin,... tất cả đều có vai trò cải thiện sức khỏe đường ruột và cân bằng sinh hóa cho bé. Những enzyme và hormone này đều có ảnh hưởng nhất định đến mùi vị của sữa mẹ và khi người mẹ thay đổi chế độ ăn uống cũng sẽ thay đổi theo. Từ đó giúp bé làm quen với các loại thực phẩm khác nhau trong cuộc sống.
Lợi ích của sữa mẹ đối với trẻ sơ sinh
Nuôi con bằng sữa mẹ là cách tốt nhất để cung cấp dinh dưỡng cho trẻ phát triển.
Đảm bảo dinh dưỡng: Sữa mẹ cung cấp hầu hết các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ sơ sinh như vitamin, khoáng chất, protein và chất béo. Ngoài ra, sữa mẹ giúp trẻ dễ hấp thu tối đa các chất dinh dưỡng khi hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện.
Giảm nguy cơ mắc bệnh: Nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ bú mẹ giúp giảm nguy cơ dị ứng, sâu răng và phát triển xương, răng tốt hơn. Sữa mẹ đặc biệt giàu dinh dưỡng nhưng bú mẹ hoàn toàn không khiến bé thừa cân, béo phì. Đồng thời, cho trẻ bú mẹ còn giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh như viêm tai giữa, các bệnh về đường hô hấp, cảm lạnh, rối loạn đường ruột, tiểu đường, huyết áp,...
Giúp trẻ thông minh hơn: Nghiên cứu cho thấy nuôi con bằng sữa mẹ giúp trẻ có chỉ số IQ cao hơn vì sữa mẹ rất giàu HMO, thành phần giúp nuôi dưỡng hệ vi sinh đường ruột, giúp trẻ có hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Một hệ tiêu hóa khỏe mạnh sẽ giúp tăng cường các kết nối thần kinh, từ đó cải thiện chức năng não bộ và giúp trẻ thông minh hơn. Ngoài ra, sữa mẹ rất giàu DHA, thành phần quan trọng nhất cho sự phát triển trí não của trẻ.
Giúp trẻ gần gũi với mẹ hơn: Nuôi con bằng sữa mẹ tạo ra sự gần gũi giữa mẹ và bé.
Những yếu tố khiến sữa mẹ thay đổi cần lưu ý
Chất lượng và giá trị dinh dưỡng của sữa mẹ về cơ bản tất cả mọi người đều giống nhau. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, do thể chất, tinh thần, chế độ ăn uống,… mà chất lượng, số lượng, mùi vị của sữa mẹ có thể thay đổi và khác nhau.
Sữa mẹ có thể bị ảnh hưởng bởi những yếu tố sau đây gây ra các vấn đề về dinh dưỡng ở trẻ.
Cà phê: Cà phê làm thay đổi mùi vị của sữa mẹ bằng cách thay đổi hàm lượng sắt. Điều này sẽ gây ra tình trạng thiếu máu nhẹ đến trung bình ở trẻ.
Rượu bia: Rượu không được khuyến khích trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Vì các hóa chất trong rượu có thể truyền sang trẻ.
Căng thẳng: Khi mẹ đang cho con bú bị căng thẳng, có thể làm giảm nồng độ oxytocin trong sữa. Đây là một loại hormone kích thích tiết sữa và giảm căng thẳng cho mẹ.
Nội tạng và hải sản: Mặc dù bổ sung lượng nhỏ nội tạng và hải sản có thể cung cấp sắt, axit béo omega 3 và protein cho bé. Tuy nhiên, ăn quá nhiều có thể làm tăng độc tính, ảnh hưởng đến giá trị dinh dưỡng của sữa mẹ.
Hút thuốc: Hút thuốc có thể gây ra những thay đổi về mùi vị và thành phần dinh dưỡng của sữa mẹ. Chất độc có trong khói thuốc lá truyền vào sữa mẹ sẽ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ sơ sinh.
Tập thể dục quá sức: Vận động vừa phải sẽ giúp cải thiện chất lượng sữa mẹ. Tuy nhiên, tập thể dục quá nhiều có thể làm tăng nồng độ axit lactic trong sữa mẹ, làm thay đổi mùi vị sữa như có vị chua và mặn.
Cách để sữa mẹ giàu dinh dưỡng hơn
Để đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng trong sữa mẹ tốt hơn, mẹ nên chú ý tăng cường dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày như:
Tăng cường trái cây và rau xanh: Đây là những thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu như chất xơ, vitamin,… Vì vậy, mẹ nên bổ sung thêm trái cây, rau củ và ngũ cốc vào mỗi bữa ăn.
Tăng cường thực phẩm giàu DHA: Những thực phẩm giàu DHA như cá, thịt là vô cùng cần thiết và quan trọng. Mẹ nên ăn 1-2 bữa cá mỗi tuần và nhớ tăng lượng thịt để cung cấp đủ chất đạm cho mẹ và bé.
Bổ sung canxi: Canxi là vi chất dinh dưỡng quan trọng đối với cơ thể cả mẹ và bé, đặc biệt là đối với bà mẹ sau sinh. Mẹ nên chú trọng bổ sung canxi để giúp hệ xương của bé phát triển đồng thời tránh tình trạng loãng xương cho mẹ sau này.
Uống đủ nước: Nước cũng là một phần không thể thiếu trong chế độ ăn uống khoa học hàng ngày của mẹ và bé. Việc đảm bảo đủ nước cho cơ thể sẽ đảm bảo nguồn sữa mẹ dồi dào cũng và giàu dinh dưỡng, mẹ nên duy trì 2 lít nước mỗi ngày.
Bài viết trên đây đã giúp các bạn biết những thông tin hữu ích về giá trị dinh dưỡng của sữa mẹ . Hy vọng các bậc cha mẹ sẽ có thêm những kiến thức cần thiết trong việc nuôi con bằng sữa mẹ, duy trì chế độ ăn uống và lối sống khoa học để có được nguồn sữa dinh dưỡng cho bé.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.