Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Mắc cúm A có bị mất vị giác không? So sánh mất vị giác giữa cúm A và Covid

Ngày 08/01/2025
Kích thước chữ

"Mắc cúm A có bị mất vị giác không?" là thắc mắc nhiều người quan tâm. Tương tự mắc Covid-19, cúm A cũng gây ảnh hưởng đến chức năng vị giác, tuy nhiên, cơ chế và mức độ biểu hiện của triệu chứng này ở từng bệnh lại khác nhau.

Mất vị giác là một triệu chứng đáng chú ý khi mắc các bệnh về đường hô hấp, đặc biệt là cúm A và Covid-19. Trong khi cúm A thường gây mất vị giác do viêm sưng nụ vị giác và nghẹt mũi thì Covid-19 lại tác động trực tiếp lên các dây thần kinh vị giác và khứu giác mà không cần tắc nghẽn đường mũi. Những thông tin tiếp theo đây sẽ phân tích chi tiết về tình trạng mất vị giác ở hai bệnh cúm A và Covid-19, giúp bạn hiểu rõ hơn để có biện pháp phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe hiệu quả.

Triệu chứng điển hình của cúm A

Trước khi giải đáp câu hỏi mắc cúm A có bị mất vị giác không, chúng ta cần tìm hiểu qua các triệu chứng điển hình của cúm A.

Cúm A là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các chủng virus cúm A gây ra. Virus này được phân loại dựa trên hai protein bề mặt chính: Hemagglutinin (H) và neuraminidase (N), hỗ trợ quá trình xâm nhập vào tế bào vật chủ. Các chủng phổ biến gồm cúm A/H1N1 (cúm lợn), A/H5N1 (cúm gia cầm), A/H3N2 (cúm mùa), A/H7N9,… Virus cúm A không chỉ lây nhiễm ở người mà còn xuất hiện ở nhiều loài động vật như lợn, gia cầm, ngựa, hải cẩu và cá voi.

Triệu chứng cúm A thường khởi phát đột ngột và có mức độ nghiêm trọng khác nhau, bao gồm sốt cao, ho, đau nhức cơ bắp, mệt mỏi, ớn lạnh, đau đầu, đau họng, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi. Những triệu chứng này thường xuất hiện từ 1 – 4 ngày sau khi tiếp xúc với virus. Ở một số trường hợp, đặc biệt là trẻ em, bệnh nhân có thể gặp tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa, mất cảm giác thèm ăn, thậm chí mất vị giác hoặc khứu giác.

Mắc cúm A có bị mất vị giác không? So sánh mất vị giác giữa cúm A và Covid 1
Triệu chứng cúm A thường gặp gồm ho, đau họng, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi

Ngoài các triệu chứng thông thường, cúm A có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng. Những biến chứng này bao gồm viêm phổi, suy hô hấp, suy đa cơ quan, nhiễm trùng máu, viêm xoang, tiêu cơ vân hoặc làm trầm trọng thêm các bệnh lý mãn tính sẵn có như bệnh tim và phổi. Trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.

Virus cúm A có khả năng lây lan nhanh, thường từ trước khi xuất hiện triệu chứng cho đến khoảng 5 ngày sau khi khởi phát. Đối với trẻ nhỏ hoặc người có hệ miễn dịch suy yếu, thời gian lây nhiễm có thể kéo dài hơn. Dù hầu hết các trường hợp bệnh nhân khỏi bệnh trong vòng 7 – 10 ngày, việc theo dõi và điều trị kịp thời là rất quan trọng để ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.

Mắc cúm A có bị mất vị giác không?

Hầu hết mọi người đều thắc mắc mắc cúm A có bị mất vị giác không? Theo chuyên gia, cúm A có thể gây mất vị giác và khứu giác tạm thời ở người bệnh do tác động của virus lên các tế bào đường hô hấp, bao gồm cả mũi và họng. Virus cúm tấn công và làm tổn thương các thụ thể vị giác và khứu giác, gây rối loạn chức năng của các giác quan này.

Trong quá trình nhiễm cúm, các nụ vị giác – những cấu trúc nhỏ hình nấm trên lưỡi chứa thụ thể phát hiện vị giác – có thể bị viêm hoặc sưng, dẫn đến hiện tượng viêm gai vị giác. Các nụ vị giác giúp nhận biết năm vị cơ bản gồm ngọt, chua, mặn, đắng, và umami (vị bột ngọt). Khi bị viêm, chức năng nhận biết hương vị của chúng có thể bị gián đoạn, gây giảm hoặc thay đổi vị giác, làm người bệnh khó nhận biết hương vị thực phẩm như bình thường.

Bên cạnh đó, cúm thường gây mất nước – một triệu chứng phổ biến có ảnh hưởng trực tiếp đến vị giác. Mất nước khiến miệng và lưỡi bị khô, giảm sản xuất nước bọt – yếu tố quan trọng hỗ trợ cảm nhận hương vị. Đồng thời, chất nhầy trong mũi có thể trở nên đặc hơn, cản trở các phân tử mùi tiếp cận thụ thể khứu giác, gây mất khứu giác tạm thời. Sự kết hợp này khiến người bệnh giảm cảm giác ngon miệng và có thể mất hứng thú với ăn uống.

Không chỉ vị giác, khứu giác cũng bị ảnh hưởng bởi triệu chứng nghẹt mũi – hiện tượng viêm đường mũi và tăng sản xuất chất nhầy. Điều này ngăn luồng không khí đi qua khiến các phân tử mùi khó tiếp xúc với thụ thể khứu giác. Hơn nữa, viêm sưng đường mũi có thể tác động đến dây thần kinh khứu giác, làm giảm tín hiệu mùi hương truyền đến não, gây mất khả năng cảm nhận cả mùi và vị.

Mặc dù những triệu chứng này thường chỉ là tạm thời, việc chăm sóc sức khỏe hợp lý và bổ sung đủ nước trong thời gian mắc cúm có thể giúp giảm nhẹ các ảnh hưởng tiêu cực và hỗ trợ phục hồi nhanh chóng.

Mắc cúm A có bị mất vị giác không? So sánh mất vị giác giữa cúm A và Covid 2
Khi bị cúm A, khứu giác cũng bị ảnh hưởng bởi triệu chứng nghẹt mũi

So sánh mất vị giác giữa cúm A và Covid-19

Cúm A và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp với những triệu chứng tương đồng. Tuy nhiên, mất vị giác – một trong những biểu hiện có thể xuất hiện ở cả hai bệnh – lại có nguyên nhân và đặc điểm khác nhau, giúp phân biệt hai loại bệnh lý này.

Nguyên nhân gây mất vị giác ở cúm A và Covid-19

Cúm A

Mất vị giác thường xảy ra do các triệu chứng liên quan như viêm gai vị giác, nghẹt mũi do tích tụ chất nhầy và mất nước. Những yếu tố này ảnh hưởng đến khả năng cảm nhận mùi và vị một cách gián tiếp.

Covid-19

Mất vị giác do virus SARS-CoV-2 tấn công trực tiếp vào biểu mô mũi và các tế bào thần kinh vị giác, khứu giác mà không cần tắc nghẽn mũi.

Tần suất và tính chất mất vị giác

Cúm A

Mất vị giác ít phổ biến và thường chỉ xảy ra ở một số trường hợp cụ thể. Đây không phải là một đặc điểm nhận diện lâm sàng điển hình của bệnh cúm.

Mắc cúm A có bị mất vị giác không? So sánh mất vị giác giữa cúm A và Covid 3
Mắc cúm A có bị mất vị giác không là thắc mắc của nhiều người bệnh

Covid-19

Mất vị giác phổ biến hơn, được coi là một trong những triệu chứng đặc trưng và có giá trị nhận diện cao đối với bệnh. Đây cũng là một trong những dấu hiệu sớm của Covid-19.

Mức độ nghiêm trọng và thời gian phục hồi

Cúm A

Thường chỉ mất một phần vị giác. Triệu chứng này không kéo dài và sẽ cải thiện khi bệnh nhân hồi phục.

Covid-19

Mất vị giác thường toàn bộ và nghiêm trọng hơn. Theo nghiên cứu, 72% bệnh nhân bị mất vị giác do Covid-19 sẽ phục hồi trong vòng 1 tháng, mặc dù ở một số trường hợp quá trình này có thể kéo dài hơn.

Phân biệt dựa trên triệu chứng mất vị giác

Sự khác biệt giữa mất vị giác ở cúm A và Covid-19 nằm ở nguyên nhân trực tiếp, tần suất xảy ra và mức độ nghiêm trọng. Trong khi mất vị giác ở cúm A thường do ảnh hưởng gián tiếp từ các triệu chứng khác thì ở Covid-19, đây là một đặc điểm nhận diện lâm sàng quan trọng.

Hiểu rõ mắc cúm A có bị mất vị giác không cũng như sự khác biệt khi mất vị giác giữa cúm A và Covid-19 sẽ giúp nâng cao hiệu quả trong chẩn đoán và điều trị. Khi gặp triệu chứng mất vị giác, người bệnh nên liên hệ với bác sĩ để được tư vấn và thực hiện xét nghiệm phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 vẫn có thể lây lan trong cộng đồng.

Mắc cúm A có bị mất vị giác không? So sánh mất vị giác giữa cúm A và Covid 4
Khi bị mất vị giác, người bệnh nên liên hệ bác sĩ để được thực hiện xét nghiệm phù hợp

Hướng dẫn chăm sóc người bệnh và phòng ngừa mất vị giác do cúm hiệu quả

Mất vị giác là một triệu chứng tạm thời có thể xảy ra khi mắc bệnh cúm. Theo các chuyên gia y tế, tình trạng này thường cải thiện sau khi người bệnh sử dụng thuốc kháng histamin hoặc thuốc thông mũi.

Ngoài ra, việc vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý mỗi ngày và duy trì môi trường sống sạch sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nguy cơ bít tắc đường mũi – họng, ngăn ngừa tình trạng mất vị giác trở nên nghiêm trọng hơn.

Để hạn chế mất vị giác và hỗ trợ phục hồi chức năng vị giác, người bệnh cần lưu ý các biện pháp sau:

Giữ miệng ẩm

  • Uống nhiều nước để kích thích sản xuất nước bọt, giúp duy trì chức năng vị giác.
  • Tránh để miệng bị khô vì nước bọt là yếu tố quan trọng trong việc cảm nhận mùi vị.

Không hút thuốc lá

Hút thuốc lá làm khô miệng và có thể khiến các triệu chứng cúm nặng hơn, ảnh hưởng đến vị giác.

Duy trì vệ sinh cá nhân

  • Rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng để ngăn ngừa lây lan virus.
  • Vệ sinh mũi – họng bằng nước muối sinh lý hàng ngày.
Mắc cúm A có bị mất vị giác không? So sánh mất vị giác giữa cúm A và Covid 5
Để ngăn ngừa lây lan virus, nên rửa tay thường xuyên bằng nước và xà phòng 

Bổ sung dưỡng chất

Tăng cường bổ sung vitamin B12 và kẽm qua chế độ ăn uống hoặc thực phẩm chức năng để hỗ trợ sức khỏe tổng thể và cải thiện vị giác.

Hy vọng những thông tin trên đã giải đáp thắc mắc " Mắc cúm A có bị mất vị giác không?" và cung cấp các biện pháp hữu ích giúp người bệnh phòng ngừa cũng như khắc phục triệu chứng này một cách hiệu quả.

Hiện tại, Trung tâm Tiêm chủng Long Châu đang có nhiều loại vắc xin ngừa cúm cho mọi đối tượng từ trẻ em đến người lớn hàng đầu như:

Vắc xin Vaxigrip Tetra (Pháp)

Trẻ từ 6 tháng tuổi - 9 tuổi: Mũi 1 tiêm lần đầu và mũi 2 cách nhau ít nhất 1 tháng. Sau đó tiêm nhắc lại 1 mũi hằng năm.
Trẻ trên 9 tuổi và người lớn: Tiêm 1 mũi 0.5ml. Sau đó tiêm nhắc lại hàng năm.

Vắc xin Influvac Tetra (Hà Lan)

Trẻ em từ 6 tháng đến dưới 9 tuổi chưa tiêm cúm có lịch tiêm 2 mũi: Mũi 1 tiêm lần đầu và mũi 2 cách mũi 1 ít nhất 4 tuần. Sau đó tiêm nhắc lại 1 mũi hằng năm.
Từ 9 tuổi trở lên: Lịch tiêm 1 mũi duy nhất và nhắc lại hằng năm.

Vắc xin Ivacflu S (Việt Nam)

Người lớn từ 18 tuổi đến dưới 61 tuổi: Tiêm 1 mũi 0.5ml. Sau đó tiêm nhắc lại hàng năm.

Bạn có thể liên hệ hotline 18006928 để đặt lịch tiêm vắc xin phòng cúm ngay hôm nay tại Trung Tâm Tiêm Chủng Long Châu để chủ động bảo vệ sức khỏe và ngăn ngừa bệnh cúm hiệu quả!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Cúm ACảm cúm